Từ quyết tâm của G8...

Ngày 8-7-2005, Hội nghị thượng đỉnh G8 kết thúc với thoả thuận tăng viện trợ cho các nước đang phát triển thêm 50 tỉ USD và xoá nợ hoàn toàn cho 18 quốc gia châu Phi. Các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiến tới cắt giảm trợ cấp và thuế. Các nước EU nhất trí đến năm 2010 sẽ trích 0,56% GDP và đến 2015 sẽ trích 0,7% cho viện trợ. 3 tỉ USD sẽ được dành cho Chính quyền Palestine cho đầu tư vào kết cấu hạ tầng. G8 đồng ý xoá nợ hoàn toàn cho 18 nước nghèo nhất châu Phi.

Ngày 8-4-2008, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo các kế hoạch tăng cường viện trợ cho các quốc gia đang phát triển chịu tác động nặng nề trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu. EC dự định cho tới cuối năm 2008 sẽ dành 4,3 tỉ ơ-rô (tương đương 5,82 tỉ USD) trong các quỹ dành riêng trước đó để giúp đỡ các nước nghèo chống chọi với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm ngừng các dòng chảy tín dụng, giảm lượng đầu tư, khiến đồng tiền của một số nước giảm giá mạnh. Theo đó, EC sẽ đẩy nhanh việc triển khai 3 tỉ ơ-rô trong số tiền nói trên để hỗ trợ các nước vùng Ca-ri-bê, Thái Bình Dương và châu Phi (ACP), đồng thời, sẽ viện trợ ít nhất 500 triệu ơ-rô cho chi tiêu phúc lợi xã hội ở các nước này, ngoài ra, sẽ chi hơn 800 triệu ơ-rô cho cuộc chiến chống đói nghèo trong năm nay.

Trước đó, tại thủ đô Luân đôn (Anh), trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 2-4, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma ra thông báo, do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Mỹ sẽ tăng gấp đôi viện trợ lương thực và nông nghiệp dành cho châu Phi, Mỹ La-tinh và các khu vực nghèo khác, số tiền lên hơn 1 tỉ USD.

... đến cam kết của G20

Chiếm 2/3 số dân toàn thế giới, làm ra 85% GDP toàn cầu và thực hiện 80% thương mại quốc tế, Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Luân-đôn, hội nghị được báo Le Journal du Dimanche (Pháp) gọi là “Hội nghị của các chủ nhân trái đất” đã kết thúc tối hôm 2-4. Dù chỉ họp trong một ngày, chính xác là bốn tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng Hội nghị G20 đã thu được kết quả tích cực ngoài dự kiến. Cái được lớn nhất của Hội nghị là toàn thể thành viên G20 tuyên bố đồng tâm, nhất trí chung sức ngăn chặn khủng hoảng, cứu nền kinh tế thế giới. G20 đã nhất trí tăng thêm 500 tỉ USD vốn cho IMF (từ 250 lên 750 tỉ USD) để giúp các nước nghèo và tăng 250 tỉ USD Quyền rút tiền đặc biệt (SDR) trong IMF, nghĩa là các nước gặp khó khăn trong khủng hoảng sẽ được IMF viện trợ thêm. Nhật và EU đã hứa mỗi bên góp thêm 100 tỉ USD, Trung Quốc góp 40 tỉ USD. Các nước G20 còn cam kết kích thích kinh tế với tổng số tiền trên toàn cầu là 5000 tỉ USD trong hai năm 2009-2010; cung cấp 250 tỉ USD để bảo vệ và xúc tiến thương mại quốc tế. Như vậy là, không chỉ bằng lời nói mà lời hứa của G20 đã mạnh mẽ hơn khi có những cam kết bằng văn bản nhằm giải cứu thế giới khỏi khủng hoảng.

Và khả năng hiện thực hóa các lời hứa

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có nguy cơ làm cho khoảng 50 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo khó, và nếu cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, kéo dài hơn, những lời hứa của các nước giàu sẽ khó trở thành hiện thực, do các nước giàu đang phải gánh trên vai các khoản thâm hụt gia tăng nhanh chóng, do khó lý giải thuyết phục việc duy trì mức viện trợ cho các nước khác.

Ngân hàng Thế giới và IMF, Bộ trưởng Tài chính và đại diện 185 quốc gia thành viên hai thể chế đa phương này, những người đã kêu gọi các nước giàu và các nhà tài trợ tăng viện trợ các nước nghèo, cảnh báo tình trạng nghèo đói trên thế giới sẽ tăng mạnh vì ngày càng nhiều nước trở thành nạn nhân cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thông cáo chung của khóa họp mùa Xuân hằng năm do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức ngày 26-4, đã thúc giục các nước giàu đẩy nhanh việc thực hiện cam kết viện trợ các nước nghèo đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng xuất phát từ chính các nước giàu; đề cập khả năng tăng vốn cho WB nếu suy thoái kinh tế toàn cầu còn kéo dài. Mặc dù, chủ tịch WB ông R.Dô-ê-lích cảnh báo, thế giới không chắc chắn hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về đói nghèo do những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay nhưng WB vẫn chấp thuận kế hoạch tăng vốn cho các nước có thu nhập trung bình vay lên 100 tỉ USD trong ba năm tới và xem xét lại nguồn viện trợ các nước nghèo nhất thế giới.

Theo nhà kinh tế Shanta Devarajan, phụ trách khu vực châu Phi tại Ngân hàng Thế giới, chính các nước giàu hiện nay cũng đang chịu áp lực rất lớn về ngân sách do phải tài trợ cho các biện pháp chấn hưng kinh tế, đáp ứng những yêu sách của người dân nước mình. Trong bối cảnh đó, biện pháp giảm bớt chi tiêu ngân sách dễ thực hiện nhất đối với các nước giàu là hạn chế viện trợ cho các nước nghèo.

Theo một nghiên cứu gần đây của kinh tế gia Emmanuel Frot, thuộc Học viện nghiên cứu chuyển đổi kinh tế Xtốc-khôm (Thụy Điển), 6 quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản và Hoa Kỳ, do bị khó khăn kinh tế trong những năm 90 của thế kỷ trước, đã giảm trung bình là 13% ngân sách dành cho viện trợ công trong năm sau đó. Mạng lưới châu Âu theo dõi về nợ và pháp triển cũng cho biết, nếu như 2008 là năm đạt mức kỷ lục về viện trợ công cho phát triển, tính theo khối lượng, thì chiều hướng suy giảm đã bắt đầu từ cuối năm 2007. Trước tiên là Ý, giảm tới 56% ngân sách viện trợ công. Đầu tháng 2, Ai-len cắt 10%,còn Lát-vi-a thì ngừng toàn bộ viện trợ cho các nước nghèo.

Vào lúc Hoa Kỳ đã tăng 8% ngân sách viện trợ cho năm 2010, thì trường hợp của nước Pháp, vốn là nhà tài trợ đứng hàng thứ tư trên thế giới, đang làm cho các Tổ chức phi chính phủ lo ngại. Trước đây, Pa-ri cam kết là duy trì đến 2015, mức viện trợ công cho phát triển bằng 0,7% tổng thu nhập quốc dân để giúp các nước nghèo thực hiện những mục tiêu Thiên Niên Kỷ của Liên hợp quốc. Thế nhưng, trong năm 2009, tỷ lệ này chỉ còn là 0,47% và sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 0,41% và 0,42% trong các năm 2010 – 2011.

Thậm chí, nhiều nước giàu lúc trước còn coi những khoản xóa nợ như là một phần trongviện trợ cho phát triển thì nay không có gì bảo đảm là các nước nghèo được xóa nợ sẽ có được một khoản ngân sách đầu tư cho phát triển./.