Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân để phát triển bền vững các khu công nghiệp
Phát triển nhanh nhưng chưa bền vững
Tính đến hết năm 2011, cả nước có gần 270 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 73.000 ha; thu hút hơn 8.500 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 75 tỉ USD, trong đó có 4.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có tổng vốn khoảng 58 tỉ USD (chiếm 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) và gần 4.580 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đăng ký hơn 365.000 tỉ đồng (đã thực hiện 177.000 tỉ đồng). Các khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp mỗi năm từ 20 - 25 tỉ USD. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước đã tăng lên đáng kể, từ 17% (năm 2001) lên gần 30% (năm 2010). Thành tích đó đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như cả nước: tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hóa, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động...
Quá trình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp đã gặt hái được nhiều thành tựu, song cũng bộc lộ không ít hạn chế. Hạn chế lớn nhất là đời sống vật chất và tinh thần của công nhân vẫn còn rất khó khăn: lương thấp, điều kiện làm việc khắc nghiệt (môi trường ô nhiễm, tai nạn lao động luôn rình rập, tăng ca quá mức cho phép, không bảo đảm các chế độ xã hội, như bảo hiểm, ký kết hợp đồng lao động..). Ngoài ra họ còn bị “đói” về tinh thần, hoạt động văn hóa ở họ còn rất hạn chế...
Mặc dù Nhà nước đã ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách bảo đảm điều kiện sống, làm việc cho người lao động trong các khu công nghiệp, nhưng thực tế triển khai chưa tương xứng, bộc lộ nhiều bất cập giữa chính sách và thực trạng đời sống và việc làm của người lao động, nên các điều kiện và môi trường sống của công nhân chưa được cải thiện.
Lương công nhân ở các khu công nghiệp nước ta, theo đánh giá của các nhà kinh tế và đầu tư nước ngoài, gần như thấp nhất thế giới. Nhiều doanh nghiệp chưa có chế độ lương, thưởng xứng đáng, chưa chăm sóc đúng mức đời sống cho công nhân. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2010, tiền lương bình quân của công nhân tại các khu công nghiệp ở các doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng và khu vực có vốn đầu tư trong nước là 3,3 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, phần lớn công nhân là lao động phổ thông, nhập cư ngoại tỉnh nên ngoài chi phí chung cho sinh hoạt như dân đô thị thì tiền thuê nhà, điện, nước họ phải trả cao hơn từ 20% - 30% so với người dân sở tại. Cuối năm 2011, ban quản lý các khu công nghiệp tiến hành khảo sát tiền lương thực tế cho thấy mức lương bình quân của công nhân tại các doanh nghiệp đều tăng, chế độ hỗ trợ đời sống công nhân cũng có chuyển biến nhưng thực tế tăng không đáng kể.
Những năm gần đây, hằng năm, Chính phủ có điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu của người lao động khối doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp buộc phải tăng lương để thu hút lao động phục vụ mở rộng sản xuất. Các doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định để làm căn cứ tham chiếu trả lương cho công nhân, mức lương tối thiểu đã được tăng nhưng lạm phát tăng cao hơn nên lương tối thiểu vẫn cứ thấp, chỉ bằng 60% - 70% so với nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động.
Do thu nhập thấp, công nhân buộc phải làm tăng ca để có thêm thu nhập nên ít có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe dẫn đến kiệt sức và dễ xảy ra tai nạn lao động... Trong khi đó, việc chăm sóc sức khỏe cho công nhân do chưa có quy định bắt buộc nên các doanh nghiệp rất ít khi thực hiện. Tại các khu công nghiệp, các điều kiện và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế còn rất thấp, việc giám sát môi trường lao động rất hạn chế: khoảng 15% số cơ sở có cán bộ y tế, số lượng công nhân được khám sức khỏe định kỳ chỉ khoảng 22% - 25% và chỉ dưới 10% số công nhân tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm nguy cơ cao được khám bệnh nghề nghiệp, tỷ lệ công nhân tham gia bảo hiểm y tế còn thấp. Vẫn phổ biến tình trạng gian lận, nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Suất ăn của công nhân quá “đạm bạc”, không đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng tối thiểu để bảo đảm sức khỏe ở nhiều doanh nghiệp, giá trị suất ăn thực tế chỉ ở mức 7.500 đồng, thậm chí còn thấp hơn (sau khi đã trừ các khoản phí). Giá trị suất ăn thấp, trong khi vật giá liên tục leo thang nên vấn đề an toàn thực phẩm khó được quan tâm. Theo thống kê của Bộ Công Thương, cuối tháng 12-2007, tại các khu công nghiệp mới có 52,6% số bếp ăn đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng ngộ độc thức ăn vẫn xảy ra.
Đã từ lâu, vấn đề nhà ở cho công nhân là một bức xúc lớn nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để. Hiện trên 90% số công nhân trong các khu công nghiệp tự tìm kiếm chỗ ở, sống tạm bợ trong các nhà trọ. Phần lớn họ phải thuê trong các khu dân cư với giá cao, điều kiện sống kém tiện nghi. Để tiết giảm chi tiêu, công nhân phải chuyển chỗ trọ xa hơn hoặc 4 - 5 người ghép nhau ở một phòng chưa đầy 10m2. Nơi ở còn thiếu các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt văn hóa... Việc ăn ở tạm bợ đã tác động đến nhiều lĩnh vực khác, làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội.
Đời sống văn hóa của công nhân còn hết sức thiếu thốn: không phim ảnh, không sách báo, không giải trí, không kết bạn… chỉ có nhiều giờ làm thêm. Phần lớn ở các khu công nghiệp không có nhà văn hóa, nếu có cũng chỉ là các câu lạc bộ nhỏ lẻ. Vì vậy, các hoạt động văn hóa hướng đến công nhân còn mang tính “mùa vụ”, không phát huy được khả năng sáng tạo văn hóa trong không gian văn hóa của mình...
Nguyên nhân của những bất cập
Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, Nhà nước chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào mọi lĩnh vực với mọi quy mô. Các cơ quan nhà nước từ địa phương đến Trung ương “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Mải thu hút đầu tư, không ít cấp chính quyền chưa chú trọng thỏa đáng đến quyền lợi của công nhân, hoặc muốn bảo vệ quyền lợi công nhân nhưng không muốn ảnh hưởng đến chính sách đầu tư. Chủ doanh nghiệp còn thiếu tôn trọng luật pháp, không thực hiện đúng quy định của Chính phủ về tiền lương, thời gian lao động và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp đối với người lao động.
Các tổ chức đoàn thể có vai trò rất lớn trong việc chỉ đạo, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23-11-1996 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, nhưng việc thực hiện tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nói chung còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, tổ chức đảng mạnh là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đời sống và mọi mặt sinh hoạt của người lao động ở các doanh nghiệp, nhưng hiện nay chúng ta có hơn 420 nghìn doanh nghiệp mà mới có chưa tới 4.650 tổ chức đảng (chiếm 1,3%). Hầu như doanh nghiệp nào cũng có công đoàn cơ sở, nhưng ban chấp hành hoạt động không đều tay, kiêm nhiệm, còn đoàn viên tham gia theo kiểu “đánh trống ghi tên” chưa nhận thức đầy đủ và chưa biết phát huy quyền của mình.
Các chính sách xã hội hiện tại gần như đều được giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Chúng ta chủ trương xã hội hóa y tế, tăng phần đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động cho chi phí y tế, nhưng nhiều doanh nghiệp không thực hiện các quy định khám chữa bệnh của Nhà nước, thậm chí chấp nhận bị phạt với mức phạt tối đa vài triệu đồng hoặc hơn nữa, thay vì phải trả một khoản chi phí khám bệnh cho người lao động. Các chế tài xử phạt chưa đủ sức làm thay đổi cách hành xử của doanh nghiệp nên không có chuyển biến đáng kể về chăm sóc y tế cho công nhân.
Chính phủ ra Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg, ngày 24-4-2009 về “Ban hành một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê”, với nội dung khuyến khích, ưu đãi các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nói riêng hàng rào ngoài khu công nghiệp nói chung về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... Khi triển khai vào thực tiễn các chính sách vẫn chưa đủ mạnh, khó tác động đến các nhà đầu tư, vì cho rằng đầu tư vào lĩnh vực này tỷ suất lợi nhuận thấp so với đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Lương thấp, lạm phát cao đã tác động không nhỏ đến đời sống công nhân. Nhiều công nhân phải bỏ xưởng vì lương không theo kịp giá sinh hoạt, từ tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước, tiền lương thực - thực phẩm, tiền học phí cho con cái… chưa nói đến việc đáp ứng đời sống tinh thần của bản thân. Cũng vì lợi ích trước mắt, người lao động không ý thức được quyền lợi lâu dài của bản thân, đã tự ý hủy hợp đồng lao động bằng cách chuyển qua doanh nghiệp khác có thu nhập cao hơn dù không đáng kể hoặc không chịu ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội.
Hướng đi nào nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, góp phần phát triển bền vững các khu công nghiệp?
Thứ nhất, Nhà nước sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến cải thiện chế độ lao động, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân nói chung, công nhân ở các khu công nghiệp nói riêng. Ưu tiên tập trung vào các giải pháp nhằm cải thiện chính sách tiền lương, thu nhập; quan hệ lao động; đầu tư nhà ở, giáo dục, y tế, văn hóa... cho công nhân. Tăng cường hiệu lực của pháp luật bằng cách nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của công nhân và người lao động. Phải có chế tài mạnh, kiên quyết xử lý các hành vi cố tình vi phạm pháp luật, chậm khắc phục sau thanh tra, kiểm tra.
Thứ hai, tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động thực tế của các tổ chức đoàn thể trong các khu công nghiệp. Tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức đảng ở các doanh nghiệp, nơi nào chưa có tổ chức đảng thì đảng bộ khu công nghiệp cần sát sao hơn với công đoàn cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời - coi đây là việc làm cơ bản và cấp bách. Đổi mới các mặt hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, ngoài nhiệm vụ chính giáo dục, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động cần tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện các chế độ có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của công nhân, chủ doanh nghiệp.
Thứ ba, về phía doanh nghiệp, tiếp tục đề cao, thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội. Nâng tối đa định mức chi (từ quỹ phúc lợi của doanh nghiệp) trợ cấp cho công nhân, nhất là các đối tượng có hoàn cảnh nghèo khó, ốm đau. Đưa chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, phát triển nguồn nhân lực (đào tạo nghề, nâng cao sức khỏe công nhân) vào kế hoạch phát triển của mình. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động cho công nhân ngay từ khi doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và cho công nhân mới tuyển dụng. Khi xảy ra tranh chấp lao động, chủ doanh nghiệp phải chủ động, thiện chí bàn bạc với ban chấp hành công đoàn cơ sở để tổ chức thương lượng, thỏa thuận giữa các bên.
Thứ tư, bản thân công nhân chủ động học tập nâng cao nhận thức, nắm bắt những quy định cơ bản về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động. Học tập nghiêm túc nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể để thực hiện tốt các quy định trong doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bản thân cũng như đồng nghiệp. Đổi mới nhận thức về lập nghiệp, rèn luyện tác phong công nghiệp. Thông qua tổ chức công đoàn cơ sở, có ý kiến đóng góp cùng tham gia xây dựng doanh nghiệp phát triển./.
Xứng đáng với vai trò ngành kinh tế chủ lực  (08/06/2012)
Để thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Đồng Nai  (08/06/2012)
Mỹ chủ định tăng cường hải quân ở châu Á - Thái Bình Dương  (07/06/2012)
Giảm lãi suất cho vay thêm nhiều lĩnh vực khác  (07/06/2012)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên