10 sự kiện nổi bật của Ngành tài chính năm 2018
TCCSĐT - Bộ Tài chính vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2018, đây là những đóng góp quan trọng vào thành tựu của kinh tế Việt Nam trong năm qua.
1. Tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong năm 2018, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và triển khai xây dựng Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo kế hoạch để Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua vào năm 2019; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 2 nghị quyết về chính sách tài chính; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 48 đề án; ban hành theo thẩm quyền 130 thông tư. Bên cạnh đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Quản lý nợ công do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đã được hướng dẫn và triển khai kịp thời ngay sau khi có hiệu lực thi hành. Từ việc hoàn thiện thể chế chính sách tài chính của Bộ Tài chính trong năm 2018, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới là Fitch và Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên 1 bậc, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
2. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018, góp phần quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, quyết tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực được giao quản lý và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến hết ngày 31-12-2018, thu ngân sách nhà nước ước vượt 7,8% dự toán, đạt tỷ lệ động viên so GDP khoảng 25,7%, trong đó thuế, phí đạt trên 21,1%; cả thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán; nhờ đó bảo đảm các nhiệm vụ chi, có thêm nguồn để xử lý các nhu cầu quan trọng, cấp thiết phát sinh. Công tác quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Bội chi ngân sách nhà nước được giữ trong phạm vi Quốc hội quyết định; quản lý nợ công diễn biến tích cực, tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn, giảm chi phí vay, an ninh tài chính quốc gia được bảo dảm. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, tăng cường các công cụ và biện pháp quản lý rủi ro đối với nợ công được xây dựng phù hợp và tiệm cận với thông lệ tốt của quốc tế, bảo đảm các giới hạn an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định.
3. Giữ vững vị trí tốp đầu các bộ, ngành về cải cách hành chính
Tháng 5-2018, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2017, theo đó, Bộ Tài chính xếp thứ 3 (trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) với số điểm 84,42% cùng nhiều chỉ số thành phần tích cực, thấp hơn cơ quan đứng thứ 2 chưa tới 2%.
Đáng chú ý, công tác cải cách hành chính, trọng tâm là kiểm soát thủ tục hành chính luôn được Bộ Tài chính chú trọng thực hiện. Tính từ năm 2016 đến ngày 02-10-2018, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, cắt giảm 174 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 888 thủ tục hành chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2141/QĐ-BTC, ngày 20-11-2018, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó rà soát cắt giảm 148 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 28 thủ tục hành chính thuộc 13 lĩnh vực.
4. Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Tài chính tinh gọn, hiệu quả
Thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Bộ Chính trị, toàn ngành Tài chính đã tập trung kiện toàn, đổi mới và sắp xếp bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 536 đầu mối; tinh giản được 601 biên chế, đạt 112% kế hoạch tinh giản biên chế theo Đề án (538 biên chế). Ngoài ra, đã cắt giảm 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 3.488 chỉ tiêu biên chế (gần 4,7%) so với biên chế được giao năm 2015.
5. Sáu năm liên tiếp giữ vị trí số 1 Bảng xếp hạng Việt Nam ICT Index 2018 (Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam) và là cơ quan đầu tiên trong bộ máy Chính phủ Việt Nam được Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) chọn để trao Giải thưởng “ASOCIO Outstanding User Organization 2018” (Tổ chức Ứng dụng công nghệ thông tin xuất sắc khu vực châu Á, châu Đại Dương)
Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Việt Nam ICT Index 2018) được công bố trong tháng 8-2018, Bộ Tài chính tiếp tục đứng ở vị trí số 1 với chỉ số ICT index 0,9263 (đây là năm thứ 6 liên tiếp kể từ năm 2013 đến nay Bộ Tài chính đứng ở vị trí số 1).
Ngày 08-11-2018, tại Tokyo, Nhật Bản, Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) đã tổ chức công bố và trao Giải thưởng ASOCIO 2018 cho 31 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất sắc từ các quốc gia và nền kinh tế thành viên. Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên trong bộ máy Chính phủ Việt Nam được ASOCIO chọn trao giải thưởng quốc tế “ASOCIO Outstanding User Organization 2018” (Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin xuất sắc khu vực châu Á, châu Đại Dương)”.
6. Chủ động trong công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát năm 2018 đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Năm 2018, Quốc hội đã đề ra mục tiêu lạm phát (CPI) bình quân ở mức khoảng 4%. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác quản lý, điều hành giá đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành bám sát tín hiệu thị trường, phối hợp một cách linh hoạt, hiệu quả để chủ động có các phương án điều hành giá phù hợp, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá trong những lúc mặt bằng giá có các biến động bất thường. Công tác quản lý, điều hành giá bảo đảm tính công khai, minh bạch, chú trọng và đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích dự báo giá cả thị trường, làm cơ sở cho việc dự báo diễn biến CPI cụ thể, chi tiết qua đó xây dựng kịch bản điều hành giá phù hợp sát với diễn biến thực tế trong từng thời điểm, từng thời kỳ.
Kết quả, lạm phát năm 2018 ở mức bình quân cả năm là 3,54% đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra dưới 4% và cung cầu hàng hóa trên thị trường được bảo đảm.
7. Triển khai hiệu quả công tác quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn đã tiết kiệm chi phí vay, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, phát triển thị trường trái phiếu chính phủ và hỗ trợ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã chủ động triển khai công tác quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước và huy động vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu chi của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch. Kho bạc Nhà nước đã kịp thời tham mưu Bộ Tài chính điều chỉnh giảm nhiệm vụ phát hành trái phiếu Chính phủ và sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để vừa bảo đảm mục tiêu đáp ứng cân đối ngân sách vừa duy trì mục tiêu phát triển thị trường, ổn định mặt bằng lãi suất chung, giúp giảm áp lực phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường, tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước. Với việc sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay thay cho phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường đã tiết kiệm được gần 1.600 tỷ đồng chi phí trả lãi năm 2019 của ngân sách nhà nước. Nếu so với năm 2017, chi phí vay năm 2018 giảm, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 2.500 tỷ đồng trả lãi hàng năm.
8. Thị trường tài chính, thị trường chứng khoán phát triển tốc độ cao, ổn định; thúc đẩy đầu tư gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán
Năm 2018, thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua những biến động khá mạnh, xu hướng giảm điểm lan toả tại hầu hết các thị trường chứng khoán, tuy nhiên, nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô, các chính sách phát triển thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trên nhiều khía cạnh và vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2018 cũng là năm chỉ số VN-Index có lúc đã đạt đỉnh 1.204,33 điểm. Tính đến ngày 28-12-2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương 79% GDP năm 2017 và tương đương với 72% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thì trường chứng khoán đến năm 2020. Thị trường chứng khoán Việt Nam dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Tháng 4-2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại Hàn Quốc. Hội nghị đã tạo ra kênh đối thoại cởi mở, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam, củng cố lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.
9. Tổ chức thành công Hội nghị và tạo bước chuyển căn bản thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại
Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” diễn ra ngày 24-7-2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới. Việc tổ chức thành công Hội nghị “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” đã tạo ra bước ngoặt lớn khi đưa ra những định hướng, mục tiêu, giải pháp lớn, mang tính hệ thống, đồng bộ của Chính phủ thúc đẩy việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại trong giai đoạn 2018 - 2020.
Ngay sau khi Hội nghị diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1254/QĐ-TTg, ngày 26-9-2018, về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.
Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành rà soát quy trình nghiệp vụ, chỉ tiêu thông tin, phát triển phần mềm, bảo đảm kết cấu hạ tầng, kết nối kỹ thuật bảo đảm triển khai các thủ tục hành chính mới trên cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2018, đồng thời khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trình Chính phủ ban hành.
Kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN kể từ sau khi tổ chức thành công Hội nghị cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ đã được các bộ, ngành chuyển hóa thành những hành động cụ thể, quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả được thực hiện. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc để đạt được những mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1254/2018/QĐ-TTg, ngày 26-9-2018, của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
10. Chi phí tuân thủ thực hiện các thủ tục hành chính về thuế xếp thấp thứ nhất và chi phí tuân thủ thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan xếp thứ 3 trong 8 thủ tục hành chính được đánh giá
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 (APCI 2018) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính về thuế là thấp nhất trong 8 nhóm thủ tục được đánh giá, với chi phí tuân thủ chỉ 73,7 nghìn đồng, tương đương với 0,58% chi phí tuân thủ trung bình của 8 thủ tục hành chính được khảo sát và 0,1% chi phí tuân thủ của nhóm cao nhất.
Báo cáo APCI 2018 cũng đánh giá nhóm thủ tục hành chính hải quan nằm trong nhóm chi phí tuân thủ thấp (xếp hạng 3/8 nhóm thủ tục hành chính), bằng 28% (3,53 triệu đồng) chi phí tuân thủ của cả 8 nhóm thủ tục hành chính (xấp xỉ 12,7 triệu đồng)./.
Thông cáo chung về hợp tác - phát triển biên giới Việt Nam - Campuchia  (11/01/2019)
Thông cáo chung về hợp tác - phát triển biên giới Việt Nam - Campuchia  (11/01/2019)
Khai mạc phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/01/2019)
Hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  (10/01/2019)
Thúc đẩy các quan hệ đối ngoại của Đảng vào chiều sâu và thực chất  (10/01/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên