Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bộ Tư pháp là một trong 12 bộ của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên cáo thành lập ngày 28-8-1945 - chính thức khai sinh ra ngành tư pháp của chế độ mới.
 
Ngay trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, Bộ Tư pháp đã được thành lập đồng thời với việc thiết lập bộ máy nhà nước cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Ðảng và Nhà nước đối với công tác tư pháp trong hoạt động của chính quyền dân chủ nhân dân. Là cơ quan trọng yếu của chính quyền, với chức năng quản lý và thực hiện công tác tư pháp, bao gồm cả công tác xét xử, công tố, quản lý trại giam và các tổ chức bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, thừa phát lại...), ngành tư pháp, trong những năm đầu sau khi Cách mạng thành công và trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đã tập trung mọi nỗ lực xây dựng nền tảng pháp luật dân chủ và tổ chức nền tư pháp nhân dân theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ; thực hiện trọng trách bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân nước Việt Nam độc lập, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, vẻ vang của dân tộc.
 
Những luật gia, luật sư yêu nước được đào tạo từ chế độ cũ như Vũ Trọng Khánh, Vũ Ðình Hòe, Trần Công Tường, Ðỗ Xuân Sảng, Ðinh Gia Trinh... đã tự nguyện tham gia gánh vác công việc kiến thiết chế độ dân chủ, trở thành nòng cốt của thế hệ cán bộ và lãnh đạo đầu tiên của ngành tư pháp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: "Trong cuộc kháng chiến này, các bạn đã góp một phần lực lượng lớn. Từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến toàn thể nhân viên, ai cũng chịu khổ chịu khó tận tụy hy sinh, để làm tròn nhiệm vụ. Ðó là một sự vẻ vang cho giới tư pháp ta". 

Trong giai đoạn từ 1960 đến 1971, công tác tư pháp được chuyển giao cho nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau thực hiện, trong đó, Vụ Pháp chế của Phủ Thủ tướng Chính phủ được thành lập để giúp Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật về kinh tế và hành chính; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, duy trì trật tự công cộng, củng cố các quan hệ xã hội mới. Công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn này tập trung vào những đạo luật cốt yếu, đặc biệt là Hiến pháp năm 1959, Luật Bầu cử Quốc hội và các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước trong điều kiện mới, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Công đoàn...

Từ tháng 9-1972, Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ được thành lập, thực hiện chức năng quản lý thống nhất công tác pháp chế. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Ủy ban Pháp chế đã tiếp nhận bàn giao công việc của Bộ Tư pháp thuộc Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương rà soát, lập và trình Hội đồng Chính phủ công bố Danh mục các văn bản pháp luật còn hiệu lực để phổ biến và thi hành, tạo nên sự thống nhất về mặt pháp luật của nước nhà sau hơn 20 năm đất nước bị chia cắt. Các cơ quan, tổ chức pháp chế địa phương được lần lượt thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đòi hỏi phải có sự quản lý, chỉ đạo thống nhất về tổ chức và hoạt động của hệ thống pháp chế toàn quốc.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, Bộ Tư pháp được thành lập lại trên cơ sở của Nghị định số 143- HÐBT ngày 22-11-1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Công tác tư pháp chuyển sang giai đoạn phát triển mới trên cả nước Việt Nam thống nhất.
 
Từ đó đến nay, nhất là từ khi Hiến pháp năm 1992 ra đời, theo quy định của các luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp nói riêng, ngành tư pháp nói chung đã ba lần được thay đổi theo hướng ngày càng được mở rộng, tăng cường để đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Hiện nay, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý; đăng ký giao dịch bảo đảm; lý lịch tư pháp; công tác bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án; hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật.
 
Ðể bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, hệ thống các cơ quan tư pháp, thi hành án đã và đang được kiện toàn, củng cố từ trung ương đến cơ sở, với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày một trưởng thành về năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó là một hệ thống các tổ chức hành nghề luật (luật sư, công chứng, trợ giúp pháp lý...) đang tiếp tục phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phấn đấu trải khắp mọi miền đất nước theo chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp.

65 năm xây dựng và phát triển, dù có trải qua những giai đoạn khó khăn với nhiều thách thức, thăng trầm, ngành tư pháp đã và đang ngày càng khẳng định vị trí là cơ quan trọng yếu của chính quyền bằng những đóng góp thiết thực và quan trọng của ngành vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà và sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là những đóng góp trong việc xây dựng, hoàn thiện các nền tảng pháp luật và tư pháp dân chủ nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay.

Với trọng trách là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã đề xuất, tham mưu để Ban Cán sự Ðảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/T.Ư ngày 24-5-2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Lần đầu, nhu cầu về điều chỉnh pháp luật đã được đánh giá một cách tổng thể, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam, để từ đó hình thành những định hướng chính sách dài hạn và những giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật với hai trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền công dân, quyền con người. Cùng với Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, lần đầu tiên, mô hình tổng quát với các mục tiêu và tiêu chí rõ ràng cần hướng tới của hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ 21 đã được xác định. Việc ban hành và thực hiện các chiến lược trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp đã tạo nên bước đột phá trong xây dựng, củng cố hạ tầng chính trị - pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm năm đầu hiện thực hóa các định hướng, nội dung của hai bản Chiến lược thông qua các hoạt động thực tiễn, ngành tư pháp đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao tính đồng bộ, toàn diện, khả thi, minh bạch của hệ thống pháp luật; tính dân chủ, công khai, tính phục vụ và trách nhiệm giải trình của các cơ quan tư pháp, hành chính  tư pháp (hộ tịch, lý lịch tư pháp, thi hành án dân sự...) trước nhân dân và Nhà nước. Ðồng thời mở rộng cơ hội và tăng cường khả năng của người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ pháp lý (luật sư, công chứng, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, hòa giải...) với chất lượng cao hơn, thủ tục đơn giản, thân thiện hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu được bảo đảm an toàn về mặt pháp lý, được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong các giao dịch hằng ngày. Ðội ngũ hàng  vạn cán bộ pháp luật và chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp (thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên...) được đào tạo tại các cơ sở đào tạo của ngành tư pháp trong hàng chục năm qua đã và đang trở thành lực lượng chủ chốt trong các hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề, góp phần nâng cao ý thức pháp luật và chấp hành pháp luật của xã hội và các cộng đồng dân cư; duy trì, củng cố và lan tỏa các giá trị văn hóa pháp luật nhân quyền của dân tộc Việt Nam.

Ghi nhận những thành tích của các thế hệ cán bộ ngành tư pháp trong suốt 65 năm qua, Ðảng và Nhà nước đã quyết định trao tặng ngành những phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1995) và Huân chương Sao Vàng (năm 2010).

Phát huy truyền thống dân chủ, đoàn kết, năng động và sáng tạo trong tư duy pháp luật và hoạt động thực tiễn, ngành tư pháp vững bước vào thập niên mới với nhiệm vụ trung tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và các lĩnh vực công tác tư pháp theo đúng mục tiêu, yêu cầu và lộ trình triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020,  góp phần thực hiện quan điểm, mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 theo các dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển), sẽ được trình Ðại hội XI của Ðảng thông qua. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng cần làm ngay đối với Bộ Tư pháp là dựa trên kết quả sơ kết 5 năm thực hiện hai bản Chiến lược về pháp luật và cải cách tư pháp, để tham mưu, đề xuất với Chính phủ lập Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, định hướng Chương trình lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV; chú trọng và ưu tiên việc nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan tư pháp nói riêng, theo các nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện pháp luật và các thiết chế quản lý, theo dõi thi hành pháp luật sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm bảo đảm cho pháp luật thật sự có hiệu quả, được thi hành nghiêm minh, thống nhất trong thực tiễn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát huy vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước. Xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển ngành tư pháp cùng với các chiến lược và quy hoạch phát triển các lĩnh vực và các nghề luật (luật sư, công chứng, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý...) phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, xã hội và Nhà nước; phấn đấu để Bộ Tư pháp, pháp chế các bộ, ngành và các cơ quan tư pháp địa phương thật sự là cơ quan có năng lực hàng đầu trong việc xây dựng thể chế, quản lý điều hành, tổ chức thực thi pháp luật sẽ là hướng đi và phương châm hoạt động nhất quán của toàn ngành trong thập niên tới.

Với tinh thần phấn khởi và tự hào về truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp luôn khắc ghi những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành: Cán bộ Tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho pháp luật dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn, coi đó là kim chỉ nam để toàn ngành phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kế tục xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ cán bộ tư pháp đi trước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà ngành được giao phó, xứng đáng với niềm tin của Ðảng, Nhà nước và nhân dân./.