TCCSĐT - Theo “Ria Novosti”, từ ngày 8-8 đến ngày 14-8-2010, Mỹ và Nga đã phối hợp tổ chức cuộc diễn tập chống khủng bố chưa từng có tại khu vực A-la-xca (Mỹ) và Viễn Đông (Nga). Bộ chỉ huy phòng thủ đường không - vũ trụ liên hợp Bắc Mỹ (NORAD) gọi cuộc diễn tập này là "Đại bàng cảnh giác", (“Vigilant Eagle”), còn dư luận nói chung ở Mỹ nhận xét, đây là cuộc diễn tập “độc nhất vô nhị”, hoặc, “có ý nghĩa lịch sử”.

Theo hãng thông tấn Mỹ AP, mục tiêu của cuộc diễn tập là nhằm kiểm tra khả năng phản ứng nhanh của lực lượng chống khủng bố của Mỹ và Nga trong việc chuyển giao trách nhiệm khống chế và kiểm soát một chiếc máy bay bị bọn không tặc cướp đoạt và khống chế. Còn theo tuyên bố của ông Giôn Pa-cơ (John Pike), Tổng Biên tập trang web nghiên cứu về an ninh toàn cầu “Globalsecurity.org”, thì cuộc diễn tập “Vigilant Eagle” chủ yếu nhằm kiểm tra khả năng phối hợp giữa các lực lượng chống khủng bố của hai nước, phát hiện những trục trặc có thể có về mặt thông tin liên lạc và các quy định pháp lý, đề phòng trong tương lai hai nước Mỹ và Nga có thể bị lâm vào một tình huống khẩn cấp tương tự bởi hiện nay cả hai nước đều đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố. Giai đoạn 1 của cuộc diễn tập kéo dài 3 ngày, từ ngày 8-8 đến ngày 11-8-2010 trên vùng trời A-la-xka.

Theo kịch bản cuộc diễn tập, một chiếc máy bay dân dụng của Mỹ đang hoàn thành chuyên bay quốc tế từ vùng A-la-xca bị lực lượng khủng bố cướp đoạt và khống chế, cắt đứt liên lạc hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đóng giả chiếc máy bay dân dụng này là phi cơ “Gulfstream” cất cánh từ một sân bay ở A-la-xca bay về khu vực Viễn Đông của Nga. Đại diện Bộ Chỉ huy phòng thủ đường không vũ trụ Bắc Mỹ không cho biết cụ thể nơi chiếc “Gulfstream” sẽ hạ cánh xuống lãnh thổ Nga. Đi trên chiếc “Gulfstream” có đại diện không quân các nước Mỹ, Nga và Ca-na-đa đóng giả hành khách máy bay.

Tham gia cuộc diễn tập, về phía Nga có máy bay trinh sát và báo động từ xa A50, về phía Mỹ có máy bay cảnh giới - chỉ huy trên không của Mỹ AWACS và máy bay tiếp dầu trên không. A50 là loại máy bay được không quân Nga sử dụng để phát hiện và theo dõi mục tiêu trên không, các loại tàu nổi trên biển và thông báo cho các trạm điều khiển và chỉ huy biết rõ tình hình trên không và trên mặt biển suốt 24/24 giờ. A50 còn được sử dụng để chỉ huy máy bay chiến đấu của Nga với chức năng như là một sở chỉ huy trên không. Thành phần của tổ hợp A50 gồm có hệ thống tính toán và truyền thông số hoá, hệ thống hỏi-đáp chủ động và truyền lệnh chỉ huy; hệ thống nhận biết khí tài bay và tàu chiến của tất cả các quốc gia v.v. Máy bay A-50 được trang bị tổ hợp dẫn đường bay để giải quyết các nhiệm vụ ở bất kỳ điều kiện thời tiết và địa hình nào, có thể làm việc 24/24 giờ trong ngày. Kíp lái của máy bay gồm 5 phi công và 10 chuyên gia kỹ thuật. Còn máy bay AWACS của Mỹ là hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm bằng ra-đa, thực chất là hệ thống chỉ huy chiến đấu trên không. Một máy bay AWACS đang bay ở độ cao 9.100 m có thể bao quát một khu vực rộng tới 311.990 km2.
 
Trong giai đoạn 1 cuộc diễn tập, các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ làm nhiệm vụ giám sát, còn máy bay chiến đấu của Nga sẽ giám sát trên đường bay ngược lại từ Nga sang Mỹ. Khi bay đến không phận Mỹ, các máy bay chiến đấu của Nga sẽ bàn giao lại quyền kiểm soát cho Bộ chỉ huy phòng thủ đường không vũ trụ liên hợp Bắc Mỹ. Kiểm soát và chỉ huy cuộc diễn tập là lực lượng không quân của Nga tại Trung tâm chỉ huy không quân ở Kha-ba-rôp và của Mỹ tại căn cứ không quân En-men-đôp (Elmendorf), bang A-la-xca, với sự trợ giúp của các chuyên gia thuộc Cục kiểm soát hàng không liên bang Nga và Cục kiểm soát hàng không Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có sự tham gia của phi công chiến đấu của Liên đoàn không quân và phòng không Viễn Đông của Nga.

Cuộc diễn tập "Đại bàng cảnh giác" là một trong các cuộc diễn tập quân sự phối hợp giữa Mỹ và Nga trong khuôn khổ hợp tác quân sự Nga - NATO trong năm 2010 đã từng được soạn thảo vào cuối năm 2009. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga và NATO đã từng thiết lập quan hệ quân sự, trong đó có các cuộc diễn tập quân sự chung “chống khủng bố” nhưng đã bị gián đoạn sau cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a vào tháng 8-2008./.