TCCSĐT - Hội nghị thượng đỉnh mùa xuân của Liên minh châu Âu đã kết thúc với kết quả được đánh giá là "khả quan" bởi những sự nhất trí trong một loạt vấn đề quan trọng. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo EU sau hội nghị thể hiện sự nhất trí trên hầu hết các chủ đề trọng tâm được thảo luận lần này, cũng là những "mối bận tâm lớn" của các nhà lãnh đạo EU hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau sự nhất trí như trong tuyên bố, giới quan sát vẫn thấy những sự chia rẽ nội bộ.

Ngày 22-3, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại thủ đô Brussels, Bỉ, với các chủ đề tập trung thảo luận chính nhiều vấn đề quan trọng của khối hiện nay, bao gồm tình hình trao đổi thương mại với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, căng thẳng xoay quanh quan hệ Nga-Anh và thỏa thuận giữa EU và Vương quốc Anh giai đoạn hậu Brexit.

Hội nghị thượng đỉnh mùa xuân của Liên minh châu Âu đã kết thúc với kết quả được đánh giá là "khả quan" bởi những sự nhất trí trong một loạt vấn đề quan trọng.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo EU sau hội nghị thể hiện sự nhất trí trên hầu hết các chủ đề trọng tâm được thảo luận lần này, cũng là những "mối bận tâm lớn" của các nhà lãnh đạo EU hiện nay, từ vấn đề thương mại sau quyết định của Mỹ áp thuế lên sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu, cuộc đàm phán liên quan tiến trình Anh rời EU (gọi là Brexit) và công cuộc cải tổ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tới quan hệ với Nga sau cáo buộc của Anh nhằm vào Moskva trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái tại thành phố Salisbury, Anh.

Quan hệ với Nga sau cáo buộc của Anh: Châu Âu chia rẽ về vai trò của Nga

Nội dung bao trùm hội nghị trong ngày họp đầu tiên là căng thẳng xoay quanh quan hệ Nga - Anh. Chính phủ Thủ tướng Theresa May đã thành công trong việc thuyết phục Brussels đứng về phía London trong vấn đề này. Trong một tuyên bố, EU đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Anh, khẳng định Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal cùng con gái. Brussels nhấn mạnh sự liên quan của Moskva và cho rằng chưa có lời giải thích hợp lý cho vụ việc.

Tuyên bố này được đánh giá là đã gia tăng sự chỉ trích đối với chính quyền Nga, sau tác động không mệt mỏi những ngày qua của Thủ tướng May. Trước đó, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov bày tỏ hy vọng ở "sự sáng suốt tối thiểu" của các nước châu Âu, nếu Thủ tướng Anh Theresa May thuyết phục họ áp dụng các biện pháp chống Nga.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ Paris và Berlin nhìn nhận vụ tấn công này như "một thách thức nghiêm trọng với an ninh và là một đòn tấn công nhằm vào chủ quyền châu Âu" và kêu gọi EU và các quốc gia thành viên kiên định trong cách phản ứng với vấn đề.

Tuy nhiên, châu Âu đã cho thấy phần nào sự chia rẽ trong các cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái tại thành phố Salisbury, Anh. Một số quốc gia như Hy Lạp hay Italy, không đồng tình rằng Nga là quốc gia phải chịu trách nhiệm.

Hầu hết các lãnh đạo EU đều đồng thuận với những biện pháp mà Anh đã thực hiện nhằm vào Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng việc EU ra quyết định triệu hồi đại sứ EU tại Nga là một quyết định chưa từng có tiền lệ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết liên minh đang cân nhắc áp đặt thêm một số biện pháp khác từ ngày 26-3 tới. Song ông này cũng thừa nhận hiện EU vẫn còn chia rẽ về các biện pháp với Nga và sẽ khó có khả năng cả khối sẽ cùng thực hiện biện pháp trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Hiện Áo là quốc gia đã tuyên bố sẽ không thực hiện biện pháp này.

Vụ việc tại Salisbury khiến quan hệ giữa Anh và Nga rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ việc này song không đưa ra bất cứ bằng chứng xác thực nào, trong khi Nga kiên quyết bác bỏ. Tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 22-3 tại Brussels, Thủ tướng Theresa May đã kêu gọi EU có phản ứng tập thể nhằm vào Nga. Hiện Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, và hy vọng những đồng minh châu Âu cũng sẽ có các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Nga.

Việc EU đưa ra tuyên bố đứng về phía Anh trong vụ tranh cãi ngoại giao với Nga về cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, được giới ngoại giao Nga đánh giá như một "sự đoàn kết giả tạo" chỉ để bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng Anh Theresa May vốn đang trong rơi vào "tình cảnh khó khăn", mà tình cảnh này do chính bà tạo nên. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Konstantin Kosachev tuyên bố EU đang giải quyết những vấn đề nội bộ của mình một cách "trơ trẽn" bằng cách làm xấu quan hệ với Nga vì cho rằng “thừa cơ chống Nga” có thể xóa bỏ tất cả bổn phận đối với người dân của mình. Theo ông Kosachev, tất cả những hành động chống Nga đều nhằm mục đích thực sự là giải quyết những vấn đề nội bộ như đánh lạc hướng dư luận về chi phí của Anh rút khỏi EU, tăng ngân sách quốc phòng NATO, chính sách kinh tế sụp đổ. Nghị sĩ Nga nhấn mạnh sự việc này xác nhận khuynh hướng đáng lo ngại trong chính sách của phương Tây và Moskva không nên đáp trả sự “ngu ngốc” của EU.

Thực tế thì dù EU ra một tuyên bố bày tỏ ủng hộ quan điểm của Anh trong vụ việc này, thậm chí triệu hồi Đại sứ EU tại Nga, song chủ đề "vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal" vẫn gây chia rẽ giữa các nước EU. Các thành viên EU đã thể hiện những lập trường khác nhau trong vấn đề này, đặc biệt về các biện pháp cụ thể đối với Moskva, nhất là khi đối mặt với những nguy cơ xung đột về cả chính trị hoặc kinh tế giữa EU và Điện Kremlin. Theo tờ Financial Times, các quốc gia dường như không muốn đi xa hơn những tuyên bố.

Ngay trước hội nghị này, bất đồng giữa các nước EU về quan hệ với Nga thậm chí được thể hiện rõ trong phản ứng khác biệt của từng nước khi ông Vladimir Putin tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18-3. Chuyên gia Gleb Kuznetsov, một nhà tư vấn chính trị làm việc cho điện Kremlin nhận xét rằng "phương Tây đang chia rẽ” thực sự trước thực tế rằng ông Putin sẽ tiếp tục nắm quyền, bởi "chiến thắng của ông Putin chứng tỏ cho phương Tây thấy lòng yêu mến của người dân đối với ông ấy, và sức ép từ phương Tây là vô nghĩa".

Sẵn sàng phản ứng với quyết định áp thuế nhôm và thép nhập khẩu của Tổng thống D. Trump

Các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ hoan nghênh thận trọng quyết định được đưa ra vào phút chót của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn áp thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép nhập khẩu từ EU và một số nước khác.

Mặc dù trước thềm hội nghị, Nhà Trắng đã thông báo quyết định hoãn áp mức thuế nhập khẩu thép và nhôm đối với các nước thành viên EU đến ngày 01-5 để tìm kiếm "các giải pháp thay thế mà các bên đều hài lòng", song các nhà lãnh đạo EU vẫn phải tập trung bàn thảo về các đối sách thương mại của khối với việc nhất trí sẽ chuẩn bị các biện pháp đáp trả Mỹ, kể cả đánh thuế nhập khẩu nhằm vào một số thương hiệu lớn của Washington như xe môtô Harley Davidson nếu việc Mỹ hoãn tăng thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ EU chỉ mang tính tạm thời. Có thể thấy tính "khó lường" trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donal Trump thể hiện trong hơn 1 năm cầm quyền vừa qua buộc các nhà lãnh đạo EU phải "cảnh giác". Trước đó, trong thư mời các lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết EU đã chuẩn bị tất cả các kịch bản có thể và phương án đáp trả của EU là có trách nhiệm và phù hợp. Ông Tusk cũng nhấn mạnh thương mại tự do, cân bằng đã tạo ra hàng triệu việc làm tại châu Âu, đóng góp vào hòa bình và ổn định trên toàn thế giới. Chính vì lý do đó, EU đã hoàn tất đàm phán các hiệp định tự do thương mại với Canada, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam, tiếp tục thương lượng với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Mexico đồng thời dự kiến sẽ đàm phán với Australia và New Zealand.

Động thái của EU được xem là sự phản ứng rõ ràng trước quyết định của Mỹ đánh thuế cao lên các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, vốn kéo theo nguy cơ khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng và có ảnh hưởng trực tiếp tới châu Âu, bởi các mức thuế do Mỹ đưa ra mới đây khi áp dụng sẽ ảnh hưởng tới 1,5% tổng giá trị thương mại xuyên Đại Tây Dương. Đây cũng là cách để EU thể hiện sự phối hợp hành động với nhau trong vấn đề được coi là đang tạo ra mối đe dọa lớn đối với nền thương mại của khối, vì trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier từng cảnh báo Mỹ đang tìm cách chia rẽ EU bằng các chính sách thương mại, trong đó có chính sách áp thuế nhập khẩu.

Thông qua đường lối chung cho đàm phán Brexit

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu đã chính thức thông qua đường lối chung về đàm phán quan hệ thương mại với Anh trong tương lai sau khi nước này rời khỏi khối.

Phát biểu sau cuộc họp tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết đường lối chung được thông qua cùng với đề xuất thời gian chuyển tiếp kéo dài 21 tháng nhằm giúp các doanh nghiệp thích nghi với tình hình sau khi Anh rời khỏi EU dự kiến vào tháng 3-2019.

Thủ tướng Anh Theresa May đã hoan nghênh động thái trên của EU, đồng thời kêu gọi tạo ra "xung lực mới" trong các cuộc đàm phán về quan hệ tương lai. Trong bữa tối cùng với các quan chức cấp cao EU tại Brussels, bà May đề nghị lãnh đạo các nước EU tận dụng động lực có được từ thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp để xử lý các vấn đề hóc búa còn tồn tại về thương mại và vấn đề biên giới Ireland. Thủ tướng Anh nêu rõ: "Chúng ta hiện có cơ hội để tạo ra xung lực mới trong đàm phán để cùng nhau tìm ra những giải pháp khả thi cho vấn đề Bắc Ireland và cho quan hệ hợp tác an ninh tương lai, đồng thời nhằm đảm bảo tương lai thịnh vượng cho toàn bộ người dân. Đây là một cơ hội và là nhiệm vụ để chúng bắt đầu thực hiện với sức mạnh và tham vọng". Phát biểu với các phóng viên trước khi rời Brussels sau cuộc họp với các lãnh đạo EU, Thủ tướng Anh bày tỏ tin tưởng thời gian chuyển tiếp sẽ tạo sự chắc chắn cho các doanh nghiệp cũng như các công dân, và thỏa thuận về quan hệ tương lai cần mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, ông Michel Barnier cho biết thỏa thuận mới với Anh và các cuộc đàm phán về vấn đề này dự kiến bắt đầu vào tháng tới "phải tôn trọng các nguyên tắc và tính đồng nhất của EU và thị trường chung".

Theo kế hoạch, EU và Anh sẽ nhất trí về thỏa thuận Brexit, thời gian chuyển tiếp và cơ cấu quan hệ tương lai vào mùa Hè này để các lãnh đạo EU thông qua tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10, trước khi đưa ra thông qua tại từng nước với hy vọng sẽ kịp trước khi Anh chính thức rời EU vào tháng 3-2019.

Các nhà phân tích cho rằng việc các lãnh đạo EU chính thức thông qua đường lối chung về đàm phán quan hệ thương mại với Anh trong tương lai sau khi nước này rời khỏi khối, cũng đang phát đi tín hiệu tích cực cho giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán khó khăn giữa hai bên. Hội nghị thượng đỉnh mùa xuân 2018 cũng là lần đầu tiên mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh được đề cập kể từ khi London thông báo chính thức về tiến trình đưa nước này ra khỏi EU. Ngay trước thềm hội nghị, hai bên đã thống nhất được một thỏa thuận về giai đoạn chuyển giao cùng nhiều phần của "thỏa thuận ly hôn". Bước tiến mới này cho phép các nhà lãnh đạo của 27 nước EU có cơ sở thông qua các phương hướng đàm phán về mối quan hệ với nước Anh hậu Brexit, nhất là trong lĩnh vực thương mại.

Tuy nhiên, việc nhất trí thông qua đường lối chung về đàm phán thương mại với EU không thể che giấu một thực tế rằng các nước EU vẫn còn nhiều mâu thuẫn xung quanh vấn đề Brexit. Ngay tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU hồi tháng 2 vừa qua, các nước đã chia rẽ sâu sắc về vấn đề đóng góp tài chính để bù đắp khoản thiếu hụt trong ngân sách chung hậu Brexit. Khoản tiền 12 tỷ euro mà nước Anh để lại cho ngân sách chung đang thực sự khiến giới lãnh đạo EU bối rối. Giới chuyên gia nhận định sự nhất trí về "đường lối chung" chỉ là cách để giới chức EU "tạm quên" vấn đề đau đầu nhất khi mà kế hoạch ngân sách của EU với quy mô gần nghìn tỉ euro trong 7 năm sẽ kết thúc vào năm 2020 và các nhà lãnh đạo đang phải cân nhắc một kế hoạch chi tiêu dài hạn cho giai đoạn kế tiếp bắt đầu từ 2021.

Liên quan đến vụ bê bối thu thập thông tin trái phép người dùng Facebook đang gây sốt dư luận thế giới những ngày qua, các nhà lãnh đạo EU hối thúc các hãng công nghệ phải có biện pháp bảo vệ đầy đủ thông tin cá nhân. Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nêu rõ EU rất nghiêm túc coi trọng việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đó, luật pháp của EU cũng như của các nước thành viên phải được tôn trọng và thực thi đúng.

Thời điểm này, EU vẫn đang còn trong giai đoạn tương đối ngổn ngang do sự kiện Brexit cùng những diễn biến mới phức tạp diễn ra ở cả trong và ngoài châu Âu. Vì vậy, kết quả của hội nghị thượng đỉnh mùa xuân 2018 có thể coi là một bước khởi đầu suôn sẻ khi mà những thách thức cả trong nội bộ EU lẫn từ bên ngoài đang chồng chất, trong bối cảnh EU từ lâu đã không còn là một khối thống nhất như trước đây và sự chia rẽ các thành viên EU ngày càng nới rộng./.