Đồng chí Đào Duy Tùng với Tạp chí Cộng sản
TCCS - Đồng chí Đào Duy Tùng (20-5-1924 - 13-6-1998), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị, là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng ta, một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản từ tháng 8-1965 đến tháng 4-1982, đồng chí Đào Duy Tùng có đóng góp rất quan trọng vào quá trình trưởng thành, ngày càng khẳng định vai trò, sứ mệnh là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoàn thành nhiều công việc có ý nghĩa to lớn của Tạp chí Cộng sản, qua đó góp phần vào sự phát triển công tác báo chí cách mạng, công tác lý luận chính trị và công tác tư tưởng của Đảng.
Đồng chí Đào Duy Tùng quê ở Xóm Chợ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội). Sinh ra và lớn lên ở vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá, yêu nước và cách mạng, đồng chí đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng. Thời kỳ Tiền khởi nghĩa, đồng chí tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã (từ tháng 4-1945). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 9-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và đến cuối năm 1945 làm Bí thư Chi bộ xã Cổ Loa. Tháng 6-1946, đồng chí là Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc. Trải qua quá trình công tác tại Tỉnh ủy Phúc Yên, Tỉnh ủy Cao Bằng; học lý luận Mác - Lê-nin tại Trung Quốc (từ tháng 1-1953), đồng chí về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, làm Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương từ tháng 12-1962 và kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Học Tập (nay là Tạp chí Cộng sản) từ năm 1965 đến năm 1982. Đại hội IV của Đảng (năm 1976), đồng chí được bầu làm Trung ương dự khuyết, giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và từ tháng 11-1980, đồng chí kiêm chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin (11-1980); đến tháng 11-1981, đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khoá IV. Tại Đại hội V của Đảng (năm 1982), đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Đại hội VI của Đảng (năm 1986), đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo; đến tháng 5-1988, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí là Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị (đến tháng 6-1996). Đồng chí là thành viên Tổ biên soạn - biên tập các văn kiện đại hội Đảng nhiều nhiệm kỳ, Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược kinh tế; Chủ tịch Hội đồng biên soạn Giáo trình chuẩn Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng xuất bản C. Mác - Ph. Ăng-ghen toàn tập, V.I. Lê-nin toàn tập, Hồ Chí Minh toàn tập, Văn kiện Đảng toàn tập.
Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, dù ở vị trí công tác nào, đồng chí luôn thể hiện là người cộng sản hết mực trung thành, tận tụy, suốt đời kiên trì đấu tranh vì lý tưởng cộng sản, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; có đóng góp lớn lao cho sự nghiệp của Đảng. Với hơn 30 năm làm công tác tư tưởng - lý luận và tuyên truyền của Đảng, đồng chí là nhà cách mạng, nhà tư tưởng - lý luận xuất sắc của Đảng, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để thế hệ sau, nhất là những người làm công tác lý luận, công tác báo chí học tập và noi theo.
Là nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng, từ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đồng chí Đào Duy Tùng có nhiều cuốn sách có giá trị lý luận to lớn, như: “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Một số vấn đề về công tác tư tưởng của Đảng”, “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”, “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”...
Là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trong 18 năm (từ năm 1965 đến năm 1982), đồng chí Đào Duy Tùng có thời gian làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản dài nhất, liên tục trong số 15 Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tính từ năm 1955 đến nay. Dấu ấn sâu đậm và đóng góp to lớn của đồng chí Đào Duy Tùng đối với Tạp chí Cộng sản được thể hiện trên những công tác lớn sau:
Thứ nhất, đồng chí Đào Duy Tùng có những bài viết rất quan trọng trên Tạp chí Cộng sản, nội dung đề cập đến nhiều vấn đề lớn của thực tiễn và công tác lý luận.
Đồng chí Đào Duy Tùng đã có những bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản từ trước khi về công tác tại đây, bài đầu tiên đăng năm 1957; và sau khi rời Tạp chí Cộng sản để đảm trách các cương vị công tác cao hơn, đồng chí cũng thường xuyên gửi bài đăng trên Tạp chí Cộng sản. Đọc lại những bài viết này, đặt vào bối cảnh lịch sử của Đảng ta ở từng thời điểm, giai đoạn phát triển của cách mạng, thấy rõ dấu ấn mang tính lịch sử của từng bài viết. Mỗi bài viết đều xuất hiện ở vào thời điểm có tính bước ngặt trong tiến trình cách mạng, đặt ra những vấn đề lớn về lý luận và thực tiễn cần được luận giải, phân tích thấu đáo.
Những năm đầu sau khi miền Bắc được giải phóng, công tác tư tưởng của Đảng tập trung vào cuộc đấu tranh để khẳng định vững chắc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, không chờ đợi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, càng kiên quyết không đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh chống tư tưởng tư sản, ảnh hưởng của tư tưởng tư sản diễn ra quyết liệt. Trong bối cảnh đó, bài viết: “Chống tư tưởng tư sản xâm nhập vào trong Đảng” (Tạp chí Học tập số 20, tháng 9-1957) đã chỉ ra những biểu hiện tinh vi của tư tưởng tư sản trên mọi lĩnh vực đời sống; xác định những nội dung, phương pháp đấu tranh với những biểu hiện đó. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (năm 1960), Đảng ta tiếp tục chỉ ra rằng: Phải chĩa mũi nhọn đấu tranh vào ảnh hưởng của tư tưởng tư sản và vào tư tưởng tiểu tư sản.
Tháng 9-1960, Đảng tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Đây là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đại hội quyết định thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) và tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Sau Đại hội, Tạp chí Học tập (số 58, tháng 11-1960) đã đăng bài viết của đồng chí Đào Duy Tùng: “Phương hướng công tác tư tưởng của Đảng ta hiện nay”. Bài viết đã nêu bật vai trò quan trọng của công tác tư tưởng; mối quan hệ khăng khít giữa các mặt đấu tranh chính trị, kinh tế và đấu tranh tư tưởng; phương phướng công tác tư tưởng của Đảng, mà trọng tâm là đấu tranh chống tư tưởng tư sản, tư tưởng tiểu tư sản; phương châm của công tác tư tưởng là kết hợp bồi dưỡng tư tưởng và phê phán tư tưởng, kết hợp biểu dương cái đúng và phê phán cái sai,… Tiếp đó, đồng chí có bài “Mấy ý kiến về bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ và văn hoá của cán bộ ta” (Tạp chí Học tập số 86, tháng 3-1963) nhấn mạnh yêu cầu nâng cao trình độ của cán bộ trên cả ba mặt: lý luận, nghiệp vụ và văn hóa.
Ngày 14-12-1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 116/CT-TW về “Nâng cao chất lượng của Tạp chí Học tập để phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Chỉ thị nêu rõ phương hướng biên tập, xuất bản của Tạp chí: 1) Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để soi sáng đường lối chống Mỹ, cứu nước, làm cho mọi người nhận rõ tình hình và yêu cầu mới của cách mạng,… 2) Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để soi sáng hơn nữa đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và chủ trương tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong điều kiện có chiến tranh. 3). Tuyên truyền cho quan điểm của Đảng về các vấn đề quốc tế quan trọng. 4) Phục vụ cho việc xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức; tuyên truyền cho đường lối xây dựng Đảng; 5) Cùng các cơ quan có trách nhiệm góp phần tổng kết những kinh nghiệm lịch sử của Đảng ta(1). Ngay sau đó, đồng chí Đào Duy Tùng có bài xã luận quan trọng: “Đẩy mạnh công tác lý luận của Đảng” (Tạp chí Học tập số tháng 9-1966), vạch ra nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh công tác lý luận trong tình hình mới, nhất là những nhiệm vụ cụ thể của Tạp chí Học tập.
Tháng 12-1976, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, quyết định thực hiện đồng thời ba cuộc cách mạng, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Đào Duy Tùng đã đăng bài viết: “Phát huy mạnh mẽ bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta” trên Tạp chí Cộng sản(2) (Tạp chí Cộng sản số 25, tháng 3-1977). Bài viết phân tích sâu sắc bản chất khoa học và cách mạng của Đảng là ở chỗ Đảng luôn trung thành và nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin; luôn luôn tuân thủ và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; lãnh đạo nhân dân ta tiến hành một trong những cuộc cách mạng sâu sắc nhất, triệt để nhất, quyết liệt nhất; Đảng đã giải quyết một cách độc lập, sáng tạo và đúng đắn các vấn đề về đường lối và phương pháp cách mạng nước ta... Bài viết nêu rõ yêu cầu phải tiếp tục và kịp thời bổ sung, phát triển và cụ thể hoá đường lối của Đảng, làm cho đường lối của Đảng ngày càng sinh động, càng mang đầy đủ tính khoa học và do đó càng có hiệu lực với cuộc sống.
Do gặp nhiều khó khăn khách quan và mắc phải những sai lầm, khuyết điểm chủ quan, từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội và ngày càng gay gắt. Mệnh lệnh từ thực tiễn là phải đổi mới, trước hết là đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 8-1979), bắt đầu quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cho sản xuất “bung ra” đúng hướng, kết hợp hài hòa ba lợi ích kinh tế. Những tranh luận về vấn đề này thể hiện sự giằng co giữa cái cũ và cái mới, giữa một bên là nhận thức xơ cứng, muốn duy trì cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp và một bên là dứt bỏ lối mòn cũ, giáo điều, mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý trên cơ sở có nhận thức đúng đắn về động lực lợi ích. Trong bối cảnh đó, đồng chí Đào Duy Tùng đã đăng bài viết: “Bàn về ba lợi ích kinh tế” (Tạp chí Cộng sản số 3-1982). Bài viết khẳng định việc quan tâm thích đáng đến lợi ích cá nhân của người lao động không phải là khuyến kích chủ nghĩa cá nhân, phát triển tư hữu, mà chính là gắn lợi ích cá nhân người lao động với lợi ích tập thể; kết hợp hài hoà ba lợi ích kinh tế là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm đúng đắn này đã được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội V của Đảng (năm 1982) và Đại hội VI của Đảng (năm 1986).
Tiếp đó, trước thềm Đại hội VI của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng đăng liên tiếp 2 bài: “Về sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng kinh tế” (Tạp chí Cộng sản số 350, tháng 2-1985) và “Một cuốn sách quý của đồng chí C.U. Trec-nen-cô: Những vấn đề về công tác của bộ máy Đảng và Nhà nước” (Tạp chí Cộng sản số 351, tháng 3-1985). Đại hội VI của Đảng quyết định đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy; ngay số tháng 2-1987, Tạp chí Cộng sản đã đăng bài viết của đồng chí Đào Duy Tùng: “Mấy vấn đề về đổi mới tư duy”. Có thể nói, cụm bài viết về đổi mới của đồng chí Đào Duy Tùng đã tích cực đóng góp vào việc khẳng định đường lối đổi mới và vào sự thành công của công cuộc đổi mới, ngay từ thời khắc bình minh của đổi mới và những năm đầu của đổi mới.
Đại hội VII của Đảng (năm 1991) khẳng định: Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Việc nghiên cứu, làm sáng rõ một cách hệ thống về sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng để củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Tháng 5-1992, Tạp chí Cộng sản đăng bài viết của đồng chí Đào Duy Tùng: “Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh”, đề cập một cách hệ thống và tương đối toàn diện về tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài viết có ý nghĩa quan trọng góp phần nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.
Có thể thấy, những bài viết của đồng chí Đào Duy Tùng trên Tạp chí Cộng sản có hàm lượng khoa học và giá trị lý luận cao, giàu tính thực tiễn; và qua đó góp phần khẳng định Tạp chí Cộng sản là “vũ khí hạng nặng” trong công tác tư tưởng của Đảng, không chỉ tham gia đắc lực định hướng tư tưởng, mà còn làm sáng rõ thêm những vấn đề lý luận - thực tiễn mới, khó, còn nhiều ý kiến khác nhau, có cả những vấn đề chưa từng có tiền lệ. Những bài viết như thế không chỉ cần ở người viết có trình độ lý luận cao, am hiểu thực tiễn, bắt trúng quy luật vận động và đòi hỏi của thực tiễn, mà còn phải có bản lĩnh khoa học, bản lĩnh chính trị và sự nhạy bén chính trị sâu sắc.
Những bài viết của đồng chí Đào Duy Tùng có diện bao phủ rộng, đề cập đến nhiều lĩnh vực, thể hiện năng lực và sự am hiểu sâu rộng của người viết, như công tác tư tưởng, lý luận(3), công tác xây dựng Đảng và chính quyền(4), công tác cán bộ(5), kinh tế(6), báo chí(7), các vấn đề quốc tế(8). Trong đó, viết về công tác tư tưởng, công tác lý luận của Đảng là mảng đề tài lớn nhất, được đồng chí dành nhiều tâm huyết, trăn trở hơn cả. Qua những bài viết của mình, càng chứng tỏ đồng chí đặc biệt coi trọng vai trò, vị thế của Tạp chí Cộng sản, là “cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng”, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo. Theo đồng chí, Tạp chí Cộng sản phải luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của mình, làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, truyền bá, hướng dẫn, giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng, phải đem lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà soi sáng đường lối cách mạng, những chính sách lớn của Đảng ta, nâng cao nhận thức, trình độ lý luận của cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, giúp cho cán bộ, đảng viên tránh được những khuyết điểm, sai lầm trong khi thi hành chính sách, đồng thời đấu tranh chống những tư tưởng lạc hậu, sai lầm, trở ngại cho việc thực hiện các chính sách...
Thứ hai, phong cách viết bài chính luận rất mẫu mực, góp phần định hình phong cách lý luận chính trị của Tạp chí Cộng sản. Các bài viết chính luận của đồng chí vào đề - dẫn luận tự nhiên, nhẹ nhàng, đề cập thẳng vào nội dung chính, có sức dẫn dắt; bài viết thường không dài mà súc tích, càng không sử dụng “đại ngôn” hay khoa trương, viết giản dị nhưng luôn hàm chứa những nội dung sâu sắc, lập luận chắc chắn; bố cục chặt chẽ, lô-gíc; văn phong chính luận đĩnh đạc, trong sáng, rõ ràng, qua đó chuyển tải một cách thuyết phục những thông điệp, quan điểm, tư tưởng của Đảng đến với người đọc. Đồng chí luôn phê phán sự giáo điều trong nghiên cứu. Các bài viết của đồng chí tuyệt nhiên không lạm dụng “tầm chương trích cú” kinh điển nặng nề, mà trích dẫn rất “đắt”, tinh tế, chọn lọc. Những bài viết đấu tranh tư tưởng của đồng chí giàu tính chiến đấu, bút pháp sắc bén, đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng phi mác-xít, sai lầm.
Các bài viết lý luận chính trị của đồng chí cho thấy sự chú tâm của người viết, thể hiện sự kiên định trên những vấn đề căn cốt của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng một cách biện chứng, khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể, có sự gắn bó chặt chẽ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, luôn cố gắng đào sâu để luận giải, cắt nghĩa nhằm phát hiện những mâu thuẫn, bản chất bên trong, sự vận động mang tính quy luật và quy luật phát triển của sự vật, hiện tượng, đồng thời luôn tìm tòi, phát hiện và ủng hộ, đặt niềm tin khoa học vào cái mới... Ngay từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đào Duy Tùng và Ban Biên tập, Tạp chí Cộng sản đã sớm có hệ bài viết lý luận đi trước một bước tiến công đập tan tư duy cũ, mở đường về lý luận cho công cuộc đổi mới của Đảng, thể hiện rõ vai trò tiên phong lý luận của Tạp chí vào những thời điểm mang tính bước ngoặt của lịch sử đất nước, như các bài về kết hợp ba lợi ích: lợi ích của xã hội, lợi ích của tập thể, lợi ích của cá nhân; về thực hiện chế độ khoán trong nông nghiệp; các vấn đề về giá - lương - tiền trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; về sử dụng nhiều thành phần kinh tế; phê phán những hạn chế trong kế hoạch hóa, đồng thời chỉ ra lợi ích kết hợp kế hoạch hóa với sử dụng quan hệ thị trường,…
Thứ ba, góp phần xây dựng, định hình cơ bản bộ máy tổ chức của Tạp chí Cộng sản, quan tâm rèn luyện bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ của Tạp chí.
Đến năm 1966, ngay sau khi giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đồng chí cùng Ban Biên tập tổ chức bộ máy của Tạp chí một cách khoa học theo các lĩnh vực, chức năng chuyên môn, gồm các tiểu ban biên tập: Kinh tế, Chính trị, Văn giáo, Sinh hoạt Đảng (sau đổi thành Xây dựng Đảng), Quốc tế, Thơ ký văn học, Phòng Tư liệu, Văn phòng. Năm 1968, Tạp chí được giao quản lý Nhà in Bắc Hà (đổi tên thành Nhà in Học tập). Năm 1976, Tạp chí sớm thành lập được cơ quan thường trú, sau trở thành cơ quan thường trực phía Nam, đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1979, các tiểu ban và phòng (Tư liệu) trở thành các ban... Về cơ bản, mô hình tổ chức trên của Tạp chí được kế thừa và phát triển cho đến ngày nay.
Đồng chí cũng hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ của Tạp chí, nhất là đội ngũ biên tập viên. Do đòi hỏi từ nhiệm vụ chính trị, cán bộ biên tập của Tạp chí Cộng sản có những yêu cầu, đặc thù riêng, phải vươn tới hội tụ được những phẩm chất vừa của nhà báo - nhà lý luận - nhà khoa học. Do đó, Ban Biên tập tuyển nhiều cán bộ tốt nghiệp các trường đại học về công tác tại Tạp chí; cử cán bộ đi học chuyên tu và học nghiên cứu sinh, đi bồi dưỡng về lý luận tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tại Liên Xô, Đức. Đồng thời, Tạp chí thường xuyên cử cán bộ đi nghiên cứu, rèn luyện thực tế ở địa phương, cơ sở. Từ năm 1967, Ban Biên tập chủ trương: Cán bộ trẻ mới tuyển về đều trải qua một thời gian từ 6 tháng đến một năm ở Tiểu ban Thơ ký văn học và Phòng Tư liệu; sau đó Ban Biên tập xét khả năng, triển vọng, rồi mới xác định nhiệm vụ công tác sẽ giao. Tạp chí tổ chức các lớp học nghiệp vụ cho cán bộ trẻ; mời cán bộ lãnh đạo của một số cơ quan báo chí lớn đến giới thiệu kinh nghiệm làm báo, tạp chí...
Theo đồng chí Đào Duy Tùng, cán bộ của tạp chí lý luận chính trị không chỉ nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn phải biết vận dụng lý luận đó; không những phải nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, mà còn phải hiểu rõ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học và thực tiễn của chủ trương, đường lối đó; kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn; có trình độ, nghiệp vụ, đồng thời phải có bản lĩnh chính trị và đạo đức tốt, phong cách quần chúng. Do đó, trong điều kiện đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc ngày càng ác liệt, Ban Biên tập Tạp chí đã nhiều lần đưa cán bộ vào các tỉnh Khu 4 cũ để nghiên cứu, viết bài nhằm biểu dương tinh thần sản xuất và chiến đấu kiên cường của quân và dân ta; phổ biến kinh nghiệm lãnh đạo sản xuất và chiến đấu của cấp uỷ đảng và chính quyền ở nơi đầu sóng ngọn gió này của miền Bắc. Năm 1966, cử một số cán bộ lên Lạng Sơn nghiên cứu, viết bài về công tác xây dựng Đảng ở Lạng Sơn. Năm 1967, cử cán bộ biên tập về Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha cả năm trên diện tích lúa toàn tỉnh. Khi một số tỉnh, thành phố miền Nam được giải phóng, Tạp chí đã lần lượt cử các đoàn cán bộ vào các tình thành phía Nam nghiên cứu tình hình, viết bài. Những mô hình, cách làm mới như “Khoán” ở Vĩnh Phú, xây dựng mô hình cấp huyện, xây dựng Hợp tác xã nông - công - thương - tín,… luôn sớm có mặt cán bộ của Tạp chí Cộng sản đến nghiên cứu thực tế, viết bài. Đưa cán bộ, kể cả cán bộ trẻ đi thực tế, rèn luyện và tác nghiệp tại địa phương là một cách làm hiệu quả, là kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng đội ngũ của Tạp chí Cộng sản.
Đồng chí Đào Duy Tùng có phong cách quần chúng, gần gũi, chia sẻ với cán bộ; luôn động viên cán bộ phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Tạp chí (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tạp chí phải sơ tán về Chương Mỹ (Hà Nội), một bộ phận hành chính lên Đồng Bèn (Hòa Bình), bộ phận in ấn lên Quốc Oai (Hà Tây)..., song vẫn duy trì công tác tổ chức xuất bản Tạp chí đều đặn). Trong những năm vừa chiến đấu, lao động, sản xuất, vừa xuất bản Tạp chí, đồng chí vẫn tự viết hoặc chỉ đạo viết hàng loạt bài nghiên cứu lý luận và thực tiễn, bài điều tra, khảo sát thực tế tầm cỡ, quan trọng của Tạp chí Cộng sản...
Tròn 100 năm Ngày sinh của đồng chí Đào Duy Tùng, những đóng góp và cống hiến của đồng chí, nhất là những định hướng và thực hành báo chí lý luận chính trị của đồng chí tại Tạp chí Cộng sản, với tư cách là người giữ vị trí Tổng Biên tập lâu năm nhất, vẫn giữ nguyên giá trị, có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển của Tạp chí Cộng sản hiện nay. Đó là bài học về luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, chức năng thiên khải của tạp chí lý luận chính trị của Đảng; về xây dựng hệ bài viết chính luận rường cột của Tạp chí có chất lượng cao, giàu hàm lượng khoa học và giá trị lý luận, với cách thức thực hành lao động sáng tạo tác phẩm chính luận mẫu mực, phát hiện, lựa chọn và luận giải những vấn đề lý luận chính trị lớn, đang bức thiết đặt ra trong thực tiễn và trong công tác lý luận, xuất hiện ở vào những thời điểm có tính bước ngặt trong tiến trình cách mạng, có đóng góp quan trọng vào các quyết sách của Trung ương; về sự quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy khoa học và rèn luyện đội ngũ cán bộ biên tập đặc thù, nghiêm cẩn; về sự nhạy bén chính trị, tâm huyết, say mê và bản lĩnh người cầm bút của một nhà lý luận, nhà báo lớn; là sự sắc bén, đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng sai lệch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...
Gần 95 năm, sự đóng góp quan trọng và to lớn của các đồng chí lãnh đạo Tạp chí Cộng sản như đồng chí Đào Duy Tùng, cùng lớp lớp các thế hệ cán bộ, biên tập viên đã không quản gian khổ, hy sinh nỗ lực cống hiến, lao động sáng tạo hết mình vun đắp nên truyền thống vẻ vang, rất đỗi tự hào của Tạp chí Cộng sản, là tài sản quý báu và nguồn động lực to lớn để Tạp chí kế thừa và đổi mới, phát triển không ngừng, mãi xứng đáng là ngọn cờ lý luận chính trị của Đảng./.
-----------------
(1) Tạp chí Cộng sản những chặng đường phát triển (1930 - 2020), Nxb. Hà Nội, 2020, tr. 80 - 82
(2) Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TW, ngày 5-1-1977, của Bộ Chính trị, Tạp chí Học tập đổi tên thành Tạp chí Cộng sản bắt đầu từ tháng 1-1977 (đây là lần thứ 5 Tạp chí Đảng lấy tên là Tạp chí Cộng sản)
(3) Như bài viết: “Phát huy mạnh mẽ bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta” (số 25, tháng 3-1977), “Mấy vấn đề về đổi mới tư duy” (số tháng 2-1987)
(4) Như bài viết: “Một cuốn sách quý của đồng chí C.U. Trec-nen-cô: Những vấn đề về công tác của bộ máy Đảng và Nhà nước” (số 351, tháng 3-1985)
(5) Bài viết: “Mấy ý kiến về về vấn đề bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ và văn hóa của cán bộ ta" (số 86, tháng 3-1963)
(6) Bài viết: “Về sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng kinh tế” (số 350, tháng 2-1985)
(7) Bài viết: “Phát huy truyền thống hào hùng của báo chí cách mạng nước ta” (số 7-1995)
(8) Các bài: “Thắng lợi vô cùng to lớn của nhân dân Cam-pu-chia”, (số tháng 9-1973), “Cách mạng tháng Mười và cách mạng Việt Nam” (số 262, tháng 10-1977)
Lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà lãnh đạo liêm khiết, con người đổi mới của Đảng  (14/05/2024)
Tạp chí Cộng sản tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu Đảng Tập hợp những người Hu-phu-ê vì Dân chủ và Hòa bình (RHDP) Bờ Biển Ngà  (07/05/2024)
Đồng chí Trần Phú - Tấm gương người cộng sản kiên trung, bất khuất  (01/05/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm