Đồng chí Lê Đức Thọ - nhà chính trị, tham mưu chiến lược tài năng của Đảng
Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, Huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Với lòng yêu nước thương dân và hoài bão của tuổi trẻ, đồng chí Lê Đức Thọ đã sớm dấn thân trên con đường cách mạng vinh quang và gian khổ. Được hoạt động và rèn luyện trong tổ chức cách mạng, năm 1929, khi tròn 18 tuổi, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, thuộc lớp những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, qua các thời kỳ, với nhiều cương vị công tác và nhiều địa bàn hoạt động khác nhau, đồng chí Lê Đức Thọ luôn tỏ rõ là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có tài năng trên nhiều lĩnh vực: quân sự, ngoại giao, tổ chức.... Đồng chí được Bác Hồ và Trung ương giao nhiều trọng trách, nhiều lĩnh vực quan trọng của Đảng, của đất nước. Ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần lạc quan cách mạng và một dũng khí chiến đấu kiên cường, đầy nhiệt huyết.
Đồng chí đã có những đóng góp rất quan trọng và là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ yếu của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo công tác chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí là một trong những lãnh đạo chủ chốt của cách mạng trên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ; một nhà ngoại giao tài ba, sắc sảo; gần cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã dành nhiều thời gian, tâm sức cho công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trong bất cứ lĩnh vực nào, đồng chí Lê Đức Thọ cũng để lại những dấu ấn nổi bật, sáng tạo và sâu sắc.
Những đóng góp trong công tác tổ chức xây dựng Đảng
Đồng chí Lê Đức Thọ đã dành nhiều tâm sức và gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở của Đảng. Ngay trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đồng chí đã đề xuất và chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở "bốn tốt" (sản xuất, chiến đấu tốt; chấp hành chính sách tốt; công tác quần chúng tốt và củng cố Đảng tốt). Cuộc vận động đã đem lại những kết quả quan trọng: tổ chức cơ sở đảng được củng cố, phát huy tác dụng lãnh đạo sâu sát, toàn diện đối với mọi hoạt động ở cơ sở, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và chính sách của Đảng, của Nhà nước, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Thông qua thực tiễn cuộc vận động, nhiều cấp ủy đảng đã khắc phục được thái độ xem nhẹ công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của tổ chức cơ sở đảng, quan tâm chỉ đạo, củng cố cơ sở đảng một cách sâu sát, thiết thực hơn.
Với phương pháp làm việc khoa học, thái độ nghiêm túc, sâu sát trong công việc, nắm vững ưu, khuyết điểm, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ; tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đồng sự, của cấp dưới; quyết đoán trong sắp xếp, bố trí, kiên trì trong tham mưu, đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần tích cực xây dựng được đội ngũ cán bộ bảo đảm tính kế thừa và sự vững vàng của Đảng trong mọi tình thế. Đồng chí Lê Đức Thọ đặc biệt quan tâm xây dựng, đào tạo, lựa chọn đội ngũ cán bộ trẻ tuổi để chuẩn bị cho các giai đoạn cách mạng tiếp theo, tính toán đến cả một số đồng chí có triển vọng chuẩn bị cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị.
Trên cương vị người phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của Đảng trong nhiều năm, đồng chí Lê Đức Thọ đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng trong việc hoạch định đường lối, chính sách về tổ chức, cán bộ của Đảng qua các thời kỳ cách mạng và chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Tư tưởng, tác phong, phương pháp làm việc của đồng chí Lê Đức Thọ để lại nhiều bài học quý cho những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Để làm tốt việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của toàn Đảng, của hệ thống chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ luôn dành nhiều thời gian, tâm sức cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tổ chức xây dựng Đảng. Xác định việc tham mưu nhận xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có phần trách nhiệm rất lớn của đội ngũ này, đồng chí luôn đòi hỏi tất cả cán bộ, đảng viên của ngành tổ chức phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, phải nắm chắc kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ được Đảng giao phó, ưu điểm, khuyết điểm, triển vọng của cán bộ đó. Đồng chí phê bình cách quản lý hời hợt, chỉ đánh giá cán bộ trên lý lịch "chết" mà không sâu sát công việc của cán bộ, báo cáo chung chung về "lập trường, quan điểm" mà không nắm chắc phẩm chất, năng lực và tính cách của cán bộ thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước. Đồng chí cũng phê phán tình trạng sự vụ, kinh nghiệm chủ nghĩa. Đồng chí yêu cầu phải hướng công tác tổ chức vào phục vụ nhiệm vụ chính trị, đề xướng xây dựng quy hoạch cán bộ, phát hiện và bồi dưỡng cán bộ kế cận, chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho những nhiệm vụ tương lai.
Không chỉ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ rất quan tâm đến việc chỉ đạo tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác này; giáo dục, đào tạo cán bộ tổ chức, công tác tư tưởng trong công tác tổ chức. Những năm công tác ở cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí có nhiều bài nói, bài viết có tính tổng kết về công tác tổ chức có giá trị chỉ đạo thực tiễn, có tính chiến đấu cao, phê phán những nhận thức sai lầm trong công tác tổ chức, được nhiều cán bộ, đảng viên quan tâm, nghiên cứu.
Trong quá trình đảm trách công tác tổ chức xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ luôn tâm niệm một cách nhất quán về mục tiêu, nhiệm vụ của công tác tổ chức xây dựng Đảng là: Công tác tổ chức xây dựng Đảng phải phục vụ đường lối chính trị; xác định lãnh đạo nhiệm vụ kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; trong công tác xây dựng Đảng cần coi trọng nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ là trọng tâm, cán bộ cấp chiến lược là quyết định. Những quan điểm, giải pháp và kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ tới nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Đó là những bài học kinh nghiệm bổ ích, quý báu đối với công cuộc đổi mới hiện nay.
Đánh giá về những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Trong các kỳ Đại hội IV, V, VI của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ được phân công giữ cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã có công lớn trong việc tham gia soạn thảo xây dựng Điều lệ Đảng, xây dựng quan điểm cách mạng, đấu tranh kiên quyết chống các quan điểm sai trái, đặc biệt là trong công tác tổ chức – cán bộ. Có thể đánh giá đồng chí Lê Đức Thọ như một “kiến trúc sư” về lĩnh vực này.”
Nhà ngoại giao tài ba
Nói đến đồng chí Lê Đức Thọ, nhiều người nghĩ đồng chí là một nhà lãnh đạo nổi tiếng về tổ chức và cán bộ, nhưng đồng chí còn được trong nước và thế giới biết đến như là một nhà ngoại giao, một nhà đàm phán kiệt xuất.
Trong cuộc hội đàm lịch sử kéo dài 5 năm từ 1968 - 1973, ở Pa-ri (Pháp), đồng chí Lê Đức Thọ được Bác Hồ và Bộ chính trị phân công đặc trách chỉ đạo đàm phán với vai trò là Cố vấn đặc biệt cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam, đồng chí đã hoàn thành sứ mệnh của một nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh.
Cuộc đấu trí gần 5 năm này là cuộc thương lượng kéo dài nhất thế giới để chấm dứt một cuộc chiến tranh. Trong suốt 5 năm đàm phán ở Pa-ri, đồng chí được ví như một vị tướng ngoài biên ải. Đồng chí đã thực hiện rất nghiêm túc đường lối chiến lược trong đàm phán mà Bác Hồ đã trực tiếp căn dặn và những chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra. Nhưng phần đóng góp của cá nhân đồng chí thật là to lớn. Đồng chí Lê Đức Thọ đã có sự vận dụng sáng tạo, luôn luôn giành thế chủ động tấn công, buộc đối phương phải đi vào đàm phán theo cách của mình. Lịch sử ngoại giao ghi công đồng chí như một nhà ngoại giao chiến lược tài ba, mưu lược và khôn khéo.
Không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành, tận tụy với nước với dân; là một người cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; luôn có tinh thần tiến công, lạc quan cách mạng, chủ động, quyết đoán và sáng tạo; hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí, đồng chí Lê Đức Thọ cũng là một tâm hồn thơ giàu cảm xúc, một nhà thơ để lại nhiều tác phẩm có giá trị trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam./.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: nhìn lại và đi tới  (08/10/2011)
Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam với các nước ở khu vực Nam Á  (08/10/2011)
Đường Hồ Chí Minh trên biển - một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước  (08/10/2011)
Ra mắt cuốn sách "Liên Xô/Nga - Việt Nam: Những cột mốc hợp tác"  (08/10/2011)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm