Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở nước ta
TCCS - Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, đưa quan điểm phát triển bền vững vào các nghị quyết và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cần có hệ thống các giải pháp tổng thể, từ xây dựng chính sách điều hành vĩ mô, đến các biện pháp về kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để tăng năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm xanh đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế rộng lớn...
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở nước ta đạt được những kết quả tích cực
Một là, nông nghiệp phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh. Trong gần 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài; các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều có tốc độ phát triển đáng kể. Tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào tăng trưởng chung. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có những bước tiến vượt bậc. Năm 1986, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 400 triệu USD; đến năm 2007 đạt tới 12 tỷ USD; năm 2017 đạt hơn 36 tỷ USD; năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2016. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, như gạo, cà-phê, cao-su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản..., đứng nhóm hàng đầu thế giới.
Hai là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương. Trong đó, nhiều mô hình đã thành công, như mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín”, “Hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới”, “Doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp”; hoặc các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng làng, xã dưới hình thức hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, công ty cổ phần… Sự ra đời và phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp rất phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, miền, điều kiện sản xuất đặc thù của mỗi loại sản phẩm. Những thành công bước đầu từ các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp mở ra tương lai, xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Nông dân và doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc liên kết thành những tổ chức nông dân sản xuất - tiêu thụ cho phép hình thành vùng nông sản ổn định, bền vững, xây dựng thương hiệu nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Quan hệ sản xuất được xây dựng ngày càng phù hợp, huy động được sự đóng góp của các thành phần kinh tế, phát huy các nguồn lực con người, khoa học, công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ba là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được quan tâm xây dựng; ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Hệ thống đê điều, đường giao thông, trung tâm thương mại, kết cấu hạ tầng nghề cá… được củng cố, xây dựng. Những năm qua, số lượng chợ xây mới, cải tạo, nâng cấp tiếp tục tăng với sự đa dạng về loại hình và cấp độ chợ, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống của người dân. Ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến. Đáng ghi nhận, bên cạnh việc cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp như tưới nước, thu hoạch, làm sạch nông sản, chế biến thức ăn, nuôi trồng thủy sản…, các khâu sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch cũng được ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giúp kéo dài thời gian bảo quản và tăng giá trị sản phẩm.
Bốn là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn. Đời sống nông dân và bộ mặt kinh tế nông thôn có những đổi thay rõ rệt. Từ một nước thường xuyên thiếu đói, hằng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan). Thu nhập và đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1,8%/năm; trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật của nông dân được nâng lên rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, phổ cập giáo dục, văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới sau hơn 10 năm thực hiện đạt được những kết quả khả quan. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi văn minh hơn, kết cấu hạ tầng thiết yếu được nâng cấp. Với sự cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân, đến tháng 12-2019, cả nước đã vượt và đạt tỷ lệ số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, về đích trước 1,5 năm so với mục tiêu của chương trình.
Những thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn là rất quan trọng và ấn tượng. Năng suất các cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng lên, trong đó có trên 10 loại cây trồng, vật nuôi có năng suất sinh học thuộc nhóm cao nhất thế giới; sản lượng của nhiều sản phẩm như gạo, hồ tiêu, hạt điều, cà-phê, cao-su, chè, cá, tôm tăng nhanh, trong đó có 6 loại sản phẩm xuất khẩu đứng vào tốp 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những khó khăn, hạn chế, bất cập, nghịch lý trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn: Một là, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn xảy ra do chúng ta chưa thực sự làm chủ thị trường đầu ra. Số lượng và giá nông sản xuất khẩu không ổn định. Hai là, khó tiếp cận vốn đầu tư đối với hầu hết các hộ nông dân, mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ba là, thu nhập bình quân của người nông dân thấp hơn đáng kể so với lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp chiếm khoảng 47% số lao động, nhưng chỉ đóng góp 19% giá trị vào tổng sản phẩm nội địa, tức là năng suất lao động hay thu nhập bình quân của người nông dân chưa bằng 1/3 thu nhập bình quân của người lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Ngoài ra, vẫn còn những vấn đề bất cập trong điều hành vĩ mô, đó là: Thứ nhất, một số văn bản pháp luật chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Các chính sách để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, đào tạo và duy trì đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Thứ hai, cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở nhiều nơi chuyển dịch chậm; ngành, nghề, dịch vụ ở nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu lao động nông thôn chiếm tỷ lệ lớn là lao động thuần nông. Thứ ba, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số nông phẩm còn thấp. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cũng như kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Thứ tư, chất lượng quy hoạch chưa thực sự hợp lý, thiếu sự liên kết, thống nhất giữa các loại quy hoạch, chưa gắn kết chặt chẽ với nguồn lực thực hiện. Do đó, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thứ năm, việc triển khai thực hiện các mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín”, “Nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất”, “Các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, mô hình liên kết theo hợp đồng”, “Doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp” được đánh giá là những nhân tố mới. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện, giải quyết, như mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân chưa thật sự chặt chẽ; việc chuyển đổi sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn, ở cả đầu vào lẫn khâu tiêu thụ. Các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác khó tiếp cận các chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách ưu đãi về tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi đất đai...
Những bất cập trong nền nông nghiệp nước ta, xét dưới góc độ kinh tế chính trị học, nguyên nhân cơ bản nhất là do sự không tương thích của quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất trong nông nghiệp với điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay. Nhận thức về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp chưa đúng tầm. Đa số người dân chưa thực sự chủ động, làm chủ, thiếu quyết tâm trong tham gia tái cơ cấu phát triển nông nghiệp. Đa số hộ nông dân - những đơn vị sản xuất cơ bản trong nông nghiệp - có tiềm lực kinh tế rất nhỏ, sản xuất đơn lẻ và thiếu khả năng tương thích với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế(1).
Nếu canh tác độc lập, riêng lẻ thì sức mạnh kinh tế của hộ nông dân rất nhỏ bé, khả năng chịu đựng rủi ro rất thấp, tình trạng tái nghèo rất dễ xảy ra(2). Để liên kết các hộ nhỏ lẻ thành các đơn vị kinh tế lớn hơn, từ lâu chúng ta đã có chủ trương và chỉ đạo hình thành các hợp tác xã. Tuy nhiên, nhận thức về bản chất và vai trò của hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn chưa phù hợp với quy luật phát triển, do đó, tác dụng và hiệu quả của nó còn hạn chế. Hiện nay, cả nước có hơn 10.000 hợp tác xã nông nghiệp, thu hút khoảng 45% số lao động nông nghiệp. Đa số các hợp tác xã chỉ cung cấp một số sản phẩm đầu vào cho xã viên, như giống, phân bón, thức ăn, nhưng không quan tâm đến vấn đề mà xã viên quan tâm nhất, đó là tiêu thụ sản phẩm của họ…
Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới
Để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, "Về nông nghiệp, nông thôn, nôn dân"; Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21-2-2013, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Kết luận số 97-KL/TW, ngày 9-5-2014, của Bộ Chính trị, về “Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; đồng thời triển khai có hiệu quả Luật Hợp tác xã, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Theo đó, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị, lợi nhuận.
Để thực hiện thành công những chủ trương, định hướng quan trọng đó, cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ngành cùng với nông dân và các doanh nghiệp. Trước hết, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, bộ, ngành, bà con nông dân, các thành phần kinh tế khác trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, trong giai đoạn tới, cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất quy hoạch cho sản xuất các mặt hàng nông sản chiến lược, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Phát triển sản xuất các loại nông sản hàng hóa xuất khẩu có lợi thế, nông sản thay thế nhập khẩu với quy mô hợp lý. Nghiên cứu, phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp; phát triển thức ăn chăn nuôi với quy mô lớn để phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong nước. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi và các cơ sở chế biến.
Thứ hai, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường. Tái cơ cấu thị trường nội địa, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; chú trọng hơn nữa vào phát triển thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng khuyến khích phát triển doanh nghiệp xã hội, bảo đảm lợi ích người sản xuất trực tiếp. Đối với thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh. Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản để nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, cơ cấu sản phẩm, giá cả, tập quán buôn bán của các thị trường. Xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực về phân tích, nghiên cứu, dự báo thị trường để tham mưu, đề xuất chính sách có hiệu quả. Nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin, chiến lược phát triển sản xuất, liên kết trong kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; ứng dụng công nghệ sinh học và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua các doanh nghiệp xây dựng mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, góp phần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết. Tiếp tục tiến hành tổng kết, đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn. Hình thành các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết dọc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, liên kết nông nghiệp với công nghiệp và kinh tế đô thị.
Thứ năm, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Mở rộng diện tích tưới tiêu cho rau màu, cây công nghiệp, cấp thoát nước chủ động cho diện tích nuôi trồng thủy sản, làm muối; bảo đảm giao thông thông suốt bốn mùa tới hầu hết các xã, đáp ứng cơ bản có đường ô-tô tới các thôn, bản. Xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và hạ tầng nghề cá; cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Bảo đảm cơ bản điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn, tiến gần tới mức các đô thị trung bình. Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, nhất là hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển và rừng phòng hộ ven biển, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm dân cư, đáp ứng yêu cầu phòng, chống bão, lũ, ngăn mặn và chống nước biển dâng. Bảo đảm điều kiện sản xuất và sống an toàn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và các vùng thường xuyên bị thiên tai. Chủ động triển khai các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thứ sáu, có chính sách huy động vốn và hỗ trợ tài chính thích hợp. Đa dạng hóa các nguồn vốn và đơn giản hóa, tối ưu hóa thủ tục tiếp cận vốn. Đầu tư phát triển mạnh hơn kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn; tiếp tục đầu tư phát triển giao thông nông thôn; đầu tư để bảo đảm cung cấp đủ điện sinh hoạt và nước sạch cho cư dân nông thôn. Có chính sách cho doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai thực hiện mô hình liên kết.
Thứ bảy, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách thu hút các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao vào làm việc trong ngành nông nghiệp, đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ đến công tác ở nông thôn. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ này ở cơ sở./.
-----------------------------
(1) Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hơn 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, có khoảng 80% số hộ có diện tích đất canh tác dưới 1ha
(2) Hiện nay, bình quân một hộ nông dân có 2 lao động và 2 người phụ thuộc. Trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp, có khoảng 97,1% số lao động không được đào tạo về nghề nghiệp, chỉ có khoảng 1,5% được đào tạo trình độ sơ cấp, khoảng 1,2% có trình độ trung cấp và khoảng 0,2% có trình độ cao đẳng, đại học
Xây dựng chuỗi cung ứng ngắn sản phẩm nông sản: Những kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp  (04/06/2020)
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế  (12/04/2020)
Để thị trường bất động sản nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững  (23/03/2020)
Huyện Đầm Hà hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp  (20/03/2020)
Mùa xuân đẹp giàu trên quê hương Hưng Yên  (05/02/2020)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên