TCCSĐT - Để phản đối chính sách cải cách luật lao động của chính phủ, các nhân viên Tổng công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) đã tiến hành một cuộc đình công kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ ngày 03-4-2018. Đây được xem là thách thức lớn nhất đối với các nỗ lực cải cách của Tổng thống E. Macron.

Nước Pháp gặp khó khi nỗ lực cải cách một số ngành kinh tế

 
 Công nhân ngành đường sắt Pháp đình công. Ảnh: Leparisien.fr

Để phản đối chính sách cải cách luật lao động của chính phủ, các nhân viên Tổng công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) đã tiến hành một cuộc đình công kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ ngày 03-4-2018. Đây được xem là thách thức lớn nhất đối với các nỗ lực cải cách của Tổng thống E. Macron.

Báo chí Pháp gọi tên sự kiện này là “Ngày thứ Ba đen tối”, bởi những lo ngại kế hoạch đình công này sẽ gây trở ngại lớn cho 4,5 triệu hành khách sử dụng hệ thống tàu đi làm mỗi ngày tại Pháp.

Theo kế hoạch, các cuộc đình công của SNCF sẽ kéo dài ba tháng, bắt đầu từ ngày 03-4 đến ngày 28-6-2018 do bốn nghiệp đoàn là CGT, Unsa, SUD, CFDT tổ chức. Với chiến dịch này, trung bình năm ngày thì hai ngày bãi công, ba ngày làm việc (khoảng 36 ngày đình công). Đây là một trong số những động thái nhằm phản đối kế hoạch cải cách SNCF - một đơn vị đang ngập trong nợ nần, để chuyển cho một công ty làm ăn có lãi nhằm cạnh tranh với hệ thống đường sắt châu Âu.

Ông E. Grondein, Chủ tịch của Sud Rail, một trong bốn nghiệp đoàn tổ chức cuộc đình công này cho biết, hành động của họ nhằm bảo vệ dịch vụ công cộng của Pháp, chứ không chỉ bảo vệ công nhân đường sắt. Theo công bố của công đoàn SNCF, gần 34% số nhân viên tham gia đợt đình công này, khiến chỉ có 12% số chuyến tàu trên toàn nước Pháp hoạt động. Công đoàn cho biết, trong “Ngày thứ Ba đen tối”, hơn 3/4 số nhân viên lái tàu tham gia đình công. Đồng thời, chỉ 1 trong 8 chuyến tàu tốc độ cao TGV và 20% số chuyến tàu khu vực hoạt động.

Không chỉ có đình công của ngành đường sắt, nước Pháp còn phải đối mặt với thêm nhiều cuộc đình công khác. Đó là cuộc đình công từ những người thu dọn rác, công nhân năng lượng và nhân viên hàng không. Hãng hàng không Pháp Air France cũng dự định giảm bớt 25% số chuyến bay do nhân viên đòi tăng 6% lương và dự định có bốn cuộc đình công trong một tháng.

Trong lịch sử, chính phủ Pháp đã nhiều lần phải gánh các khoản nợ cho SNCF nhưng tình trạng nợ nần triền miên và ngày càng tăng mạnh của tổng công ty này đã đến lúc buộc nước Pháp phải cải cách triệt để nếu không muốn giải quyết hậu quả kinh tế, xã hội vô cùng nghiêm trọng trong tương lai gần. Tính đến nay, số nợ khổng lồ của SNCF đã là 54,5 tỷ euro (hơn 67 tỷ USD, tương đương 7,6% ngân sách quốc gia Pháp năm 2018, 2% GDP Pháp năm 2017) và dự báo tiếp tục tăng lên từng năm, đe dọa tới hoạt động của SNCF nói riêng trong tương lai và nền kinh tế Pháp nói chung. Mỗi năm, SNCF phải trả nợ từ 1,1 - 1,3 tỷ euro.

Cải cách SNCF là một phần trong kế hoạch cải tổ kinh tế rộng lớn của Tổng thống Pháp E. Macron kể từ khi đắc cử tổng thống vào năm 2017. Theo kế hoạch, chính phủ của Tổng thống E. Macron dự định ngừng cấp quy chế lao động đặc biệt cho các nhân viên mới của ngành đường sắt, vốn được bảo đảm công việc trọn đời và được nghỉ hưu sớm. Chính phủ cũng dự định sáp nhập 3 cơ sở tạo nên SNCF thành một doanh nghiệp duy nhất khiến các công đoàn lo ngại đây có thể là bước đầu tiên nhằm tư nhân hóa ngành đường sắt.

Kế hoạch cải cách SNCF của Tổng thống E. Macron tuy được giới doanh nghiệp ủng hộ nhưng lại bị công đoàn và người lao động phản đối mạnh mẽ. Ngày 03-4, bộ trưởng Giao thông E. Borne khẳng định, việc cải cách lĩnh vực đường sắt phải được tiến hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và cạnh tranh. Theo bà E. Borne, chính phủ chưa bao giờ có ý định tư nhân hoá SNCF, đồng thời kêu gọi các công đoàn tiếp tục đàm phán về cải cách ngành đường sắt. Chính phủ sẵn sàng thảo luận với đại diện công đoàn về việc mở cửa để cạnh tranh, về các khoản nợ và khuôn khổ xã hội. Tuy nhiên, những người bãi công lo ngại rằng việc cải cách, sau đó tư nhân hóa SNCF sẽ dẫn đến việc họ bị mất quyền lợi như hiện nay, cắt giảm việc làm, rơi vào hoàn cảnh khó khăn... Phát biểu với các nhà lập pháp tại Quốc hội, Thủ tướng E. Philippe cũng khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch cải cách SNCF, dự kiến sẽ tốn 14 tỷ euro (tương đương 17,2 tỷ USD) mỗi năm. Với tính toán rằng việc đi tàu ở Pháp đắt hơn 30% so với bất kỳ quốc gia EU nào, Chính phủ Pháp cho rằng, SNCF cần cải cách sâu rộng trong bối cảnh nhiều nước đang chuẩn bị mở các tuyến đường sắt để cạnh tranh vào năm 2020.

Hội nghị An ninh quốc tế Moscow: Bảo đảm an ninh ở nhiều khu vực và đóng góp vào hòa bình thế giới

 
 Giám đốc Cơ quan An ninh Nga A. Bortnikov phát biểu. Ảnh: Gettyimages


Trong hai ngày 04 và 05-4-2018, tại thủ đô Moscow (Nga) đã diễn ra Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 7 (MCIS 2018) với sự tham dự của hơn 850 đại biểu đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 7 diễn ra trong bối cảnh an ninh toàn cầu đang có những diễn biến khó lường xung quanh vấn đề bán đảo Triều Tiên, khủng hoảng ở Trung Đông, NATO mở rộng vùng ảnh hưởng đến biên giới nước Nga,... Tổ chức Hội nghị lần này, Nga mong muốn duy trì đối thoại bình đẳng trong lĩnh vực an ninh toàn cầu với Liên minh châu Âu (EU), NATO và các quốc gia khác trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau thông qua con đường ngoại giao, kinh tế, pháp lý, thông tin và các biện pháp khác. Hội nghị bao gồm 5 phiên họp toàn thể với các chủ đề: “Đánh bại IS ở Syria: Kết quả và triển vọng đối với hòa bình tại khu vực”, “An ninh toàn cầu trong thế giới đa cực”, “An ninh châu Âu: Hợp tác hay đối đầu”, “Châu Á: Những khía cạnh an ninh khu vực”, “Sự ứng phó cụ thể của các cơ quan quốc phòng trong khu vực trước các nguy cơ và thách thức quốc gia”.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thống Nga V. Putin nhấn mạnh, mặc dù phải hứng chịu nhiều thất bại quân sự, nhưng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn duy trì tiềm năng tàn phá lớn, có khả năng nhanh chóng thay đổi và thực hiện tấn công tại nhiều nước và khu vực khác nhau trên thế giới. Các nhóm cực đoan cũng đang tạo ra mối đe dọa to lớn đối với an ninh quốc tế. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế cần phải cùng nhau suy nghĩ về những khuôn khổ hợp tác đa phương mới cho phép củng cố những thành công đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố, và ngăn chặn phổ biến mối đe dọa này.

Tại Hội nghị, Giám đốc Cơ quan An ninh Nga A. Bortnikov nhấn mạnh, các nhóm khủng bố hiện nay đã nắm vững các công nghệ thông tin và viễn thông hiện đại. Ước tính hiện các nhóm khủng bố đang có khoảng hơn 10 trang web và hàng trăm nghìn tài khoản mạng xã hội để tuyển mộ và tuyên truyền tấn công khủng bố. Đáng lo ngại hơn, các phương tiện thông tin liên lạc qua internet mã hóa, ngân hàng điện tử, tiền ảo (Cryptocurrency) cũng bị các nhóm khủng bố sử dụng để cung cấp tài chính và chỉ đạo các hoạt động khủng bố từ xa.

Hội nghị là cơ hội để cộng đồng quốc tế tiếp tục có những khuôn khổ hợp tác đa phương mới, cho phép củng cố những thành công đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn các mối đe dọa lan rộng. Ngoài ra, với các phiên thảo luận toàn thể tập trung vào các vấn đề an ninh ở châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, Hội nghị cũng đang dần trở thành một cơ chế hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh ở nhiều khu vực và đóng góp vào hòa bình thế giới.

Hội nghị An ninh quốc tế Moscow là hoạt động thường niên, do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức từ năm 2012. Mục đích của diễn đàn là củng cố sự hợp tác của các cơ quan quốc phòng các nước, tìm kiếm giải pháp chung chống lại những thách thức và đe dọa mới. Qua 7 lần tổ chức, Hội nghị đã khẳng định, đây là một diễn đàn uy tín, đóng góp thiết thực vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Nam Phi nỗ lực hành động để bảo vệ nguồn nước

 
 Cảnh báo "Day Zero" ở Cape Town (Nam Phi). Ảnh: Afrika News

Thời gian gần đây, cụm từ “Day Zero” (Ngày không nước) liên tục được nhắc đến như một hồi chuông báo động về tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt tại Nam Phi. Nhờ những nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân nhằm bảo vệ nguồn nước, chính quyền thành phố Cape Town của Nam Phi vừa công bố chính thức lùi mốc “Ngày Không nước” được dự báo trước đó rơi vào khoảng tháng 8-2018 sang năm 2019.

Là một trong những đô thị giàu có và phát triển nhất lục địa, Cape Town là điểm đến được nhiều khách du lịch lựa chọn khi đến Nam Phi. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thành phố Cape Town cũng như cả lục địa châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt kéo dài, gây ảnh hưởng không ít tới công tác du lịch và các ngành dịch vụ. Ngành du lịch tại Nam Phi chiếm tới 9% (khoảng 35 tỷ USD) sản lượng kinh tế của Nam Phi vào năm 2017. Năm 2017, lượng khách du lịch đến Cape Town đã sụt giảm khoảng 4% so với năm trước, làm ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế của những người dân trong khu vực. Khó khăn này là do tác động của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 1 thế kỷ qua cùng với nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao. Chính quyền thành phố cảnh báo, hơn 4 triệu cư dân tại đây có thể sẽ phải trải qua “Ngày không nước” khi nguồn tài nguyên quý giá này trở nên cạn kiệt.

Đứng trước những tác động đáng lo ngại của tình trạng khan hiếm nguồn nước đối với ngành du lịch mũi nhọn cũng như đời sống của người dân trong khu vực, chính quyền các thành phố về du lịch lớn tại Nam Phi đã có những hành động cụ thể và rõ rệt. Mới đây, chính quyền của nhiều thành phố tại châu Phi yêu cầu người dân giảm 26 triệu gallon (tức là tiết kiệm khoảng 98 triệu lít nước) trong tổng mức tiêu thụ nước sinh hoạt mỗi ngày.

Đối với Cape Town nói riêng, việc duy trì lượng du khách đặt chân tới thành phố đang được coi là một trong những ưu tiên khẩn cấp của chính quyền cũng như người dân nơi đây. Chính phủ và doanh nghiệp đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung nước sạch để phục vụ cho nhu cầu của người dân và khách du lịch. Chính quyền thành phố Cape Town đã và đang lên những kế hoạch cụ thể để ứng phó với khan hiếm nguồn nước. Trong nhiều tháng qua, chính quyền Cape Town đã nỗ lực khai thác tầng nước ngầm và xây dựng các nhà máy khử muối trong nước biển, đồng thời xem xét tăng giá nước sạch.

Những nỗ lực tiết kiệm nước đã được cải thiện với việc mực nước tại các hồ chứa đã hồi phục. Ngoài ra, theo dự báo từ Nha Khí tượng thủy văn Nam Phi, thành phố Cape Town và khu vực Western Cape sẽ có thể được đón nhận thêm những những cơn mưa đầu Đông vào đầu tháng 5 tới và đợt mưa này sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng. Những dữ liệu này chính là tín hiệu tốt giúp cho chính quyền thành phố Cape Town rời mốc “Ngày không nước” sang năm 2019. Tuy nhiên, chính quyền thành phố hiện vẫn yêu cầu người dân tiếp tục duy trì quy định tiết kiệm nước với mức 50 lít/ngày/người nhằm đề phòng trường hợp thời tiết cực đoan và không theo dự báo.

Các nước lưu vực sông Mekong chú trọng sử dụng nguồn nước hợp lý và công bằng

 
 Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội Sông Mekong quốc tế (MRC) tại Siem Riep (Campuchia). Ảnh: Baogiaothong.vn

Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội Sông Mekong quốc tế (MRC) diễn ra trong hai ngày 04 và 05-4-2018 tại Siem Reap (Campuchia) đã thảo luận, đề ra những định hướng lớn, các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, mở rộng sự hợp tác trong và ngoài MRC nhằm sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong, góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030 của Liên hợp quốc ở mỗi quốc gia thành viên và trong cả khu vực.

Với chủ đề “Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong”, Hội nghị đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: thông qua và triển khai Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành nghiên cứu về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mekong, góp phần tạo căn cứ khoa học cho việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông, cải tổ bộ máy Ban Thư ký của Ủy hội theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và các tổ chức quốc tế trong khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Hội nghị cam kết và quyết tâm thúc đẩy tiến trình hợp tác Mekong mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược hợp tác lưu vực; áp dụng bộ các thủ tục của Ủy hội về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mekong, nhất trí Ủy hội cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc định hướng hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực; tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, Hợp tác Mekong - Lan Thương, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng.

Thành công của Hội nghị Cấp cao MRC lần này góp phần tăng cường hơn nữa tinh thần hợp tác, sự gắn bó lâu đời giữa các quốc gia trong lưu vực trong quản lý và sử dụng bền vững sông Mekong.

Những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng thống Ai Cập trong nhiệm kỳ mới

 
 Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi. Ảnh: Reuteurs

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã chính thức tái đắc cử nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018. Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên đang tạo nền tảng vững chắc để Tổng thống El-Sisi tiếp tục theo đuổi các chính sách của mình, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.

Cơ quan Bầu cử Quốc gia Ai Cập (NEA) ngày 02-4-2018 công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống năm 2018, theo đó đương kim Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi đã tái đắc cử nhiệm kỳ hai khi giành được 97,08% số phiếu bầu. Giới phân tích cho rằng, sự ủng hộ của người dân cùng những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên trên các lĩnh vực đặc biệt là về chống khủng bố, khôi phục an ninh và vực dậy nền kinh tế, được coi là những thuận lợi đối với nhà lãnh đạo Ai Cập. Tuy nhiên, Tổng thống Ai Cập el-Sisi cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong nhiệm kỳ tới buộc ông sẽ phải đưa ra chính sách và quyết sách đ.ối nội, đối ngoại quan trọng.

Về đối nội, bảo đảm an ninh và ổn định trong nước là nhiệm vụ trọng tâm bởi mối đe dọa nghiêm trọng từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với Ai Cập hiện nay. Bất chấp các biện pháp an ninh mà chính phủ đã triển khai, trong đó có Chiến dịch Sinai khởi động từ tháng 02 vừa qua, quốc gia này vẫn đang đối mặt với mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố, trong đó nguy hiểm nhất là IS chi nhánh Sinai và nhóm Hasm, được xác định là nhánh vũ trang của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vốn bị cấm hoạt động tại Ai Cập. Trong năm 2017, Ai Cập đã hứng chịu nhiều vụ tấn công đẫm máu do IS thực hiện nhằm vào các lực lượng an ninh, cộng đồng Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Các mối đe dọa an ninh buộc chính quyền Tổng thống El-Sissi sẽ phải nâng cao năng lực quốc phòng để ứng phó. Cùng với đó, Ai Cập cũng cần sự phối hợp chặt chẽ ở cấp độ khu vực và quốc tế, đoàn kết các nước trong cuộc chiến chung chống khủng bố. Việc duy trì an ninh tại khu vực biên giới phía Tây giáp với Libya cũng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đòi hỏi Ai Cập tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn sự xâm nhập của các tay súng cũng như nạn buôn lậu vũ khí từ quốc gia láng giềng bất ổn Libya. Ngoài ra, Ai Cập cũng tiếp tục các chiến dịch an ninh nhằm ngăn chặn nạn di cư, buôn người và vượt biên trái phép trong bối cảnh nước này đã trở thành “điểm khởi hành mới” của dòng người di cư sang châu Âu qua Địa Trung Hải.

Cùng với bảo đảm an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Phải thừa nhận trong nhiệm kỳ qua các cải cách kinh tế của Tổng thống El-Sisi đã phát huy hiệu quả. Một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như du lịch, khai thác kênh đào Suez, xuất khẩu, dầu khí... đang trên đà phục hồi tích cực. Bên cạnh đó, luật đầu tư mới và các chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn đã thu hút giới đầu tư quốc tế trở lại Ai Cập. Tuy nhiên, nợ nước ngoài cũng liên tục tăng, lên 80,8 tỷ USD vào cuối năm 2017. Để bảo đảm vốn cho các dự án phát triển, Ai Cập đã phải vay hàng tỷ USD từ nhiều tổ chức tài chính quốc tế và đổi lại nước này phải thực thi các chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” khiến cuộc sống của một số người dân gặp khó khăn. Do vậy, trong nhiệm kỳ tới, Tổng thống El-Sisi sẽ tính đến các giải pháp đồng bộ dựa trên những thành tựu từ nhiệm kỳ đầu, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội.

Về đối ngoại, chính quyền Tổng thống el-Sisi vẫn sẽ triển khai chính sách đối ngoại tự chủ, đa dạng hóa các mối quan hệ. Trong khi đẩy mạnh mối quan hệ đặc biệt với các nước đồng minh khu vực như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Cairo không ngừng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực với Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU cũng như các nước có tiềm năng kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, củng cố vai trò và vị thế của Ai Cập trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời triển khai chính sách hướng Đông nhằm đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Với vai trò trung tâm của tiến trình ngoại giao Trung Đông, Ai Cập sẽ tiếp tục chủ động thúc đẩy các sáng kiến giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine./.