Lạm phát sau 4 tháng đầu năm 2011: Vấn đề nổi cộm, căn nguyên và đối phó
TCCSĐT - Tốc độ lạm phát của Việt Nam sau 4 tháng đầu năm 2011 ở mức
đáng báo động (9,64%) - gần như cao nhất so với các nước trong khu vực cùng
có những nhân tố ngoại cảnh giống nước ta trong môi trường kinh tế mở. Những
phân tích và đề xuất trong bài này là sự tiếp nối quan điểm đổi mới cơ chế và
thái độ chống lạm phát phải mang tính chiến lược.
Lạm phát vẫn là vấn đề đang nổi cộm
Hình ảnh lạm phát của 6 tháng đầu năm 2008 lại hiện
hình trong 4 tháng đầu năm 2011 này. Để cảm nhận được tính chất nổi cộm của lạm
phát tưởng cũng cần nhìn lại lịch sử gần nhất để suy ngẫm: Cách đây gần tròn 3 năm,
đến hết tháng 6-2008, lạm phát ở nước ta là 18,44% so với 31-12-2007 (sau 4 tháng
là 11,9%) - mức cao nhất trong 15 năm kể từ năm 1993. Sau 4 tháng đầu năm 2011
lạm phát cũng đã ở mức 9,64% so với 31-12- 2010 (sau khi đã tăng tới
19,98% vào năm 2008; 6,88% năm 2009 và 11,75% năm 2010, tức là, nếu tính dồn
tích 3 năm lạm phát lên tới 43,3%).
Nếu “đọc” theo cách so với tháng 4 - 2010, tức
cùng kỳ năm trước, thì CPI đến hết tháng 4-2011 là 17,51%, bình quân tăng
1,46%/tháng, trong khi đó, lãi suất tiết kiệm bình quân cũng thời gian trên
chỉ khoảng 1,18%/tháng, như vậy lãi suất thực âm so với lạm phát. Do đó nguy
cơ rủi ro thanh khoản là rất đáng báo động!
Lạm phát với nội hàm cố hữu của nó luôn gây những cú
sốc tấn công vào mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị – xã hội của quốc
gia, buộc Chính phủ phải ra tay đối phó. Thông thường phải dùng đến các “bài
thuốc” đắt giá như phản ứng mạnh bằng chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.
Đương nhiên các vấn đề nổi cộm sẽ xuất hiện qua các hiện tượng mang tính
qui luật như: thanh khoản trong các ngân hàng bị thắt chặt, lãi suất phải dâng
cao, các kỳ vọng về tăng trưởng xấu đi, giá cả vốn đã cao lại bị khuyếch đại
bởi các yếu tố tâm lý, tiền trong lưu thông luôn có xu hướng tìm nơi trú ẩn
vào các vật mang giá trị có tính truyền thống là vàng, bạc, ngoại tệ, bất động
sản, nguyên, nhiên vật liệu quí… làm cho khắp các nẻo hàng hoá, dịch vụ đều
tăng giá. Nghĩa là chỉ có sức mua của đồng nội tệ bị xuống giá.
Nguyên nhân cơ bản nằm ở đâu?
Thứ nhất, nền kinh tế đã có độ mở lớn, nhưng lại
nhập siêu cũng lớn (4 tháng đầu năm 2011 nhập siêu tới 4,9 tỉ USD, chiếm 18,5%
kim ngạch xuất khẩu). Cùng với sự giảm giá trị đối ngoại của đồng nội tệ (phá
giá nội tệ và/hoặc để tỷ giá tăng) thì nguy cơ lạm phát kép là hiện hữu: lạm
phát từ bên trong và lạm phát nhập vào từ bên ngoài giống như cuối năm 2007 và
năm 2008. Cần nhớ lại nền kinh tế của nước ta suốt hơn 20 năm qua (trừ duy nhất
năm 1992 có xuất siêu tuy chỉ được vài chục triệu USD), liên tục là nền kinh tế
nhập siêu, trong khi tỷ giá hầu như không đi xuống mà chỉ có xu hướng trườn ngang
và đi lên theo chiều giảm giá trị của đồng nội tệ để theo đuổi chiến lược hướng
về xuất khẩu, nhưng lại hóa ra chủ yếu làm đắt hóa hàng nhập vào trong nước vì
hơn 70% giá trị hàng xuất khẩu của nước ta là hàng gia công, lắp ráp có “ruột”
và công nghệ nhập vào từ nước ngoài. Do đó, nhập siêu ở nước ta đồng nghĩa với
nhập khẩu lạm phát và làm tăng nợ nước ngoài qui đổi. Những ngày qua do tăng
cường kiểm soát tình trạng quản lý ngoại hối bị buông lỏng trong thời gian
dài, đã có tác dụng kéo tỷ giá thị trường tự phát về sát thị trường chính
thức, nhưng tính bền vững chưa được nhìn thấy rõ từ cơ cấu ngoại thương và cơ
chế thị trường. Nếu có bất ổn xẩy ra như triển vọng tăng trưởng xấu đi, thất
nghiệp gia tăng và dòng vốn ngoại chảy ngược ra, đồng nội tệ sẽ lại mất
giá mạnh, khi đó sẽ tác động tăng lạm phát cao hơn vì phải bỏ ra nhiều nội tệ
hơn để có một đồng ngoại tệ.
Thứ hai, về những tác động từ bên ngoài: Sau
khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia đã lâm vào
cảnh nợ công tăng cao và thất nghiệp gia tăng, nhiều năm liền đã sử dụng chính
sách tiền tệ nới lỏng để kích hoạt cho nền kinh tế. Đặc biệt với nền kinh tế
lớn nhất thế giới, khi Chính phủ Mỹ liên tục đổ tiền ra, cùng với chính sách hạ
thấp lãi suất cơ bản xuống còn 0,25%/năm thì giá trị đồng đô la cũng liên tục
“rơi” mạnh xuống so với các đồng tiền mạnh khác - một biểu hiện cụ thể của cuộc
chiến tiền tệ, gây hiệu ứng đến toàn cầu và tạo áp lực tăng giá vàng, bạc, hàng
hoá tiêu dùng khác tính bằng đồng đô la Mỹ. Áp lực lạm phát do đó lại gia tăng,
nhất là với đồng đô la Mỹ, cứ 3 đồng đưa vào lưu thông thì có tới gần 2 đồng
lưu thông ở ngoài lãnh thổ Mỹ. Nếu tiếp tục tăng nhập khẩu từ những nền kinh tế
có đồng tiền giảm giá thì nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam lại phải “nhập
khẩu lạm phát” và/hoặc gây ách tắc cho xuất khẩu đất nước.
Thứ ba, tình trạng vòng “luẩn quẩn”: Tổ chức
tín dụng thiếu tiền vốn so với cầu tín dụng phải huy động với mức cao hơn
mức trần Nhà nước quy định dẫn đến lãi suất cho vay cũng tăng, trong
khi thị trường thì thừa tiền để tiêu dùng hàng hoá hợp thị hiếu, làm cho tiền
trong lưu thông đổ vào lĩnh vực phi sản xuất, không qua ngân hàng, đọng
lại ở thị trường bất động sản rộng lớn nhưng lại bị “đóng băng” do giá cao
chơi vơi, chỉ những “đại gia” mới sẵn tiền để sở hữu những vị trí
đẹp bằng mọi giá.
Thứ tư, tổng cầu quá lớn so với tổng cung của
nền kinh tế liên tục bị kéo dài cũng là nguyên nhân cơ bản khiến gia tăng lạm
phát. Từ nhiều năm nay, tổng cầu nền kinh tế nước ta đã quá lớn hơn so với tổng
cung được biểu hiện qua chỉ tiêu tổng đầu tư xã hội và tiêu dùng cuối cùng đã
vượt so với giá trị sản xuất (GDP) từ 15 đến 17% liên tục từ năm 2007 đến nay. Trong
khi đó, năng suất lao động quá thấp, vốn đầu tư cho tăng trưởng nhiều làm
cho giá thành tăng quá cao, đẩy giá bán tiếp tục tăng. Lạm phát suy cho cùng
là bức tranh phản ánh của sự mất cân đối giữa tổng cung và tổng cầu. Tuy nhiên
cơ cấu cung và cơ cấu cầu trong môi trường thị hiếu biến đổi nhanh và qui luật
khan hiếm tài nguyên thiên nhiên cho sản xuất cũng tham gia gây hiệu ứng tới
lạm phát.
Giải pháp nào?
Một là, về quan điểm chung đối với các nhà lập
chính sách phải kết hợp đồng bộ các chính sách tiền tệ, tài khoá, tỉ giá với
chính sách cơ cấu lại ngành hàng, cơ cấu xuất - nhập khẩu theo hướng tăng cường
các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp liên doanh, giảm bớt cơ chế ưu đãi cho
khu vực FDI… để nâng cao hiệu quả đầu tư của mọi thành phần kinh tế, giảm bớt
sức ép của chính sách tiền tệ đến hoạt động của các ngân hàng thương mại (do
thiếu vốn) và doanh nghiệp (do lãi suất đi vay quá cao), bảo đảm các doanh
nghiệp có nguồn tín dụng thích hợp, kịp thời để mở rộng đầu tư khi có phương án
sản xuất, kinh doanh khả thi, làm cho việc chống lạm phát có hiệu quả nhưng
không gây ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng GDP và tạo việc làm cho xã hội.
Hai là, thắt chặt tiền tệ có điều kiện. Các biện
pháp dành cho chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay cần phải được áp dụng một
cách linh hoạt, có đối tượng và cơ chế cụ thể. Xuất phát từ nguyên lý căn bản
và không thể biện minh là lạm phát bao giờ cũng có nguyên nhân tiền tệ, tức là
có sự xuất hiện lạm phát khi và chỉ khi lượng tiền trong lưu thông tăng (bên cạnh
một số nguyên nhân khác), do đó cần kiểm soát chặt chẽ lượng tiền trong lưu
thông bằng cách: Kiểm soát các hệ số tăng M2 và hệ số tăng tín dụng, từ đó Ngân
hàng Nhà nước (NHNN) cần chủ động, đồng thời có thông điệp rõ ràng về việc
tăng các lãi suất điều tiết, gồm: lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu, công bố
hạn chế mức tăng tín dụng, tăng cường hoạt động nghiệp vụ thị trường mở (OMO), thậm
chí ngoài các giấy có giá theo thông lệ sử dụng làm hàng hoá trên OMO, NHNN
cũng có thể dùng ngoại tệ như một loại giấy có giá trên thị trường này để vừa
can thiệp thị trường tiền đồng, vừa can thiệp tỷ giá. Ngoài ra, khi cần NHNN
phải thông báo và thực hiện quyền công bố tăng dự trữ bắt buộc để vừa bảo đảm
an toàn hệ thống, đồng thời tạo sức ép tiết giảm chi phí, tránh tăng lãi suất
cho vay nền kinh tế trong hoạt động tín dụng ngân hàng. Về trung và dài hạn,
cần chuyển toàn bộ mô hình NHNN trực thuộc Chính Phủ như hiện nay sang mô hình
NHTW độc lập với Chính phủ - Là kênh có đủ quyền lực về nghiệp vụ và vật chất
để tác động vào tổng cầu của nền kinh tế mà hầu như không phải dùng mệnh lệnh
hành chính.
Ba là, về chính sách tài khóa, cần phải thực
hiện từng bước kế hoạch để giảm thâm hụt tiến tới cân bằng ngân sách, vì đây
cũng là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng. Thắt chặt chi tiêu của chính
phủ, gồm: kiểm soát chặt chẽ đầu tư công và đầu tư của các doanh nghiệp nhà
nước; giảm mạnh chi phí hành chính trong các cơ quan nhà nước nhằm giảm bớt sức
ép về cầu tiêu dùng Chính phủ. Với các dự án, cần loại bỏ những dự án đầu tư kém
hiệu quả theo hướng Nhà nước chỉ đầu tư vào những dự án công trình hay ngành
nghề mà người dân không làm được, doanh nghiệp không muốn tự làm và/hoặc dự án
thuộc nhóm bí mật quân sự quốc gia…
Bốn là, sử dụng công cụ tỷ giá. Nên điều chỉnh
tăng nhẹ giá trị của VND so với USD, bằng cách NHNN chưa vội mua vào USD và
hoặc mua vào nhưng bán ra ngay, hoặc chuyển đổi ngoại tệ cho các địa chỉ thích
hợp với mức ngang giá, thậm chí bù lỗ bằng nguồn bình ổn giá của Chính phủ
hoặc từ quĩ nghiệp vụ của NHNN. Tăng nhẹ giá trị VND tuy có ảnh hưởng đến xuất
khẩu nhưng không quá lớn. Tăng giá VND sẽ làm giá hàng nhập khẩu giảm, tăng
nguồn cung có chọn lọc cho thị trường, có tác dụng giảm mức tăng giá trên thị
trường nội địa, nhất là trong điều kiện nhập khẩu hiện chiếm tỉ lệ cao trong
GDP của nước ta. Tăng giá VND hợp lý cũng góp phần bảo vệ sức mua đối nội của
đồng nội tệ là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của mọi NHTW, đồng thời trước mắt sẽ
kìm giữ được giá luơng thực (chiếm trên 40% quyền số trong rổ hàng hoá tính CPI
của nước ta) hiện đang tăng quá cao và có khả năng còn tiếp tục tăng trước nhu
cầu của thị trường thế giới về nhóm hàng có thuộc tính phụ thuộc vào thời tiết
này. Ngoài ra, tiếp theo các thành công của việc điều hành tỷ giá vừa qua, đây
là thời điểm rất tốt để gắn việc điều hành tỷ giá trong khuôn khổ chính sách
quản lý ngoại hối của Nhà nước theo lộ trình chống đô la hóa, giảm dần, tiến
tới giảm triệt để tín dụng ngoại tệ trong nước, sớm thống nhất một loại tỷ giá,
khuyến khích phát triển thị trường ngoại tệ đa dạng, đa phương thức và điều hành
tỷ giá theo nguyên tắc thả nổi, có kiểm soát, tiến tới thả nổi có điều kiện,
chuyển ngoại tệ về thị trường ngoại hối và tách chúng ra khỏi thị trường tín
dụng.
Năm là, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế sự phát
triển tràn lan của khu vực FDI, nhưng khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho đầu
tư tư nhân trong nước phát triển vào những ngành công nghiệp phụ trợ và đầu tư
liên doanh với nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường khả năng chuyển
giao công nghệ trong tương lai nhằmvừa chủ động chống lạm phát, vừa tránh bị
sập bẫy thu nhập thấp bởi lao động làm thuê, tay nghề thấp và công nghệ thứ cấp
trong thị trường nội địa.
Báo chí và nhiệm vụ tuyên truyền những điểm mới trong văn kiện Đại hội XI của Đảng  (25/05/2011)
Thắt chặt quan hệ đồng minh  (25/05/2011)
Nước Mỹ trước nguy cơ vỡ nợ  (25/05/2011)
Khai mạc Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần thứ 8 (AMS 8)  (24/05/2011)
IMF thông báo thủ tục, điều kiện và kế hoạch bầu chọn Tổng Giám đốc mới  (24/05/2011)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm