Sản xuất, buôn bán hàng giả và những vấn đề đặt ra đối với lực lượng cảnh sát kinh tế
TCCSĐT - Việt Nam là một trong những nước có tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả nghiêm trọng. Hàng giả đã và đang thách thức trực tiếp hiệu lực của pháp luật, hiệu quả quản lý của Nhà nước và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh về kinh tế - xã hội, quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là khi nước ta tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Với nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, trong thời gian qua (2010 -2015), lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, xử lý 4.183 vụ với 4.690 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Nghiên cứu các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả do lực lượng cảnh sát kinh tế phát hiện, xử lý trong thời gian qua cho thấy, đối tượng sản xuất hàng giả thường có trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc có những hiểu biết nhất định về quy trình sản xuất hàng hóa; hoạt động dưới hình thức là chủ cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ, có đăng ký hoặc không đăng ký kinh doanh. Ngoài hình thức các hộ kinh doanh cá thể đã xuất hiện trước đây thì đã và đang xuất hiện thêm các loại doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả với đủ các thành phần như: giám đốc doanh nghiệp, cán bộ, công nhân kỹ thuật bậc cao, kỹ sư.... và một bộ phận không nhỏ người lao động thiếu việc làm sẵn sàng tham gia sản xuất, vận chuyển và buôn bán hàng giả. Giữa các đối tượng thường có mối quan hệ khăng khít về huyết thống, tình cảm hoặc có sự tin tưởng, phụ thuộc nhau về quyền lợi, ít khi thiết lập quan hệ làm ăn rộng rãi mà hoạt động đơn lẻ và kín đáo.
Hàng giả ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả, xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, từ những mặt hàng giản đơn, giá trị thấp đến những mặt hàng đòi hỏi phải có công nghệ sản xuất hiện đại, trình độ kỹ thuật cao như điện thoại Smartphone, linh kiện ô-tô, xe máy, thuốc tân dược, lương thực, thực phẩm....; hình thức, mẫu mã ngày càng tinh vi, khó phát hiện; có công dụng, chất lượng thấp hơn nhiều so với hàng thật; ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng và tập trung vào những loại hàng có nhu cầu tiêu thụ cao, mang lại lợi nhuận lớn, những mặt hàng mà nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, những mặt hàng đã có thương hiệu, chứng nhận sản phẩm chất lượng cao của trong nước và nước ngoài như: bánh mứt kẹo Hữu Nghị, Kinh Đô giả; hàng dệt may An Phước, Việt Tiến, Mango, H&M, Lascote; giày dép Nike, Adidas; hóa mỹ phẩm Lancome, Chanel…
Địa bàn sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra trên phạm vi rộng, ở hầu hết các địa phương. Một số địa bàn nổi tiếng về sản xuất hàng giả như: xã La Phù - Hoài Đức (Hà Nội) sản xuất bánh kẹo, tất chân, nhãn mác giả các loại; Bắc Ninh, Hà Nam (giày da giả; dụng cụ thể thao), Thổ Tang, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) sản xuất mặt hàng bánh kẹo, thuốc lá, rượu, bia giả...
Những hàng giả của các thương hiệu lớn, giá thành cao, chủ yếu tập trung tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… ở các thành phố, trung tâm kinh tế lớn. Với những mặt hàng giả có kỹ thuật sản xuất đơn giản, giá thành thấp, chủ yếu tiêu thụ tại các khu vực nông thôn, nơi trình độ dân trí cũng như điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc đặt hàng giả từ nước ngoài đang có xu hướng gia tăng cho thấy địa bàn làm hàng giả rất đa dạng, có liên quan một số nước có chung biên giới với nước ta như: Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia và một số nước trong khu vực.
Để sản xuất hàng giả, các đối tượng thường sử dụng các nguyên liệu, chất liệu không đúng như nguyên liệu, chất liệu dùng để tạo nên công dụng hàng hóa được mang tên; pha trộn, đưa thêm tạp chất, chất phụ gia, thay thế thành phần nguyên liệu, phụ tùng, thiết bị rẻ tiền vào thành phần, cấu kiện của các sản phẩm thật làm thay đổi chất lượng sản phẩm rồi tung ra thị trường tiêu thụ. Dùng nhãn hàng hóa thật dán lên những sản phẩm giả, những sản phẩm chất lượng không bảo đảm. Nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới thành các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài. Lợi dụng danh nghĩa là chi nhánh của các hãng nổi tiếng của nước ngoài đóng tại Việt Nam, các đối tượng tại Việt Nam tiến hành sản xuất hàng giả sau đó gắn nhãn mác, bao bì của của sản phẩm chính hãng tại nước ngoài hoặc đặt nước ngoài làm giả, thậm chí đặt làm giả hàng hóa mang thương hiệu của chính mình.
Để buôn bán hàng giả, các đối tượng thường nhập hàng từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, hoặc lợi dụng các hoạt động kinh doanh, buôn bán thông thường như sử dụng chính cửa hàng, ki-ốt của mình hoặc lợi dụng việc làm đại lý bán hàng, tư cách nhân viên bán hàng cho các doanh nghiệp để đưa hàng giả vào trà trộn, tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Đặc biệt, với hình thức giao dịch thông qua hệ thống thương mại điện tử như hiện nay, các cửa hàng giao dịch, mua bán trực tuyến (cửa hàng, shop online) xuất hiện ngày càng nhiều, kéo theo thủ đoạn mua bán hàng giả lợi dụng hệ thống thương mại điện tử cũng trở nên phổ biến và phức tạp, khó kiểm soát hơn, trong đó có tình trạng buôn bán hàng giả.
Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản như điều kiện kinh tế - xã hội nước ta còn hạn chế, sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường cả về số lượng, chất lượng, mẫu mã, giá cả. Cơ chế quản lý kinh tế, hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan còn nhiều kẽ hở; nhận thức và hiểu biết của người dân về hàng giả, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả còn hạn chế. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh chưa thực sự chú trọng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả của các lực lượng chức năng còn chưa quyết liệt...
Trong thời gian tới, nước ta tiếp tục quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đặc biệt với việc Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, AFTA, AEC, TTP, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ... ; với việc mở rộng hoạt động giao lưu, trao đổi thương mại quốc tế, xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước trong khu vực ASEAN, hàng hóa sẽ được tạo điều kiện lưu thông tốt hơn, đồng thời kéo theo khả năng xâm nhập lớn hơn của các loại hàng giả, hàng kém chất lượng từ các nước khác, gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý; đòi hỏi các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng cảnh sát kinh tế cần áp dụng các biện pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều tra, xử lý kiên quyết các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ... đồng thời có biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng(1) .
Phòng ngừa tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là một trong những vấn đề trọng tâm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát kinh tế. Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát kinh tế cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, chủ động trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, góp phần bảo vệ trật tự xã hội trên lĩnh vực kinh tế.
Để đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”(2) , lực lượng cảnh sát kinh tế cần thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản các địa bàn, tuyến trọng điểm, các tụ điểm phức tạp về hàng giả như các kho tàng, bến bãi lưu chứa hàng hóa, nắm tình hình và phương thức, thủ đoạn của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả... Trên cơ sở đó, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong hệ thống chính sách, pháp luật cũng như thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả để tham mưu đề xuất với các cơ quan chức năng có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả.
Thứ hai, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân nhận thức được hệ quả khôn lường của nạn hàng giả để từ đó xây dựng ý thức tích cực tham gia chống hàng giả, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng nhân rộng mô hình vận động từng hộ gia đình đăng ký không tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả, không tiếp tay cho các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, tích cực tố giác tội phạm... Các đơn vị cảnh sát kinh tế cần tổ chức, phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về chống buôn lậu, hàng giả bảo vệ người tiêu dùng. Tham gia tổ chức các buổi triển lãm phân biệt hàng giả - hàng thật để tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân các thông tin liên quan đến hàng giả và đấu tranh chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn.
Phối hợp, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả. Theo kinh nghiệm từ các nước cho thấy, vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong quá trình phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Do đó, lực lượng cảnh sát kinh tế cần tư vấn cho các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhau trong đấu tranh chống hàng giả, siết chặt công tác quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình khi bị xâm hại bởi các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Thứ ba, tổ chức tốt các biện pháp nghiệp vụ của ngành công an trong phòng ngừa tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong phòng ngừa tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, lực lượng cảnh sát kinh tế cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp công tác, đặc biệt là các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản; thông qua báo cáo tuần, quý, tháng của các đơn vị, phòng để chủ động đối chiếu, rà soát số liệu báo cáo các chỉ tiêu công tác; đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch công tác đấu tranh tổng thể, thống nhất, mang tính chiến lược, phù hợp với từng giai đoạn, từng địa bàn trọng điểm về sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong công tác quản lý địa bàn cần lên danh sách các đối tượng có khả năng, điều kiện, có biểu hiện nghi vấn để theo dõi quản lý, nắm bắt các di biến động của đối tượng; nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả phải tiến hành xác minh làm rõ, trường hợp nếu đủ căn cứ cần xác lập chuyên án để đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Để nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, lực lượng cảnh sát kinh tế cần chủ động, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; đồng thời cần chủ động phối hợp với các lực lượng khác tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát theo chuyên đề, theo mặt hàng và tập trung vào các địa bàn trọng điểm như khu vực cửa khẩu, cảng hàng không, đường sắt, cảng cạn, cảng thủy; kho tàng, bến bãi, địa điểm tập kết hàng, các địa bàn giáp ranh; phối hợp kiểm tra tại các trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, chợ đầu mối; các khu sản xuất công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề... và phối hợp kiểm tra trên các tuyến giao thông, tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, bưu chính.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành công an. Lực lượng cảnh sát kinh tế cần tiếp tục chủ động phối hợp với các lực lượng trong ngành công an như lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông, kỹ thuật hình sự, hồ sơ nghiệp vụ để chủ động phát hiện các đối tượng có khả năng, điều kiện, biểu hiện nghi vấn thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Tổ chức bắt giữ các đối tượng trên đường vận chuyển, tiêu thụ hàng giả; giám định chất lượng hàng hóa, tra cứu thông tin về đối tượng làm căn cứ xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Với các lực lượng ngoài ngành công an, lực lượng cảnh sát kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 các cấp, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành để thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình, quy luật, thủ đoạn mới của tội phạm để các cơ quan chức năng, địa phương nắm bắt và có kế hoạch đấu tranh phù hợp. Đồng thời phải tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đổi mới hình thức phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả.
Thứ sáu, hoàn thiện tổ chức lực lượng cảnh sát kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Để nâng cao trình độ nhận thức và năng lực công tác, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát kinh tế, cần thường xuyên tổ chức các lớp học ngắn hạn, hội thảo, tọa đàm khoa học với sự tham gia của đại diện các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành cùng đại diện các doanh nghiệp để phổ biến về các chính sách pháp luật, chính sách quản lý kinh tế, hàng hóa trên thị trường, về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Thông qua đó giúp cán bộ, chiến sĩ nắm bắt về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, cũng như học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này.
Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 26-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2016. Theo đó, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ thuộc chức năng đấu tranh của Cục và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ (C74, PC74). Điều này kéo theo sự thay đổi về biên chế, tổ chức lực lượng. Do đó, để kiện toàn lực lượng đấu tranh với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, sau khi thành lập PC74 tại một số địa phương thì C74 và PC74, cần tổ chức lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả bảo đảm về số lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này./.
--------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.279
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, Hà Nội, 2016, tr.77
Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động  (09/09/2016)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị khai trừ Đảng đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh  (08/09/2016)
Lãnh đạo Đảng Lao động Mexico ngưỡng mộ sự năng động của Thành phố Hồ Chí Minh  (08/09/2016)
Nhật Bản muốn hợp tác với Việt Nam về nông nghiệp, du lịch  (08/09/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay