Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực của tỉnh Quảng Ninh - Thành công, hạn chế và những vấn đề đặt ra
Trong môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, các quốc gia trên thế giới coi khoa học và công nghệ là một biến số chiến lược quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Có thể khẳng định rằng, phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới hiện nay thực chất là cuộc đua về khoa học và công nghệ, về nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động trên cơ sở hiện đại hoá nguồn nhân lực. Với tư cách là thành tố cơ bản của nền văn hoá, khoa học - công nghệ có một vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển đất nước; có vai trò to lớn trong việc hình thành nền “kinh tế tri thức” và “xã hội thông tin” trong sản xuất, dịch vụ và quản lý.
Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế ”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ đã xác định rõ quan điểm: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động khoa học và công nghệ Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.
Chúng ta đang tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) thông qua các công nghệ như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tế ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội mới cho đất nước cũng như cho mỗi địa phương. Trong xu thế đó, tỉnh Quảng Ninh xác định cần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, nhanh chóng nắm bắt xu thế mới để phát triển nhanh và bền vững.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, có thể thấy, vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Với quan điểm chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Ninh xác định khoa học - công nghệ ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Khoa học và công nghệ đã hiện diện sâu sắc, đậm nét trên khắp các lĩnh vực tạo nên những thành tựu bứt phá trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội:
- Lĩnh vực nông nghiệp: Sở đã tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ vào các khâu: Xây dựng quy trình sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ chuyển giao các công nghệ; thiết kế mẫu mã, nhãn hiệu, bao bì và xúc tiến quảng bá các sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP; các sản phẩm đã được người tiêu dùng tin tưởng, giá bán tăng. Một số lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Cụ thể: trong nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống nuôi tuần hoàn trong nhà (ISPS), quản lý, kiểm soát chất lượng nước tự động hóa theo công nghệ Nhật Bản tại Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Hạ Long đưa năng suất thu hoạch đạt gần 200 tấn/ha/năm, tiết kiệm chi phí gần 30%. Bảo tồn 8 nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế (ba kích, gà Bang Trới, ngán, sá sùng, tu hài, ốc đĩa, cá tráp vây vàng, bảy lá một hoa)...
- Lĩnh vực y dược: Ngành y tế đã tiếp nhận chuyển giao trên 2.000 kỹ thuật mới từ các bệnh viện tuyến Trung ương giúp người bệnh yên tâm điều trị tại địa phương, tiết kiệm thời gian, chi phí của bệnh nhân và giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương. Trong đó ngành đã ứng dụng hệ thống Telemedicine (y học từ xa) vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh với 30 điểm cầu được 156 ca, hội chẩn và mổ trực tuyến có sự hỗ trợ của các chuyên gia Trung ương 173 ca.
- Lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ: Các doanh nghiệp đã chủ động tích cực đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và tăng năng suất lao động, cụ thể: Đã có 7 doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến sử dụng xỉ đáy và tro bay nhà máy nhiệt điện để sản xuất gạch không nung quy mô công nghiệp đạt công suất 304 triệu viên QTC/năm. Công ty CP Thiên Nam đã đầu tư giai đoạn 1 của Dự án thu hồi chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải tại bãi thải Đông Cao Sơn, tổng mức đầu tư trên 283 tỷ đồng với 2 dây chuyền nghiền sàng, phân loại sản phẩm, công suất 550 tấn/giờ/dây chuyền. Công ty CP Viglacera Hạ Long chuyển giao công nghệ từ nung hỗn hợp gạch, ngói sang nung đốt 100% ngói lợp, giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm sức lao động, đem lại sản phẩm có chất lượng cao. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long đầu tư 04 lò đốt rác công nghệ cao tại nhà máy Xử lý chất thải rắn Khe Giang, công suất 70 tấn rác/lò/ngày, đã góp phần xử lý rác khu vực thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên...
Riêng ngành than: Đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh như công nghệ cơ giới hóa khai thác vỉa dốc, mỏng bằng tổ hợp dàn chống 2ANSH; công nghệ khai thác bằng các lỗ khoan đường kính lớn bằng máy khoan BGA- 2M; công nghệ cơ giới hóa đào lò bằng máy combai AM- 45 và AM- 50Z để nâng tốc độ đào lò; công nghệ khai thác lò chợ sử dụng giá khung thủy lực di động…, đặc biệt, một số đơn vị đã chủ động thiết kế, chế tạo công nghệ, thiết bị để tránh lệ thuộc vào nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm được 30% so với chi phí thuê ngoài, giá thành sản phẩm chỉ bằng 2/3 so với nhập khẩu.
Công ty Điện lực Quảng Ninh đã lập đề án tự động hóa lưới điện trung áp tỉnh Quảng Ninh, ứng dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các khâu như: Chương trình tính toán tổn thất PSS, Smatsmulator, PMIS/GIS để theo dõi, quản lý áp dụng trong công tác kiểm tra, đầu tư cải tạo, sửa chữa lưới điện; ứng dụng nhiều sáng kiến ở các khâu sản xuất kinh doanh.
- Lĩnh vực thương mại điện tử: Tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử và giao Sở Công Thương chủ trì triển khai thực hiện; duy trì, vận hành và nâng cấp, bổ sung tính năng hoạt động cho sàn giao dịch thương mại điện tử (teqni.gov.vn) hoạt động tốt, ổn định, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng các thiết bị di động. Các đơn vị trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính đã phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện, nước... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
- Lĩnh vực quản lý nhà nước: Các cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, hỗ trợ tổ chức, cá nhân nhanh gọn, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Đến nay, đã có trên 30 hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, xây dựng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý như: Atlas điện tử; quản lý y tế; quản lý hộ tịch; cấp đổi giấy phép lái xe; quản lý phương tiện thủy nội địa; quản lý số liệu về cơ sở hạ tầng giao thông; quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo; quản lý dữ liệu về trẻ em trên địa bàn tỉnh; quản lý chuyên ngành bưu chính, viễn thông tỉnh Quảng Ninh; khoa học và công nghệ; quản lý cấp phép trong lĩnh vực xây dựng; quản lý đất đai; quản lý dự án đầu tư; quản lý hộ chính sách; quản lý cấp phép các hoạt động du lịch; quản lý cấp phép lĩnh vực môi trường...
- Lĩnh vực giáo dục: Sở đã trang bị 216 phòng học thông minh cho 32 trường học phục vụ giảng dạy từ kết quả của Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh”. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ứng dụng kết quả và mở rộng trong dự án “Xây dựng trường học thông minh trên địa bàn thành phố Hạ Long” và dự án “Xây dựng trường học thông minh cho 66 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” thuộc Đề án “Triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017- 2020”, đã đầu tư được 1.179 phòng học thông minh cho 57 trường học.
- Lĩnh vực du lịch: Triển khai tài khoản vệ tinh du lịch; xây dựng bộ công cụ trách nhiệm xã hội (CSR) nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Ninh kinh doanh bền vững. Nâng cấp website halongtourism.com.vn, lập trang fanpage để cung cấp thông tin phục vụ nhân dân và du khách. Nhiều khách sạn lớn, công ty du lịch, lữ hành của tỉnh đã tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh như tổ chức mua bán tour, đặt phòng trực tuyến, ứng dụng những phần mềm chuyên dụng như quản trị văn phòng, tài chính... Hiện đang triển khai dự án thành phố thông minh, lĩnh vực du lịch với nhiều ứng dụng công nghệ để phục vụ du khách như: cung cấp thông tin, hệ thống bán vé điện tử, thanh toán trực tuyến...
- Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Nhiều kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã cung cấp cơ sở dữ liệu cho các cơ quan tham khảo trong hoạch định chính sách và quản lý nhà nước (Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh - thực trạng, giải pháp tạo sinh kế bền vững; Giải pháp thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Biên soạn bộ tài liệu dạy tiếng dân tộc Dao Thanh Y tỉnh Quảng Ninh; Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát nhả tơ tại huyện Vân Đồn...).
- Lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Lực lượng công an tỉnh triển khai các giải pháp bảo mật cho hạ tầng kỹ thuật máy tính nội bộ, trang bị thiết bị bảo mật luồng truyền dẫn, mã hóa dữ liệu; nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ khoa học dựng chân dung đối tượng gây án qua mô tả của nhân chứng phục vụ công tác phòng, chống tội phạm... Ban chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai công nghệ mô phỏng và thao trường huấn luyện ảo phục vụ công tác huấn luyện chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh; diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh trên bản đồ số 2D, 3D, thiết lập cầu truyền hình trong diễn tập khu vực phòng thủ, hợp tác nghiên cứu xây dựng hệ thống thao trường huấn luyện ảo cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; sử dụng Flycam trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, trong vùng lũ lụt bị cô lập...
Tỉnh đặc biệt quan tâm huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, kiên trì phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Trong đó, tổng vốn đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2017 - 2020 là 19.290 tỷ đồng (chiếm 2,71% GRDP). Nhiều công nghệ mới, hiện đại đã được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Chất lượng tăng trưởng của tỉnh được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt với mức tăng bình quân dự kiến năm 2021 là 9,6%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước (4,71 %). Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 45,24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn còn nhiều hạn chế:
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về khoa học và công nghệ còn chưa tập trung, quyết liệt, thường xuyên, cụ thể: (1) Hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ tại một số địa phương còn chưa hiệu quả, chưa rõ nét, chưa có nội dung riêng biệt của ngành, địa phương. Tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại một số đơn vị còn chưa được thường xuyên; chủ yếu lồng ghép trong công tác chỉ đạo điều hành hoạt động chung của cấp ủy, chính quyền; vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương, đơn vị chưa được xem là then chốt, là động lực phát triển. (2) Công tác tuyên truyền, phổ biến về các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ cho các doanh nghiệp còn chưa chủ động, kịp thời, hiệu quả nên một số doanh nghiệp chưa rõ, thiếu thông tin để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ;
- Cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động trong khoa học và công nghệ vẫn còn một số hạn chế, bất cập: (1) Một số cơ chế chính sách đã ban hành nhưng còn bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Một số tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu. (2) Cơ chế quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ mặc dù đã được cải tiến nhưng nhìn chung vẫn còn mang tính hành chính chủ quan (thời gian đăng ký, đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, việc kiểm tra nhiệm vụ khoa học và công nghệ); cơ chế khoán trong hoạt động khoa học và công nghệ, cơ chế quản lý tài chính bằng hình thức quỹ hỗ trợ hoặc tài khoản tiền gửi chưa được triển khai. (3) Chưa có chính sách đột phá để thu hút, đào tạo đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và công nghệ. Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Quảng Ninh tuy đã có sự tăng trưởng về lượng cũng như sự thay đổi về chất nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước khoa học và công nghệ còn thiếu và yếu, chưa có cán bộ chuyên trách về khoa học và công nghệ ở cấp huyện. (4) Kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin và chính quyền điện tử ở mức cao (2.261 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng chi thường xuyên ngân sách). Tuy nhiên, phân bổ kinh phí cho sự nghiệp khoa học và công nghệ chưa hợp lý, chỉ chiếm 7,8%. Vì vậy, nhiều năm xảy ra tình trạng kinh phí không đủ để chi thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động khoa học và công nghệ. Một số địa phương, mức đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách còn mức độ; (5) Quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm; chưa chú trọng đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm tinh chế đáp ứng yêu cầu thị trường; trình độ công nghệ đa số còn ở mức trung bình dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường chưa cao. (6) Việc thực hiện cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng nhu cầu; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được duy trì với tỷ lệ cao, tuy nhiên hiệu quả ứng dụng chưa rõ nét.
Mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rõ: Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Với mục tiêu như vậy, ngành khoa học - công nghệ sẽ tập trung vào 3 điểm đột phá để tăng cường hơn nữa vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đó là xây dựng cơ chế; tạo sự đột phá về hạ tầng công nghệ; và nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, từ đó áp dụng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất.
Để khoa học và công nghệ lan tỏa đến khắp các ngành, lĩnh vực và thể hiện được tính ưu việt là cả một chặng đường dài mà trong đó không thể không kể đến sự đổi mới quan điểm, tư duy nhất là của cả một bộ máy chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của khoa học và công nghệ. Song song với đó là vấn đề cơ chế. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt quyết sách để hỗ trợ, tiếp sức cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ. Qua đó, tạo môi trường và động lực để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước liên quan đến khoa học và công nghệ cũng được tăng cường. Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát triển; kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…”. Trong thời gian tới, cần tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học và công nghệ; Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, định hướng và kết nối.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò nền tảng, động lực, giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ba là, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số theo chiến lược “Đào tạo tại chỗ, nhập cư lao động và hợp tác chuyên gia”.
Năm là, củng cố, tăng cường tiềm lực và phát triển các tổ chức khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm liên thông tổng thể, kiên trì phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Sáu là, phát triển thông tin khoa học và công nghệ, trong đó tập trung xây dựng Trung tâm Ứng dụng và thống kê khoa học và công nghệ Quảng Ninh thành một đơn vị mạnh và hiện đại làm nòng cốt cho hoạt động thông tin khoa học và công nghệ của toàn tỉnh.
Bảy là, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo từ các chương trình, đề án cấp quốc gia, từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh.
Tám là, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy, kích cầu thị trường khoa học và công nghệ; hỗ trợ phát triển hàng hóa, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ.
Chín là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mười là, đẩy mạnh hợp tác trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo giữa tỉnh Quảng Ninh với Bộ Khoa học và Công nghệ và các trường đại học; tích cực tham gia hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương.
Khoa học - công nghệ là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh. Hoạt động khoa học và công nghệ không chỉ là nhiệm vụ của các nhà khoa học - công nghệ, các nhà quản lý khoa học mà là công việc của mọi ngành, mọi cấp, mọi người và các tầng lớp nhân dân. Tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội đều đòi hỏi phải có nội dung khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Vì vậy, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, từ việc định hướng chiến lược phát triển, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đến việc tổ chức thực hiện.
Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh sẽ tăng cường trao đổi, đồng hành cùng các cấp, các ngành và doanh nghiệp; ưu tiên bố trí các nguồn lực phù hợp và cải tiến cách thức triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ có hiệu quả cao hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Vai trò của trường đại học trong hệ thống đổi mới sáng tạo: Thực tiễn trên thế giới và liên hệ với Việt Nam  (29/11/2021)
Quan điểm của Đảng về đổi mới sáng tạo qua các kỳ đại hội  (28/11/2021)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay