Festival Huế - sự hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa thế giới
TCCSĐT - Trong hơn 20 năm hình thành, tồn tại và phát triển, Festival Huế là một sự kiện văn hóa điển hình tiêu biểu đang dần dần trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là cơ hội để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam một cách sinh động, hấp dẫn nhất.
Sự hình thành và phát triển của Festival Huế là sự tôn vinh các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam
Sự khởi đầu của Festival Huế là lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức từ những năm 1992 đến năm 2000 chính thức được Chính phủ cho phép tổ chức định kỳ 2 năm/1 lần và đến nay qua 08 kỳ tổ chức đã khẳng định được một thương hiệu festival mang tầm quốc tế, khẳng định được uy tín và thế mạnh của trung tâm văn hoá có di sản thế giới (Quần thể di tích cố đô Huế) gắn với hội nhập và phát triển.
Festival Huế năm 2000 chỉ có 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp tham gia, đến năm 2012 có 65 đơn vị nghệ thuật của 27 quốc gia. Qua mỗi kỳ tổ chức, quy mô chất lượng của các Festival Huế ngày càng khẳng định được uy tín và thương hiệu của lễ hội văn hoá lớn có sức quy tụ, cuốn hút và lan tỏa trong xu hướng chủ động hội nhập và tăng cường giao lưu văn hóa. Đặc biệt trong những năm gần đây, Festival Huế có sức thu hút mạnh mẽ các quốc gia và các châu lục trên thế giới. Festival Huế năm 2008 có 26 nước đến từ 5 châu lục trên thế giới tham gia, là diễn đàn sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu gắn với mở rộng giao lưu quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu như phục dựng các lễ hội cung đình gồm Lễ hội Nam Giao, Lễ hội truyền Lô - Vinh quy bái tổ, Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung nhân 220 năm Nguyễn Huệ lên ngôi (1788 - 2008). Festival Huế năm 2008 với điểm nhấn là các chương trình lễ hội hoành tráng, được dàn dựng công phu, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, gắn liền với các sự kiện lịch sử của dân tộc và vùng đất cố đô Huế. Ngoài những lễ hội đã từng diễn ra ở các kỳ festival trước đây như Lễ hội áo dài, Huyền thoại Sông Hương, Đêm Hoàng cung còn có 04 lễ hội và chương trình nghệ thuật giàu chất sử thi như: Cuộc thao diễn thủy tinh thời chúa Nguyễn, Hành trình mở cõi, Hơi thở của nước, Đêm phương Đông, mang đặc trưng độc đáo và hấp dẫn, tái hiện lại cảnh rước của đoàn ngự đạo hồi cung với phần nghi lễ tôn nghiêm, trình diễn vẻ đẹp rực rỡ của các loại trang phục cung đình và các loại đạo cụ cờ, quạt, võng, kiệu, voi, ngựa kết hợp biểu diễn một số tiết mục nhã nhạc và múa hát cung đình Huế tái hiện lại truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân ta, thu hút khoảng 7-8 vạn khán giả tham gia. Các chương trình hoạt động Lễ hội áo dài, Liên hoan các phường rối dân gian..., tạo ra giá trị các sản phẩm nghệ thuật đương đại đồng thời tôn vinh Nhã nhạc cung đình Huế - kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại được UNESCO công nhận. Lễ hội “Chợ quê” mang đậm chất xưa dân dã được tái hiện phiên chợ của vùng nông thôn trong những mái nhà tranh, cột gỗ và người bán hàng là các mẹ, các chị mặc trang phục quê xưa làm những món ăn quê như cơm hến, bánh canh, nước trà xanh đưa du khách tưởng nhớ, hoài niệm về chốn thanh bình của làng quê Việt Nam.
Festival Huế năm 2010 với sự tham dự của 28 nước đến từ 5 châu lục trên thế giới; có 668 phóng viên của 73 cơ quan thông tấn trong nước và 22 cơ quan thông tấn nước ngoài tham dự. Chương trình festival trình diễn các loại hình nghệ thuật, ca múa nhạc, sân khấu, xiếc, triển lãm, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật đường phố, rối, điện ảnh… trong đó có hơn 500 nghệ sĩ quốc tế, trên 5.500 diễn viên nghệ nhân không chuyên, nghệ nhân tham gia các chương trình trình diễn các chương trình văn hoá nghệ thuật cộng đồng. Festival Huế 2010 thu hút trên 3 triệu người tham dự, hơn 130.000 lượt khách du lịch trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế, tăng 62,58% so với năm 2008. Số khách tham quan các di tích Huế trong 10 ngày là 83.299 lượt trong đó khách quốc tế là 11.813 lượt, đạt 161,7% so với năm 2008.
Festival Huế năm 2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử”, có sự tham gia của hơn 65 đơn vị và nhóm nghệ thuật đến từ các vùng, miền Việt Nam và quốc tế, với trên 3000 nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn của Việt Nam và 27 nước bạn bè quốc tế đã tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu, rực rỡ với hàng loạt chương trình nghệ thuật hấp dẫn, chất lượng cao, có hiệu quả xã hội lớn. Các chương trình nghệ thuật đều được dàn dựng công phu, nội dung mang đậm tính nhân văn, gần gũi tôn vinh được giá trị văn hóa Việt Nam và kết hợp hài hòa với văn hóa truyền thống của nhiều nước trên thế giới, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết hội nhập và phát triển. Festival Huế 2012 thực sự là ngày hội văn hóa thế giới, là festival có chất lượng tốt nhất trong các kỳ festival của Việt Nam tổ chức với quy mô hoành tráng, chuyên nghiệp, ấn tượng để du khách có cơ hội thưởng thức và giao lưu với các nền văn hóa của nước bạn.
Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2014 tiếp tục là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á-Mỹ La tinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng. Festival Huế thực sự là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị của các quốc gia, dân tộc qua giao lưu văn hóa nghệ thuật. Trong thời gian Festival Huế 2014 còn diễn ra sự kiện Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa nghệ thuật các nước ASEAN+3, Huế vinh dự trược trao danh hiệu thành phố văn hóa của ASEAN. Các chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc cùng với Hội chợ thương mại quốc tế, Liên hoan ẩm thực quốc tế, Liên hoan múa quốc tế..., diễn ra trong Festival Huế 2014 đã thu hút hơn 2,4 triệu lượt người tham dự; trong đó, có hơn 23 vạn khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ (tăng 25% so với Festival Huế 2012) với hơn 10 vạn khách quốc tế là công dân đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các chương trình văn hóa, nghệ thuật thật sự có chất lượng được tổ chức qua các kỳ festival đã giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, giới thiệu mỹ thuật Việt Nam truyền thống và đương đại, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, trang phục áo dài và văn hóa ẩm thực Việt Nam. Kết hợp lồng ghép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với các hoạt động xúc tiến thương mại, hàng không, du lịch, triển lãm, hội chợ và kêu gọi đầu tư với nước ngoài. Hoạt động này đã đem lại hiệu quả tốt cho việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam nhất là giới thiệu các tiềm năng đầu tư, thương mại và du lịch của Thừa Thiên - Huế và Việt Nam. Các hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật thuật này, thực sự góp phần nâng cao uy tín, vị thế và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường thế giới.
Festival Huế hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa thế giới thông qua các chương trình hoạt động nghệ thuật quốc tế.
Festival Huế qua các kỳ tổ chức từ năm 1992 - 2000 đến nay đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong lòng công chúng trong nước và quốc tế với sự tham dự của nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ nhiều châu lục khác nhau, là nơi quảng bá các chương trình nghệ thuật văn hóa độc đáo, là nơi giao lưu chia sẻ giá trị văn hoá của các nền văn hóa trên thế giới, các giá trị tinh hoa văn hóa và tri thức của các nước đã được tiếp thu có chọn lọc nhằm nâng cao chất lượng giá trị văn hoá, nghệ thuật của Việt Nam.
Festival góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, góp phần tích cực mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác phát triển quốc tế. Thông qua tổ chức festival, chúng ta đã mở rộng giao lưu, hợp tác với nhiều quốc gia, nhiều nước, nhiều vùng lãnh thổ, từng bước thiết lập được mối quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia, nhiều dân tộc trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè trong nước và quốc tế để xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cố đô Huế. Ngày càng có nhiều quốc gia mong muốn được tham gia giới thiệu tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của đất nước mình tại festival của Việt Nam.
Festival Huế là trung tâm để các giá trị văn hóa tinh hoa thế giới hội tụ và tỏa sáng, đó là: Nghệ thuật múa truyền thống và hiện đại, nghệ thuật trang trí sắp đặt, nghệ thuật trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc, các loại hình văn hoá nghệ thuật đương đại và truyền thống được trình diễn. Trong chương trình hoạt động của Festival Huế có: vẻ đẹp lộng lẫy và sắc thái độc đáo trong trang phục dân tộc, hoàng tộc của các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn độ, Mông Cổ, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia; các hoạt động văn hóa dân tộc của các nước được trình diễn như những vũ điệu ba-lê cổ điển, nhảy dân gian, múa nhào lộn sinh động (Nga); những khúc hát, điệu múa, điệu nhạc say mê, nồng nàn (Balan); chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố, múa rối (Trung Quốc); xiếc tung hứng, đi cà kheo (Bỉ)… Trong khuôn khổ Festival Huế, nhiều hoạt động phụ trợ khác cũng diễn ra như: Liên hoan giao lưu ẩm thực, trang trí ánh sáng nghệ thuật, diễu hành, trình diễn và tổ chức các hoạt động văn hóa, các chương trình ca nhạc và thời trang đã thu hút sự quan tâm đông đảo của nhân dân cả nước và du khách quốc tế.
Trên cơ sở các hoạt động giao lưu về văn hóa, hình thành các mối quan hệ giao lưu về chính trị, kinh tế, mở rộng quan hệ hợp tác và đầu tư phát triển. Fiestival đã phát huy thế mạnh và tiềm năng về kinh tế du lịch song song với phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho nhân dân, tạo tiền đề về vật chất, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình hội nhập và phát triển trong nước và thế giới.
Festival là diễn đàn giao lưu văn hóa của nhiều vùng văn hóa trong nước và quốc tế, luôn luôn nhận được sự hưởng ứng đồng tình của nhiều tỉnh/thành phố trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Số lượng các đối tác tham gia festival đã không ngừng được mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng. Từ 02 nước tham gia là Việt Nam và Pháp (năm 2000) lên đến 27 quốc gia tham gia (năm 2012), với 65 đơn vị và nhóm nghệ thuật, hơn 2.000 nghệ sĩ chuyên nghiệp. Các chương trình nghệ thuật của festival Huế đã thực sự có tác dụng quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, mở cửa giao lưu với các nền văn hóa lớn trên thế giới và khu vực như Pháp, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Nga…
“Ấn tượng, thân thiện, an toàn và đầy tính nhân văn”, Festival Huế 2014 được đánh giá có quy mô hoành tráng, chất lượng cao nhất từ trước đến nay, tính cộng đồng rõ nét và tính chuyên nghiệp hơn hẳn các kỳ trước. Với sự tham gia của 66 đoàn nghệ thuật đến từ 37 quốc gia từ khắp 5 châu lục, 2.600 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, trong đó có gần 600 nghệ sĩ quốc tế đã tạo cho Festival Huế tầm vóc của một lễ hội tầm quốc gia và quốc tế, một lễ hội văn hoá lớn có sức quy tụ, lan tỏa trong xu hướng chủ động hội nhập và tăng cường giao lưu văn hoá. Các chương trình nghệ thuật tiêu biểu, đặc trưng cho những vùng văn hóa và các thành phố cố đô của Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế; các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao đến từ 5 châu lục diễn ra hàng đêm tại các sân khấu ở Đại Nội, Cung An Định và các sân khấu cộng đồng khắp các vùng thị trấn vùng xa của tỉnh Thừa Thiên - Huế, và các chương trình biểu diễn giao lưu đặc biệt dành cho những người không có điều kiện tham dự Festival đang ở tại các bệnh viện, nhà máy... Sự trình diễn mang tính chuyên nghiệp của các đoàn, nhóm nghệ thuật hay sự ngẫu hứng của những diễn viên quần chúng hướng về mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển đã đem lại cho Thừa Thiên - Huế, cố đô Huế một diện mạo mới, sức sống mới, khẳng định vị thế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, phấn đấu để xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam.
Festival Huế tạo ấn tượng tốt đẹp, gắn kết tình đoàn kết bạn bè quốc tế với Việt Nam
Festival Huế vượt qua khoảng cách không gian, thời gian, vị trí địa lý, là dịp tốt để giao lưu văn hóa ngôn ngữ, gắn kết tình yêu thương, đoàn kết con người của các quốc gia, dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn, tạo sự hòa nhập quốc tế, đoàn kết gắn bó gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển. Lối sống giản dị, mộc mạc, chân tình, thân thiện của con người Huế đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Đoàn Mê-hi-cô lần đầu tiên tham dự Festival Huế 2010, ngài trưởng đoàn sau khi tham dự và tìm hiểu về Việt Nam, ông nói khi trở về nước, ông sẽ sáng tác ca ngợi Việt Nam. Bà Du-be-on-co Ta-chi-an-na, đoàn Nga nói “Festival Huế của các bạn thực sự hấp dẫn, rất nồng nhiệt và rất gợi cảm. Chúng tôi mong Festival Huế ngày càng phát triển với nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia hơn nữa. Hy vọng chúng tôi sẽ trở lại Huế vào các kỳ fetival sau”. Giám đốc nghệ thuật Giô-xê La-lac-cô, Trưởng đoàn múa thổ dân Ô-xtrây-li-a phát biểu: Qua Festival Huế, văn hóa thổ dân Úc có cơ hội được quảng bá, giao thoa và gắn kết với các quốc gia trên thế giới, góp phần xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình trên hành tinh”. Nghệ sĩ Phăng-xoa Au-dơ-an (Francois Audrain), trưởng nhóm thực hiện chương trình nghệ thuật “Trở về từ trường học” chia sẻ: “dù đã biểu diễn ở nhiều sân khấu nghệ thuật đẳng cấp quốc tế nhưng chưa lần nào lại gợi cho tôi cảm xúc đặc biệt thế này, gần gũi và chân thật biết bao...”. Bà Xê-gô-ti-ni Roi-lơ (Ségolène Royal), Chủ tịch Hội đồng vùng Poitou-Charentes (Pháp) đánh giá cao chất lượng và hiệu quả của chương trình Festival Huế 2012, bà nói: “Festival Huế 2012 thật sự là nơi hội tụ, giao lưu của các nền văn hóa đại diện cho các châu lục trên thế giới”.
Đạo diễn Phi-lip Boi-lơ (Philippe Bouler), Giám đốc Công ty ATC International, Pháp, có sáu lần gắn bó với Festival Huế, cũng như từng tổ chức Festival ở 50 quốc gia trên thế giới, nhận xét: "Để đánh giá sự thành công của một Festival, người ta nhìn vào công nghệ tổ chức chuyên nghiệp và các lễ hội, chương trình nghệ thuật có chủ đề đặc sắc hay không. Ở Huế tôi đã thấy sự hòa hợp tinh tế giữa các di sản truyền thống và nghệ thuật đương đại đã tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ biểu diễn. Huế đã trụ vững, trưởng thành về khả năng tổ chức lễ hội, đem văn hóa phục vụ đời sống tinh thần và kích thích phát triển du lịch vô cùng tốt. Các bạn thành công rồi!". Đạo diễn gợi ý: "Tôi nghĩ, Huế nên định hướng để nơi đây trở thành trung tâm sáng tạo nghệ thuật mang tính quốc tế, thu hút các dự án sáng tạo, biểu diễn trong những thời điểm không diễn ra Festival. Sau các chương trình lễ hội, Huế cần duy trì các hoạt động văn hóa, có thể quy mô nhỏ nhưng thường xuyên để nơi đây luôn là không gian sống động, hấp dẫn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật!".
Để Festival Huế thực sự trở thành sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế, đã, đang và sẽ trở thành những ngày hội văn hóa, nghệ thuật, du lịch sôi động thu hút du khách trong và ngoài nước với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, khơi dậy một cách mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo văn hóa đa dạng của nhân dân Thừa Thiên - Huế và các vùng văn hóa tiêu biểu trong cả nước, góp phần tiếp tục nâng cao vị thế của một tỉnh là trung tâm văn hóa du lịch quan trọng của đất nước, khẳng định đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, khẳng định Thừa Thiên - Huế có đủ điều kiện để trở thành một thành phố festival, thành phố du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, nơi hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa quốc tế, trước mắt cần tập trung thực hiện một số công việc sau:
Một là, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng tổ chức các chương trình hoạt động trong Festival
Các chủ thể tham gia tổ chức festival bên cạnh sự chủ động về nguồn lực kinh phí cần có sự đầu tư chuẩn bị chu đáo về nội dung chương trình festival thông qua việc xây dựng đề án và kế hoạch chi tiết tổ chức các chương trình hoạt động. Đồng thời cụ thể hoá phân công trách nhiệm đối với các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, tạo thế chủ động, tăng cường trách nhiệm để các đối tác có trách nhiệm thực thi nhiệm vụ theo sự phân công, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đề án, kịch bản chuẩn bị kỹ, nhưng phải có lộ trình thời gian để dàn dựng chương trình đáp ứng được nội dung chủ đề của kịch bản, bảo đảm cả về chất lượng chuyên môn và nghệ thuật. Đặc biệt chú trọng về thời gian tổ chức festival, thời gian cũng là một yếu tố làm nên thành công của festival, do đó phải cân nhắc tính toán kỹ về thời gian tần suất tổ chức, tối thiểu phải từ 02 đến 03 năm mới tổ chức để có đủ thời gian chuẩn bị nội dung và nguồn lực, có như vậy lễ hội mới có chất lượng cao, tránh việc tổ chức liên tục, thiếu sự chuẩn bị chu đáo gây sự nhàm chán và tạo áp lực cho cả đơn vị tổ chức và lực lượng tham gia hoạt động.
Hai là, chú trọng bảo tồn di sản văn hóa dân tộc
Trong quá trình tổ chức festival phải chú trọng bảo tồn di sản văn hóa dân tộc gồm di sản văn hóa phi vật thể (các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật) và di sản vật thể (di tích, danh thắng, không gian tổ chức hoạt động festival) nhằm tôn vinh di sản văn hóa, nâng cao ý thức bảo tồn di sản. Chú trọng đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích, danh thắng tiêu biểu có giá trị lớn nhằm khai thác phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống; tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa lịch sử, gắn kết được các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong không gian lễ hội rộng lớn nhưng có tính quy tụ, phù hợp với đặc điểm của vùng, miền, gắn kết hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và giao lưu tiếp biến những giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại trong xu thế hội nhập. Nghiên cứu đưa vào festival những hoạt động văn hóa truyền thống phù hợp kết hợp với nghệ thuật đương đại. Gắn kết các các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống với Festival Huế nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm văn hóa du lịch phù hợp với yêu cầu của thành phố festival.
Ba là, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giá trị của danh thắng và di tích, giáo dục về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức và tham gia các chương trình hoạt động festival. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, xâm hại di tích, danh thắng, có biện pháp tích cực tạo một bước chuyển biến căn bản về bảo vệ cảnh quan khuôn viên di tích, danh thắng, không gian và môi trường tổ chức festival. Đặc biệt chú trọng giáo dục thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức và hoạt động festival. Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với công tác xây dựng nếp sống văn hóa và bảo vệ môi trường.
Bốn là, đẩy mạnh tính chuyên nghiệp công tác quảng bá sản phẩm du lịch
Chú trọng phát triển các sản phẩm văn hóa du lịch, tăng cường sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các loại hàng xuất khẩu mang đặc trưng xứ Huế, đáp ứng nhu cầu của lượng du khách tham gia festival ngày càng lớn. Đầu tư trang thiết bị phục vụ tổ chức sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có chất lượng cao mang thương hiệu festival quốc tế nhưng vẫn giữ được nét riêng biệt của Việt Nam.
Năm là, đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn lực phục vụ
Đầu tư toàn diện đội ngũ cán bộ chuyên trách phục vụ tổ chức festival cả về năng lực quản lý điều hành và kinh nghiệm tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức quản lý biểu diễn hoạt động có quy mô lớn, mang tầm quốc tế. Chú trọng khai thác nguồn lực tại chỗ phục vụ các chương trình biểu diễn nghệ thuật và quảng diễn có tính cộng đồng. Nâng cao vị thế của nhân dân địa phương để nhân dân phát huy vai trò chủ thể và nguồn lực đóng góp sức người, sức của tạo nên thành công của festival./.
Cấm vận Nga - kinh tế toàn cầu ảnh hưởng  (25/04/2014)
Tưởng dễ hoá khó  (25/04/2014)
Công bố quyết định thành lập Học viện Chính trị Công an nhân dân  (25/04/2014)
Bộ Giáo dục và Đào tạo xin rút Đề án Đổi mới sách giáo khoa khỏi kỳ họp thứ 7 của Quốc hội  (25/04/2014)
Kinh tế toàn cầu đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực  (25/04/2014)
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay