Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20 đến ngày 26-02-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn, vtv.vn)
22:20, ngày 27-02-2017

TCCSĐT - Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC mở đầu cho Năm APEC Việt Nam 2017, khởi động công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao vào tháng 11 tại Đà Nẵng diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 18-02 đến ngày 03-3.


Nghị định mới về chức năng, tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghị định này thay thế Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013.

Theo Nghị định số 16/2017/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01-9-2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đảm nhận 36 nhiệm vụ cụ thể và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Ngân hàng Nhà nước đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hàng năm và dài hạn; chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động của các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước quản lý.

Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm để trình Chính phủ; sử dụng các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Tổ chức thống kê, điều tra thống kê, thu thập và lưu trữ thông tin về kinh tế, tài chính, tiền tệ và ngân hàng trong nước và nước ngoài thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước nhằm phục vụ việc nghiên cứu phân tích và dự báo diễn biến tiền tệ để xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia; công khai thông tin về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước được quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng...

Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước gồm các đơn vị: Vụ Chính sách tiền tệ; Vụ Quản lý ngoại hối; Vụ Thanh toán; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; Vụ Dự báo, thống kê; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính; Vụ Kiểm toán nội bộ; Vụ Pháp chế; Vụ Tài chính - Kế toán; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Vụ Truyền thông; Văn phòng; Cục Công nghệ thông tin; Cục Phát hành và kho quỹ; Cục Quản trị; Sở Giao dịch; Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Viện Chiến lược ngân hàng; Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam; Thời báo Ngân hàng; Tạp chí Ngân hàng; Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng; Học viện Ngân hàng.

Năm APEC 2017 chính thức khởi động tại Nha Trang

Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC mở đầu cho Năm APEC Việt Nam 2017, khởi động công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao vào tháng 11 tại Đà Nẵng diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 18-02 đến ngày 03-3.

Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan tiếp tục với hoạt động của 9 ủy ban, nhóm công tác và đối tác về Thương mại và Đầu tư (CTI), Kinh tế (EC), Chính sách an ninh lương thực (PPFS), Nghề cá và đại dương (OFWG), Du lịch (TWG), Điều phối về thương mại điện tử (ECSG), Kết nối chuỗi cung ứng (A2C2), Chính sách và luật cạnh tranh (CPLG) và Tiếp cận thị trường (MAG).

Triển khai chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thông qua các ưu tiên của hợp tác APEC năm 2017. Những sáng kiến cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy mở cửa kinh tế, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, chống tham nhũng và minh bạch hóa, phát triển nguồn nhân lực… đã được đưa ra trao đổi.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn, các thành viên APEC đều chia sẻ quyết tâm cùng với chủ nhà Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác APEC, góp phần củng cố tăng trưởng và liên kết kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch SOM, chủ trì hội nghị SOM 1 cũng như các hội nghị SOM 2 và SOM 3 lần lượt diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5 và tháng 8. Nhiều bộ, ngành của Việt Nam cũng sẽ giữ vai trò chủ trì, đồng chủ trì các cuộc họp ủy ban và nhóm công tác của APEC.

Duy trì ổn định lãi suất ngân hàng đang chịu nhiều áp lực

Trong mục tiêu điều hành năm nay, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất ổn định như năm 2016, nếu có điều kiện sẽ giảm lãi suất. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn của ngành ngân hàng khi vẫn đang tồn tại nhiều áp lực.

Mặt bằng lãi suất chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như lạm phát, tỷ giá, nợ xấu, mục tiêu tăng trưởng tín dụng và áp lực từ thị trường tài chính thế giới… Trong báo cáo triển vọng 2017 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt công bố mới đây, nhóm nghiên cứu nhận định, tín dụng hồi phục cộng với mặt bằng lãi suất ổn định đang có sự hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng, thách thức trong điều hành thị trường tiền tệ đối với Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017 vẫn rất lớn khi tăng trưởng tín dụng hồi phục cũng đồng thời tạo ra quán tính tăng thêm lớn hơn cho những năm sau, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất và lạm phát.

Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm trong năm nay. Có 3 lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất này. Thứ nhất, tín dụng được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao (17-18%) nhằm mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng. Thứ hai, lạm phát sẽ tiếp tục chịu áp lực gia tăng và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD, và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có thêm ba lần điều chỉnh lãi suất nữa trong năm nay sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND.

Ngay từ đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu hệ thống ngân hàng phải quyết liệt tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp.

WTO thông qua thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 22-02 đã thông qua thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên với tên gọi Hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại (TFA) - động thái được coi là cột mốc đối với cơ quan này khi đang phải đối mặt với những mối đe dọa bắt nguồn từ chính sách thương mại của Chính phủ mới ở Mỹ. Cụ thể, 112 trong số 164 thành viên WTO đã bỏ phiếu thông qua TFA, vượt ngưỡng 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết để thỏa thuận này có hiệu lực. Theo thỏa thuận trên, các quốc gia đã nhất trí đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa các thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa lưu thông trên toàn cầu.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho biết TFA dự kiến sẽ giúp chi phí thương mại toàn cầu giảm hơn 14% và có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm 0,5 điểm phần trăm/năm. Ông Azevedo cho biết TFA là cải cách lớn nhất đối với thương mại toàn cầu trong thế kỷ này. Các nước nghèo hơn dự kiến hưởng nhiều lợi ích nhất từ TFA thông qua các điều khoản sẽ giúp hàng hóa của họ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của các nước giàu hơn.

Trong khi đó, người đứng đầu Phòng Thương mại Quốc tế có trụ sở tại Paris, Pháp, Sunil Bharti Mittal, gọi việc phê chuẩn TFA là “thời điểm bước ngoặt đối với thương mại toàn cầu”. Theo ông, các doanh nghiệp nhỏ trên thế giới đã bị gạt ra ngoài hoạt động thương mại thế giới do thiếu các nguồn tài nguyên để đáp ứng "các quy định hải quan phức tạp”.

Samsung ra quy định mới về quyên tặng sau vụ Phó Chủ tịch bị bắt


Ngày 24-02, Ban Giám đốc hãng Samsung Electronics Co. của Hàn Quốc đã thông qua quy định mới nhằm nâng cao sự minh bạch trong việc quyên tặng. Quy định được đưa ra sau khi Phó Chủ tịch Lee Jae-yong của tập đoàn trên bị bắt giữ với cáo buộc liên quan vụ bê bối dẫn đến việc Tổng thống Park Geun-hye bị Quốc hội luận tội.

Theo quy định mới này, mọi kế hoạch của Samsung Electronics về việc quyên tặng hay ký kết hợp đồng tài trợ có giá trị trên 1 tỷ won (tương đương 882.076 USD) cần phải được Ban Giám đốc xem xét và thông qua. Từ trước tới nay, Samsung Electronics quy định cần sự thông qua của Ban Giám đốc khi quyết định thực hiện những khoản quyên tặng trị giá trên 0,5% tổng vốn của mình, tức khoảng 680 tỷ won. Quy định mới cũng buộc Samsung Electronics phải thường xuyên lưu giữ hồ sơ tài liệu khi thực hiện quyên tặng hay ký kết hợp đồng tài trợ.

Eurogroup nhất trí nối lại đàm phán về chương trình cứu trợ Hy Lạp

Một quan chức của Chính phủ Hy Lạp ngày 20-02 cho biết Nhóm các bộ trưởng tài chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurogroup) đã nhất trí nối lại đàm phán về việc đánh giá chương trình cứu trợ dành cho Hy Lạp vào tuần tới. Quan chức này cho biết thỏa thuận trên bao gồm điều kiện “bất khả xâm phạm” do phía Athens đặt ra là sẽ không “thắt lưng buộc bụng” thêm nữa. Hy Lạp đã chấp nhận thỏa hiệp về các biện pháp cải cách mới nhằm phá vỡ thế bế tắc với các chủ nợ, qua đó mở đường cho việc nhận được những khoản giải ngân mới.

Theo một số nguồn tin từ EU, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos ngày 20-02 đã thông qua một số biện pháp, sẽ được tự động kích hoạt nếu Athens không thể đạt được các mục tiêu về ngân sách. Quan chức trên cho hay đoàn chuyên gia đại diện cho các chủ nợ sẽ quay trở lại Athens ngay sau ngày 27-02 để giải quyết vấn đề cứu trợ cho Hy Lạp. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijssebloem, người đứng đầu Eurogroup, khẳng định việc cử chuyên gia trở lại Hy Lạp là một "bước đi phù hợp". Ông cũng cho biết Eurogroup đã có các cuộc gặp với các thể chế tài chính và chính phủ Hy Lạp nhằm mở đường cho việc thực hiện bước đi này.

Các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình cứu trợ Hy Lạp đã dậm chân tại chỗ do Athens trì hoãn thực hiện cải cách và những bất đồng giữa các chủ nợ về việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có tiếp tục tham gia đợt cứu trợ thứ ba hay không. IMF đã là đối tác với EU trong hai đợt cứu trợ đầu tiên dành cho Athens nhưng không tham gia vào gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro hiện nay.

Trước đó cũng trong ngày 20-02, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble bày tỏ tin tưởng IMF sẽ tiếp tục tham gia gói cứu trợ cho Hy Lạp, cho dù còn tồn tại những bất đồng với các quốc gia thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) về các vấn đề then chốt như xóa nợ và mục tiêu ngân sách. IMF từng cảnh báo sẽ ngừng tham gia chương trình cứu trợ cho Hy Lạp, cho rằng khoản nợ của Athens quá lớn và IMF không thể tiếp tục giải ngân khoản vay, nếu các chủ nợ không giảm nợ cho nước này. IMF đưa ra điều kiện yêu cầu các nước Eurozone cam kết giảm nợ thêm cho Hy Lạp trước khi giải ngân khoản cứu trợ mới. Theo IMF, ngay cả khi thực hiện đầy đủ các biện pháp cải cách theo yêu cầu, Hy Lạp vẫn cần giảm nợ đáng kể để đạt được các mục tiêu tăng trưởng và ngân sách bền vững. Điều kiện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và nhiều nước chủ nợ trong Eurozone./.