Hà Nội phát huy thế mạnh mô hình giáo dục chất lượng cao
TCCS – Thời gian qua, ngành giáo dục Hà Nội triển khai mô hình trường học chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh. Mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả trong công tác đào tạo, giảng dạy, chất lượng học sinh được nâng cao. Tuy nhiên, để mô hình này tiếp tục phát huy được hiệu quả, thành phố Hà Nội và ngành giáo dục cần xây dựng lộ trình phát triển phù hợp.
Hiệu quả từ mô hình giáo dục chất lượng cao
Với mục tiêu phát triển Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao, tiêu biểu của cả nước và có uy tín trong khu vực, ngành giáo dục Thủ đô triển khai nhiều mô hình giáo dục kiểu mới, nổi bật là mô hình trường học chất lượng cao. Ngày 24-6-2013, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao. Theo đó, Hà Nội xây dựng và phát triển mô hình giáo dục chất lượng cao dựa trên 5 tiêu chí: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Các trường tham gia thực hiện đề án chất lượng cao được thành phố đầu tư ngân sách thực hiện lộ trình trong vòng 3 năm. Sau khi được công nhận là trường chất lượng cao, nhà trường phải tự chủ kinh tế, bảo đảm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy và đặc biệt chất lượng giáo dục phải tương xứng với mức thu học phí. Đồng thời, phải bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục, quyền lợi học tập, tiếp cận giáo dục giữa học sinh trường chất lượng cao và các trường còn lại, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường trong hệ thống giáo dục Thủ đô.
Hiện nay, Hà Nội có 22 trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học. Các trường chất lượng cao đều là những đơn vị có thành tích xuất sắc, tiên phong trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo, có nhiều đóng góp trong đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục Thủ đô. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, có năng lực chuyên môn cao, đạo đức chuẩn mực, tâm huyết với nghề nghiệp. Nội dung, phương pháp giảng dạy có nhiều đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Một số mô hình trường chất lượng cao tiêu biểu như: Trường mầm non Sài Đồng (quận Long Biên), Trường mẫu giáo 20-10 (quận Hoàn Kiếm), Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm), Trường tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm); Trường trung học cơ sở Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Trường trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa)…
Trường trung học cơ sở Cầu Giấy hoạt động theo mô hình chất lượng cao kết hợp đào tạo song bằng quốc tế, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của trường chất lượng cao theo yêu cầu của thành phố và bộ tiêu chí trường quốc tế Cambridge (Anh). Bên cạnh việc bảo đảm chương trình giáo dục đại trà, trường xây dựng chương trình nâng cao phù hợp với trình độ học sinh, đặc biệt chú trọng vào các kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành, kỹ năng tin học, ngoại ngữ. Các tiết học được thực hiện bằng phương pháp dạy học tích cực, gắn liền với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Năm học 2020 – 2021, Trường trung học cơ sở Cầu Giấy chính thức là thành viên của mạng lưới giáo dục toàn cầu Cambridge, trở thành một trong 10.000 trường Cambridge trên toàn thế giới. Từ khi trở thành trường quốc tế, nhà trường có cơ hội khai thác học liệu Cambridge, được đào tạo về chuyên môn, phương pháp giảng dạy tiếng Anh; học sinh nhà trường được sử dụng tài liệu của Cambridge, được giáo viên Cambridge trực tiếp giảng dạy. Tỷ lệ học sinh giỏi của trường đạt gần 99%, nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia và quốc tế; tham gia tích cực và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi trên nhiều lĩnh vực như toán, tiếng Anh, khoa học, công nghệ thông tin, STEMP như huy chương vàng tại cuộc thi Macao và huy chương bạc tại cuộc thi Indonesia, vô địch phần thi đồng đội kỳ thi toán học trẻ quốc tế… Quá trình gần 10 năm áp dụng mô hình trường học chất lượng cao tạo được thay đổi lớn về chất lượng giáo dục của Thủ đô. Chất lượng đào tạo được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi, xuất sắc ngày càng tăng; số lượng học sinh tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế đạt thành tích cao; tỷ lệ đỗ các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước tăng cao. Ngoài giờ học, học sinh được tạo điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khóa, phát huy sở trường, năng lực, phát triển các kỹ năng mềm để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Cùng nằm trong hệ thống các trường chất lượng cao, Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Siêu là một trong những trường chất lượng cao áp dụng mô hình đào tạo Cambridge từ lớp 1 đến lớp 12. Ở khối tiểu học, trường tổ chức 2 chương trình học: Lớp học chất lượng cao (CLC) và lớp Cambridge International Examinations (CIE). Với mô hình đào tạo CIE song song chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh được bổ sung kiến thức nâng cao các môn toán, ngữ văn và chương trình theo chuẩn của giáo dục Anh, nội dung các môn học như toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội được giảng dạy bằng tiếng Anh. Riêng môn tiếng Anh, học sinh học 14 tiết/tuần, trong đó có 13 tiết học với giáo viên người nước ngoài kết hợp với trợ giảng Việt Nam. Ngoài chương trình đào tạo song ngữ, nhà trường cũng tổ chức các kỳ thi quốc tế Starter, Mover, Flyer, KET, PET, FCE cho các em học sinh và đạt kết quả rất cao. Riêng với lớp 1, tất cả 100% là lớp học quốc tế theo chuẩn giáo dục Cambridge. Học sinh của trường luôn đạt thành tích cao tại các cuộc thi trong và ngoài nước như, huy chương vàng Toán quốc tế Singapore và châu Á- SASMO năm 2018, giải đồng kỳ thi Thách thức toán học Singapore SIMOC, huy chương đồng Olympic Toán IJMO…
Cần lộ trình phát triển đồng bộ
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong xây dựng và đồng bộ hệ thống trường chất lượng cao. Do đó, Hà Nội cần tạo bước đột phá trong phát triển giáo dục toàn diện với chiến lược bài bản, có tầm nhìn dài hạn. Trong đó, quan trọng nhất là phải xây dựng các tiêu chí và hành lang pháp lý đồng nhất, phù hợp với Luật Giáo dục năm 2019.
Luật Giáo dục năm 2019 chưa cho phép xây dựng và phát triển mô hình trường công lập chất lượng cao trong hệ thống giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Hà Nội có Luật Thủ đô và là địa phương thực hiện thí điểm mô hình này. Luật Thủ đô là cơ sở pháp lý cho việc triển khai mô hình trường chất lượng cao tại Hà Nội. Điều 12 của Luật quy định xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Ngoài ra, Hà Nội còn ban hành Quyết định số 20/2013/QÐ-UBND, ngày 24-6-2013, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao và Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Quy định về việc bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao, ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai xây dựng và phát triển mô hình chất lượng cao trên địa bàn thành phố nhưng không đi ngược với Luật Giáo dục năm 2019.
Hiện nay, thành phố Hà Nội vẫn chưa phê duyệt Đề án chuyển đổi mô hình trường học truyền thống sang chất lượng cao. Tuy nhiên, để mô hình này thật sự phát huy được hiệu quả, ngành giáo dục Thủ đô và chính quyền thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đối với phụ huynh và học sinh; tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cơ quan, cá nhân, tổ chức xã hội và doanh nghiệp để thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Đặc biệt cần chú trọng đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giáo dục, trang thiết bị dạy học hiện đại; trang bị kiến thức cho các nhà quản lý giáo dục về giáo dục số, giáo dục chất lượng cao, xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn của khu vực, quốc tế; áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả đạt chuẩn của bộ tiêu chí về xây dựng và phát triển mô hình trường chất lượng cao do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
Chủ trương xây dựng mô hình trường chất lượng cao là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tế của Hà Nội. Tuy nhiên, để mô hình đi vào thực chất phát triển toàn diện, với mục tiêu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, Hà Nội cần xây dựng cơ chế quản lý tài chính, chuẩn đầu ra của học sinh, chương trình đào tạo,… bảo đảm mục tiêu giáo dục đồng thời tuân thủ pháp luật về giáo dục, phù hợp với những tính chất đặc thù trong chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi cần đúc kết những kinh nghiệm trong gần 10 năm xây dựng và phát triển mô hình trường chất lượng cao để bổ sung những điểm mới, nhằm phát huy tối đa giá trị của mô hình giáo dục này./.
Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử  (15/08/2021)
Đẩy mạnh hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, góp phần phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong bối cảnh mới  (10/08/2021)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên