Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa - "chìa khóa" thành công của kinh tế di sản Hàn Quốc
Thực tiễn cho thấy, sự thành công vượt bậc của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc không chỉ tạo nên giá trị kinh tế khổng lồ, mà còn giúp Hàn Quốc trở thành “cường quốc văn hóa”, nâng cao bản sắc dân tộc và xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ. Thông qua những chiến lược phát triển dài hạn, sự đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ và sự tham gia tích cực của cộng đồng, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trở thành “chìa khóa” giúp Hàn Quốc tối ưu hóa giá trị kinh tế từ di sản văn hóa, đồng thời thúc đẩy hình ảnh quốc gia trên thế giới.
Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc
Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực kinh tế sáng tạo, tập trung vào việc sản xuất và phân phối các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Các ngành trong công nghiệp văn hóa bao gồm âm nhạc, điện ảnh, truyền hình, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, trò chơi điện tử, du lịch văn hóa và quảng cáo. Mục tiêu chính của công nghiệp văn hóa là thương mại hóa các giá trị văn hóa, biến chúng thành sản phẩm hoặc trải nghiệm có giá trị kinh tế.
Kinh tế di sản là một phần của nền kinh tế, tập trung vào việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa (bao gồm cả di sản vật thể như di tích lịch sử, và phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật truyền thống). Mục tiêu của kinh tế di sản là bảo tồn các giá trị truyền thống đồng thời khai thác chúng để tạo ra lợi ích kinh tế (như thông qua du lịch di sản, phát triển sản phẩm thủ công, và các sự kiện văn hóa).
Công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản có mối quan hệ chặt chẽ, trong đó công nghiệp văn hóa sử dụng và phát huy các giá trị di sản để tạo ra sản phẩm sáng tạo, góp phần thúc đẩy kinh tế di sản phát triển bền vững.
Công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực kinh tế đặc thù, kết hợp hài hòa giữa sáng tạo văn hóa và ứng dụng công nghệ cao. Tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp này đã có sự phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỷ XX và ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc gia. Hiện nay, các sản phẩm văn hóa không chỉ phản ánh sự đa dạng và phong phú về nội dung mà còn được sản xuất, phân phối thông qua những thành tựu vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số. Điều này giúp ngành công nghiệp văn hóa tạo ra một thị trường tiêu thụ rộng lớn với nhiều mô hình kinh doanh hiện đại và linh hoạt. Vận hành chủ yếu theo nguyên tắc thị trường, công nghiệp văn hóa tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Các lĩnh vực chủ đạo bao gồm nội dung số như âm nhạc, điện ảnh, trò chơi điện tử, truyện tranh và các chương trình truyền hình. Bên cạnh đó, những ngành khác như thời trang, mỹ phẩm, kiến trúc, du lịch và xuất bản cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành. Hiện nay, trọng tâm phát triển của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc là ngành công nghiệp nội dung số, với việc đầu tư mạnh mẽ vào các nền tảng kỹ thuật số để xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra toàn cầu. Những sản phẩm như K-pop, phim truyền hình và trò chơi trực tuyến không chỉ mang lại lợi nhuận khổng lồ mà còn giúp Hàn Quốc nâng cao vị thế quốc gia, thúc đẩy du lịch và xuất khẩu các mặt hàng như mỹ phẩm và thời trang. Nhận thức được tiềm năng to lớn của công nghiệp văn hóa, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược dài hạn để khai thác triệt để các thế mạnh này. Nhờ chiến lược này, ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 7 thế giới; các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn lan tỏa mạnh mẽ ra toàn cầu, đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia và nâng cao sức cạnh tranh của Hàn Quốc trên thị trường quốc tế
Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn quan trọng, mỗi giai đoạn là minh chứng rõ rệt cho sự thích ứng linh hoạt và nhạy bén của Chính phủ Hàn Quốc trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa. Trong khi nhiều quốc gia lớn như Anh hay Mỹ có truyền thống xuất khẩu văn hóa gắn liền với việc xây dựng và duy trì các đế chế kinh tế, Hàn Quốc lại chọn con đường ngược lại: “Văn hóa đi trước, kinh tế theo sau”. Đây là chiến lược khác biệt và mang tính cách mạng, chứng minh được rằng văn hóa không chỉ là một công cụ mềm giúp xây dựng ảnh hưởng quốc gia mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế.
Mô hình này đã bắt đầu từ những năm 1970, khi Chính phủ Hàn Quốc nhận thức rõ ràng rằng để xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, họ cần phải có nền tảng văn hóa vững chắc. Đạo luật khuyến khích văn hóa và nghệ thuật (năm 1972) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các chính sách văn hóa quốc gia. Nền tảng văn hóa này tiếp tục được củng cố qua Kế hoạch phát triển văn hóa 5 năm giai đoạn đầu (1974 - 1978) dưới thời Tổng thống Park Chung Hee. Kế hoạch này chủ yếu tập trung vào hai mục tiêu chính: một là khôi phục kinh tế sau chiến tranh, và hai là nâng cao ý thức văn hóa dân tộc, khơi dậy lòng tự hào và bản sắc văn hóa của người dân Hàn Quốc. Trong giai đoạn này, chính sách chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn và các ngành liên quan. Chính phủ mạnh mẽ đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa như bảo tàng, nhà hát và các trung tâm nghệ thuật, tạo ra những nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp văn hóa sau này. Đây không chỉ là sự đầu tư về cơ sở vật chất mà còn là một sự thay đổi trong nhận thức xã hội, nâng cao ý thức cộng đồng về vai trò của văn hóa trong sự phát triển toàn diện của đất nước.
Kế hoạch phát triển văn hóa 5 năm giai đoạn hai (1979 - 1983) tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng quy mô các hoạt động văn hóa, đặc biệt là việc đưa nghệ thuật vào giáo dục và phổ cập các chương trình nghệ thuật cho cộng đồng. Chính sách này cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế về văn hóa, nhằm giới thiệu văn hóa Hàn Quốc ra thế giới. Giai đoạn này chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm văn hóa và trường nghệ thuật, đồng thời thúc đẩy văn hóa như một yếu tố kết nối quốc gia với thế giới.
Chính sách văn hóa mới (1982 - 1986) hướng đến hiện đại hóa văn hóa và nghệ thuật. Chính phủ khuyến khích sáng tạo trong nghệ thuật đương đại, đồng thời tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp giải trí, như truyền hình và âm nhạc. Đây là bước đệm quan trọng giúp hình thành khái niệm công nghiệp văn hóa, tạo tiền đề cho sự bùng nổ của làn sóng Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc) sau này.
Kế hoạch về chính sách văn hóa trong vòng một thập niên (1990 - 1999) hướng tới toàn cầu hóa văn hóa Hàn Quốc và quảng bá mạnh mẽ ra thế giới. Chính sách này phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chủ lực như phim ảnh, âm nhạc và xuất bản. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cũng chú trọng bảo vệ bản quyền và thúc đẩy thị trường sáng tạo. Giai đoạn này chứng kiến sự ra đời của nhiều sản phẩm văn hóa nổi bật, làm nền tảng vững chắc cho sự lan tỏa văn hóa Hàn Quốc ra toàn cầu, giúp đưa văn hóa Hàn Quốc trở thành một phần không thể thiếu trong thị trường quốc tế.
Kế hoạch phát triển văn hóa trong thời gian 5 năm (1993 - 1997) tiếp tục xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Chính phủ tập trung vào việc tăng cường xuất khẩu sản phẩm văn hóa, đặc biệt là phim truyền hình và âm nhạc, đồng thời khuyến khích sáng tạo nghệ thuật và hỗ trợ các doanh nghiệp văn hóa nhỏ và vừa. Đây chính là giai đoạn khởi đầu cho sự bùng nổ của K-pop - một thể loại đặc biệt, kết hợp các khía cạnh của hip-hop, rock, pop ballad, rhythm, blues, cùng với điện ảnh Hàn Quốc, với sự ra mắt của nhiều nghệ sĩ và bộ phim nổi tiếng, tạo nên làn sóng Hallyu lan rộng trên toàn thế giới.
Các chiến lược giai đoạn 2000 - 2010 là giai đoạn then chốt khi công nghiệp văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế. Chiến lược “Creative Korea” (năm 2004) của Chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo. Đây là bước ngoặt quan trọng khi văn hóa được công nhận là một ngành công nghiệp mang lại giá trị kinh tế lớn. Chính phủ chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực như nghệ thuật số, truyền thông và công nghệ, giúp phát triển các công nghệ mới hỗ trợ sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa. Tiếp đó, chiến lược “C-Korea 2010” và “Sức mạnh của nghệ thuật” (năm 2004) đã thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn trong việc phát triển văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Chính phủ Hàn Quốc khẳng định rằng văn hóa, du lịch, thể thao và giải trí không chỉ là các yếu tố xã hội mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chiến lược này đã đưa Hàn Quốc trở thành trung tâm văn hóa toàn cầu, với sự thành công vang dội của K-pop, phim truyền hình, và các sự kiện văn hóa quốc tế như Lễ hội phim Busan.
Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn từ năm 2010 đến nay, Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, đặc biệt qua các nền tảng kỹ thuật số. Các công ty giải trí Hàn Quốc như SM Entertainment, YG Entertainment và JYP Entertainment đã đóng góp không nhỏ trong việc lan tỏa văn hóa Hàn Quốc ra toàn thế giới. Chính phủ cũng chú trọng hỗ trợ các công ty sáng tạo và nghệ sĩ độc lập, khuyến khích sự phát triển của các sản phẩm văn hóa đa dạng như trò chơi điện tử, truyền hình thực tế, và các sản phẩm số. Hàn Quốc ngày càng chuyển mình thành “quốc gia sáng tạo”, nơi văn hóa trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.
Qua nhiều giai đoạn phát triển, mặc dù các mục tiêu của từng thời kỳ có sự thay đổi nhất định tùy vào hoàn cảnh cụ thể, song định hướng xuyên suốt trong chính sách văn hóa Hàn Quốc là: xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển văn hóa, nghệ thuật; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo nên sức mạnh mềm cho quốc gia.
Để khẳng định quyết tâm đạt mục tiêu trở thành một trong năm cường quốc văn hóa đại chúng và quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức vào cuộc từ tháng 6-2013, đóng vai trò là “nhạc trưởng” dẫn dắt việc thực hiện Kế hoạch hành động xây dựng hệ sinh thái công nghiệp sáng tạo. Kế hoạch này đặt ra ba mục tiêu chính: Tạo ra việc làm mới và thị trường mới thông qua sáng tạo và đổi mới, Khẳng định sức mạnh mềm của Hàn Quốc, vị thế lãnh đạo và ảnh hưởng trong xu thế phát triển toàn cầu nhờ vào thành tựu kinh tế sáng tạo, và Xây dựng một xã hội ưu việt nơi sáng tạo được tôn vinh và trở thành động lực phát triển.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, Hàn Quốc đã thiết lập hơn 20 hiệp hội và liên đoàn thuộc các ngành công nghiệp sáng tạo, cùng với các trung tâm sáng tạo và bảo vệ bản quyền. Những tổ chức này không chỉ kết nối các ngành nghề và thúc đẩy thương mại, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời khuyến khích hợp tác quốc tế nhằm phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo. Trong đó, nổi bật là Trung tâm Sáng tạo Nội dung Hàn Quốc (KOCCA), đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo tại quốc gia này.
Hàn Quốc còn triển khai chính sách mở rộng và tăng cường hoạt động của các Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại các quốc gia khác. Chính sách này không chỉ thúc đẩy giao lưu văn hóa mà còn củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Để mở rộng tầm ảnh hưởng, Hàn Quốc cũng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như UNESCO, từ đó nâng cao ảnh hưởng và giúp quảng bá mạnh mẽ văn hóa Hàn Quốc trên toàn cầu.
Hợp tác quốc tế về văn hóa luôn là một trọng tâm chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc trong suốt hơn 20 năm qua. Chính phủ đã huy động sự tham gia của các bộ, ngành quan trọng như Bộ Ngoại giao và Thương mại, Bộ Công nghiệp và Năng lượng, và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với mục tiêu thúc đẩy và phát triển các hoạt động văn hóa để gia tăng ảnh hưởng và quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra toàn cầu. Các nỗ lực này không chỉ giúp văn hóa Hàn Quốc lan tỏa rộng rãi mà còn xây dựng mối quan hệ quốc tế vững chắc, nâng cao vị thế của đất nước.
Để thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư một nguồn lực tài chính đáng kể vào lĩnh vực này. Từ giai đoạn 1998 đến 2005, ngân sách cho văn hóa và nghệ thuật đã tăng từ 0,6% lên 1,05% GDP, trong đó lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được cấp khoảng 172,3 triệu USD. Đến năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc đã chi 5,3 tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, bao gồm việc thành lập các hiệp hội ngành công nghiệp sáng tạo, các trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại các quốc gia và các quỹ hỗ trợ giao lưu văn hóa quốc tế. Đến năm 2023, ngân sách dành cho ngành công nghiệp văn hóa đã đạt 1,217 tỷ USD, giúp xây dựng kết cấu hạ tầng vững mạnh và hỗ trợ các sự kiện, hoạt động cộng đồng, khuyến khích sáng tạo và phát triển nghệ thuật.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã công bố các mục tiêu chính sách cho năm 2024, trong đó bao gồm mục tiêu giúp Hàn Quốc trở thành một cường quốc văn hóa hàng đầu thế giới và thúc đẩy hạnh phúc người dân thông qua các hoạt động văn hóa. Bộ sẽ cung cấp một khoản tài trợ kỷ lục lên đến 1,74 nghìn tỷ won (khoảng 1,31 tỷ USD) để nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước trên thị trường toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm văn hóa và nghệ thuật ra thế giới, đặc biệt là các sản phẩm văn hóa đại chúng như K-pop, phim ảnh, và truyện tranh mạng, với kỳ vọng sự bùng nổ này sẽ lan tỏa sang các nền văn hóa khác. Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các hoạt động “xuất khẩu” các sản phẩm văn hóa như opera, ballet, nhạc kịch, mỹ thuật, văn học và đồ thủ công, thông qua mạng lưới các tổ chức và nhóm văn hóa - nghệ thuật cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng duy trì chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong nước tập trung vào ngành công nghiệp truyền thông và sáng tạo, đặc biệt là việc đẩy mạnh mạng xã hội và các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến, góp phần quan trọng vào việc quảng bá văn hóa Hàn Quốc một cách toàn diện và hiệu quả trên phạm vi toàn cầu
Sự thành công từ chiến chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Hàn Quốc
Một là, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng bền vững
Ngành công nghiệp văn hóa được coi là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Hàn Quốc, góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho GDP quốc gia. Đồng thời góp phần to lớn vào kinh tế di sản của Hàn Quốc, bởi sự phát triển của công nghiệp văn hóa phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng về văn hóa. Nó thúc đẩy sự chuyển dịch của xã hội từ tiêu thụ hàng loạt hàng hóa vật chất sang tiêu thụ hàng hóa văn hóa. Bên cạnh đó, sự kết hợp, cộng hưởng các yếu tố hiện đại và truyền thống và trên cơ sở sử dụng, bảo tồn, duy trì và nâng cao các yếu tố này giúp sự phát triển bền vững hơn.
Sau hơn hai thập kỷ phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực công nghiệp văn hóa hiện đạt doanh thu khoảng 120 tỷ USD mỗi năm, chiếm 2,6% thị phần toàn cầu. Đặc biệt, xuất khẩu các sản phẩm văn hóa đã vượt qua nhiều ngành công nghiệp truyền thống như thiết bị gia dụng, xe điện và màn hình hiển thị, đạt hơn 12 tỷ USD. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của “hiện tượng Hallyu” - một ví dụ điển hình về chiến lược xây dựng hình ảnh quốc gia dựa trên văn hóa đại chúng, liên quan chặt chẽ đến phát triển kinh tế và xuất khẩu hàng hóa sản xuất ra thị trường thế giới. Nhờ hiệu ứng Hallyu, văn hóa đại chúng Hàn Quốc hiện lan rộng ở quy mô toàn cầu. Từ làn sóng Hallyu 1.0 (K-drama), Hallyu 2.0 (K-pop music), Hallyu 3.0 (K-culture) và Hallyu 4.0 (K-style). sản phẩm văn hóa Hàn Quốc đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các món ăn truyền thống như kim chi và trang phục Hanbok cũng đã trở thành biểu tượng văn hóa nổi bật toàn cầu. BTS từ khi ra mắt vào năm 2013, không chỉ là một nhóm nhạc K-pop đình đám mà còn đóng góp 3,6 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Hàn Quốc. Ngành công nghiệp văn hóa này hiện tạo ra khoảng 680.000 việc làm mỗi năm, trải dài trên các lĩnh vực như sản xuất nội dung số, âm nhạc, điện ảnh, truyền hình và game.
Hai là, đa dạng hóa nền kinh tế
Công nghiệp văn hóa Hàn Quốc không chỉ tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp mà còn là tác động mạnh mẽ đến các ngành khác trong nền kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu, cũng như là “chất xúc tác” cho sự tăng trưởng kinh tế các vùng miền, địa phương khác . Khi sản phẩm văn hóa như K-pop, phim ảnh, và game được yêu thích, sự yêu mến này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa mà còn lan tỏa sang các sản phẩm tiêu dùng khác như mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo và điện tử. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi khi xuất khẩu văn hóa gia tăng, các sản phẩm tiêu dùng khác cũng có xu hướng tăng theo. Cụ thể, mỗi 100 triệu USD xuất khẩu văn hóa sẽ kéo theo 180 triệu USD trong xuất khẩu các sản phẩm tiêu dùng. Các hiệu quả gián tiếp này đặc biệt rõ nét tại các khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Hallyu, như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Nam Á. Chính nhờ vậy, “Made in Korea” đã trở thành một thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, giúp các sản phẩm tiêu dùng của Hàn Quốc chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Ba là, thúc đẩy ngành du lịch
Sự thành công của các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là phim truyền hình và âm nhạc, đã thu hút hàng triệu du khách quốc tế đến Hàn Quốc. Các địa điểm nổi tiếng như tháp Namsan, khu phố Gangnam, và đảo Jeju thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim và MV, trở thành những biểu tượng du lịch thu hút đông đảo du khách. Theo thống kê năm 2023, 420.000 khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc, đứng đầu trong số các quốc gia Đông Nam Á. Công nghiệp văn hóa đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành du lịch, giúp Hàn Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế.
Bốn là, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống
Hàn Quốc là quốc gia có hệ thống di sản văn hóa phong phú, độc đáo. Sự tích hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện đại là một trong những nét nổi bật của đất nước này. Một trong những thành tựu lớn của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống qua các sản phẩm văn hóa hiện đại. Việc đưa văn hóa truyền thống vào các sản phẩm văn hóa đương đại không chỉ giúp người dân Hàn Quốc hiểu và tự hào về di sản của mình, mà còn lan tỏa tinh hoa văn hóa đó ra thế giới. Trước đây, trong xã hội Hàn Quốc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo, văn hóa thường chỉ được tiếp cận bởi tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của công nghiệp văn hóa, cơ hội tiếp cận văn hóa đã trở nên bình đẳng hơn đối với tất cả mọi người dân. Những sản phẩm văn hóa hiện đại như phim truyền hình, âm nhạc K-pop, và các món ăn truyền thống đã giúp Hàn Quốc kết nối với các quốc gia khác, từ những nền văn hóa tương đồng như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, đến những khu vực có sự khác biệt lớn như Châu Phi và Trung Đông. Thông qua các sản phẩm này, Hàn Quốc không chỉ giúp các quốc gia hiểu rõ hơn về văn hóa Hàn Quốc mà còn tạo ra sự kết nối sâu rộng giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Năm là, nâng cao vị thế quốc gia và kết nối toàn cầu
Công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã trở thành một “công cụ” xây dựng thương hiệu quốc gia, quảng bá hình ảnh một đất nước có nền kinh tế phát triển, có sức thu hút về văn hóa, gia tăng sự hiện diện trên trường quốc tế. đóng góp mạnh mẽ vào việc nâng cao vị thế quốc gia và kết nối Hàn Quốc với toàn cầu. Các sản phẩm văn hóa đặc sắc của Hàn Quốc không chỉ thu hút người tiêu dùng trong nước mà còn lan tỏa ra toàn thế giới, giúp Hàn Quốc trở thành một biểu tượng sáng tạo toàn cầu. Sự thành công của làn sóng Hallyu là kết quả của sự hội tụ các yếu tố chính trị, kinh tế và văn hóa. Nhóm nhạc BTS và Blackpink là minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh của Hallyu, giúp quảng bá hình ảnh của đất nước, đồng thời góp phần tăng cường sự quan tâm và tôn trọng đối với văn hóa và xã hội Hàn Quốc. Các sự kiện văn hóa quốc tế như concert K-pop, liên hoan phim, chương trình truyền hình đã kết nối con người, doanh nghiệp và văn hóa từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, các chương trình văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao và thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Một số bài học kinh nghiệm
Một là, xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ và toàn diện. Một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc là việc xây dựng một hệ thống chính sách rõ ràng, toàn diện và đồng bộ, bao gồm các chính sách về tài chính, đào tạo nhân lực, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá quốc gia. Việt Nam cần tạo ra một khung pháp lý vững chắc, đặc biệt là trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, để bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ và nhà sản xuất. Những chính sách này sẽ giúp tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, đồng thời bảo vệ các sản phẩm văn hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thêm vào đó, việc xây dựng các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sáng tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, tương tự như mô hình của Hàn Quốc trong các lĩnh vực như phim ảnh, âm nhạc và thời trang.
Hai là, đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo. Hàn Quốc đã thành công trong việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp văn hóa. Việt Nam cũng cần phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu tại các trường đại học, học viện nghệ thuật, cung cấp các khóa học về sản xuất âm nhạc, điện ảnh, thiết kế, và các lĩnh vực sáng tạo khác. Mục tiêu là tạo ra một thế hệ nghệ sĩ và nhà sáng tạo có năng lực cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, việc hợp tác quốc tế trong chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ sẽ giúp các nghệ sĩ Việt Nam học hỏi và giao lưu với các nền văn hóa khác.
Ba là, đẩy mạnh quảng bá và xuất khẩu sản phẩm văn hóa. Một trong những bài học lớn từ Hàn Quốc là xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua công nghiệp văn hóa. Việt Nam cần chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia "Made in Vietnam" thông qua các sản phẩm văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, thời trang và ẩm thực. Các chiến dịch quảng bá quốc tế có thể được triển khai để giới thiệu sản phẩm văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chính phủ cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm văn hóa như âm nhạc, phim ảnh, game, và thời trang thông qua các hiệp định thương mại quốc tế và các chương trình xúc tiến thương mại, giúp nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Bốn là, khuyến khích sáng tạo và đổi mới. Hàn Quốc luôn khuyến khích sự sáng tạo không giới hạn trong ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trong việc kết hợp nghệ thuật truyền thống với công nghệ hiện đại. Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa số, bao gồm các lĩnh vực như phim ảnh, game, âm nhạc trực tuyến, và các sản phẩm sáng tạo khác trên nền tảng internet. Ngoài ra, việc tạo ra các không gian sáng tạo như các trung tâm sáng tạo hoặc không gian hợp tác sáng tạo có thể giúp các nghệ sĩ, nhà thiết kế và các nhà sáng tạo trẻ phát triển và thực hiện ý tưởng của mình.
Năm là, phát triển du lịch văn hóa gắn với công nghiệp văn hóa. Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phong phú, và việc phát triển du lịch văn hóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Các địa danh nổi tiếng như Huế, Hội An và Vịnh Hạ Long có thể trở thành những trung tâm du lịch văn hóa lớn, nơi du khách không chỉ tham quan di tích mà còn trải nghiệm các sản phẩm văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống và các chương trình nghệ thuật sẽ là cơ hội để quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Mô hình "K-Tourism" của Hàn Quốc, kết hợp giữa du lịch văn hóa và công nghiệp văn hóa, có thể được tham khảo để thúc đẩy ngành du lịch và công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Công nghiệp văn hóa đã giúp Hàn Quốc không chỉ nâng cao vị thế quốc gia mà còn tạo dựng hình ảnh của một quốc gia sáng tạo và đổi mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội toàn cầu. Qua đó, Hàn Quốc đã chứng minh rằng công nghiệp văn hóa không chỉ là nguồn thu lớn mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ quốc tế và phát triển bền vững. Ở Việt Nam, việc phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là chiến lược phát triển kinh tế mà còn là cơ hội lớn để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Với một hệ sinh thái hỗ trợ mạnh mẽ, kết hợp giữa chính sách, giáo dục, sáng tạo và quảng bá quốc tế, Việt Nam có thể nâng cao giá trị văn hóa, tạo ra động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế./.
Khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch tâm linh tại tỉnh Quảng Ninh hiện nay  (06/12/2024)
Khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát huy giá trị của các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh  (05/12/2024)
Nhận thức về kinh tế di sản và thực trạng ở Việt Nam  (05/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay