Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 01 đến 07-5-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
10:01, ngày 10-05-2017

TCCSĐT - Ngày 05-5, tại Hội nghị các thống đốc ngân hàng Trung ương và bộ trưởng tài chính ASEAN+3 lần thứ 20 tổ chức tại thành phố Yokohama, Nhật Bản, giới chức lãnh đạo ngành tài chính các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí thúc đẩy hợp tác tài chính khu vực và ủng hộ các hệ thống đầu tư và trao đổi thương mại đa phương.

Chính phủ quyết tâm giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ quyết tâm phấn đấu giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6,7% và có đủ cơ sở để đạt được và phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng này, tránh ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của đất nước.

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tư, chiều 04-5, đánh giá về kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017, Thủ tướng cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu tốt, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh, 43/63 tỉnh thành thu ngân sách đạt trên 32%. Du lịch, FDI có tiến bộ lớn. Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, nhiệm vụ còn lại rất nặng nề đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải rất nỗ lực.

Thủ tướng yêu cầu từng bộ, địa phương phải đưa ra giải pháp cụ thể, có đối sách và giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn, mở rộng thị trường cả nội địa và xuất khẩu, chú trọng thị trường mới; hỗ trợ công nghiệp chế biến. Trong xuất khẩu chú ý đi vào chính ngạch để kiểm soát và tạo nguồn thu,

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư Nhà nước; tăng cường phân cấp giao quyền để nhanh chóng đưa vốn ra xã hội, không om giữ bất kỳ khoản vốn nào khi đã có chủ trương đầu tư.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát lại các mặt hàng chủ lực, nhất là dầu khí, cần tăng sản lượng khai thác từ 1 đến 1,5 triệu tấn. Với than cần tăng sản lượng lên 2 triệu tấn; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ít nhất 13%; điện phải bảo đảm tăng 11,5% và đặc biệt bảo đảm điện cho mùa hè. Cùng với đó, xuất khẩu phải đạt và vượt kế hoạch đề ra; Bộ Công thương và các bộ, ngành tập trung chỉ đạo thi công; sớm xử lý 12 dự án thua lỗ. Đối với ngành xây dựng, Thủ tướng yêu cầu tăng ít nhất trên 10%; phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, chú trọng đến nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.

Với du lịch, Thủ tướng mong muốn lĩnh vực kinh tế này cần phấn đấu tăng trưởng 30% so với năm 2016, trong đó phải chú ý chất lượng, an toàn, chống tiêu cực trong kinh doanh du lịch; phấn đấu đạt mục tiêu khách du lịch quốc tế đạt 15 triệu khách trong năm 2017.

Liên quan đến nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp trên 3% đi liền với nghiên cứu thị trường trong nước, xuất khẩu, tập trung xử lý vấn đề giá các mặt hàng nông sản một cách chủ động; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu ngành ít nhất 33 tỷ USD trong năm nay. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu tập trung nghiên cứu mô hình tích tụ ruộng đất ở một số địa phương đang triển khai để nhân rộng, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương cần có biện pháp giám sát chặt chẽ các mặt hàng trong nước sản xuất được, có tiêu chí kiểm soát về kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng vệ phù hợp, nhất là với các mặt hàng nông sản.

Các ngành chức năng phải tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nhất là thúc đẩy giải ngân gói 100.000 tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao để góp phần tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ năm 2017

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2017. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vay của Chính phủ năm 2017 là 342.060 tỷ đồng, gồm vay trong nước 243.300 tỷ đồng và vay ODA, ưu đãi nước ngoài 98.760 tỷ đồng, trong đó vay cho cân đối ngân sách Nhà nước 316.300 tỷ đồng (vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng); vay về cho vay lại 25.760 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2017 là 260.150 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2017 là 242.900 tỷ đồng; trả nợ của các dự án cho vay lại là 17.250 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hạn mức được Chính phủ bảo lãnh và vay thương mại trung dài hạn nước ngoài của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2017, bao gồm hạn mức phát hành trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tối đa 9.250 tỷ đồng; hạn mức bảo lãnh vay trong nước (rút vốn ròng) được Chính phủ bảo lãnh của các dự án trọng điểm quốc gia tối đa là 8.000 tỷ đồng; hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 700 triệu USD; hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả tối đa là 5.500 triệu USD; hạn mức vay của chính quyền địa phương tối đa là 23.857 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát lại sự cần thiết và hạn mức Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 25.145 tỷ đồng, phù hợp định hướng tái cơ cấu VDB mà Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ cũng báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội bổ sung dự toán đối với các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho hỗ trợ ngân sách nhà Nước, khả năng triển khai và giải ngân nhanh trong năm 2017 trong trường hợp vượt dự toán được duyệt.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ dứt điểm vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chưa phân bổ trong mức dự toán 60.000 tỷ đồng được Quốc hội phê duyệt; báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong trường hợp giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi thực tế năm 2017 cho xây dựng cơ bản trong cân đối ngân sách nhà nước vượt quá 60.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giám sát việc vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả trong hạn mức được duyệt.

Philippines gạt bất đồng trên Biển Đông để bàn kinh tế với Trung Quốc


Theo SCMP, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez cuối tuần qua tuyên bố, Manila sẽ gạt sang một bên những bất đồng trên Biển Đông để tập trung mở rộng các quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.

Phát biểu bên lề Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Philippines, Bộ trưởng Lopez cho biết, Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đã "phát triển quan hệ hữu nghị" với Trung Quốc nhân chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10-2016 và quan hệ này đã "mở ra nhiều cánh cửa cho Philippines".

Theo ông Lopez, "chúng tôi vẫn có những bất đồng về Biển Đông. (Tuy nhiên) hành động sáng suốt là gạt vấn đề này sang một bên để thảo luận về thương mại và tăng cường các quan hệ kinh tế".

Trước đó, Trung Quốc đã cam kết đầu tư 15 tỷ USD cho Philippines và tài trợ cho 15 dự án kết cấu hạ tầng tại nước này, trong đó có 2 dự án đường sắt, một đập thủy điện và một hệ thống tưới tiêu.

ASEAN+3 nhất trí thúc đẩy hợp tác tài chính và thương mại

Ngày 05-5, tại Hội nghị các thống đốc ngân hàng Trung ương và bộ trưởng tài chính ASEAN+3 lần thứ 20 tổ chức tại thành phố Yokohama, Nhật Bản, giới chức lãnh đạo ngành tài chính các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí thúc đẩy hợp tác tài chính khu vực và ủng hộ các hệ thống đầu tư và trao đổi thương mại đa phương.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị, lãnh đạo tài chính các nước trên nhất trí thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều, cân bằng và bền vững thông qua triển khai tất cả các công cụ chính sách cần thiết bao gồm chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hay cải cách cơ cấu, theo hướng cả triển khai riêng rẽ hoặc phối hợp.

Các đại diện tài chính nhất trí rằng nền kinh tế khu vực, mặc dù đang tăng trưởng nhanh chóng, vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ các nhân tố như chủ nghĩa bảo hộ, các chính sách theo chủ nghĩa dân tộc và các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Các quan chức cũng tái khẳng định sự hỗ trợ đối với các hệ thống đầu tư và thương mại đa phương "mở cửa" và dựa trên nguyên tắc pháp luật, đồng thời nhất trí tăng cường giám sát dòng vốn và quan tâm giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn trong khu vực.

Các bên cũng tái khẳng định cam kết thúc đẩy vai trò của Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) như một phần của mạng lưới bảo vệ tài chính khu vực và hoan nghênh những thành quả đạt được trong giai đoạn đầu triển khai thử nghiệm CMIM với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

CMIM, có hiệu lực từ năm 2010, được thiết lập để giải quyết các khó khăn về cán cân thanh toán và tính thanh khoản ngắn hạn tại khu vực trong thời điểm xảy ra khủng hoảng. Năm 2017 đánh dấu 20 năm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đẩy đồng baht (Thái Lan) cùng nhiều đồng tiền khác mất giá và làm chao đảo nhiều nền kinh tế trong khu vực.

Nhân dịp này, các nước ASEAN+3 đang đẩy mạnh các nỗ lực chung để bảo đảm các quốc gia thành viên được chuẩn bị sẵn sàng cho các mối đe dọa tương tự trong tương lai.

Các nhà đàm phán 11 nước họp bàn về TPP mà không có Mỹ

Các nhà đàm phán hàng đầu của 11 nước ngày 02-5 đã bắt đầu nhóm họp tại thành phố Toronto (Canada) để thăm dò khả năng đưa vào hoạt động Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có sự tham gia của Mỹ.

Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Keiichi Katakami trong ngày 01 và 02-5 đã gặp 9 trong số 10 người đồng cấp để trù bị cho cuộc họp kéo dài 2 ngày nói trên ở thành phố Toronto. Trả lời báo giới trước thềm cuộc họp, ông Katakami bày tỏ Tokyo tin tưởng rằng 11 quốc gia cần đoàn kết để đưa TPP có hiệu lực.

Sau cuộc họp trên, Bộ trưởng thương mại các nước cũng sẽ tiến hành một hội nghị trong tháng Năm. Nhật Bản hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận mới vào giữa tháng 11, khi Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Trước đó Nhật Bản từng do dự trong việc đưa TPP có hiệu lực mà không có Mỹ, thị trường lớn nhất trong khối này. Tuy nhiên, trước nguy cơ thương mại tự do bị đe dọa với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, đã có ngày càng nhiều lời kêu gọi trong chính quyền Nhật Bản muốn Tokyo đảm nhận vai trò đi đầu để duy trì đà của thương mại tự do./.