Xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn - Hướng đi tất yếu cho phát triển hài hòa, lấy con người làm trung tâm
TCCS - Xây dựng, phát triển hợp tác xã kiểu mới là tất yếu khách quan trong nền sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Từ chuyển biến nhận thức đến triển khai đồng bộ các giải pháp
Ngày 26-4-2016, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, “Về xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó nêu rõ: “Xây dựng, phát triển hợp tác xã kiểu mới là tất yếu khách quan trong nền sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn”; “Xây dựng, phát triển hợp tác xã dựa vào ý chí tự lực, vươn lên của xã viên là chính nhưng sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị là điều kiện quan trọng để tạo môi trường cho hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững”.
Là một tỉnh nông nghiệp, Bắc Kạn có diện tích tự nhiên là 4.860km2, trong đó đất nông, lâm nghiệp chiếm tới 86% diện tích đất tự nhiên. Tận dụng những điều kiện thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng từng vùng, miền. Trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn tăng trưởng bình quân 2,4%/năm, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chế biến nông sản, đồng thời tổ chức sản xuất đã dần chuyển đổi, có sự liên kết trong khu vực nông thôn... Cũng từ đó, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh từng bước xây dựng và phát triển.
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bắc Kạn đã nâng cao trách nhiệm trong việc quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về HTX, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng bộ và nhân dân nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Đề án Xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; hằng năm, đều xây dựng kế hoạch phát triển HTX với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành, các hội, đoàn thể đã chú trọng công tác hỗ trợ thành lập mới, củng cố hoạt động các HTX.
Để nâng cao hiểu biết của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của HTX kiểu mới, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật Hợp tác xã năm 2012 và Cuộc thi tìm hiểu các mô hình hợp tác xã kiểu mới, thu hút được đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Giai đoạn 2018 - 2020, các đơn vị chức năng của tỉnh đã tổ chức được 8.938 buổi tuyên truyền về Luật Hợp tác xã năm 2012 và một số văn bản quy phạm pháp luật về HTX, Đề án Xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, các chính sách hỗ trợ HTX... Các cơ quan báo chí, truyền thông đăng tải tin, bài, phóng sự về tình hình kinh tế hợp tác, HTX; biên tập các thông tin, tài liệu giới thiệu các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể (KTTT) trên Bản tin Kinh tế thị trường của tỉnh; xuất bản “Cẩm nang về hợp tác xã”, “Sổ tay thành lập và tổ chức hoạt động của hợp tác xã”, “Sổ tay chính sách hỗ trợ hợp tác xã”; tuyên truyền trên sóng truyền hình về xây dựng và phát triển HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh việc tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền, tỉnh Bắc Kạn cũng triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ HTX phát triển. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Bắc Kạn thực hiện chính sách mỗi HTX được hỗ trợ thuê 1 lao động có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX, thời hạn hỗ trợ tối đa 30 tháng. Tỉnh đã hỗ trợ cho 43 HTX, với tổng kinh phí đã thực hiện 3,8 tỷ đồng; trong đó, có 22% số HTX được hỗ trợ cán bộ quản lý; 63,4% số HTX được hỗ trợ kế toán; 12,2% số HTX được hỗ trợ cán bộ kỹ thuật và 2,4% số HTX hỗ trợ cán bộ ma-két-tinh. Cơ bản các HTX sử dụng nguồn nhân lực đúng mục đích, hoạt động đúng quy định của pháp luật, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng có hiệu quả, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, tổ chức phân phối lợi nhuận theo quy định, góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho thành viên, người lao động. Đặc biệt, trong số 43 HTX được hỗ trợ nguồn nhân lực, đã có 18 HTX có sản phẩm “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh, riêng HTX Minh Anh có 6 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao OCOP.
Thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, giai đoạn 2016 - 2020, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND, ngày 11-4-2017, của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017 - 2020 (đã được thay thế bởi Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND, ngày 17-7-2019 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND, ngày 17-7-2020). Theo đó, đến ngày 31-8-2020, các HTX đã được hỗ trợ vay vốn với tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất 370 triệu đồng; dư nợ cho vay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 4 tỷ đồng. Ngoài ra, các quỹ địa phương và quỹ Trung ương đã cho các thành viên HTX trên địa bàn tỉnh vay vốn với lãi suất ưu đãi, như Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã cho vay 4.320 triệu đồng; Quỹ Hội Liên hiệp phụ nữ cho vay 1.364 triệu đồng; Quỹ Hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho vay 3.885 triệu đồng; Quỹ Hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho 55 lượt HTX vay vốn, với tổng kinh phí là 4.084 triệu đồng; Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho 16 lượt HTX vay vốn, với tổng số tiền dư nợ hiện là 500 triệu đồng.
Hiện tại, 90% số cán bộ quản lý HTX trên địa bàn tỉnh đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành HTX do tỉnh tổ chức. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ miễn phí thuê gian hàng, vận chuyển hàng hóa đến hội chợ, tiền ăn, ở trong suốt quá trình diễn ra hội chợ cho 56 lượt HTX; hỗ trợ, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm cho 15 HTX; hỗ trợ trang, thiết bị, máy móc cho 32 HTX; hỗ trợ xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm cho 9 HTX; hỗ trợ vay ưu đãi tín dụng với tổng số vốn trên 14 tỷ đồng cho 19 lượt HTX; ưu đãi và miễn thuế cho 88 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...
Những kết quả bước đầu
Với sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương, KTTT, các HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 234 HTX, tăng 152 HTX so với năm 2016.
Tính đến ngày 30-6-2016, 100% các HTX trên địa bàn được tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tỉnh Bắc Kạn là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện đúng tiến độ tổ chức lại HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Cơ cấu tổ chức của HTX được bảo đảm theo quy định, các HTX đã bầu ra và thường xuyên củng cố hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tuyển chọn kế toán và thủ quỹ; Đại hội thành viên đã phát huy vai trò quyết định, điều hành các hoạt động chính của HTX; việc lưu trữ tài liệu và thực hiện công tác tài chính, kế toán của HTX dần được nâng cao; thành viên tham gia HTX được cung cấp dịch vụ đầu vào, như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi... và được bao tiêu sản phẩm đầu ra, tìm kiếm việc làm trong HTX, thu nhập của thành viên tương đối ổn định, tạo được niềm tin của thành viên và cộng đồng vào hoạt động của HTX.
Theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND, ngày 11-4-2017, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng 6 mô hình HTX kiểu mới, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, với kinh phí hỗ trợ là 300 triệu đồng/mô hình gồm: HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Hợp Thành Thanh Vận, xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới), với chuỗi giá trị chuối tây; HTX Chè Mỹ Phương, xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể), với chuỗi giá trị chè an toàn; HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Dương Phong, xã Dương Phong (huyện Bạch Thông), với chuỗi giá trị cam, quýt; HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn), với chuỗi giá trị tinh bột nghệ; HTX Trần Phú, xã Hảo Nghĩa (huyện Na Rì), với chuỗi giá trị gà thả đồi; HTX Dịch vụ và Phát triển nông nghiệp Pác Nặm, xã Bộc Bố (huyện Pác Nặm), với chuỗi giá trị xúc xích thịt lợn. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 5/6 HTX có 10 sản phẩm xếp hạng từ 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên, mang lại hiệu quả kinh tế và là điểm tham quan học tập cho nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh. Điển hình, như HTX Nông nghiệp Tân Thành, trong giai đoạn 2019 - 2020 đã bao tiêu cho 300 hộ dân, với gần 100ha nghệ, sản lượng đạt trên 1.000 tấn nghệ/năm; xây dựng 1 cửa hàng tại tỉnh và 20 đại lý giới thiệu và bán sản phẩm tinh bột nghệ tại các tỉnh bạn; doanh thu hơn 7 tỷ đồng, thu nhập thành viên trung bình đạt 5 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 70 lao động địa phương; 2 sản phẩm tinh bột nghệ của HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, 1 sản phẩm đạt thương hiệu nông nghiệp vàng Việt Nam.
Bên cạnh lợi ích tạo cho thành viên và cộng đồng, các HTX đã làm tốt vai trò liên kết của mình. Năm 2020, trong 14 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND, có 12 dự án của các HTX. Đa số các HTX trên địa bàn tỉnh đều làm tốt việc tổ chức cung cấp dịch vụ đầu vào (giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật,...) và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ thành viên và hộ dân liên kết, như HTX Tài Hoan ký hợp đồng bao tiêu củ dong liên kết trên 600 hộ dân tại 6 xã trên địa bàn huyện Na Rì, với sản lượng ước đạt 1.000 tấn với giá tối thiểu là 1.500 đồng/kg; HTX Việt Cường ký hợp đồng bao tiêu củ dong với các hộ dân tại 3 xã Ân Tình, Lạng San, Lương Thượng (huyện Na Rì); HTX Cao Kỳ ký hợp đồng bao tiêu quả mơ vàng cho 150 hộ dân, với mức giá thấp nhất là 8.000đ/kg;...
Đặc biệt, việc triển khai Chương trình OCOP của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020 đã góp phần làm thay đổi tích cực về cả số lượng, chất lượng, tạo ra diện mạo mới cho sản phẩm của các HTX. Hiện, 70,1% số sản phẩm OCOP cấp tỉnh là của các HTX. Những sản phẩm này đều được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại hệ thống siêu thị BigC, như măng nứa tép Mai Lạp, cam đường canh, trà mướp đắng rừng Bắc Kạn, gạo nếp Khẩu nua lếch Ngân Sơn, phở khô Quỳnh Niên, miến dong Tài Hoan,... Trong đó, sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển khu vực KTTT, HTX của tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhìn chung, thu nhập bình quân của thành viên HTX còn thấp. Các HTX chưa làm thật tốt dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho các thành viên; chưa ký kết hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động với các thành viên; chưa tổ chức lưu trữ đầy đủ tài liệu theo Luật Hợp tác xã... Sức cạnh tranh sản phẩm còn thấp, số lượng hàng hóa từng chủng loại ít. Một số địa phương chưa thực sự coi trọng công tác phát triển HTX, vẫn còn 10% các xã chưa có HTX...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã kiểu mới trong giai đoạn mới
Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Bắc Kạn là: Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 2 liên hiệp HTX, 350 HTX, trong đó có khoảng 70% là HTX nông nghiệp và nông nghiệp tổng hợp; tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt đạt từ 75% trở lên; thu nhập bình quân các thành viên HTX đạt 6 triệu đồng/người/tháng; trung bình mỗi HTX có từ 15 thành viên trở lên; có ít nhất 20% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia thành viên tổ hợp tác, HTX hoặc có liên kết sản xuất với HTX, doanh nghiệp.
Từ những kết quả đạt được, tỉnh Bắc Kạn xác định, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, nhất là HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp, “Tăng cường vận động tuyên truyền người dân tham gia hợp tác xã, coi đây là cuộc cách mạng của nông dân”(1); cấp ủy, tổ chức đảng phải quán triệt, thống nhất về nhận thức cho đảng viên nhằm thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân hiểu rõ Luật Hợp tác xã năm 2012, bản chất, mô hình HTX kiểu mới. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển HTX.
Thứ hai, vận dụng triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển HTX, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, trong đó tập trung hỗ trợ các nội dung, hạng mục cấp thiết đối với KTTT, tránh dàn trải để nâng cao hiệu quả hỗ trợ. Rà soát các cơ chế, chính sách quản lý, ưu đãi, hỗ trợ đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác bảo đảm đồng bộ, thiết thực, phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của tỉnh.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực điều hành, quản lý, tổ chức hoạt động của HTX thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về năng lực quản lý, kỹ thuật sản xuất; thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học vào làm việc tại các HTX. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ HTX thu hút/kết nạp thêm thành viên, tăng vốn góp của thành viên vào HTX, tổ hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để thành lập mới HTX. Vận động các HTX cùng ngành, nghề, lĩnh vực tham gia thành lập các liên hiệp HTX để tăng quy mô và sự gắn kết giữa các thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả theo định hướng, thế mạnh sản phẩm của địa phương.
Phát triển mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình HTX điển hình, hoạt động có hiệu quả; đẩy mạnh hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ HTX đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm để mở rộng quy mô hoạt động của HTX. Thực hiện chuyển đổi số đối với các HTX đủ năng lực, điều kiện; quản lý và vận hành tốt hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin của tỉnh về HTX.
Chú trọng phát huy nguồn nội lực của HTX, tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nguồn tín dụng, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất và chế biến; tăng cường liên kết với doanh nghiệp, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về HTX, thường xuyên rà soát, kiện toàn và nâng cao vai trò trách nhiệm hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển HTX các cấp bảo đảm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp điều hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về HTX. Hằng năm, lồng ghép nhiệm vụ phát triển HTX vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị và gắn với xây dựng nông thôn mới, đưa KTTT từng bước trở thành hạt nhân kinh tế tại khu vực nông thôn.
Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và chức năng quản lý nhà nước về phát triển KTTT, HTX, tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển HTX giai đoạn 2021 - 2025.
Phát huy vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn,... mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy KTTT phát triển. Thành lập tổ công tác và phân công cán bộ chuyên trách ở các huyện, thành phố để thực hiện chức năng hỗ trợ, tư vấn cho HTX.
Thứ năm, tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phát triển HTX; tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho việc hình thành và phát triển HTX, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cán bộ làm việc tại Liên minh Hợp tác xã tỉnh nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX./.
---------------------
(1) Tỉnh ủy Bắc Kạn: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2020, tr. 154Thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng: Kinh nghiệm thực tiễn từ các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ  (10/05/2021)
Phát triển hợp tác xã nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh  (15/12/2020)
Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở nước ta  (19/10/2020)
Giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu  (22/06/2020)
An toàn giao thông ở nông thôn: Thực trạng và giải pháp cần triển khai  (29/12/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển