Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, an ninh - quốc phòng trong tình hình mới
TCCSĐT - Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển là tiền đề quan trọng để định hướng phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Kết quả của điều tra cơ bản làm cơ sở xác lập luận cứ khoa học, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải.
Vai trò của công tác điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, hải đảo
Nhận thức rõ về vị trí chiến lược của biển, hải đảo đối với kinh tế và an ninh - quốc phòng của đất nước, Đảng và Nhà nước đã sớm có những chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán qua các thời kỳ về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngày 01-3-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg, về việc phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”. Ngày 09-02-2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, khẳng định tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển nước ta có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh - quốc phòng quốc gia.
Tiếp theo, từ năm 2010 đến năm 2013, Chính phủ ban hành 03 quyết định bổ sung nhiều dự án vào Đề án tổng thể. Ngày 25-6-2015, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01-7-2016. Luật ra đời đã đánh dấu một bước quan trọng trong công tác quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã nêu: “diễn biến phức tạp trên biển Đông đã tác động bất lợi đến nước ta trong tình hình mới. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á đã trở thành một cộng đồng, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng; đồng thời, đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông còn diễn ra gay gắt”(1).
Trước những cơ hội và thách thức đó, công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển càng quan trọng và cần đi trước một bước để bảo đảm cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển bền vững kinh tế biển, củng cố an ninh - quốc phòng, chủ quyền biển, đảo. Hoạt động điều tra cơ bản nhằm cung cấp các thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, giúp hiểu rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế, các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Một số kết quả đạt được trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, hải đảo
Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án tổng thể, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về đo đạc bản đồ biển; địa chất - khoáng sản biển, địa chất công trình, địa chất môi trường; địa chất môi trường và tai biến địa chất; tài nguyên dầu khí; tài nguyên sinh vật và hải sản; đất đai, nước và các hệ thống cửa sông tại các vùng ven biển và hải đảo; tài nguyên khí hydrate.
Những kết quả trong các lĩnh vực này có vai trò và ý nghĩa thiết thực, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh - quốc phòng trên biển theo đúng mục tiêu của Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra:
Một là, xác lập những luận cứ khoa học về đặc điểm địa chất, địa mạo, qua đó đã củng cố được các cơ sở khoa học để nước ta trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước năm 1982 mà nước ta là một thành viên ra 350 hải lý.
Hai là, cung cấp các số liệu quan trọng về hiện trạng, dự báo tiềm năng tài nguyên, môi trường biển phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, khoáng sản biển, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.
Ba là, các phát hiện quan trọng về tiềm năng khoáng sản biển, như khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng sản titan ven biển, kim loại đáy biển và đặc biệt là việc phát hiện thêm các khu vực khí hydrate và phát hiện thêm khu vực chứa dầu khí không những có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế biển, mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của nước ta trong bối cảnh các nguồn tài nguyên năng lượng đang dần cạn kiệt, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao.
Bốn là, các dữ liệu về địa chất công trình quanh các đảo, bãi ngầm và một số khu vực ven bờ là cơ sở để thiết kế, bố trí, xây dựng các công trình phòng thủ trên biển trong bối cảnh an ninh trên biển đang có những diễn biến rất phức tạp.
Năm là, các dữ liệu về hiện trạng, tiềm năng tài nguyên đất, tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất tại một số khu vực ven biển và một số đảo; xác lập được các quy luật xói lở, bồi tụ cửa sông, ven biển có giá trị hết sức quan trọng cho việc sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau phục vụ phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên môi trường biển, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng tại vùng cửa sông, ven biển trên cả nước.
Những hạn chế trong công tác điều tra cơ bản biển và hải đảo
Mặc dù những năm qua Nhà nước đã chú trọng đầu tư về nguồn lực cho công tác điều tra cơ bản, cơ cấu tổ chức bộ máy và và các văn bản pháp quy liên quan tới công tác điều tra cơ bản biển và hải đảo từng bước được hoàn thiện, song công tác điều tra cơ bản biển và hải đảo vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, như chưa quản lý thống nhất được các số liệu về điều tra cơ bản biển và hải đảo của các bộ, ngành và địa phương. Do đó, công tác lập quy hoạch, kế hoạch tổng thể về điều tra cơ bản còn gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án bị trùng lặp về phạm vị, nội dung gây lãng phí ngân sách nhà nước; chất lượng điều tra cơ bản ở một số lĩnh vực còn chưa tốt; công tác điều tra cơ bản ở vùng biển xa, biển sâu chưa được chú trọng, các dự án hiện nay chủ yếu điều tra ở các vùng biển ven bờ, vùng biển nông, chỉ có một số ít các dự án điều tra cơ bản ở vùng biển sâu, biển xa; công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển quốc gia còn rất chậm, ảnh hưởng tới việc khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu về biển phục vụ phát triển kinh - tế xã hội, làm giảm tính thời sự của kết quả điều tra cơ bản, do vậy, gây lãng phí ngân sách nhà nước; việc khai thác, sử dụng kết quả điều tra cơ bản phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế chưa phát huy hết khả năng ứng dụng của sản phẩm điều tra.
Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan là do điều tra cơ bản biển là lĩnh vực mới, điều tra khắc nghiệt, nguy hiểm; nhiều khu vực điều tra có tình hình an ninh rất phức tạp, công tác khảo sát thực địa trên biển phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết; việc bố trí kinh phí cho các dự án không đáp ứng yêu cầu kế hoạch điều tra.... Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân chủ quan liên quan tới công tác quản lý và tổ chức thực hiện, như: 1- Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác điều tra cơ bản nhìn chung còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; 2- Chưa có đủ cơ chế, văn bản pháp lý và nguồn lực nhằm phát huy tối đa vị trí, vai trò của cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về điều tra cơ bản; 3- Công tác giám sát, kiểm tra và nghiệm thu các dự án còn thiếu sát sao, chưa kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện; 4- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình công nghệ còn rất thiếu, gây khó khăn cho công tác quản lý và tổ chức điều tra cơ bản làm giảm chất lượng kết quả điều tra; 5- Cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu về điều tra cơ bản giữa các bộ, ngành còn nhiều hạn chế ảnh hưởng tới sự kế thừa tài liệu, dẫn đến nhiều nội dung điều tra bị chồng chéo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Định hướng hoạt động điều tra cơ bản biển và hải đảo trong tình hình mới
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách đãi ngộ cho người làm công tác về biển và hải đảo.
Rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện có và triển khai xây hệ thống các văn bản mới để thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ban hành năm 2015. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy, quy định kỹ thuật, quy trình công nghệ về điều tra cơ bản phục vụ quản lý chất lượng kỹ thuật công tác điều tra.
Xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm vào làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển.
Thứ hai, kiện toàn cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về điều tra cơ bản.
Kiện toàn cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách về điều tra cơ bản để hình thành một cơ quan có vị trí pháp lý đủ tầm, đủ mạnh để bảo đảm thực hiện là cơ quan tham mưu giúp nhà nước hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng, để phát huy tối đa lợi thế; hạn chế tối đa sự chồng chéo trong công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ về điều tra cơ bản như hiện nay.
Thứ ba, tăng cường nguồn lực cho công tác điều tra cơ bản.
Tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả quản lý, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra cơ bản thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển. Chú trọng đầu tư phương tiện, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng khả năng điều tra, nghiên cứu và phát hiện các tài nguyên mới ở các vùng biển sâu, biển xa, các đảo xa bờ, đảo trọng yếu và vùng biển quốc tế liền kề. Nâng cao năng lực quan trắc, giám sát nhằm phát hiện nhanh các sự cố môi trường trầm trọng, như các sự cố đang xảy ra gần đây: xâm nhập mặn, hạn hán, thủy triều đỏ, sinh vật biển chết hàng loạt, trên diện rộng,…
Thứ tư, đề xuất các chương trình, đề án, dự án có tính cấp bách, phục vụ bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh thổ.
Tiến hành tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Đề án tổng thể (2006 - 2016) và xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tiếp tục đề xuất các chương trình, dự án mới có tính cấp bách, quan trọng, phù hợp chủ trương, định hướng điều tra trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Luật Bảo vệ môi trường, ưu tiên các vùng biển sâu, biển xa, vùng biển quốc tế liền kề, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và giữ vững chủ quyền trong tình hình mới. Đồng thời, đưa kết quả điều tra cơ bản vào thực tế sử dụng, đặc biệt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường ở các địa phương ven biển. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển quốc gia trên cơ sở tích hợp các kết quả điều tra cơ bản phục vụ công tác quản lý.
Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương.
Tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành về chính sách, chiến lược biển cấp Trung ương và cấp vùng. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương ven biển trong công tác quản lý nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.
Thứ sáu, cần nâng cao công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai dự án.
Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án, nhằm bảo đảm tiến độ, khối lượng, chất lượng điều tra; có các biện pháp xử lý quyết liệt đối với các dự án thực hiện quá chậm, chất lượng sản phẩm kém hoặc sai các quy định hiện hành; có thể mời chuyên gia nước ngoài tham gia kiểm tra đối với các đối tượng điều tra mới.
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động điều tra cơ bản.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động điều tra cơ bản, đặc biệt hợp tác với các nước có chung biển Đông và chủ động hợp tác với các nước có kinh nghiệm trên thế giới về điều tra, nghiên cứu tài nguyên và môi trường ở các vùng biển sâu, biển xa để liên kết xây dựng và triển khai các dự án điều tra, nghiên cứu ở vùng biển quốc tế. Hợp tác và tận dụng nguồn lực công nghệ cao của các nước phát triển để tiếp cận, chuyển giao và sử dụng các thiết bị công nghệ cao đáp ứng các yêu cầu trong thời kỳ mới./.
-----------------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 428
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1973 - năm bản lề của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975  (11/10/2018)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và giá trị đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay  (11/10/2018)
Bảo đảm công bằng, bình đẳng góp phần giữ vững ổn định chính trị ở nước ta  (11/10/2018)
Quan hệ Việt Nam - Anh: đối tác chiến lược vì sự phát triển  (11/10/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển