Tạp chí Nghiên cứu

22:52, ngày 17-05-2011

Đây là tạp chí do Trung ương cục miền Nam của Đảng xuất bản trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 3-1951), Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam gồm các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng công tác ở Nam Bộ để thay mặt Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam trong điều kiện giao thông liên lạc có nhiều khó khăn. Trung ương Cục miền Nam gồm các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh, Ung Văn Khiêm;   do đồng chí Lê Duẩn làm bí thư.

Trung ương Cục đã chủ trương xuất bản tạp chí lý luận, lấy tên là tạp chí Nghiên cứu, với tiêu đề “Cơ quan lý luận của Trung ương Cục miền Nam Đảng Lao động Việt Nam”. Tạp chí xuất bản không định kỳ, khuôn khổ và độ dày các số cũng không đều nhau.

Số 1, khổ 16x23 cm, dày 107 trang, in typô, tháng 7-1951.

Số 2, khổ 11,5x17,5cm, 110 trang, in typô, tháng 1-1952.

Số 3, khổ 11,5x17,5 cm, 92 trang, in typô, tháng 5-1952.

Số 4, khổ 10,5x16 cm, 146 trang, in typô, tháng 7-1952.

Số 5, khổ 10,5x16 cm, 246 trang, in rônêô, tháng 1-1953.

Số 6, khổ 10,5x16 cm, 126 trang, in rônêô, tháng 4-1953.

Giá bán tạp chí thay đổi theo từng số. Số 1 giá 50 đồng, số 2
giá 100 đồng, số 3 giá 100 đồng, số 4 giá 150 đồng, số 5 giá 350 đồng, số 6 giá 250 đồng. Tạp chí do Nhà xuất bản Nhân dân miền Nam làm tổng đại lý phát hành, qua bộ máy Sở Giao thông liên lạc Nam Bộ mà chuyển đến các nơi nhận.

Tạp chí do đồng chí Hà Huy Giáp làm Chủ nhiệm, đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn làm Chủ bút, đồng chí Nguyễn Hồng Việt làm quản lý trị sự.

Về mục đích, tôn chỉ của tạp chí, trong bài “Tạp chí Nghiên cứu ra đời”, đăng số 1 (tháng 7-1951) có đoạn viết: “Cán bộ hy sinh chiến đấu gian khổ nhiều, nên kinh nghiệm thực tế khá phong phú, nhưng không biết tổ chức tổng kết kinh nghiệm, đúc thành lý luận. Mặt khác, chúng ta thiếu lý luận căn bản để hướng dẫn công tác, sử dụng kinh nghiệm thực tế.

“Bị mờ hết một mắt là khó thấy rõ đường lối, khó mà có được sự sáng suốt để làm tròn nhiệm vụ mỗi ngày một nặng trên sự nghiệp kháng chiến kiến quốc trường kỳ, gian khổ và vinh quang của dân tộc.

“Trung ương Cục miền Nam của Đảng Lao động Việt Nam cho xuất bản tạp chí Nghiên cứu này để bổ khuyết một phần nào cho tình trạng nói trên.

“Với những bài rút trong tạp chí, cơ quan lý luận của Trung ương Đảng để đăng lại, với những mục thường xuyên của tạp chí Nghiên cứu, chúng tôi sẽ cố gắng:

“- Phát huy lý luận căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên thực tế cách mạng của Việt Nam nói chung và của miền Nam Việt Nam nói riêng.

“- Tổng kết kinh nghiệm công tác cách mạng kháng chiến kiến quốc ở Việt Nam nói chung, ở miền Nam nói riêng.

“Tôn chỉ của tạp chí Nghiên cứu là: kết hợp lý luận với thực tế”.

Về nội dung, tạp chí có ba loại bài:

1. Những bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như “Phải thiết thực chu đáo trong công tác huấn luyện”, “Hiệu triệu nhân dịp phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm”, v.v.. và của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh như “Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đấu tranh tư tưởng để chiến thắng”; “Thi đua ái quốc và chủ nghĩa anh hùng mới”; “Phóng tay phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất”, v.v..

2. Những bài viết của các đồng chí ủy viên Trung ương Cục và cán bộ đảng ở miền Nam. Loại bài này chiếm tỷ lệ lớn.

3. Những bài giới thiệu kinh nghiệm công tác của các Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc, v.v..

Các bài viết, bài nói quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của đồng chí Trường Chinh đăng trên các báo của Trung ương, được tạp chí Nghiên cứu đăng lại.

Dưới đây là một số nét về những bài của các đồng chí ủy viên Trung ương Cục và của các cán bộ miền Nam, đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu.

Tạp chí Nghiên cứu số 1 đăng bài “Vấn đề thành thị trong cuộc võ trang quần chúng phát động nhân dân chiến tranh” của đồng chí Lê Duẩn. Sau khi nhận định “Mấy chục năm qua và đặc biệt trong mấy năm kháng chiến, chúng ta thấy lực lượng chính của quần chúng cách mạng ở thành thị là các tầng lớp lao động, căn bản là công nhân, và một bộ phận trí thức, học sinh, sinh viên”, bài báo nêu vấn đề “Phong trào quần chúng phải biến chuyển từ thành thị về thôn quê. Phong trào bạo động ở thôn quê có thể phát triển lên chiến đấu với đế quốc, làm kiệt quệ sinh lực của đế quốc, đồng thời làm kinh động phong trào cách mạng ở thành thị để cùng với phong trào võ trang cách mạng ở thành thị đánh đổ hẳn cơ sở và đầu não của đế quốc, trong những điều kiện đầy đủ và thuận tiện”. Bài báo cũng đã phân tích mối quan hệ trong đấu tranh cách mạng ở thành thị và thôn quê.

Trong phần kết luận, bài báo nêu rõ: Để lãnh đạo đúng phong trào thành thị, phải nhận rõ hai vấn đề:

- Giáo dục, tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống đế quốc, đi vào con đường kháng chiến chung; phối hợp bảo vệ quyền lợi hàng ngày với kháng chiến chung.

- Muốn chiến thắng dễ dàng ở thôn quê, phải đấu tranh mạnh ở thành thị, phối hợp thành thị với thôn quê.

Số 1 còn đăng bài “Một thái độ chủ động đối với lao động trí óc : tranh thủ, đoàn kết, xây dựng các giới trí thức trên con đường phục vụ nhân dân” của đồng chí Lê Đức Thọ. Bài báo nhằm làm sáng tỏ luận điểm về vai trò của lao động trí óc trong Chính cươngTuyên ngôn của Đảng đã được Đại hội lần thứ II của Đảng thông qua. Tác giả đã trình bày vì sao trí thức là một tầng lớp nền tảng của động lực cách mạng, đồng thời phân tích những nhược điểm của tầng lớp trí thức. Bài báo nêu rõ, để khắc phục những nhược điểm ấy “lao động trí óc cần giác ngộ một cách đầy đủ vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân tập trung trong đội tiên phong của nó là Đảng của công nhân. Người trí thức chưa giác ngộ đầy đủ sự cần thiết phải đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng công nhân thì không thể nào người ấy có thể khắc phục những nhược điểm của mình. Trái lại, Đảng của công nhân chưa giác ngộ đầy đủ vai trò lãnh đạo của mình đối với các tầng lớp trí thức thì đảng ấy chưa làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo của mình và không thể nào xây dựng được một thế hệ trí thức cách mạng rất cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và giai cấp”.

Tạp chí Nghiên cứu số 1 còn có những bài bàn về công tác xây dựng Đảng như các bài “Tích cực tiến hành phê bình và tự phê bình”, “Cần giữ gìn và phát triển sức mạnh vô địch của Đảng”.

Tạp chí Nghiên cứu số 2 đăng bài của đồng chí Hà Huy Giáp: “Nhận định về dân chủ nhân dân chuyên chính”, viết dựa theo báo cáo của đồng chí Trường Chinh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Số này còn có bài “Tăng cường tinh thần quốc tế chân chính” của đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, với bút danh Nguyễn Thượng Vũ. Bài báo nêu rõ “... chúng ta đương kháng chiến giành tự do, độc lập, đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới, ... Ai đã kháng chiến cũng phải đứng về phe hòa bình dân chủ chống đế quốc, bất luận theo đảng phái, tôn giáo nào... Chủ nghĩa quốc tế của chúng ta không giống chút nào với chủ nghĩa thế giới của bọn đế quốc và bè lũ xã hội hữu khuynh tay sai của đế quốc”.

Số 2 còn có bài “Chỉnh đốn hội nghị Đảng để xây dựng Đảng” của đồng chí Lưu Quý Kỳ, và bài “Xây dựng cho tạp chí Nghiên cứu xứng đáng là một tạp chí lý luận Mác - Lê-nin” của đồng chí Nguyễn Hồng Việt.

Số 3 đăng bài “Hồ Chủ tịch với thái độ học tập” của đồng chí Hà Huy Giáp, viết nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi trình bày cụ thể những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thái độ học tập, bài báo đã tổng hợp thành mấy điều chủ yếu: Học để làm việc vì lợi ích của đoàn thể, của nhân dân ; học để cải tạo con người; học thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Số 3 còn đăng bài “Nhân dân đòi hỏi văn hóa” của đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn. Sau khi nêu lên những khuyết điểm trong hoạt động văn hóa và tuyên truyền của cán bộ, đảng viên, bài báo chỉ rõ cần nắm vững lý luận Mác - Lê-nin về vấn đề dân tộc để tìm thêm những hình thức hoạt động văn hóa hợp với yêu cầu và sở thích của nhân dân. Bài “Nhiệm vụ của Mặt trận dân tộc thống nhất hiện nay” của đồng chí Ung Văn Khiêm trình bày quan điểm của Đảng về công tác mặt trận, phân tích những sai sót, yếu kém trong công tác mặt trận ở Nam Bộ, và đặt vấn đề phải xây dựng trong Đảng bộ ở Nam Bộ một quan niệm đúng về chính sách mặt trận của Đảng và nguyên tắc chấp hành chính sách đó.

Số 4 đăng bài nói chuyện của đồng chí Hà Huy Giáp trong buổi tổng kết Hội nghị thông tin văn nghệ phân khu miền Tây. Ngoài ra còn có các bài “Thái độ chúng ta đối với tôn giáo” của đồng chí
Nguyễn Văn Nguyễn; “Vấn đề bút ký tâm đắc, chấm điểm ở trường Trường Chinh khóa III”. Trong mục “Thời luận” có các bài đưa tin về tình hình thế giới và trong nước.

Số 5 có các bài “Thu thuế nông nghiệp là cuộc vận động chính trị sâu rộng trong nhân dân” của đồng chí Ung Văn Khiêm; “Sản xuất là nền tảng của kháng chiến và của chế độ dân chủ nhân dân” của đồng chí Nguyễn Hồng Việt. Số này trong mục “Thời luận” có bài của Hồng Thắng viết về tình hình thế giới ba tháng cuối năm 1952.

Số 6 đăng các bài “Tăng cường việc giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là phương châm chủ yếu trong việc xây dựng Đảng” của đồng chí Lê Đức Thọ ; “Động viên lực lượng tinh thần đạo đức dân tộc chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bù nhìn bán nước” của đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, và mục “Thời luận” do đồng chí Nguyễn Hồng Việt viết. Trong số này còn có bài đưa tin đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, chủ bút của tạp chí, đồng thời là đại biểu Quốc hội, ủy viên ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, từ trần (1) .

Số 5 và số 6 còn có tin chiến thắng ở khắp các miền đất nước của quân và dân ta, và ở chiến trường Lào của liên quân Lào - Việt.

Tạp chí Nghiên cứu được in ở nhà in Trần Phú, tại các vùng căn cứ kháng chiến, và thường phải thay đổi địa điểm để bảo đảm an toàn, bí mật, đề phòng địch phát hiện và đánh phá.

Tạp chí Nghiên cứu đã vận dụng cụ thể đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng vào tình hình thực tế của miền Nam, góp phần tích cực giáo dục tư tưởng và chính trị cho cán bộ, đảng viên ở miền Nam. Trong hoàn cảnh kháng chiến, lại xa Trung ương, việc xuất bản tạp chí Nghiên cứu là một cố gắng lớn của đảng bộ miền Nam.

Nhìn chung, trong thời kỳ đấu tranh bí mật để giành chính quyền, và trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, khi mà việc xuất bản và đưa tạp chí Đảng đến tay người đọc phải kinh qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, phải chịu đựng những hy sinh có khi rất to lớn, Đảng ta vẫn cố gắng tranh thủ mọi thời cơ, tạo mọi điều kiện để xuất bản tạp chí lý luận và chính trị. Vì vậy bất chấp mọi khó khăn, thiếu thốn, và dù có lúc chỉ ra được vài số rồi lại phải tạm đình bản, các tạp chí Đảng vẫn nối tiếp nhau ra đời, đưa đường lối, chính sách của Đảng đến với các cán bộ, đảng viên và quần chúng. Điều đó chứng tỏ Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác báo chí cách mạng và công tác lý luận. Điều đó cũng chứng minh tác dụng quan trọng của các tạp chí lý luận và chính trị. Tuy có lúc chưa thật phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, các tạp chí Đảng, từ Tạp chí Đỏ (năm 1930) đến Tạp chí Cộng sản (năm 1950), đã bước đầu giúp bạn đọc tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, dùng lý luận Mác - Lê-nin để phân tích những vấn đề của cách mạng Việt Nam, mà trước hết là những vấn đề nổi bật của từng thời kỳ cách mạng, giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng những cơ sở nhận thức để quán triệt đường lối, chính sách của Đảng. Các tạp chí Đảng đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, từ đó giúp họ có phương hướng hành động đúng. Các tạp chí Đảng cũng là những tài liệu hướng dẫn công tác bổ ích và thiết thực đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng của Đảng. Vì vậy, có thể khẳng định rằng trong sự lớn mạnh của Đảng qua muôn vàn thử thách của chặng đường 1930-1954, có sự đóng góp không nhỏ của các tạp chí Đảng.