TCCSĐT - Là tỉnh có trên 30% dân số người dân tộc Khmer, những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, Trà Vinh rất chú trọng công tác đào tạo, sử dụng cán bộ trong lực lượng này. Vì vậy, số lượng và chất lượng cán bộ là người dân tộc Khmer ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc chuyển biến rõ nét và cải thiện đáng kể.

Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc Khmer trong hệ thống chính trị

Thời gian qua, cùng với các nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh ủy Trà Vinh rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là trong vùng có đồng bào dân tộc Khmer, do đó đã chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy đảng tổ chức quán triệt thực hiện Chỉ thị 68-CT/TW, ngày 18-4-1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) về “công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) ngày 18-3-2002 về “đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”. Đồng thời, Tỉnh ủy xác định: bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer, thì công tác đào tạo và sử dụng cán bộ từ lực lượng này có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh. Vì vậy, Ban Chấp hành Tỉnh ủy khóa V đã xây dựng, ban hành Nghị quyết số 01 “về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer”, Nghị quyết số 06/NQ-TƯ ngày 10-10-2003 (khóa VII) và Nghị quyết số 03/NQ-TƯ ngày 9-9-2011 (nhiệm kỳ 2011 - 2015, khóa IX)  về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer. Căn cứ tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức triển khai thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể đối với việc đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer ở địa phương, đơn vị theo hướng hiệu quả, chất lượng.

Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc Khmer nói riêng, luôn được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện theo yêu cầu chuẩn hóa cán bộ phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; chú trọng đào tạo cán bộ trong diện quy hoạch, gắn với quy hoạch theo chức danh và yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Theo đó, tỉnh đã ban hành một số chính sách về đào tạo cán bộ sau đại học và nguồn cán bộ dân tộc Khmer; xây dựng thực hiện đề án đào tạo cán bộ dự nguồn cấp xã, phường, thị trấn; mở lớp cao cấp lý luận chính trị dành riêng cho cán bộ Khmer. Cùng với việc đưa cán bộ đi học các trường của Trung ương, tỉnh đã phối hợp với các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực; tổ chức nhiều lớp đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng về quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer nói riêng tại tỉnh.

Kết quả, trong 5 năm trở lại đây, Trà Vinh đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 12.000 lượt cán bộ, trong đó có gần 2.000 cán bộ người dân tộc Khmer, đạt hơn 16%; chủ động mở các lớp: cao cấp lý luận chính trị tại tỉnh dành riêng cho cán bộ dân tộc người Khmer, lớp đại học chuyên ngành tôn giáo - dân tộc, lớp đào tạo cán bộ dự nguồn ở cấp xã, phường, thị trấn; đưa đi đào tạo sau đại học 18 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành Đề án đào tạo nguồn cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ sau đại học ở nước ngoài (gọi tắt Đề án Trà Vinh - 100), hiện nay có 3 cán bộ, công chức người dân tộc Khmer tham gia Đề án này. Cùng với việc tập trung đào tạo nguồn cán bộ trong hệ thống chính trị, tỉnh đã mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị phổ thông cho sư sãi, thành viên ban quản trị các chùa Khmer ở địa phương. Một chủ trương đang từng bước mang lại hiệu quả là tiếp tục thực hiện tốt chính sách của tỉnh về tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở xã, phường, thị trấn, đến nay đã thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học có ngành, nghề phù hợp về công tác ở xã, phường, thị trấn, tổng số hiện đang công tác hơn 300 người, trong đó có 34 người dân tộc Khmer,... Những việc làm này, đã góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ và phục vụ cho công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.

Công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ được quan tâm đúng mức, luôn chú trọng đến năng lực, sở trường của cán bộ dân tộc người Khmer, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở các ngành, lĩnh vực quan trọng. Cán bộ người dân tộc Khmer được đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt và bố trí công tác ở các ngành, các cấp ngày càng nhiều, hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức Khmer trong hệ thống chính trị của tỉnh chiếm 17,5%. Khi tiến hành bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, một chức danh có hai người thì ưu tiên chọn cán bộ người dân tộc Khmer. Các huyện, thành phố, xã có đông đồng bào dân tộc Khmer đều bố trí cán bộ dân tộc Khmer giữ một trong các chức vụ chủ chốt của thường trực cấp ủy hoặc Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân.

Hơn 5 năm qua, Trà Vinh đã bổ nhiệm 149 cán bộ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, trong đó có 9 người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 6,04%; bổ nhiệm 618 cán bộ giữ chức trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương, trong đó có 44 người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 7,11%. Hiện nay, số lượng cán bộ người dân tộc Khmer giữ các vị trí quan trọng trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 6 đồng chí, chiếm 10,9%; Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 3 đồng chí, chiếm 20%; Ban Thường vụ các huyện ủy và tương đương có 9 đồng chí, chiếm 7,14%; trưởng, phó phòng thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh có 49 đồng chí, chiếm 7,29%. Riêng cấp xã, phường, thị trấn có 80 đồng chí giữ vị trí bí thư, phó bí thư thường trực đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân. Số lượng đại biểu được bầu vào Quốc hội ở tỉnh Trà Vinh và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 bảo đảm về mặt cơ cấu đại biểu dân tộc, đạt 22,89% đại biểu là người dân tộc Khmer… Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, nên đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định: điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí tuy có nâng lên nhưng còn thấp so với trước yêu cầu mới; nguồn nhân lực để đào tạo cán bộ dân tộc còn hạn chế, công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiếu đồng bộ, nhất là chế độ, chính sách, chưa theo kịp nhu cầu phát triển toàn diện trong đồng bào dân tộc. Một số đơn vị, địa phương thiếu các giải pháp đột phá trong tạo nguồn để bồi dưỡng, phát triển đảng viên và quy hoạch tạo nguồn cán bộ là người dân tộc Khmer; còn tình trạng hẫng hụt cán bộ lãnh đạo là người dân tộc kế thừa ở các cấp.

Đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc Khmer gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Để xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung thực hiện một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy Trà Vinh về “Tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011 - 2015” gắn với triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) và việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, Hồ Chí Minh” trong toàn tỉnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, vai trò, nhiệm vụ công tác dân tộc của Đảng trước tình hình mới, trong đó xác định xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; có kế hoạch cụ thể hóa thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật cao, có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, tận tụy với công việc, trách nhiệm với nhân dân, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương.

Hai là, cụ thể hóa có hiệu quả trong thực hiện các quy định, chương trình của Trung ương về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến lược; chú trọng đào tạo cán bộ quản lý kinh tế đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế. Xây dựng đề án tạo nguồn quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh nói chung, chú trọng cán bộ dân tộc Khmer nói riêng. Nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của các Trường Dân tộc nội trú để tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc. Tạo điều kiện cho con, em người dân tộc Khmer, nhất là những sinh viên mới ra trường được tiếp nhận vào làm việc ở các ngành, các cấp theo đúng chuyên môn đào tạo, nhằm phát huy tốt năng lực, trí tuệ của thế hệ trẻ người dân tộc Khmer và tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ kế thừa. Tăng cường đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cho cán bộ dân tộc ở xã, phường, thị trấn; tiếp tục thu hút người có bằng tốt nghiệp đại học về cấp xã công tác, để chuẩn hóa cán bộ cơ sở. Tổ chức các lớp nghiệp vụ cho chức danh bí thư, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, chức danh chủ chốt của Mặt trận và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn giúp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ.

Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ nói chung, trong đó quan tâm cán bộ dân tộc Khmer. Tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo quy trình bảo đảm xây dựng đội ngũ kế thừa trước mắt và lâu dài, sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Khi thật cần thiết, cấp ủy cấp trên có thể chỉ định cán bộ dân tộc để quy hoạch cho cấp dưới, tránh bỏ sót cán bộ có tài năng. Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội giới thiệu những nhân tố mới trong các phong trào hoạt động ở địa phương để xem xét, bổ sung vào quy hoạch cán bộ đối với từng cấp. Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở. Thực hiện tăng thêm số lượng cấp ủy viên theo quy định thi hành Điều lệ Đảng nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch cán bộ.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào chức danh nào thì trước hết phải chọn những cán bộ được quy hoạch vào chức danh đó. Phấn đấu từng bước tăng hợp lý tỷ lệ cán bộ dân tộc trong cấp ủy, Thường vụ cấp ủy và đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer; bố trí cán bộ dân tộc ở các lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với nhân dân là người dân tộc Khmer.

Năm là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng có đông đồng bào người dân tộc Khmer; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc Khmer, khắc phục tình trạng chi bộ ấp, khóm vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer không có đảng viên là người Khmer; phấn đấu đến năm 2015, đảng viên là người dân tộc Khmer chiếm trên 20% tổng số đảng viên toàn tỉnh, để làm cơ sở tạo nguồn, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Sáu là, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phân công hợp lý để cán bộ công tác trong vùng đông đồng bào Khmer phải biết ngôn ngữ của người dân tộc Khmer. Trên cơ sở đó làm nòng cốt giáo dục chính trị, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăm lo thiết thực quyền lợi và đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.          

Một số kiến nghị và đề xuất

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới, tỉnh Trà Vinh kiến nghị Trung ương một số vấn đề sau:

Thứ nhất, sớm ban hành quy định thống nhất về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời, có chiến lược về cán bộ dân tộc Khmer trong thời kỳ mới, bảo đảm cho trước mắt và lâu dài.

Thứ hai, có kế hoạch, chương trình và mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh cho cán bộ dân tộc Khmer đương chức và dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Mở rộng các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và nâng lên cấp 2 - 3. Trong chế độ cử tuyển đại học và sau đại học cần có thêm ngành Văn hóa Khmer học. Quan tâm mở các lớp đào tạo văn bằng hai đại học, thạc sĩ chuyên ngành theo từng khu vực nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các đơn vị và địa phương.

Thứ ba, trong xét tuyển đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức là cán bộ dân tộc, nên có ưu tiên về trình độ, tuổi đời cụ thể từng đối tượng./.