TCCSĐT - Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long có dấu hiệu chậm lại. Vùng trọng điểm sản xuất - chế biến - xuất khẩu nông thủy sản của cả nước đang đứng trước yêu cầu phải nhanh chóng tái cơ cấu kinh tế, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp để linh hoạt ứng phó với những biến động của thị trường thế giới, tác động của biến đổi khí hậu, qua đó bảo đảm cho kinh tế - xã hội của vùng phát triển bền vững.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần

Tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay đang trên đà suy giảm trong bối cảnh nền kinh tế cả nước gần đây đang có dấu hiệu phục hồi. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), giai đoạn 2001-2010 toàn vùng đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm là 10%; giai đoạn 2011-2015 là 8,5%, nhưng năm 2016 chỉ còn 6,2%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhóm các tỉnh, thành trong vùng cũng đang có sự thay đổi đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2001-2010, nhóm các tỉnh gần Thành phố Hồ Chí Minh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre) đạt tốc độ tăng trưởng 9,9%/năm; các tỉnh, thành vùng trung tâm (Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp): 11,5%/năm; các tỉnh ven biển (Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang): 11,8%/năm. Trong 02 năm 2012-2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các nhóm tỉnh, thành có xu hướng hội tụ lại và từ năm 2014 trở đi, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành vùng trung tâm tăng mạnh hơn; các tỉnh, thành vùng ven biển tăng chậm lại. Trong 2 năm 2014-2015, trong khi các tỉnh gần thành phố Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thì các tỉnh, thành vùng trung tâm và ven biển lại suy giảm mạnh. Riêng trong năm 2016, ngoại trừ thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận có sự phục hồi nhẹ, còn lại các nhóm tỉnh khác đều giảm tốc độ tăng trưởng so với năm 2015.

Một trong những yếu tố tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long trong 02 năm gần đây (2015-2016) là có sự gia tăng tương đối của nguồn vốn FDI. Theo thống kê của VCCI Cần Thơ, nếu trong giai đoạn từ 1998-2014, nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ dao động ở mức từ 4,9-8% so với tổng vốn FDI đăng ký đầu tư trong cả nước thì năm 2015 đã tăng lên chiếm 15% và năm 2016 chiếm 9% cả nước. Riêng trong năm 2016, nguồn vốn FDI phân bố cho các tỉnh trong vùng đều hơn các năm trước, thay vì chỉ tập trung ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Trà Vinh. Cụ thể, năm 2016, tỉnh Long An chiếm 22% tổng vốn FDI toàn vùng, Tiền Giang: 28%, Trà Vinh: 19%, Vĩnh Long: 10%, thành phố Cần Thơ: 17%. Kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy một vấn đề rất đáng quan tâm là trong những năm gần đây, các tỉnh, thành thu hút được nguồn vốn FDI lớn cũng là những là những tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu trong 02 năm gần đây có xu hướng tăng trưởng chậm lại ở những ngành sản xuất truyền thống của vùng là lúa gạo, thủy sản, trong khi kim ngạch xuất khẩu trái cây, rau quả có chiều hướng tăng trưởng nhanh.

Một “điểm sáng” đáng ghi nhận trong kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long là tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nhiều năm qua, trừ giai đoạn 2006-2010, luôn cao hơn mức trung bình của cả nước. Riêng năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của vùng ước đạt khoảng 66,69 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 19% cả nước. Năm 2016, những địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cao nhất vùng là An Giang (12%) và thành phố Cần Thơ (10,9%), Đồng Tháp (10,2%), Kiên Giang (9,9%). Điều này cho thấy, thành phố trung tâm vùng và một số tỉnh có biên giới đang là những địa phương có điều kiện tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Còn lại, các tỉnh khác đều có tốc độ tăng trưởng thấp.

Nhìn chung, bức tranh kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế.

Hạn chế rõ nét nhất trong phát triển kinh tế của toàn vùng những năm gần đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần; chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng đến các ngành có giá trị gia tăng cao chưa được cải thiện; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển dẫn đến các doanh nghiệp của vùng khó tham gia chuỗi giá trị, ít có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả khảo sát chất lượng doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long gần đây nhất do VCCI Cần Thơ công bố cho thấy, ngoại trừ mức bình quân số lao động và bình quân doanh thu trên 1 doanh nghiệp, đồng bằng sông Cửu Long đạt mức tương đương với mức bình quân chung của cả nước, còn lại nhiều chỉ tiêu khác đều thấp hơn khá xa so với mức bình quân chung của cả nước. Cụ thể: mức bình quân vốn/1 doanh nghiệp bằng 57% trung bình cả nước; tương ứng là chỉ tiêu bình quân tài sản cố định và đầu tư dài hạn/1 doanh nghiệp bằng 55,6%, bình quân lợi nhuận trước thuế/1 doanh nghiệp bằng 63,72%,...

Vấn đề đáng quan tâm

Từ những hạn chế của doanh nghiệp trong vùng, nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm:

- Năng lực cạnh tranh và chuẩn mực kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ vẫn còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp trong vùng chưa tận dụng tốt những cơ hội từ việc mở cửa thị trường. Nguồn vốn vay (nguồn vốn căn bản của doanh nghiệp) tuy có dồi dào hơn trước nhưng mức lãi suất cho vay từ các tổ chức tín dụng vẫn còn cao và các thủ tục vay vốn phức tạp, rườm rà vẫn đang là thách thức mà nhiều doanh nghiệp khó vượt qua.

- Nhu cầu thị trường trong và ngoài nước có xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhiều quốc gia gia tăng các rào cản kỹ thuật để bảo hộ hàng hóa trong nước; nguồn nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu (nhất là ngành thủy sản - một ngành sản xuất chủ lực của vùng) luôn trong tình trạng không ổn định do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được vùng sản xuất; chưa có các cơ chế bảo đảm tạo ra sự liên kết sản xuất - kinh doanh ổn định, bền vững giữa doanh nghiệp chế biến với người sản xuất.

- Các doanh nghiệp đã và đang phải đối diện với những “rào cản” lớn là: nguồn lao động cần tuyển dụng mới chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; tiền thuê đất còn khá cao; khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài còn thấp; trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động hiện có còn nhiều hạn chế; khó tiếp cận các nguồn vốn; nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thường xuyên bất ổn về số lượng, chất lượng, giá cả; chi phí vận tải cao.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ ngành nông nghiệp - thế mạnh của vùng - còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Toàn vùng hiện chưa có khu nông nghiệp công nghệ cao, chưa có các khu nông nghiệp có khả năng cung ứng nguyên liệu với số lượng lớn, chất lượng đồng bộ cho các doanh nghiệp chế biến quy mô lớn để tạo nên sản phẩm chất lượng đồng nhất. Do đó, nhiều doanh nghiệp khó đưa các sản phẩm lợi thế của vùng tiếp cận thị trường nước ngoài do vướng các tiêu chuẩn về kỹ thuật từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

- Tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị sản xuất của đại đa số các doanh nghiệp trong vùng còn chậm; phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc đổi mới, sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Thiếu cơ chế gắn kết thực sự hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp với hoạt động nghiên cứu khoa học của các viện, trường. Quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp chậm dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, logistics còn nhiều yếu kém, chưa phát triển tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế; những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu - nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn; thể chế trong khu vực nông nghiệp còn nhiều yếu kém;… Đây cũng là những lực cản khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư ngần ngại đầu tư xây dựng mới, mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Một số giải pháp gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Một là, chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng cần xác lập một nhận thức có tính thi đua trong việc tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, ổn định, tự do, an toàn và thân thiện; chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sang tư duy đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp. Một trong những yêu cầu hàng đầu là các cấp chính quyền phải đẩy mạnh cải cách hành chính; điều chỉnh, thay đổi, ban hành những chính sách cần thiết phù hợp, thống nhất đồng bộ giữa Trung ương và địa phương; chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Hai là, song hành với những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, chính quyền các địa phương trong vùng cần nâng cao năng lực cán bộ làm công tác quy hoạch, định hướng phát triển các hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường để nâng cao chất lượng, quy mô phát triển hệ thống doanh nghiệp. Những chủ trương, chính sách của chính quyền không chỉ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho việc khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp mà còn phải nhằm khuyến khích những nỗ lực đổi mới sáng tạo tự thân của doanh nghiệp. Trong đó, ngoài hành lang pháp lý, chính quyền các địa phương nên quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tốt hơn vai trò chủ động, tích cực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của các hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Ba là, tạo lập và phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp. Khởi nghiệp không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp mới, các hộ kinh doanh, hộ gia đình cần được tạo điều kiện tốt nhất để có thể ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, tham gia vào chuỗi giá trị cùng với các doanh nghiệp xây dựng, phát triển những sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của vùng trở thành những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu mạnh trên thị trường trong và ngoài nước. Đó cũng là cách tạo ra tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất.

Bốn là, có cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm công nghệ có chất lượng cao; lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho việc đổi mới, chuyển giao công nghệ nhằm tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học trong vùng, trong nước, ngoài nước và với các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò “cầu nối” trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các viện, trường; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ các viện, trường cho doanh nghiệp; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến đổi mới, ứng dụng phát triển công nghệ nhằm tạo ra doanh nghiệp công nghệ, phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tạo liên kết doanh nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm - nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản.

Năm là, các địa phương cần tăng cường xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xác lập, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp phát triển các dịch vụ cho hoạt động sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu chung của quốc gia, khu vực và quốc tế - nhất là việc đăng ký ra nước ngoài đối với các loại nông sản hàng hóa, sản phẩm có khả năng xuất khẩu cao. Song song đó, chú trọng hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, hợp quy; hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia sử dụng mã số, mã vạch.

Sáu là, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và trước tác động ngày càng mạnh mẽ của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp trong vùng cần nâng cao nhận thức về đổi mới công nghệ để cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Bên cạnh việc tăng cường kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học, các Sở Khoa học và công nghệ trong vùng để lựa chọn đầu tư công nghệ sản xuất thích hợp, các doanh nghiệp cần quan tâm và chủ động, tích cực tham gia “Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có thể tiếp cận được nguồn vốn đầu tư, thông tin đổi mới công nghệ có độ tin cậy cao. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực - sản phẩm trọng điểm của vùng, sản phẩm quốc gia.

Bảy là, sức ép hội nhập từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đòi hỏi các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long - có vị trí địa lý gần với các nước ASEAN - phải tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư uy tín ở các nước trong khu vực này; đồng thời tăng cường học hỏi kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường và đầu ra cho sản phẩm ở các nước ASEAN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn chung của AEC để có thể thâm nhập vào thị trường này thông qua sự khác biệt và tính vượt trội của một số loại hàng hóa, dịch vụ.

Tám là, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong vùng và các doanh nghiệp trong vùng với doanh nghiệp ở các vùng, miền khác trong nước cần tăng cường mối quan hệ, hợp tác với nhau, nhất là các doanh nghiệp có lợi thế bổ sung cho nhau. Chẳng hạn như sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối; giữa doanh nghiệp nuôi trồng với doanh nghiệp chế biến, làm cho đầu ra của sản phẩm này trở thành đầu vào của sản phẩm khác. Qua đó giảm bớt chi phí trung gian trong chu trình từ sản xuất - chế biến - bảo quản - lưu thông hàng hóa ra thị trường, góp phần giúp các doanh nghiệp hạ giá thành, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá cả, chất lượng hợp lý, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp trên thị trường.

Chín là, đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất, chế biến nông - thủy sản của cả nước với những sản phẩm chủ lực là lúa gạo, trái cây, thủy sản. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của những sản phẩm chủ lực của vùng, cần tổ chức các cơ sở chế biến, tiêu thụ gắn với vùng nguyên liệu sản xuất và nhu cầu của từng loại thị trường; trong đó các doanh nghiệp chế biến cần được tạo điều kiện để trở thành khâu trung tâm trong chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm này. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến tăng cường phối hợp, liên kết với nhau trong hoạt động, nhằm tạo ra sự thống nhất trong điều hành sản xuất, thông tin thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, làm đầu mối trong phát triển thị trường trong và ngoài nước; chủ động trong việc điều tiết thu mua, dự trữ nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh./.