Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng trong huy động nguồn lực và khơi thức động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19
Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của thành phố, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, với nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, vừa đẩy mạnh huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế.
I. Tình hình kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và dư địa về nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng
1. Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố
Từ thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu đến nay, thành phố Đà Nẵng đã liên tục trải qua các đợt bùng phát mạnh của dịch, cao điểm từ tháng 5-2021 dịch COVID-19 bùng phát và ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều ổ dịch tại các khu vực tập trung đông người, mật độ dân cư đông đúc... Trước tình hình đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, vận dụng linh hoạt và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố, với những biện pháp chống dịch mạnh nhất từ trước đến nay với mục tiêu “bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết”; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả chủ trương phòng, chống dịch ngay tại xã, phường; người dân là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong năm 2020, Đà Nẵng đã chủ động từ sớm các nguồn lực về con người, hạ tầng, trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch, không để bị động, bất ngờ; linh hoạt, sáng tạo trong công tác khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật trong giám sát y tế. Nhờ đó, đến nay thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, năng lực cách ly, điều trị ngày càng nâng cao thông qua số ca tử vong duy trì ở mức thấp (từ tháng 5-2021 đến ngày 29-12-2021 có 77 trường hợp tử vong trên tổng số 10.849 ca mắc), tỷ lệ khỏi bệnh cao, bước đầu đưa thành phố chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Có thể nhận định, việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua của thành phố đã cơ bản đi đúng hướng, bảo đảm mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân; giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, sớm phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp từ giữa tháng 11 đến nay với nhiều nguy cơ bùng phát, do đó thành phố đang tiếp tục triển khai tiêm mũi 3, đặc biệt là bảo đảm an toàn tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi, đồng thời chuẩn bị sớm các kịch bản kiểm soát dịch trong tình hình mới, nhất là với biến chủng mới Omicron.
2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19
Trong năm 2020 và năm 2021, cùng với cả nước, thành phố đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân (GRDP quý III-2021 tăng trưởng âm so với cùng kỳ, kéo theo tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021 cũng sụt giảm). Tuy vậy, với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị đến ngày 30-9-2021 thành phố đã cơ bản kiểm soát, khống chế dịch bệnh, từng bước mở lại các hoạt động xã hội, các hoạt động kinh tế từng bước phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, GRDP cả năm 2021 ước tăng 0,18% so với năm 2020; một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng vẫn giữ mức tăng trưởng; nhiều doanh nghiệp duy trì tương đối hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động; hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao trên 16,9% so với năm 2020, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu phần mềm (kim ngạch xuất khẩu phần mềm năm 2021 tăng 6,3%, đóng góp trên 8% GRDP); thu hút đầu tư những dự án có chất lượng cao; tập trung quyết liệt việc thu ngân sách, vượt dự toán Trung ương giao (trên 21.800 tỷ đồng, nguồn thu chủ yếu là do tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án trước đây). Tiến độ các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (đến ngày 30-11-2021 đạt 76,4% kế hoạch Trung ương giao). Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tiếp tục được quan tâm thực hiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việc chăm lo cho đời sống của các tầng lớp nhân dân được đảm bảo.
3. Dư địa về nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng
- Về nguồn nhân lực và việc làm: Hiện nay dân số thành phố khoảng 1.200 nghìn người, trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của thành phố khoảng 586 nghìn người. Quy mô lao động của Đà Nẵng hiện tại khá khiêm tốn so với các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, nhưng chất lượng khá cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Đà Nẵng năm 2020 đạt 44,0%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước (24,1%). Trong điều kiện đang và sẽ chưa thể đáp ứng mô hình phát triển kinh tế ít thâm dụng lao động, do đó việc gia tăng lao động chủ yếu từ nguồn dân nhập cư đặt ra cho thành phố những thách thức về hạ tầng xã hội và an sinh xã hội.
- Về đất đai: Với diện tích khoảng 1.285 km² (bảo gồm huyện đảo Hoàng Sa), nguồn lực về đất đai của thành phố rất hạn chế so với các địa phương khác trong cả nước. Đa phần quỹ đất hiện nay đã được huy động vào nền kinh tế, đặc biệt là ở các khu vực phía Nam và phía Đông của thành phố, do vậy, quỹ đất trống còn lại để có thể mở rộng đô thị trong tương lai của thành phố hiện không còn nhiều (chỉ có 18,8% diện tích đất là đất trống có thể phát triển). Do vậy, thành phố cần quy hoạch và quản lý quy hoạch một cách bài bản, khoa học theo hướng bền vững, hướng đến cộng đồng, nhất là quản lý và khai thác hiệu quả quỹ đất, không chạy theo đầu tư, thay đổi quy hoạch và phá vỡ quy hoạch.
- Về vị thế: Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã khẳng định Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây với điểm kết thúc là Cảng Tiên Sa. Ngoài ra, còn nằm trên một trong những tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế trọng yếu. Đà Nẵng đã và đang tạo cho mình một vị thế rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam và khu vực, một thương hiệu nổi tiếng với môi trường sống có chất lượng và thân thiện với môi trường… là trung tâm kết nối các hoạt động kinh tế của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Việt Nam. Đây sẽ là dư địa quan trọng để khai thác và bồi đắp trong chiến lược phát triển của thành phố trong giai đoạn tới.
- Về vốn đầu tư: Trong nhiều năm qua, kinh tế thành phố Đà Nẵng vận hành theo mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố vốn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 đạt hơn 39 nghìn tỷ, năm 2020 còn hơn 34,5 nghìn tỷ. Bình quân giai đoạn 2011 - 2020, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so với GRDP là 41,47%, cao hơn tỷ lệ 32,9% bình quân cả nước, do đó khả năng huy động vốn đầu tư trong xã hội của thành phố trong giai đoạn tới sẽ gặp khó khăn, cùng với đó là nguồn vốn đầu tư công từ trung ương giảm dần. Ngoài ra, hệ số sử dụng vốn đầu tư (ICOR) cao, xấp xỉ mức bình quân chung của cả nước cũng là vấn đề mà Đà Nẵng cần phải cải thiện để có thể thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong thời gian đến.
- Về thể chế: Đây là nguồn lực quan trọng, là chìa khóa phát triển không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả Việt Nam. Một số cơ chế, chính sách đã và đang áp dụng của thành phố có mức ảnh hưởng giảm dần và hết dư địa tác động tới sự phát triển của thành phố, nhất là các chính sách phát triển dựa trên sự huy động nguồn lực đất đai. Do vậy, thành phố đang rất cần các cơ chế chính sách mới, đột phá, phù hợp với nền kinh tế đô thị đang phát triển theo hướng thành phố xanh, năng động, sáng tạo, cạnh tranh toàn cầu, có trình độ phát triển cao và có bản sắc để có thể góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã đề ra “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”.
II. Một số kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng trong huy động nguồn lực và khơi thức động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19
Thứ nhất, chủ đề năm: Bên cạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Hội đồng nhân dân thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân thành phố thì căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, hằng năm thành phố sẽ lựa chọn “Chủ đề năm” để tập trung các nguồn lực và triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; huy động rộng rãi và có hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần trong xã hội và cũng là thông điệp của thành phố nhằm tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Điển hình, trong hai năm 2019 và 2020 thành phố đã lựa chọn chủ đề năm là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, qua đó, thành phố đã tận dụng các cơ hội để xúc tiến thu hút đầu tư thông qua nhiều cách thức, phương pháp mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh[1]; tích cực tháo gỡ vướng mắc các dự án lớn. Nhờ đó, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, nhiều dự án lớn[2] đã đưa vào hoạt động đúng tiến độ cam kết và khởi công, mở rộng đầu tư.
Thứ hai, công tác phòng, chống dịch COVID-19: Trong quá trình triển khai phòng, chống dịch COVID-19, thành phố đã có một số cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, cụ thể như:
+ Trên cơ sở bám sát và thực hiện nghiêm những chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan trung ương, nhất là Bộ Y tế, thành phố đã chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch ngay từ chưa có dịch; chuẩn bị tốt lực lượng, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm. Khi phát sinh ca nhiễm trên địa bàn thì thực hiện phương châm “khoanh vùng nhanh, hẹp, xét nghiệm rộng, tạm dừng các hoạt động tùy theo diễn biến dịch và bốn tại chỗ”, trong đó tổ chức xét nghiệm mẫu gộp, vừa tiết kiệm về thời gian[3], vừa nhanh chóng tách các F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết các trường hợp F liên quan và các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao, vừa mang lại hiệu quả kinh tế
+ Thực hiện tốt công tác kiểm soát người về từ vùng dịch, không thực hiện việc ngăn sông, cấm chợ, cách ly cực đoan. Tập trung siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, các bệnh viện, cơ sở y tế. Thành lập các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các vị trí cửa ngõ ra, vào thành phố và kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở; đồng thời, phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở, nhất là giám sát, phát hiện người về từ vùng dịch.
+ Nêu cao tinh thần trách nhiệm và phát huy vai trò người đứng đầu của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch, với tinh thần không chủ quan lơ là nhưng hết sức bình tĩnh, linh hoạt, quyết liệt và chủ động[4]. Chủ động xây dựng, dự báo các tình huống, phương án phòng chống dịch COVID-19 cũng như kịch bản tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội linh hoạt trong từng giai đoạn cụ thể nhằm đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và hạn chế tối đa sự bị động trong việc quản lý, điều hành.
+ Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch với nhiều hình thức phù hợp; xử lý nghiêm các vi phạm[5]; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch với 20 giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin.
+ Chỉ đạo khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19, tích cực vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch và Quỹ vắc xin thành phố. Tính đến ngày 30-12-2021, thành phố đã tiếp nhận 1.852.326 liều vắc xin phòng COVID-19; đã tiêm 1.929.361 mũi tiêm; trong đó 871.664 người tiêm mũi 1 (đạt tỷ lệ 99,6% người trên 18 tuổi), 858.319 người tiêm mũi 2 (đạt tỷ lệ 98,08% người trên 18 tuổi); 614 người trên 18 tuổi tiêm mũi 3 và đã có 100.576 trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 (đạt tỷ lệ 98,39%) và 98.157 trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 2 (đạt tỷ lệ 96,05%)... Đồng thời, thành phố chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện điều trị bệnh nhân COVID-19 với kịch bản 4.000 - 5.000 bệnh nhân theo tháp điều trị 3 tầng; trong đó sẵn sàng các điều kiện thu dung điều trị 150 - 250 ca bệnh nặng, nguy kịch và triển khai thiết lập 112 Trạm Y tế lưu động tại 56/56 xã, phường để ứng phó linh hoạt với diễn biến dịch COVID-19.
+ Quan tâm chăm lo, hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, nhất là người lao động bị mất việc làm không có nguồn thu nhập và các hộ người có công, hộ nghèo, cận nghèo khó khăn... Đến tháng 10-2021, tổng kinh phí của thành phố đã chi cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh khoảng 2.590 tỷ đồng.
Thứ ba, ban hành Kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19: Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 26-10-2021 về việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong đó đưa ra mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và các kịch bản tăng trưởng năm 2022 và định hướng năm 2023, đặc biệt đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cho năm 2022 và 2023. Đồng thời, thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 3398/QĐ-UBND ngày 27-10-2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gắn với gắn phát huy hiệu quả vai trò các tổ công tác liên ngành[6] và phân công cụ thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, các sở ngành, địa phương trực tiếp theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng các kế hoạch, chương trình, dự án, kịch bản kịp thời đề xuất hướng giải quyết trong việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhằm kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Thứ tư, triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, huy động nguồn lực và khơi thức động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19: Trên cơ sở Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), thành phố đã tích cực phối hợp với các cơ quan trung ương tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, chủ trương, định hướng quan trọng, làm cơ sở pháp lý, mang tính nền tảng, tạo động lực mới để phát triển thành phố trong thời gian đến như: Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần kết cấu hạ tầng dùng chung; sắp tới thành phố sẽ trình Trung ương xem xét đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực; trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng; Chính phủ đã cho chủ trương thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; đang xem xét cho phép thành phố nghiên cứu Đề án hình thành khu phi thuế quan...
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các dự án mang tính động lực, liên vùng
+ Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án động lực, trọng điểm, quan trọng có tác động kích thích, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố bao gồm: Dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; Tuyến đường Trục I Tây Bắc; Dự án Phát triển bền vững; Nhà máy nước Hòa Liên; Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); Tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; Dự án tuyến đường Vành đai phía Tây 2 thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông…
+ Tiếp tục làm việc và phối hợp với các cơ quan trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, động lực, có ý nghĩa vùng, liên vùng như: dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu, khu đô thị làng Đại học Đà Nẵng, Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn Hòa Liên - Túy Loan), Nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đầu tư tuyến kết nối giao thông sân bay về phía Tây và nâng cấp kết cấu hạ tầng để nâng cao khả năng khai thác của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14B (đoạn còn lại qua địa phận Đà Nẵng), dự án mở rộng Cảng cá Thọ Quang (giai đoạn 2)…
+ Tiếp tục phối hợp đề xuất các bộ, ngành trung ương ưu tiên đầu tư, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14G, tuyến đường Hành lang Kinh tế Đông Tây 2 (Quốc lộ 14D) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên hành lang kinh tế Đông Tây.
Thứ sáu, đầu tư công của thành phố: Trong ngắn hạn, nguồn lực từ khu vực tư vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, nếu không có nguồn lực từ đầu tư công tạo động lực thì rất khó cho quá trình phục hồi và tăng trưởng. Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư công, nhanh chóng hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn thành phố là một trong những giải pháp ưu tiên. Theo đó, thành phố đã ban hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, công tác đền bù giải tỏa, khởi công và triển khai một số dự án quy mô lớn, trọng điểm; yêu cầu xây dựng kế hoạch, tiến độ, quy định tỷ lệ giải ngân đến từng thời điểm cụ thể trong năm, chỉ đạo các chủ đầu tư kiên quyết chấm dứt và xử phạt hợp đồng theo quy định các nhà thầu vi phạm tiến độ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tính đến 31-11-2021, tổng giá trị giải ngân ước đạt 5.300 tỷ đồng/6.909,86 tỷ đồng, đạt 76,4% kế hoạch Trung ương giao.
Thứ bảy, xúc tiến và thu hút đầu tư: Thành phố đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư với các hình thức phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19[7]. Đặc biệt, ngay sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, thành phố đã tổ chức 2 phiên đối thoại với gần 400 hội, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố nhằm lắng nghe ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp để chính quyền thành phố đưa ra những giải pháp, biện pháp mang tính căn cơ, từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn, các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp trở lại hoạt động an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, thành phố hiện đang thực hiện đồng thời 4 kết luận Thanh tra Chính phủ và 3 bản án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Thời gian qua, thành phố đã rất chủ động khắc phục và thu được nhiều kết quả tích cực, nhất là thu hồi các khoản thu về ngân sách nhà nước góp phần khơi thông các nguồn lực vốn bị đóng băng trong khoảng thời gian dài.
III. Đề xuất, kiến nghị
1. Đề xuất các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của thành phố
Thành phố đang đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan trung ương quan tâm, chỉ đạo các ban, bộ ngành trung ương tiếp tục phối hợp, hướng dẫn Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW đảm bảo hiệu quả; chỉ đạo các bộ, ngành trung ương quan tâm, ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, tạo thêm nguồn lực cho Đà Nẵng đầu tư phát triển, như: sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng; thông qua Đề án thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng; Đề án thành lập Khu phi thuế quan; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại thành phố Đà Nẵng…
Đồng thời, hỗ trợ thêm nguồn lực để thực hiện các dự án động lực, trọng điểm, liên vùng như: dự án Nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; dự án di dời Ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị; dự án xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng; tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn Hòa Liên - Túy Loan); triển khai khơi thông sông Cổ Cò…
2. Về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đai trong các kết luận thanh tra, bản án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Hiện nay, thành phố đang phải thực hiện nhiều kết luận thanh tra, bản án liên quan đến lĩnh vực đất đai, dự án đầu tư và nếu giải quyết được sẽ tạp ra nguồn lực rất lớn cho thành phố. Căn cứ Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội đã xác định rõ: “Chính phủ chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trong lĩnh vực đất đai”; căn cứ Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XIII) và Thông báo số 05-TB/TW ngày 6-7-2021 của Bộ Chính trị, trong đó có nêu nhiệm vụ: “Giao cho Chính phủ phối hợp với Quốc hội rà soát, đánh giá, đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc về đất đai, tài sản công, các dự án ở các địa phương liên quan đến các vụ án, vụ việc, dự án treo…”; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế trong việc xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai và các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian vừa qua; thành phố Đà Nẵng rất cần sự chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn của Trung ương nhằm giúp thành phố sớm khắc phục các hạn chế, tồn tại, khơi thông các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:
- Qua rà soát lại các trường hợp tương tự (theo Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 2-11-2012 của Thanh tra Chính phủ) có khoảng trên 1.000 các dự án cần phải xem xét điều chỉnh, xử lý khi thực hiện cần nguồn lực lớn về con người và thời gian. Do đó, đề nghị cho phép Đà Nẵng tự rà soát điều chỉnh lại, vận dụng quy định pháp luật để xử lý các vướng mắc theo kết luận của thanh tra, đồng thời xin ý kiến các bộ, ngành làm thí điểm một số dự án trên có sở đó giải quyết các dự án tương tự, bảo đảm mục tiêu quản lý tài sản công hiệu quả, chống thất thoát và không gây lãng phí tài sản của Nhà nước; nhưng cũng bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, người dân, nhất là giúp thành phố khơi thông được nguồn lực để phát triển.
- Cho phép thành phố thực hiện việc rà soát thu hồi giá trị thất thoát cho ngân sách nhà nước trong quá trình thực hiện các dự án; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn và hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý đối với những dự án có sai phạm, trên cơ sở đó cho phép nhà đầu tư có tiềm lực tiếp tục triển khai dự án theo đúng quy định, không phải thu hồi dự án nhằm tháo gỡ các vướng mắc hiện nay, bảo đảm quyền, lợi ích của nhà đầu tư thứ cấp, tạo ra các nguồn lực tài chính cho thành phố sớm đưa dự án vào hoạt động (như Kết luận số 1202/KL-TTCP ngày 28-7-2020 của Thanh tra Chính phủ).
- Để giải quyết các tồn tại về đất đai của Đà Nẵng và nhiều địa phương khác, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Đất đai 2013, đây là cơ sở quan trọng để góp phần tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và sửa đổi Luật Đất đai 2013./.
--------------------------
[1] Tọa đàm kết nối thương mại, đầu tư Hoa Kỳ - Đà Nẵng; Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến “Đà Nẵng - Thung lũng Silicon khu vực Đông Nam Á”; Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến “Đầu tư vào Đà Nẵng” thị trường Đài Loan; tham gia Hội thảo trực tuyến “Việt Nam - Điểm đến đầu tư công nghệ cao”; tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo thành phố đi xúc tiến đầu tư tại Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh...
[2] Khánh thành dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (dự án UAC), dự án Nhà máy sản xuất đèn báo hiệu ô tô Key Tronic Việt Nam, dự án Nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu; dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu); mở rộng nhà máy sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô Nissan (dự án TCIE); khởi công dự án Nhà máy sản xuất dụng cụ thể dục, thể thao Daiwa mở rộng.
[3] Từ tháng 5-2021 đến hết tháng 30-11-2021, thành phố đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 5,8 triệu lượt người (gần 5,5 lần dân số của thành phố). Sáng kiến mẫu gộp của thành phố được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
[4] Hằng ngày, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân chủ trì giao ban đánh giá, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
[5] Đã khởi tố 3 vụ án đưa người nước ngoài vào nước ta, 1 vụ làm lây lan dịch bệnh tại cơ sở thẩm mỹ viện AMADA, 1 vụ chống người công vụ liên quan đến xe khách Chín Nghĩa; đang điều tra vụ việc làm lây lan dịch bệnh đối với Công ty Nhựa Duy Tân và các cá nhân có liên quan đến ca nhiễm bệnh từ Thành phố Hồ Chí Minh…
[6] Gồm: Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng (Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 9-2-2021); Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề có liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn thành phố (Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 23-2-2021); Tổ Công tác đặc biệt về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bới dịch bệnh COVID - 19 (Quyết định số 3489/QĐ-UBND ngày 2-11-2021); Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo an sinh xã hôi cho người dân bị ảnh hưởng bới dịch bệnh COVID-19 (Quyết định số 3508/QĐ-UBND ngày 5-11-2021).
[7] Tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư của Ủy ban nhân dân thành phố tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai vào ngày 25 và 26-2-2021; tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến “Hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore: Tiềm năng phát triển của Đà Nẵng” vào ngày 12-5-2021; tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tham dự Tọa đàm “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” và làm việc với nhà đầu tư tại Long An từ ngày 18 đế ngày 21-4-2021; “Diễn đàn xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng” do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 30-11-2021…
Công tác bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19  (27/05/2022)
Điều chỉnh chính sách tiền tệ thích ứng linh hoạt, kịp thời, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội  (27/05/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp