Giải quyết các vấn đề xã hội cùng với tăng trưởng và phát triển kinh tế
Các vấn đề xã hội nảy sinh từ những quan hệ kinh tế, tư tưởng, chính trị, văn hoá, xã hội, hội nhập quốc tế, có ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của con người và cộng đồng cũng như chất lượng cuộc sống của họ. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội là một trong những nét đặc trưng của con đường phát triển theo định hướng XHCN; đó là con đường phát triển dựa vào con người và hướng đến con người. Nó cũng là một đặc điểm bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước XHCN đối với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế trong điều kiện có sự tác động của toàn cầu hoá, nhằm bảo đảm sự ổn định cho quá trình chuyển hoá sự tăng trưởng kinh tế thành phát triển theo hướng tiến bộ một cách bền vững. Bởi lẽ, sự tăng trưởng, dù là mạnh mẽ trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cũng không thể tự động, trực tiếp giải quyết được các vấn đề xã hội và cũng không thể mặc nhiên chuyển hoá thành phát triển theo hướng tiến bộ.
Các vấn đề xã hội đặt ra
Hiện nay trong quá trình phát triển nước ta, đang nổi lên ba nhóm vấn đề xã hội cần phải được ưu tiên giải quyết:
Một là, tăng cường khai thác và phát huy nội lực, bằng cách đầu tư phát triển những nguồn nhân lực có thể phát động và duy trì được tăng trưởng kinh tế và gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội.
Đó chính là đội ngũ các nhà doanh nghiệp có khả năng khai thác, phát huy nội lực và hợp tác, cạnh tranh toàn cầu; đội ngũ các nhà kỹ thuật, công nghệ và khoa học có khả năng “đi tắt, đón đầu” vào những công nghệ, tri thức khoa học tiên tiến của thế giới, có khả năng nghiên cứu “nội hoá” công nghệ nhập và toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự phát trển của đất nước; đội ngũ lao động có tay nghề cao, có lương tâm nghề nghiệp trong công nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…; đội ngũ viên chức, công chức có năng lực và liêm khiết, thực sự sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đội ngũ các nhà quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội giỏi, có tư duy sáng suốt, có tầm nhìn chiến lược và linh hoạt trong sách lược, biết sử dụng và phát huy mọi tiềm năng của con người.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng mạng lưới bảo đảm xã hội để thực hiện bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội và phục vụ xã hội.
Trước tiên, nội dung cơ bản của bảo đảm xã hội là bảo hiểm xã hội, gồm: bảo hiểm nuôi dưỡng người già; bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sinh đẻ, bảo hiểm thúc đẩy nghề nghiệp,…Các hình thức bảo hiểm xã hội này vừa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân vừa bảo đảm an toàn xã hội. Thế nhưng để hệ thống bảo hiểm xã hội vận hành có hiệu quả, cần phải thực hiện thể chế hoá, đa dạng hoá nguồn tài chính, xã hội hoá các hình thức quản lý phù hợp với mỗi dạng bảo hiểm xã hội.
Tiếp đó, một nội dung quan trọng của bảo đảm xã hội là cứu trợ xã hội, gồm: các hình thức bảo đảm xã hội tối thiểu, cứu nạn, cứu tế, giúp đỡ người nghèo, trợ giúp khẩn cấp,… Cứu trợ xã hội do Chính phủ và các tổ chức xã hội cùng đảm nhiệm, một mặt, giúp đỡ những người nghèo có thu nhập quá thấp, mặt khác, giúp đỡ, sắp xếp, ổn định cuộc sống của những người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh,… Muốn thực hiện tốt việc bảo đảm xã hội tối thiểu, cần từng bước xây dựng các công trình cơ bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao không ngừng “chuẩn” tối thiểu của bảo đảm xã hội. Công tác cứu trợ xã hội nhờ vậy sẽ được tiến hành thuận lợi hơn. Nhưng để công tác này hướng đúng vào đối tượng, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội cần hình thành khung cứu trợ và biện pháp cứu trợ xã hội, kết hợp trách nhiệm của Chính phủ và của xã hội trong quá trình xã hội hoá công tác này.
Nội dung cuối cùng của bảo đảm xã hội là chế độ phục vụ xã hội, gồm các hình thức: giúp đỡ, sắp xếp công ăn việc làm cho người nghèo, phúc lợi cho người già, người tàn tật, trẻ em mồ côi; và rộng hơn là chế độ phục vụ xã hội nhằm mang lại phúc lợi công cộng cho tất cả các thành viên trong hoạt động xã hội, kể cả trong sinh hoạt công cộng (giao tiếp, đi lại, vui chơi, giải trí). Theo tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, chế độ phục vụ xã hội ngày càng được hoàn thiện và có thể đáp ứng được phúc lợi xã hội cho đông đảo thành viên xã hội, nhất là những người dễ bị tổn thương trong xã hội (những nhóm người tàn tật, người già, người nhiễm HIV/AIDS,…). Xu thế này đặt ra hàng loạt vấn đề cho công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội nhằm mang lại phúc lợi xã hội cho tất cả các thành viên xã hội (ví dụ như xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội thuận lợi cho cả người tàn tật, hay mang tính thẩm mỹ cao và thân thiện với môi trường).
Các nội dung trên tuy liên quan mật thiết với nhau, nhưng có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Mạng lưới bảo hiểm xã hội vừa mang lại lợi ích thiết thực vừa nhằm bảo đảm an toàn xã hội cho các thành viên xã hội. Mạng lưới cứu trợ xã hội vừa hỗ trợ những người đang bị tổn thương trong xã hội vừa nhằm bảo đảm cuộc sống tối thiểu trong xã hội. Mạng lưới phục vụ xã hội vừa phục vụ những người dễ bị tổn thương trong xã hội vừa nhằm bảo đảm phúc lợi xã hội tối thiểu trong xã hội. Về phương thức hoạt động, mạng lưới bảo hiểm xã hội chủ yếu khai thác và tạo nguồn phúc lợi trong xã hội; mạng lưới cứu trợ xã hội chủ yếu bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho những người đang bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt những trường hợp phải cứu trợ khẩn cấp, đồng thời cũng tích cực khai thác nguồn phúc lợi trong xã hội; mạng lưới phục vụ xã hội vừa tổ chức phục vụ vừa khai thác nguồn phúc lợi trong xã hội. Về nguyên tắc hưởng quyền lợi, đương nhiên những người tham gia bảo hiểm xã hội có quyền lợi bảo đảm hơn. Tính hợp lý của loại hình bảo đảm xã hội này và các loại hình cứu trợ, phục vụ xã hội chỉ được thể hiện rõ khi Nhà nước và nhân dân cùng gánh vác; thông qua đó, nguồn phúc lợi xã hội được khai thác triệt để và được nâng cao không ngừng. Nhờ đó, những đối tượng dễ bị tổn thương được bảo đảm cuộc sống tương đối ổn định và thể hiện được tính ưu việt của Nhà nước XHCN.
Ba là, tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc
Đó là xoá đói giảm nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn (vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số), chăm lo điều kiện chữa bệnh, học tập của người nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy lùi một bước tệ nạn xã hội, tình trạng tội phạm, giảm mạnh tai nạn giao thông và hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người.
Trong ba nhóm vấn đề trên thì nhóm đầu liên quan đến việc tạo ra nguồn lực mới cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và giải quyết các vấn đề xã hội một cách bền vững. Nhóm thứ hai liên quan đến việc hình thành mạng lưới an sinh xã hội nhằm hướng kinh tế thị trường vào việc tạo lập phúc lợi xã hội cho con người, tức là nền kinh tế thị trường vì con người hay nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhóm thứ ba nhằm củng cố mạng lưới an sinh xã hội. Những vấn đề xã hội đó liên quan đến nhiều lĩnh vực và mang tính đa ngành, do đó, phải được tăng cường quản lý nhằm giải quyết chúng một cách ổn định.
Một số kết quả đạt được
Trong thời kỳ đổi mới, giải quyết các vấn đề xã hội ở nước ta đã đạt được một số kết quả sau:
- Kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội với tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện tiến bộ xã hội.
- Xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội đồng thời thể chế hoá nhiều chính sách xã hội thành pháp luật của Nhà nước.
- Xây dựng các chương trình có mục tiêu nhằm vào một hoặc một số vấn đề xã hội, như xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn trước tiên tại vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo… Quản lý theo các chương trình mục tiêu để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và của xã hội liên quan đến từng mục tiêu cụ thể.
- Đa dạng hoá các hình thức quản lý, trong đó có sự kết hợp giữa quản lý của Nhà nước và của xã hội, ví dụ như hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”; từ đó thúc đẩy quá trình xã hội hoá công tác quản lý đối với các vấn đề xã hội.
- Đổi mới việc xây dựng nhiều chỉ tiêu phát triển thuộc lĩnh vực xã hội theo hướng tiếp cận các chỉ tiêu của khu vực và quốc tế, để so sánh và học tập kinh nghiệm của các nước một cách có chọn lọc.
- Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc giải quyết các vấn đề xã hội, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.
Đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các vấn đề xã hội đã được chú trọng. Nhà nước tạo hành lang pháp lý và thúc đẩy, điều tiết các hình thức quản lý của xã hội hay quản lý phi chính phủ đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, công tác quản lý của Nhà nước chưa theo kịp sự phát sinh ngày càng nhiều các vấn đề xã hội vì “tính không thể hoặc khó có thể lượng hoá được của các vấn đề xã hội”. Thực tế cho thấy, một hình thức quản lý của Nhà nước có thể vận hành tốt ở địa phương này nhưng lại vận hành không tốt ở địa phương khác. Ví dụ, hình thức “Công trường 06” tại Tuyên Quang có thể là một hình mẫu tốt trong việc quản lý những người cai nghiện ma tuý ở miền núi phía Bắc; nhưng cũng với cách thức quản lý này, tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (tỉnh Hà Tây cũ), thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ thì không ít học viên đã bỏ trốn. Một vấn đề khác đặt ra hiện nay là cơ chế quản lý của Nhà nước đối với quá trình xã hội hoá lĩnh vực xã hội sẽ diễn ra như thế nào?
Nhìn chung sự phát triển của lĩnh vực xã hội theo hướng xã hội hoá, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo, văn hoá nghệ thuật, vui chơi giải trí, không phải bao giờ cũng tương hợp với cách thức quản lý của Nhà nước. Một số hình thức quản lý của Nhà nước theo hướng xã hội hoá, hay hình thức quản lý xã hội đối với lĩnh vực xã hội xuất hiện trong thời gian vừa qua chưa đủ để giải đáp vấn đề phức tạp này. Quá trình xã hội hoá khá mạnh mẽ và sâu sắc lĩnh vực xã hội hiện nay đòi hỏi phải xã hội hoá công tác quản lý một cách tương ứng. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế cũng đã xuất hiện những hoạt động xã hội “ngầm” và hình thức quản lý “ngầm”. Vấn đề quản lý đối với các hoạt động này luôn luôn là một thách thức đối với công tác quản lý của Nhà nước và của xã hội.
Một số đề xuất
Một là, tiếp tục xây dựng và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc
Các chương trình mục tiêu quốc gia cho phép cụ thể hoá một cách rõ ràng quá trình hoạch định, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng, Nhà nước về một hay một số vấn đề cụ thể có liên quan với nhau trong lĩnh vực xã hội hay một số vấn đề xã hội của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, an ninh, quốc phòng,... Chúng cho phép tập hợp được các nguồn lực, và tập trung sự chỉ đạo vào việc thi hành các đường lối, chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến một hay một số vấn đề xã hội, đặc biệt, các vấn đề xã hội bức xúc trong một thời gian nhất định. Các chương trình này có tính hệ thống: từ nhận thức chung, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng tác động của chương trình cho đến các nguồn lực cần phải huy động, thời gian, địa điểm tiến hành và kết thúc chương trình. Vì thế, thuận lợi cho công tác quản lý, từ hoạch định, điều phối, triển khai thực hiện và kiểm tra quá trình thực hiện, kết quả thực hiện.
Việc xây dựng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần làm giảm không ít công việc sự vụ hành chính nhà nước. Các chương trình này có thể mở ra khả năng huy động nguồn lực trong nhân dân và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Vì mục tiêu của chúng là tập trung giải quyết những vấn đề xã hội đang bức xúc ở quy mô quốc gia hay địa phương, nên chúng cũng đòi hỏi các cấp chính quyền và cộng đồng phải quan tâm và phối hợp giải quyết. Sự tham gia rộng rãi của nhân dân và sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác nước ngoài trong quá trình thực hiện các mục tiêu quốc gia hay địa phương đã và sẽ thúc đẩy quá trình xã hội hoá công tác quản lý quá trình thực hiện.
Trong thời gian tới, cần thực hiện sự phân cấp quản lý các chương trình, dự án xã hội, nhằm định hình rõ và ổn định vị trí, vai trò, chức năng của các cấp quản lý; trên cơ sở đó, có thể lồng ghép các chương trình, dự án, nhằm đạt hiệu quả xã hội cao.
Hai là, tăng cường lượng hoá mục tiêu của chính sách xã hội, theo hướng từng bước hội nhập với tiêu chí chung của thế giới
Các tiêu chí về mức nghèo khổ, mức sống, tuổi thọ bình quân và chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, phát triển con người… trong những năm gần đây đã được lượng hoá và ngày càng bám sát tiêu chí quốc tế. Trong quá trình hội nhập quốc tế các khái niệm, tiêu chí và phương pháp tính toán các chỉ tiêu phát triển lĩnh vực xã hội (và cả kinh tế) là cần thiết để so sánh trình độ phát triển của lĩnh vực xã hội ở nước ta với khu vực và thế giới. Thực tế cho thấy, việc lượng hoá kết quả về phát triển dân số, kế hoạch hoá gia đình, xoá đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, phòng chống bệnh tật… theo chuẩn quốc tế đã cho phép cộng đồng quốc tế thừa nhận thành tựu của Việt Nam.
Việc lượng hoá các tiêu chí thực hiện các chính sách xã hội theo hướng từng bước tiếp cận với tiêu chí chung của thế giới là tiền đề cần thiết và thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu; tạo cơ sở khoa học cho việc đổi mới nhận thức và phương pháp hoạch định, triển khai thực hiện chính sách xã hội và kết hợp liên ngành trong việc lồng ghép các chính sách xã hội và kinh tế với những tiêu chí có thể hạch toán được trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Ba là, thể chế hoá các chính sách xã hội thành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý quá trình phát triển lĩnh vực xã hội
Thể chế hoá các chính sách này bao gồm nhiều cấp độ: quy chế, quy định, chính sách, nghị định, pháp lệnh, luật pháp. Ngày nay, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đã có nhiều lĩnh vực xã hội được thể chế hoá ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn cần hạn chế các văn bản dưới luật trong công tác quản lý của Nhà nước nói chung, trong đó có công tác quản lý lĩnh vực xã hội. Cần thiết và có thể quản lý các vấn đề xã hội bằng luật, nhờ vậy lĩnh vực xã hội mới phát triển ổn định.
Bốn là, tiếp tục xây dựng các thể chế và nguồn lực cho việc quản lý lĩnh vực xã hội
Trước tiên phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với tất cả các thiết chế tự quản thuộc lĩnh vực xã hội, nhằm bảo đảm cho chúng hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Một mặt, cần xây dựng các quy chế phối hợp, kết hợp giữa các thiết chế nhà nước, các thiết chế chính trị - xã hội và các thiết chế xã hội tự quản, nhằm phát triển các thiết chế xã hội tự quản để các thiết chế này từng bước có thể đảm nhiệm và hỗ trợ các thiết chế nhà nước và các thiết chế chính trị - xã hội trong một số công tác xã hội. Mặt khác, cần kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực xã hội. Đồng thời đào tạo những người làm công tác xã hội có năng lực phát hiện, giải quyết các vấn đề xã hội ngay từ cơ sở (làng, bản, buôn, ấp, doanh nghiệp…). Đây chính là nguồn nhân lực có chất lượng cao cho việc giải quyết các vấn đề xã hội./.
Gác bút  (07/12/2012)
Tín ngưỡng thờ vua Hùng trở thành di sản nhân loại  (07/12/2012)
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc  (07/12/2012)
Việt Nam luôn coi WB là đối tác tin cậy, có hiệu quả  (07/12/2012)
"Nghị quyết của hai thành phố ở Mỹ sai trái, lạc lõng"  (07/12/2012)
Chủ tịch Quốc hội tiếp cựu Thủ tướng Nhật Hatoyama  (06/12/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên