Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 03 đến 09-4-2017)

Gia Bảo (tổng hợp tại TTXVN)
21:58, ngày 12-04-2017

TCCSĐT - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Nghị định quy định rõ đối tượng, điều kiện và lãi suất cho vay, theo đó, đối tượng cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước là khách hàng có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định này.


Việt Nam đứng thứ 7 về tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo

Theo kết quả khảo sát Chỉ số Phát triển nữ Doanh nhân đầu tiên do MasterCard công bố ngày 07-3, tại 54 nền kinh tế thuộc châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh và châu Âu, Việt Nam đã đạt 65 điểm, xếp hạng thứ 19 và đứng thứ 7 về tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo (31,4%) và cao hơn Trung Quốc (30,9%), Hoa Kỳ (30,7%).

Khảo sát cho thấy, các yếu tố đặc trưng như tính bền bỉ và thích ứng hoàn cảnh kinh tế luôn là lợi thế của các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Bên cạnh đó, yếu tố tiếp cận các dịch vụ tài chính và môi trường kinh doanh có ưu thế thuận lợi cũng là động lực phát triển cho những doanh nghiệp này. Đánh giá chung từ Báo cáo, những điều kiện thuận lợi trên là điểm mấu chốt giúp phụ nữ vượt qua hai trở ngại chính (những định kiến văn hóa và ít cơ hội thăng tiến hơn nam giới) để trở thành các nữ lãnh đạo.

Giám đốc Tài chính, Martina Hund-Mejean của Mastercard nhấn mạnh, “sự trỗi dậy của những phụ nữ tháo vát, đầy tham vọng cần được xem như là một cơ hội tốt cho nền kinh tế. Xã hội đang cố gắng xóa bỏ những định kiến văn hóa hiện tại và chúng tôi sẽ góp phần tăng cường và thúc đẩy các nền tảng phát triển kinh tế cũng như cá nhân một cách bền vững”.

Theo bảng xếp hạng, các quốc gia phát triển vẫn dẫn đầu danh sách, đứng thứ nhất là New Zealand (74,4 điểm), tiếp đến là Canada (72,4) và Hoa Kỳ (69,9). Lý do, các quốc gia này luôn tạo điều kiện mạnh mẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu, thông qua những cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ bền vững, chất lượng điều hành tốt và điều kiện kinh doanh thuận lợi.

Quy định mức thu tiền sử dụng đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế

Nghị định 35/2017/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao vừa được Chính phủ ban hành trong tuần qua. Theo Nghị định, việc xác định tiền sử dụng đất đối với các trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong Khu kinh tế để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê theo quy hoạch; được Nhà nước giao đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân trong Khu kinh tế thực hiện theo quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Nghị định quy định cụ thể việc xác định tiền thuê đất trong Khu kinh tế. Theo đó, trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm không thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật, đơn giá thuê đất hằng năm được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) nhân với giá đất cụ thể tính tiền thuê đất, trong đó, tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất từ 0,5-3%.

Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể theo từng vị trí đất, khu vực, tuyến đường tương ứng với từng mục đích sử dụng đất theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố công khai trong quá trình triển khai thực hiện.

Đơn giá thuê đất đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm không thông qua hình thức đấu giá được ổn định 5 năm tính từ thời điểm được Ban Quản lý Khu kinh tế quyết định cho thuê đất hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho thuê đất. Hết thời gian ổn định, Ban Quản lý Khu kinh tế điều chỉnh lại đơn giá thuê đất áp dụng cho thời gian tiếp theo theo chính sách và giá đất tại thời điểm điều chỉnh. Trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật, đơn giá thuê đất thu một lần cho cả thời gian thuê là giá đất cụ thể tương ứng với thời hạn thuê đất.

Nghị định cũng quy định cụ thể trường hợp Nhà nước cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật; xác định tiền thuê đất trường hợp được Nhà nước cho thuê đất có mặt nước trong Khu kinh tế. Khung giá thuê mặt nước trong Khu kinh tế đối với mặt nước không thuộc phạm vi quy định tại Điều 10 Luật đất đai được quy định từ 20 -300 triệu đồng/km2/năm đối với dự án sử dụng mặt nước cố định; từ 100-750 triệu đồng/km2/năm đối với dự án sử dụng mặt nước không cố định.

Căn cứ khung giá thuê mặt nước nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đơn giá thuê mặt nước của từng dự án làm căn cứ để Ban quản lý Khu kinh tế thông báo số tiền thuê mặt nước phải nộp. Nghị định có hiệu lực từ 20-6-2017.

Quy định mới về đối tượng được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Nghị định quy định rõ đối tượng, điều kiện và lãi suất cho vay, theo đó, đối tượng cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước là khách hàng có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định này. Nghị định quy định rõ trường hợp các dự án nêu trên đã được hưởng tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tài chính nhà nước khác thì không được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định.

Để được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng cho vay; có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định; dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay;
Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật;

Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho vay, giải ngân vốn vay; mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay;

Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật. Nghị định quy định mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động). Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm. Riêng các dự án đầu tư thuộc nhóm A thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm.

Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 5 năm trong thời hạn một năm trước thời điểm công bố lãi suất theo quy định tại Nghị định này cộng với tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

ASEAN tái cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực

Kết thúc Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng Trung ương Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 3 tại thủ đô Manila (Philippines) ngày 07-4, các đại biểu tham dự đã đưa ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường hội nhập và bình ổn thị trường tài chính trong khu vực, trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng do chính sách bảo hộ và những biến động bất thường tiềm tàng.

Trong tuyên bố chung, đại biểu tham dự hội nghị cam kết sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi các mục tiêu của ASEAN trong việc tạo dựng "một nền kinh tế gắn kết, hợp nhất cao" có tính cạnh tranh, giàu sức sáng tạo vằ năng động thông qua cơ chế hợp tác toàn khu vực. Để đạt được mục tiêu này, các đại biểu nhấn mạnh giải pháp sống còn là biến ASEAN trở thành khu vực vững mạnh, lấy con người làm trung tâm, lấy con người làm định hướng, kết nối với toàn bộ thế giới trong bối cảnh sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và sự gia tăng các vấn đề địa chính trị có thể khiến quá trình hồi phục của kinh tế toàn cầu đi lệch quỹ đạo.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng Trung ương ASEAN cũng cam kết tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực tiến tới thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2025 với mục tiêu thiết lập một thị trường vốn liên kết, vững mạnh của khu vực và đảm bảo phát triển hiệu quả các sáng kiến Trái phiếu Xanh (Green Bond).

Các đại biểu cũng đã công bố một sáng kiến tài chính giúp nhiều nước trong khu vực tiếp cận nhiều hơn nữa các dịch vụ, sản phẩm tài chính. Đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế, các đại biểu nhấn mạnh từ dấu mốc tăng trưởng kinh tế 4,6% được ghi nhận trong năm 2016, các nước trong khu vực cần phải xác định rõ yếu tố then chốt để phát triển kinh tế toàn khu vực là củng cố các ngành sản xuất đáp ứng nhu cầu nội địa.

Tại hội nghị lần này, bên cạnh chủ đề liên quan đến tiến trình phát triển và hợp nhất ngành bảo hiểm trong khối, đồng thời công bố kế hoạch tự do hóa ngành hàng hải quốc tế, hàng không và vận tải, các đại biểu cũng đã thảo luận về vấn đề mở rộng tư do cho các hoạt động tái bảo hiểm thiên tai, tai nạn để hỗ trợ tài chính cho các nền kinh tế ASEAN, giúp các nước này tăng cường khả năng phục hồi kinh tế sau các thảm họa thiên nhiên.

Mỹ thông qua thương vụ thâu tóm lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc


Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) ngày 04-4 thông báo cơ quan chống độc quyền Mỹ đã thông qua thương vụ Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc (ChemChina) mua lại Syngenta - công ty sản xuất thuốc trừ sâu hàng đầu của Thụy Sĩ, với giá 43 tỷ USD sau khi chấp thuận việc tập đoàn của Trung Quốc phải bán 3 sản phẩm theo yêu cầu.

Theo phán quyết của cơ quan chống độc quyền, FTC cho biết họ đã yêu cầu ChemChina giải quyết những lo ngại về tổn thất trong cạnh tranh đối với sản phẩm thuốc diệt cỏ và 2 sản phẩm thuốc trừ sâu khác vì cho rằng việc sáp nhập có thể làm tăng giá thành các sản phẩm này và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Hai sản phẩm thuốc trừ sâu trên là thuốc Abamectin - bảo vệ cây cam quýt và cây có hạt vỏ cứng và thuốc diệt nấm Chlorothalonil bảo vệ cây lạc và khoai tây.

FTC cho biết vụ sáp nhập này đã tạo ra các vấn đề chống độc quyền do hãng ADAMA, một công ty con của Tập đoàn ChemChina tại Mỹ, chuyên cung cấp 3 sản phẩm nói trên tại thị trường Mỹ.

Quyết định của cơ quan chống độc quyền Mỹ sẽ được công khai lấy ý kiến trong 30 ngày sau đó FTC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Trước đó, hồi tháng 2, Syngenta hy vọng vụ sáp nhập với ChemChina sẽ kết thúc trong quý II năm nay. Đây sẽ là thương vụ thâu tóm lớn nhất ở nước ngoài của một doanh nghiệp Trung Quốc./.