Cải cách doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và một vài kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

Đinh Công Tuấn PGS, TS, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
00:15, ngày 07-03-2019

TCCS - Từ tháng 12-1978 đến nay, Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều các giải pháp để tiến hành cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước. Nhưng sự nghiệp cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc vẫn là một bài toán khó, rất nan giải. Kể từ sau Đại hội XVII (10-2012) đến nay, Trung Quốc đã đưa rất nhiều đường lối, chiến lược, với nhiều chính sách mới cải cách doanh nghiệp nhà nước. Những kinh nghiệm trong cải cách doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc có giá trị như những tham chiếu kinh nghiệm đối với chúng ta.

Khái quát các giai đoạn cải cách doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

Giai đoạn từ tháng 12-1978 đến tháng 10-1984: đây là giai đoạn Trung Quốc mở rộng quyền tự chủ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Giai đoạn từ tháng 10-1984 đến tháng 9-1988: đây là giai đoạn Trung Quốc cải cách nhằm tăng cường sức sống cho DNNN, giao quyền, tách quyền sở hữu khỏi quyền kinh doanh.

Giai đoạn từ tháng 9-1988 đến tháng 12-1991: đây là giai đoạn “chấn chỉnh, cải tạo nền kinh tế quá nóng”. Giai đoạn này Trung Quốc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, tối ưu hóa kết cấu quản trị doanh nghiệp.

Giai đoạn 1992 - 1997: đây là giai đoạn Trung Quốc tăng cường cải cách DNNN dưới khẩu hiệu “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”. Giai đoạn này, Trung Quốc đã thực hiện chế độ cổ phần hóa rộng rãi cho các DNNN, đây là biện pháp cải cách với bước đột phá lớn.

Giai đoạn 1998 - 2002: Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 đã ít nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Các DNNN Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối phó với giảm nhu cầu thanh khoản, dẫn đến hàng hóa sản xuất bị tồn đọng lớn. Đây là giai đoạn Trung Quốc tiến hành giải thể quản lý nhà nước trên quy mô rộng.

Giai đoạn 2003 - 2012 là giai đoạn Trung Quốc đẩy nhanh mạnh cải cách DNNN, xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, thực thi cải cách quản lý tài sản nhà nước.

Giai đoạn sau Đại hội XVIII (10-2012), trải qua 34 năm cải cách kinh tế (1978 - 2012), nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển cao, nhanh, liên tục đến mức độ đã “quá nóng” đầu tư cao. Trung Quốc gọi là “trạng thái cũ”, buộc Trung Quốc phải thúc đẩy đi sâu cải cách toàn diện, chuyển sang mô hình mới, gọi là “trạng thái bình thường mới”.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (10-2017) đánh dấu bước chuyển lớn trong cải cách kinh tế vĩ mô nói chung và cải cách DNNN Trung Quốc nói riêng. Với kế hoạch đưa ra đầy tham vọng, Trung Quốc mong muốn đến năm 2020 sẽ trở thành xã hội khá giả toàn diện (xóa nghèo), đến năm 2035 sẽ trở thành quốc gia thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN), thực lực kinh tế, thực lực khoa học - công nghệ Trung Quốc sẽ có bước nhảy vọt, xếp hàng đầu trong các nước có mô hình sáng tạo, cơ bản hình thành bố cục quản trị xã hội hiện đại, cơ bản thực hiện mục tiêu Trung Quốc tươi đẹp. Đến năm 2049, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về sức mạnh tổng hợp quốc gia và tầm ảnh hưởng quốc tế...

Đại hội đề ra mục tiêu xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, nền kinh tế của Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn tăng trưởng cao sang giai đoạn phát triển chất lượng cao, kiên trì coi chất lượng là số 1, ưu tiên hiệu quả và lợi ích, dựa vào cải cách kết cấu theo hướng trọng cung làm dòng chính, sáng tạo khoa học - kỹ thuật, tài chính hiện đại và nguồn nhân lực, không ngừng tăng cường sức cạnh tranh và sáng tạo của nền kinh tế Trung Quốc.

Về việc đi sâu cải cách kết cấu theo hướng trọng cung, Trung Quốc đã đưa ra việc xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, đưa trọng điểm của phát triển kinh tế vào nền kinh tế thực, đưa hệ thống nguồn cung chất lượng cao trở thành phương hướng chính, tăng cường rõ ràng ưu thế chất lượng của nền kinh tế Trung Quốc. Đẩy nhanh xây dựng cường quốc chế tạo, đẩy nhanh phát triển ngành chế tạo tiên tiến, thúc đẩy hội nhập sâu rộng giữa mạng in-tơ-nét, số liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và kinh tế thực thể, tạo dựng điểm tăng trưởng mới, dẫn dắt sáng tạo, môi trường xanh, các-bon thấp, kinh tế chia sẻ, chuỗi cung ứng hiện đại... Đồng thời, Trung Quốc sẽ kiên trì loại bỏ năng lực sản xuất, loại bỏ tồn kho, loại bỏ đòn bẩy, giảm giá thành, bổ sung thiếu sót, tối ưu hóa phân phối nguồn tài nguyên tồn đọng, mở rộng nguồn cung chất lượng tốt, thực hiện cân bằng động thái cung - cầu(1).

Phương châm, chiến lược cơ bản của Trung Quốc trong Đại hội XIX, được đưa ra bằng 14 kiên trì, trong đó kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với mọi công tác được xếp ở vị trí số 1. Đây là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong cải cách xây dựng đất nước. Vì vậy, về vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc từ sau Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chiếm vị trí tuyệt đối trong cải cách kinh tế, chỉ đạo kinh tế nói chung và trong cải cách DNNN Trung Quốc nói riêng. Cải cách kinh tế sẽ theo mô hình “nhà nước lớn, thị trường nhỏ”, ổn định chính trị và lợi ích quốc gia lấn át việc xác lập các nền tảng của kinh tế thị trường(2). Trong cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc, vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chiếm vị trí tuyệt đối. Thậm chí, Trung Quốc đã đưa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản vào Điều lệ hoạt động của các tập đoàn DNNN niêm yết. Vào tháng 8-2017, hơn 30 công ty nhà nước được yêu cầu sửa lại điều lệ công ty, phải đưa vai trò của tổ chức đảng vào vị trí hạt nhân của tập đoàn (Sinopec, ICBC, Haitong Securities, CRG, CIC...). Số lãnh đạo tỉnh thành xuất thân từ lãnh đạo DNNN đã chiếm 16% vị trí lãnh đạo (10/61 chức vụ lãnh đạo các tỉnh thành). Và sẽ thử nghiệm để Bí thư Đảng ủy DNNN kiêm luôn chức vụ giám đốc điều hành (CEO) hoặc tổng giám đốc. Các ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước (SASAC) tuyên bố rằng, bất kỳ quyết định nào trong DNNN liên quan đến các yếu tố “chiến lược” đều phải mang ra thảo luận trước Đảng ủy(3).

Đứng trước thực trạng hiệu quả kinh tế kém cỏi của DNNN Trung Quốc, như đóng góp 33% đầu tư, chiếm 30% nguồn vốn vay ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ của DNNN vay ngân hàng thương mại tăng từ 53% (năm 2008) lên 64% (năm 2014), nhưng chỉ đóng góp dưới 10% GDP, lợi nhuận giảm từ 58 tỷ USD (năm 2012) xuống còn 20 tỷ USD (năm 2017)(4),... buộc Trung Quốc phải đưa ra nhiều biện pháp cải cách DNNN mạnh tay, đầu tiên là tiến hành phá sản và sáp nhập các DNNN. Số DNNN trung ương do SASAC quản lý vốn giảm từ 189 (năm 2003) xuống còn 97 (năm 2017), và mục tiêu năm 2018 chỉ còn 80 doanh nghiệp(5).

Biện pháp tiếp theo là thực hiện chế độ sở hữu hỗn hợp. Chính quyền sẽ chứng khoán hóa các tài sản mà họ là đại diện chủ sở hữu trong doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, thành phố Thiên Tân đã chứng khoán hóa được 40% số tài sản của chính quyền trong các DNNN. Tương tự, Thành phố Bắc Kinh sẽ đạt con số 50%, tỉnh Giang Tây đạt 60%, tỉnh Quảng Đông là 70% và thành phố Trùng Khánh và tỉnh Hồ Nam đạt 80% vào năm 2020(6). Và cải cách DNNN Trung Quốc với phương châm chỉ tăng vốn tư nhân, nhưng không chấp nhận tư nhân hóa. Trong đó, sử dụng các công ty đầu tư vốn nhà nước là chính để tiến hành cải cách chế độ sở hữu đối với DNNN. Và sáp nhập với tốc độ nhanh, quy mô lớn các tập đoàn, công ty nhà nước(7). Trong quá trình cổ phần hóa DNNN, Trung Quốc chú ý để người trong nội bộ doanh nghiệp sở hữu cổ phần, các địa phương đã tiến hành thí điểm quy định tổng số cổ phần mà người nội bộ doanh nghiệp nắm giữ không vượt quá 30%, mỗi cá nhân không được mua quá 1% giá trị tài sản được chứng khoán hóa(8).

Một vài nhận xét và gợi mở cho Việt Nam

Thứ nhất, cải cách DNNN luôn gắn liền với chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về phát triển chính sách công nghiệp qua từng giai đoạn khác nhau.

- Giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1991: Trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi với xu hướng phát triển chính sách công nghiệp, cải cách thể chế kinh tế nói chung, cải cách DNNN nói riêng, Trung Quốc đã chú trọng vào phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp tiêu dùng, coi đó là chiến lược ưu tiên hàng đầu. Các ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển là ngành sợi, dệt may, điện dân dụng, chế biến nông sản... Đây là các ngành sử dụng nhiều lao động, không cần đầu tư quá nhiều vốn. Chính phủ đã sử dụng các biện pháp kiểm soát trực tiếp về số lượng, giá cả, phân bổ vốn, kỹ thuật và chính sách ngoại hối thông qua các công cụ, như hạn ngạch, quản lý giấy phép, quản lý danh mục đặc biệt, trợ cấp, thuế và thuế quan,... đồng thời, vẫn duy trì các chính sách bảo hộ đối với các ngành công nghiệp nặng như gang thép, hóa dầu, than... Nhờ những chính sách công nghiệp này, cùng với sự xuất hiện và phát triển của các xí nghiệp hương trấn và đặc khu kinh tế, đã tạo điều kiện đưa công nghiệp Trung Quốc dần ổn định và đi vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh.

Chính vì thế, nội dung cải cách DNNN trong giai đoạn này tập trung vào việc mở rộng quyền tự chủ cho các DNNN, tăng cường sức sống cho các DNNN như giao quyền, tách quyền sở hữu ra khỏi quyền kinh doanh, biến các DNNN trở thành chủ thể kinh doanh độc lập, lời ăn, lỗ chịu, tự cải tạo, tự phát triển, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, từng bước thực hiện chế độ khoán kinh doanh, thí điểm đấu thầu, cho thuê các DNNN vừa, nhỏ, tiến hành cổ phần hóa từng bước...

- Giai đoạn từ năm 1992 đến 2012 (trước đại hội XVIII): Cùng với sự thay đổi của nền tảng kinh tế khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường và hướng ngoại, chính sách công nghiệp Trung Quốc cũng có sự thay đổi lớn. Chính sách công nghiệp giai đoạn này tập trung vào việc hợp lý hóa cơ cấu công nghiệp, phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn hướng về xuất khẩu như công nghiệp ô-tô, điện tử, thông tin, hóa dầu... Những ngành này đã được chính phủ cho hưởng những ưu đãi về tài chính như thuế, trợ cấp, tín dụng, thực hiện điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhằm tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh cho các ngành xuất khẩu. Những ngành công nghiệp nhẹ, tiêu dùng, như dệt may, giày dép... dần được hợp lý hóa về cơ cấu thông qua các biện pháp điều chỉnh đầu tư. Những ngành công nghiệp cơ bản, như dầu khí, năng lượng, sắt thép cũng được chính phủ tăng cường ưu đãi về tài chính. Môi trường đầu tư được cải thiện cho phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thế giới, cũng như của nhu cầu đầu tư quốc tế, đầu tư nước ngoài đã chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng đầu tư, chú trọng thu hút các dự án sử dụng kỹ thuật cao. Đồng thời, chính phủ cũng thực hiện chính sách cạnh tranh bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách tài chính và hệ thống ngoại thương, tăng cường các quy định pháp luật để bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.

Về cải cách DNNN, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các xí nghiệp hiện đại, xây dựng các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, cải tổ, liên hợp, sáp nhập, cho thuê, bao thầu kinh doanh, hợp tác cổ phần, phát mại, nắm lớn, buông nhỏ, mạnh dạn thực hiện cổ phần hóa DNNN. Đồng thời, mạnh tay cho phá sản những DNNN làm ăn yếu kém, ban bố các luật phá sản, luật quản lý tài sản nhà nước, đẩy mạnh cải cách quản lý tài sản nhà nước...

- Giai đoạn từ tháng 10-2012 (Đại hội XVIII) đến nay: Đây là giai đoạn Trung Quốc thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc bước vào giai đoạn “trạng thái bình thường mới”, tăng trưởng trung bình, cơ cấu đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đều thay đổi theo xu hướng giảm đầu tư, xuất khẩu; đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước, giảm tiết kiện, đề cao trọng cung, tái cấu trúc nền sản xuất trong nước, biến Trung Quốc từ một quốc gia chế tạo sang quốc gia sáng tạo, loại bỏ các ngành công nghiệp có khói gây ô nhiễm môi trường, mở rộng các ngành công nghiệp sử dụng khoa học - công nghệ cao, chuyển dịch dần sang các ngành dịch vụ kỹ thuật công nghệ tiên tiến. Đặc biệt từ tháng 5-2015, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chiến lược “Made in China 2025” nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc chế tạo của thế giới với trình độ công nghệ tiên tiến và sáng tạo hàng đầu thế giới, đã xác định 10 lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Để đạt được các mục tiêu trên, Trung Quốc đã đề ra những cải cách DNNN như sau:

- Xác định vị trí, vai trò của kinh tế phi công hữu ngang bằng với kinh tế công hữu trong nền kinh tế thị trường. Tiến hành cổ phần hóa trong DNNN với cổ phần của Nhà nước chiếm ưu thế.

- Xác định kinh tế chế độ sở hữu hỗn hợp là hình thức thực hiện quan trọng của chế độ kinh tế cơ bản.

- Xác định lại tư duy cải cách quản lý tài sản nhà nước theo hướng quản lý chặt chẽ tài sản nhà nước, không để thất thoát tài sản nhà nước. Nâng cao vai trò của chi bộ Đảng trong các DNNN, chống tham nhũng, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, nhân sự trong các DNNN.

- Đề ra các biện pháp quản lý, quản trị DNNN hiện đại, vừa phù hợp với xu hướng quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện của Trung Quốc, vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thứ hai, sau Đại hội XVIII (năm 2012), đặc biệt sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (10-2013) mặc dù Trung Quốc xác định lại vị trí, vai trò của sở hữu phi công hữu, coi địa vị của nó ngang bằng với sở hữu nhà nước, nhưng thực tế vẫn có xu hướng vẫn đề cao vốn nhà nước chiếm địa vị chủ đạo trong cải cách chế độ sở hữu DNNN, không chấp nhận tư nhân hóa trong cổ phần hóa DNNN, xu hướng sáp nhập quy mô lớn, tốc độ nhanh các tập đoàn, công ty nhà nước. Trong hình thức sở hữu hỗn hợp, thì vốn nhà nước vẫn giữ chủ đạo. Cải cách quản lý tài sản nhà nước theo hướng nhà nước tập trung quyền lực, quản lý chặt chẽ vốn nhà nước, đề cao vai trò chi bộ Đảng trong các DNNN, tạo nên cục diện “Nhà nước lớn, thị trường nhỏ”.

Thứ ba, hiệu quả kinh tế của DNNN vẫn kém, nhà nước đầu tư cho DNNN lớn, cho phép được vay vốn lớn, nhưng đóng góp của nó vẫn không cao. DNNN vẫn hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn các doanh nghiệp phi công hữu, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, nợ lớn, lợi nhuận thấp, rủi ro cao, khả năng cạnh tranh thấp... Các biện pháp cải cách DNNN ở Trung Quốc vẫn chưa có hiệu quả.

Từ kinh nghiệm cải cách DNNN ở Trung Quốc qua 40 năm cải cách - mở cửa, đặc biệt từ sau Đại hội XVIII (năm 2012) đến nay, có thể đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam:

Một là, cần xây dựng luật và khung pháp lý về cải cách DNNN đúng đắn, tuân theo quy luật kinh tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cụ thể phải xây dựng môi trường kinh doanh và đầu tư đúng đắn, phù hợp; xây dựng khung pháp lý hiệu quả cho DNNN; xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn.

Hai là, cần xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp, thông thoáng, khuyến khích DNNN phát triển.

Ba là, cải cách mạnh mẽ quản lý và quản trị DNNN, đề cao quyền của cổ đông và các bên liên quan, công bố và minh bạch hóa thông tin, đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị DNNN, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, thực hiện quản trị tốt...

Bốn là, đề cao kết hợp chặt chẽ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và thị trường.

Năm là, xác định chế độ sở hữu hỗn hợp với sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế trong DNNN, nhưng DNNN vẫn giữ quyền chi phối, tiến hành cổ phần hóa DNNN một cách thận trọng, bảo đảm DNNN phát triển lành mạnh, phát triển theo luật pháp.

Sáu là, cần đề cao vai trò quản lý, giám sát của cơ quan quản lý vốn, tài sản của Nhà nước.

Bảy là, thực hiện phá sản, loại bỏ, sáp nhập những DNNN yếu kém, không có khả năng cạnh tranh, không phù hợp với xu hướng phát triển bền vững (gây tác hại đến môi trường, xã hội)./.

---------------------------------------------------

(1) “Nhận diện Trung Quốc qua Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội XIX”, Đài Tiếng nói Việt Nam, http://vov.vn/Print.aspx?id = 687472
(2) VEPR: “Tài liệu hội thảo công bố báo cáo: kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm và triển vọng 2018: căng thẳng thương mại và những cải cách căn bản”, Hà Nội, 8-2018, tr. 13
(3), (4), (5), (6), (7), (8) Tài liệu đã dẫn, tr. 16, 21, 23, 24