Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin
TCCS - Ngày 20-6-2024, sau lễ đón Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin tại trụ sở Trung ương Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Vladimir Putin - người luôn dành nhiều tình cảm, sự ủng hộ đối với với nhân dân Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Nga, đã trực tiếp cùng lãnh đạo Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, sau đó là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, có nhiều đóng góp, ủng hộ quý báu cho việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga. Tổng Bí thư đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam lần thứ 5 của Tổng thống Vladimir Putin đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (1994 - 2024) và hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử với số phiếu bầu cao, thể hiện sự tín nhiệm của nhân dân Nga đối với sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, giữ ổn định chính trị - xã hội, duy trì phát triển kinh tế và triển khai chính sách đối ngoại của Liên bang Nga. Về tình hình Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Tổng Bí thư đã trao đổi về những kết quả toàn diện, nổi bật qua gần 40 năm đổi mới, trong đó có gần 15 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và kế thừa thành quả phấn đấu nhiều năm của nhân dân Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam đẩy mạnh việc phát huy các thành quả đạt được, vượt qua những hạn chế, khó khăn để thực hiện các mục tiêu, phương hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với các mục tiêu đề ra là Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng) và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Liên Xô, trong đó có nước Nga trước đây và Liên bang Nga ngày nay trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước sau này. Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện với Nga, là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Việt Nam ủng hộ nước Nga đóng góp tích cực vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, chính sách hướng Đông của nước Nga, đồng thời tin tưởng chắc chắn rằng, một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, vững mạnh có uy tín và vị thế ngày càng cao cũng phù hợp với lợi ích lâu dài của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tình hình thế giới đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp sang cục diện đa cực, đa trung tâm đòi hỏi các nước thực hiện chính sách hòa bình, bình đẳng, không đối đầu, hợp tác phát triển, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế cần tăng cường đối thoại, hợp tác song phương và đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm để cùng phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Việt Nam mong rằng, Tổng thống Vladimir Putin và Liên bang Nga tiếp tục quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, những quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.
Liên quan đến tình hình ở Ukraine, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn sớm có đối thoại, chấm dứt chiến sự, nối lại đàm phán để đạt giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm những lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đối thoại, thương lượng theo hướng đó.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin về việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, trong đó có việc củng cố mạnh mẽ quan hệ với các nước láng giềng, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối quốc phòng "4 không".
Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ vui mừng thăm Việt Nam và gặp lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của Liên bang Nga; mối quan hệ hai nước đã được thử thách qua thời gian; phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới trong quan hệ hai nước.
Tổng thống Vladimir Putin đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế. Tổng thống Vladimir Putin thông tin tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số nét lớn về tình hình Liên bang Nga, chính sách đối ngoại của Liên bang Nga. Chia sẻ với các ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực cần dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Nga ủng hộ việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đề cập đến quan điểm của Nga về cuộc xung đột ở Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga tiếp tục phát triển tích cực, thể hiện nổi bật qua quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp, hợp tác kinh tế - thương mại được duy trì, hợp tác quốc phòng - an ninh được củng cố, hợp tác trên các lĩnh vực khác được thúc đẩy và quan hệ giữa các tổ chức xã hội và giao lưu nhân dân ngày càng hiệu quả. Trên cơ sở các thành quả đã đạt được, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến sâu rộng, nhất trí về các phương hướng và biện pháp lớn nhằm tạo xung lực thúc đẩy hợp tác song phương toàn diện trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ nhất trí về các phương hướng hợp tác theo đề nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, theo đó sẽ thúc đẩy các chuyến thăm, trao đổi ở các cấp trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, tích cực phát triển hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật và củng cố hợp tác quốc phòng - an ninh; cùng nhau trao đổi, giải quyết một số khó khăn, tồn tại phù hợp với luật pháp quốc tế và điều kiện cụ thể của mỗi nước. Đối với lĩnh vực năng lượng và dầu khí, hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp của hai nước thực hiện hiệu quả những dự án hiện có, đồng thời mở rộng các dự án đầu tư với sự tham gia của các công ty dầu khí quốc gia trên lãnh thổ hai nước. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác, như nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương hai nước. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam tại Nga, là cầu nối quan trọng cho quan hệ giữa hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Nga tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nga làm việc và sinh sống ổn định, lâu dài, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Nhân dịp này, Việt Nam và Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đánh giá cao những thành tựu quan trọng của quan hệ hai nước, khẳng định các nguyên tắc, đề ra những định hướng để đẩy mạnh và tăng cường hợp tác, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới./.
Trung Duy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin  (20/06/2024)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt  (13/06/2024)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc của lãnh đạo chủ chốt  (18/05/2024)
Khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  (16/05/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển