Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến ngày 12-3-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
15:32, ngày 14-03-2017

TCCSĐT - Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 10-3 tuyên bố hai bên sẽ nỗ lực khôi phục kế hoạch đàm phán về một Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) giữa hai khối trong bối cảnh EU đang tìm cách khai thác sự phát triển mạnh mẽ của khu vực này.

Mở rộng 5 trường hợp cấp sổ đỏ: Kiểm soát chặt để tránh tiêu cực

Từ ngày 03-3, Nghị định 01/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 chính thức có hiệu lực thi hành, theo đó, nhiều loại đất vướng mắc vẫn được làm sổ đỏ. Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định mới sẽ tạo sự thông thoáng và nhiều thuận lợi cho người dân, nhưng cần có sự kiểm soát để tránh tiêu cực trong quá trình triển khai.

Trường hợp 1, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01-7-2014, đang sử dụng đất ổn định. Trường hợp 2, đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01-7-2004, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch. Trường hợp 3, diện tích đất tăng thêm ngoài diện tích thể hiện trên giấy tờ về quyền sử dụng đất, về cơ bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký biến động đất đai. Trường hợp 4, đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau. Trường hợp 5 là trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.

"Việt Nam đang đối diện với nguy cơ hậu công nghiệp hóa quá sớm"


Mặc dù ngành công nghiệp có đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, nhưng theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, trong thời gian qua Việt Nam đã không tận dụng tốt được lợi thế đang trong giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa.

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, trong 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đã có nhiều chuyển động tích cực. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2006-2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần. Tỷ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32%/tổng GDP của cả nước. Sau gần 10 năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế, bình quân kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, nhìn vào xu hướng phát triển của toàn ngành công nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, ngành công nghiệp Việt Nam đang ở trình độ phát triển thấp. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đang có xu hướng giảm mạnh. Nếu nhìn vào giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ở mức 16,2%/năm thì giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống chỉ còn 10%/năm. Thực tế này cho thấy năng suất lao động công nghiệp của Việt Nam, nhất là năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn khá thấp. Ước tính, tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.

Bên cạnh đó, nền công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi sự liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước còn thiếu chặt chẽ, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp.

EU và ASEAN nhất trí khôi phục đàm phán về hiệp định FTA


Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 10-3 tuyên bố hai bên sẽ nỗ lực khôi phục kế hoạch đàm phán về một Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) giữa hai khối trong bối cảnh EU đang tìm cách khai thác sự phát triển mạnh mẽ của khu vực này.

Phát biểu tại thủ đô Manila của Philippines, Ủy viên thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom cho biết các quan chức cấp cao của EU và ASEAN đã quyết định thiết lập khuôn khổ cho việc tái khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, hai bên chưa đề ra khung thời gian cụ thể để tiến hành đàm phán.

Theo bà Cecilia Malmstrom, việc kết nối giữa EU và ASEAN, hai thị trường đang phát triển là một việc quan trọng và giúp xóa bỏ nhiều rào cản thương mại. Bà nhấn mạnh việc đạt được FTA giữa EU và ASEAN là mục tiêu lâu dài mà EU đã và đang thảo luận trong nhiều năm qua, đồng thời cho biết EU hiện đang triển khai những biện pháp nhằm tiến tới mục tiêu này.

Thỏa thuận thương mại với ASEAN sẽ kết nối EU với thị trường lớn thứ 7 trên thế giới này, một thị trường có sức tiêu dùng mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, nhất là ở Việt Nam và Philippines.

Hy Lạp và chủ nợ không đạt thỏa thuận về khoản giải ngân tiếp theo

Ngày 09-3, các cuộc đàm phán tại Athens giữa Hy Lạp và các nước chủ nợ liên quan đến việc giải ngân khoản tiền tiếp theo cho quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Theo nguồn tin Chính phủ Hy Lạp, cuộc đàm phán kết thúc và đã đạt được một số tiến bộ, song vẫn tồn tại những bất đồng. Theo kế hoạch các bên sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề nợ của Hy Lạp tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính Eurozone dự kiến diễn ra vào ngày 20-3 tới.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới từ Washington, Giám đốc truyền thông của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice cho biết Hy Lạp đã đạt được tiến bộ trong một số lĩnh vực và IMF hoan nghênh điều này. Tuy nhiên, những bất đồng lớn vẫn tồn tại trong một số lĩnh vực quan trọng khác và hiện vẫn còn quá sớm để có thể xác định thời điểm hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về khoản giải ngân tiếp theo cho Hy Lạp.

Ông Gerry không công bố cụ thể vấn đề vướng mắc, nhưng theo nguồn tin Chính phủ Hy Lạp, trong số những bất đồng không giải quyết được có vấn đề về thị trường lao động và chính sách ngân sách kể từ năm 2019. Hy Lạp đặt mục tiêu đạt thỏa thuận với các nhà tài trợ vào ngày 20-3

Cho đến nay IMF vẫn khẳng định Hy Lạp không thể gánh được khoản nợ công hiện nay và Athens cần phải cơ cấu lại nợ, trong khi một số chính phủ châu Âu, đặc biệt là Đức, lại phản đối việc giảm thêm nợ cho Hy Lạp, thay vào đo kêu gọi tăng cường thêm biện pháp cải cách kinh tế. IMF cảnh báo bất kỳ việc áp đặt thêm chính sách "thắt lưng buộc bụng" nào đối với Hy Lạp cho dù thừa nhận một số biện pháp cải cách chưa hoàn tất như hệ thống lương hưu và thuế.

Việc đạt được một thỏa thuận giữa các chủ nợ đang trở thành vấn đề cấp bách với Hy Lạp, bởi Athens đang rất cần được giải ngân khoản cứu trợ mới để trả khoản nợ 7 tỷ euro (7,4 tỷ USD) đáo hạn vào tháng Bảy. Các chủ nợ nhất trí cấp cho Hy Lạp gói cứu trợ tài chính thứ ba trị giá 86 tỷ euro vào năm 2015, song gói cứu trợ trên được giải ngân thành nhiều đợt kèm theo những điều kiện cải cách mà quốc gia châu Âu này phải thực thi. Hy Lạp sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và buộc phải rời khỏi Eurozone nếu không được "bơm" thêm tín dụng.

Phòng Thương mại EU quan ngại về kế hoạch “Made in China 2025”

Phòng Thương mại của Liên minh châu Âu (EUCC) tại Trung Quốc ngày 07-3 nhận định kế hoạch thúc đẩy hoạt động chế tạo trong nước của Trung Quốc đến năm 2025 có nhiều vấn đề và có thể gây ra tình trạng phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo EUCC, kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh kêu gọi tăng mạnh các sản phẩm được sản xuất trong nước thuộc 10 lĩnh vực - từ robot đến thuốc sinh học - được Chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp khi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lớn tiếng chỉ trích những cải cách thị trường của Trung Quốc và lo ngại rằng kế hoạch trên sẽ buộc họ phải từ bỏ công nghệ then chốt mới được tiếp cận thị trường hoặc phải "phớt lờ" chúng hoàn toàn.

Theo EUCC tại Trung Quốc, kế hoạch “Made in China 2025” không khác gì một kế hoạch thay thế cho nhập khẩu quy mô lớn nhằm mục đích quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chủ chốt hoặc cắt giảm mạnh vị thế của doanh nghiệp nước ngoài. Theo cơ quan này, các chính sách của Trung Quốc, bao gồm hàng trăm tỷ euro tiền trợ cấp, đã gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của châu Âu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) Miêu Vu khẳng định chiến lược “Made in China 2025” của nước này cùng với những chính sách liên quan phù hợp với mọi doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc, không phân biệt doanh nghiệp nội địa hay nước ngoài. Ông Miêu Vu cũng bác bỏ những nhận định của EUCC, nêu rõ các chính sách liên quan tới hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực như xe ôtô chạy bằng năng lượng mới (các loại ôtô được lắp động cơ điện hoặc động cơ hybrid) không chỉ nhằm vào các công ty nước ngoài mà cả các doanh nghiệp nội địa. Mục đích của các chính sách này là ngăn chặn hành vi gian lận của một số doanh nghiệp để có được trợ cấp của chính phủ, không phải để ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc.

Về việc đặt ra chỉ tiêu thị phần cho các thương hiệu nội địa, ông Miêu Vu cho biết Chính phủ Trung Quốc không cố ý tìm kiếm những mục tiêu này khi xây dựng chiến lược “Made in China 2025”. Những mục tiêu đó chỉ mang tính chất dự báo, chứ không phải là bắt buộc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng MIIT nhấn mạnh vai trò quyết định của thị trường và vai trò dẫn dắt của chính phủ trong quá trình triển khai chiến lược. Ông Miêu Vu cũng giải thích mục đích cuối cùng của chiến lược “Made in China 2025” là đáp ứng nhu cầu trong nước đối với những thiết bị và hàng hóa công nghiệp tối tân vì các nước phương Tây vẫn đang áp dụng chính sách cấm xuất khẩu một số sản phẩm sang Trung Quốc./.