Xây dựng chuỗi cung ứng ngắn sản phẩm nông sản: Những kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp
TCCS - Xây dựng chuỗi cung ứng ngắn cho các sản phẩm địa phương đang trở thành một xu hướng chủ đạo đối với hầu hết các nước châu Âu nói chung và Pháp nói riêng. Trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm địa phương ngày càng tăng cao bởi các đặc tính “bản sắc địa phương”, “tự nhiên”, “lành mạnh” và “đáng tin cậy”, cùng với đó giúp nâng cao thu nhập cho những hộ nông dân sản xuất nhỏ, đặc biệt là những nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương,… được xem là khởi nguồn thiết lập các chuỗi cung ứng ngắn.
Với những lợi ích mang lại cho các bên tham gia chuỗi cung ứng ngắn được nhìn nhận trên các góc độ từ kinh tế, xã hội đến môi trường, mô hình này dần thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống mà trong đó, quyền thương thảo của những người sản xuất nông nghiệp nhỏ, yếu thế với người tiêu dùng bị hạn chế. Với những thành công từ việc thực hiện các chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản trong thời gian qua, Chính phủ Pháp đã chính thức thể chế hóa các quy định về luật pháp, xóa bỏ các rào cản nhằm khuyến khích sự phát triển của mô hình này tại nhiều địa phương trên cả nước.
Lợi thế từ chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản
Chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản có thể hiểu một cách đơn giản chính là sự giảm thiểu tối đa các thành viên tham gia trong chuỗi cung ứng với các đặc trưng chủ yếu là: Khoảng cách về mặt địa lý, được đo bằng khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng; số lượng các đơn vị trung gian tham gia chuỗi cung ứng; sự kết nối, tương tác giữa người tiêu dùng và người sản xuất. Chuỗi cung ứng ngắn hướng tới mục tiêu cung cấp đến tay người tiêu dùng những sản phẩm phản ánh các đặc điểm,như “bản sắc địa phương”, “tự nhiên”, “lành mạnh” và “đáng tin cậy”,…
Chuỗi cung ứng ngắn đang dần trở thành một phương thức thương mại phổ biến trên toàn cầu, dần thay thế các phương thức thương mại truyền thống với chuỗi cung ứng đa tầng, nhiều công đoạn, nhiều trung gian tham gia, khiến người nông dân không có điều kiện để quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và người tiêu dùng cũng bị hạn chế khi tìm hiểu về nguồn gốc sản phẩm, phương thức canh tác, phương thức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, chuỗi cung ứng ngắn cũng hướng tới việc giảm tối đa các khâu trung gian, để đưa sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Chuỗi cung ứng càng ngắn càng tạo điều kiện thuận lợi trong việc duy trì và truyền đạt tính xác thực và độc đáo của sản phẩm nông sản dưới dạng bản sắc văn hóa, phương pháp sản xuất và xuất xứ của các sản phẩm. Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm địa phương tăng mạnh trong những năm trở lại đây, mua các sản phẩm địa phương với mục đích giảm thiểu sự ô nhiễm về môi trường, chất lượng sản phẩm được đáp ứng, tạo giá trị gia tăng cho cộng đồng địa phương,… được xem là động lực thúc đẩy sự gia tăng xu hướng tiêu dùng các sản phẩm địa phương.
Hình thức cung ứng sản phẩm nông sản mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia, như đối với hộ nông dân, phương thức này chính là kênh để đa dạng hóa các sản phẩm, hướng tới sản xuất tốt hơn, sạch hơn, thu được giá trị gia tăng cao hơn và nhờ đó bảo đảm doanh thu ổn định hơn. Đối với người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm nông sản sạch, an toàn do chính địa phương của mình làm ra với chi phí phù hợp hơn. Đối với nhà nước, chuỗi cung ứng ngắn đóng vai trò là một công cụ hữu ích trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo sinh kế bền vững cho các nông hộ, phát triển hợp tác xã, gắn kết các nông hộ, tạo lập hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn, chiến lược thực phẩm tích hợp, phát triển kinh doanh và doanh nhân, hệ sinh thái khởi nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng thân thiện về xã hội và môi trường.
Kinh nghiệm triển khai chuỗi cung ứng ngắn tại Pháp
Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như việc áp dụng các thành quả khoa học - kỹ thuật, công nghệ, Pháp đã trở thành quốc gia lớn nhất trong khu vực về sản xuất cung ứng và xuất khẩu các sản phẩm nông sản. Nông dân Pháp được hưởng nhiều ưu đãi từ Chính phủ cũng như của khu vực trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng nông sản qua các hình thức trợ giá sản phẩm. Các hình thức hỗ trợ nông dân được thực hiện thông qua các khoản trợ cấp tài chính khổng lồ được chuyển đến cho các trang trại, hộ nông dân Pháp nhằm ổn định phát triển sản xuất, cũng như thực hiện các chương trình phát triển nông thôn, đã tạo đà cho Pháp trở thành nhà xuất khẩu hàng nông sản đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới, sau Mỹ. Các sản phẩm xuất khẩu hàng nông sản chủ yếu gồm lúa mì, rượu nho, các sản phẩm thịt và sữa. Bên cạnh đó, sản lượng nông nghiệp hằng năm của Pháp liên tục tăng cao, bởi các yếu tố đạt được về năng suất lao động nông nghiệp cao, cũng như một nền công nghiệp chế biến thực phẩm ngày càng được hoàn thiện trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm xấp xỉ 3,5% GDP.
Mặc dù là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm nông sản lớn, song để bảo đảm nâng cao hơn nữa cuộc sống của người nông dân, đặc biệt là những hộ nông dân nhỏ, nhóm người yếu thế thì việc bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm nông sản với mức giá hợp lý, hay việc duy trì bản sắc của các sản phẩm địa phương, xây dựng các chuỗi cung ứng mang lại hiệu quả luôn được xem là một trong những chủ trương hàng đầu được Chính phủ Pháp quan tâm.
Chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản, thực phẩm tại Pháp được hình thành với đặc trưng cơ bản là chỉ duy trì tối đa một đơn vị trung gian trong chuỗi cung ứng, nhằm kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Xu hướng bán các sản phẩm trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng với những ưu điểm như tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với chuỗi truyền thống, duy trì bản sắc địa phương đối với sản phẩm,… đang ngày càng thu hút số đông các trang trại sản xuất nông nghiệp ở Pháp tham gia.
Nhằm thể chế hóa các chính sách, định hướng ưu tiên thành pháp luật, cũng như có được sự công nhận chính thức trong việc quản lý chuỗi cung ứng, năm 2010, Bộ Nông nghiệp Pháp đã chính thức công nhận chuỗi cung ứng ngắn theo hình thức bán hàng trực tiếp tại Điều khoản 230-1 Đạo luật số 2010-874, ngày 27-7-2010, về “hiện đại hóa nông nghiệp và đánh bắt cá”(1). Cũng theo đạo luật này, Chính phủ Pháp cho phép thành lập các chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản, thực phẩm địa phương dựa trên các nguyên tắc về an toàn thực phẩm, giảm thiểu các nhân tố trung gian và khuyến khích sự gần gũi về địa lý giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong chuỗi cung ứng. Việc thông qua đạo luật này cũng cho phép Chính phủ thực thi các chương trình hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng ngắn, như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ các hộ sản xuất muốn tham gia vào chuỗi, tổ chức các khóa đào tạo liên quan đến việc triển khai chuỗi cung ứng ngắn (2). Nhằm khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng này, Chính phủ Pháp tiếp tục ban hành Đạo luật số 1170-2014, ngày 13-10-2014, về “Chính sách khung về trang trại, trồng rừng và trồng trọt” (3), đồng thời tiếp tục có những điều chỉnh nhấn mạnh rõ hơn những quy định về chuỗi cung ứng ngắn như quy định về khu vực sản xuất, tương tác giữa người sản xuất với người tiêu dùng và chất lượng sản phẩm.
Tại cấp độ khu vực, chuỗi cung ứng ngắn và sản phẩm địa phương cũng đã được thể chế hóa trong quy định của Hội đồng châu Âu tại Điều khoản 2 Đạo luật số 1305/2013, về “Hỗ trợ tài chính thực hiện chương trình phát triển nông thôn bởi quỹ phát triển nông thôn EAFRD”(4): “Một chuỗi cung ứng thực phẩm có thể được định nghĩa là “ngắn” khi nó được mô tả cụ thể khoảng cách ngắn giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Các sản phẩm phải được ghi nhãn thông tin cho phép người tiêu dùng tự kết nối và liên lạc trực tiếp với địa điểm, khu vực sản xuất” (5).
Quy trình xây dựng và vận hành chuỗi cung ứng ngắn sản phẩm nông nghiệp tại Pháp hiện nay bao gồm các giai đoạn sau đây:
Giai đoạn tiền khởi động - xây dựng ý tưởng chuỗi cung ứng ngắn. Với ý tưởng giúp người sản xuất có cơ hội giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, bán các sản phẩm mang đặc trưng văn hóa địa phương, gắn kết với các chương trình truyền thông xây dựng hình ảnh,… chuỗi cung ứng ngắn sản phẩm nông nghiệp địa phương kết nối các hộ nông dân sản xuất và bán sản phẩm tại các cửa hàng và siêu thị của vùng.
Giai đoạn khởi nghiệp - xây dựng các bộ quy tắc, quản lý vận hành chuỗi. Để quản lý các hoạt động của chuỗi, các nhà sáng lập chuỗi đã kết nối các hộ nông dân sản xuất nhỏ tham gia chuỗi cung ứng ngắn, với cam kết tuân thủ các quy định như: 1- Các sản phẩm tham gia chuỗi phải là các sản phẩm nông nghiệp của vùng; 2- Các sản phẩm của chuỗi được bán tại các cửa hàng của vùng. Khoảng cách từ các trang trại sản xuất đến điểm bán hàng từ 20km-50km; 3-Các hộ nông dân được chủ động các hoạt động sản xuất của mình và chỉ tham gia hợp tác trong một không gian chung để bảo đảm các lợi ích về kinh tế, chịu trách nhiệm hữu hạn cho các khoản nợ liên quan đến hoạt động bán lẻ; 4- Đơn vị quản lý chuỗi chịu trách nhiệm lập ra quy trình về tổ chức và vận hành chuỗi, phân tách cụ thể các hoạt động trong sản xuất, lập hồ sơ thu thập các thông số về quy trình bán hàng trực tiếp (như thông tin về khách hàng, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, áp dụng mức phí trong bán sản phẩm trực tiếp trong chuỗi so với mặt bằng chung trong bán lẻ); 5- Để quản lý các thông tin về quy trình bán hàng, chuỗi thiết lập website quản lý bán hàng, theo đó các sản phẩm được quản lý theo mã vạch tương ứng với các hộ nông dân tham gia sản xuất. Điều này cho phép khách hàng có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm đến từng nhà sản xuất; 6- Theo quy định của chuỗi, các sản phẩm được nhập từ các nhà sản xuất khác nhau song mức giá đều được thống nhất, ghi cùng mức giá trên mỗi sản phẩm. Điều này tránh được sự cạnh tranh không cần thiết giữa các hộ sản xuất; 7- Các hộ nông dân chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm của mình đến các cửa hàng của chuỗi; 8- Để bảo đảm chi trả các chi phí chung như chi phí thuê cửa hàng, trả lương nhân viên, thực hiện các chương trình thành viên,… mức phí áp dụng trong từng thời điểm đối với các sản phẩm được chiết khấu tính trên doanh thu bán sản phẩm.
Giai đoạn trưởng thành - đánh giá những thành công, hạn chế của chuỗi cung ứng. Định kỳ họp đánh giá những thành công, hạn chế và đưa ra những điều chỉnh về nguyên tắc hoạt động của chuỗi được định kỳ tổ chức trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tuần. Tham gia họp định kỳ bao gồm ba nhóm là truyền thông, quản lý lao động và việc làm, nhóm giám sát và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Như vậy, sau một thời gian áp dụng chuỗi cung ứng ngắn đối với hàng nông sản, đã mang lại một số kết quả, đó là: Thứ nhất, khung khổ luật về chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản, thực phẩm được hoàn thiện, làm cơ sở để các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân nhỏ sản xuất các sản phẩm đáp ứng cho chuỗi cung ứng ngắn. Chuỗi cung ứng ngắn sản phẩm địa phương trở thành một trong những ưu tiên của Chính phủ Pháp trong việc thực hiện Chương trình phát triển nông thôn giai đoạn 2014-2020. Thứ hai, với việc thông qua đạo luật cho phép bán sản phẩm trực tiếp của người nông dân đến người tiêu dùng thông qua chuỗi cung ứng ngắn đã đưa Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trong EU có số lượng các hộ nông dân tham gia chuỗi cung ứng ngắn cao nhất. Sự bùng nổ chuỗi cung ứng ngắn ở Pháp được minh chứng qua các số liệu cụ thể: Nếu như trong năm 2005, trong tổng số 527.000 trang trại đã có 88.600 trang trại (tương ứng 16,8%) đã áp dụng hình thức bán hàng trực tiếp (6), thì đến năm 2014, mặc dù số lượng trang trại giảm xuống còn 490.000 trang trại (do xu hướng hợp nhất, mở rộng quy mô trang trại),song tỷ lệ trang trại tham gia bán sản phẩm trực tiếp lại tăng lên 18,38% (tương ứng88.200 trang trại) (7). Năm 2016, khảo sát của Eurobarometer cũng cho thấy, tỷ lệ các trang trại tham gia bán hàng trực tiếp đã tăng lên 21% (8). Trong những năm gần đây, phương thức bán hàng theo chuỗi cung ứng ngắn ngày càng được phát triển rộng trong các thành phố lớn, như mô hình bán cà phê tại Paris, hiện đã có hơn 400 hộ nông dân vùng ngoại ô cung cấp trực tiếp các sản phẩm cho chuỗi (9). Tuy nhiên, mô hình này chủ yếu tập trung ở những trang trại nhỏ, doanh thu thấp, thường tập trung vào những nhóm yếu thế của khu vực nông thôn. Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp phát triển chuỗi được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Pháp trong việc cải thiện thu nhập cho nhóm người yếu thế, những người nông dân, trang trại nhỏ.
Một số gợi ý đối với Việt Nam
Việt Nam là thị trường năng động với dân số hơn 95 triệu người, đa phần đang trong độ tuổi lao động, do đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International ở Anh, trong giai đoạn 2014 - 2018, mức tiêu thụ lương thực thực phẩm của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng là 11,4%. Tuy nhiên, một thực trạng đáng chú ý là người tiêu dùng ít nhiều mất lòng tin vào các sản phẩm nông sản của Việt Nam do vấn nạn thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh,... dẫn tới nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân trên cả nước đang ngày càng trở nên cấp bách.
Bên cạnh đó, việc sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp nói chung và nông sản nói riêng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những “điểm nghẽn” chưa giải quyết được trên diện rộng. Một trong những điểm yếu nhất phải kể đến là khâu cung ứng thực phẩm hiện nay vẫn chủ yếu theo mô hình truyền thống với nhiều tầng nấc, công đoạn trung gian, khiến người tiêu dùng không có sự tương tác trực tiếp với người sản xuất nông nghiệp (hộ nông dân).
Trong bối cảnh hiện nay, khi sức ép từ nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn ngày càng lớn, tạo ra cơ hội phát triển chưa từng có cho các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn là một trong những phương thức cần được khuyến khích phát triển. Trên thực tế, thời gian qua, khung pháp lý về chuỗi cung ứng hàng nông sản của Việt Nam đã được ban hành, như: Quyết định số 23/QĐ-TTg, ngày 6-1-2010, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25-10-2013, của Thủ tướng Chính phủ, về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn”; Quyết định số 1600/QĐ-TTg, ngày 16-8-2016, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”; Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018, “Vềchính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”; Nghị định 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018, “Về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” hay Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015,của Chính phủ, "Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”,… một phần nào đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, bảo đảm đời sống cho người nông dân không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, xét cụ thể đối với chuỗi cung ứng ngắnhàng nông sản thì các chính sách trên chưa có cơ chế riêng để hỗ trợ thúc đẩy, cũng như giám sát phát triển chuỗi này.
Mới đây nhất, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang diễn ra nghiêm trọng, cũng như những động thái của chính phủ nhiều nước trên thế giới trong việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa thương mại nói chung và hàng nông sản nói riêng, đã và đang gây ra những tác động không nhỏ đối với Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc là một thị trường lớn đối với hàng nông sản Việt Nam, chiếm 22% -24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam, đã ngừng nhập khẩu hàng nông sản trong thời gian qua, gây ra những biến động và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nuôi trồng và chế biến nông sản của các doanh nghiệp và các hộ nông dân trên khắp cả nước. Điều này cho thấy, sự phụ thuộc của hàng nông sản Việt Nam vào thị trường thế giới là hết sức lớn.
Để ứng phó với những khó khăn về thị trường nông sản, cũng như tìm kiếm một giải pháp mang tính dài hạn, bền vững, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chủ động phát triển thị trường trong nước nhằm tiêu thụ hàng nông sản bằng các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ; nghiên cứu và dự báo cung cầu, cung cấp thông tin thị trường kịp thời để các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết doanh nghiệp với nông dân phần nào cũng giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ nông dân cũng trở nên khá phổ biến. Theo số liệu thống kê đến tháng 11-2019, cả nước đã có 2.975 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 1.082 doanh nghiệp, 1.254 chuỗi được chứng nhận với 1.452 sản phẩm chuỗi nông sản an toàn, 3.172 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 469 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (10). Bên cạnh đó, để giải quyết được bài toán người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm trong nước, ngày 21-2-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp đã nhấn mạnh, bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, cần nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa trong thời gian tới; đồng thời, xem đây là ưu tiên hàng đầu để nhân dân có sản phẩm nông, thủy sản có chất lượng, bảo đảm sức khỏe của người dân Việt Nam (11).
Nhìn nhận thực tiễn về mô hình chuỗi cung ứng hàng nông sản trong nước, theo hình thức sơ khai của chuỗi cung ứng ngắn (bán hàng trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng), cũng đã xuất hiện một số hình thức chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản như: Mô hình bán sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất, trang trại đến người tiêu dùng (như mô hình bán sản phẩm nho, kết hợp với du lịch nông thôn ở Ninh Thuận, các gian hàng bán vải thiều của tỉnh Bắc Giang, mô hình cung cấp thực phẩm cho các trường tiểu học,...). Mô hình qua một khâu trung gian là các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp với phương châm đầu tư, thu mua trực tiếp hàng nông sản và cung ứng với số lượng lớn ra các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể của trường học, cơ quan, bệnh viện,...cũng đang có xu hướng phát triển, tạo ra nhiều lợi ích cho người nông dân và cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, mặc dù đã có sự triển khai ban đầu mô hình cung ứng ngắn, song việc thiếu khung pháp lý, cơ chế, chính sách dẫn đến các mô hình trên phát triển theo các hình thức tự phát, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm cụ thể trong quản lý. Do vậy, những kinh nghiệm trong việc triển khai chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản, thực phẩm thành công của Cộng hòa Pháp trong thời gian qua, nhất là về khung chính sách, thể chế, các quy định pháp lýnhằm quản lý hiệuquả chất lượng sản phẩm, phương thức cung ứng hàng nông sản, khuyến khích các hộ nông dân nhỏ tham gia chuỗi, tổ chức tập huấn đào tạo cho nông dân,… được xem là bài học tham khảo hữu ích cho Việt Nam trong thời gian tới./.
-----------------------
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia NAFOSTED trong đề tài mã số 01/2019/NCUD
(1), (3), (7) Magali Aubert, Geoffroy Enjolras: “Which stability for marketing channels? The case of short food supply chains in French agriculture”,https://hal.archives-ouvertes.fr/hal-01404562/document, 2016
(6), (8) Moya Kneafsey: “Short Food Supply Chains and Local Food Systems in the EU”,A State of Play of their Socio - Economic Characteristics, 2013
(4) Regulation (EU) No 1305/2013 of the European Parliament and of the council,https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=celex%3A32013R1305
(5) European Commission:Short Food Supply Chains and Local Food Systems in the EU,A State of Play of their Socio - Economic Characteristics, 2013
(9) Loredana Pianta: “Short food supply chains: setting another place at the table”,http://www.youris.com/bioeconomy/food/short-food-supply-chains-setting-another-place-at-the-table.kl, 2019
(10) Phương Nam: “Liên kết để gia tăng chuỗi giá trị nông sản”,https://thoibaokinhdoanh.vn/hop-tac-xa/lien-ket-de-gia-tang-chuoi-gia-tri-nong-san-1062887.html, ngày 26-3-2020
(11) Ưu tiên thị trường nội địa để làm động lực phát triển công nghiệp chế biến nông sản, https://baodautu.vn/uu-tien-thi-truong-noi-dia-de-lam-dong-luc-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-nong-san-d116439.html, ngày 21-2-2020
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển