Phát huy vai trò của gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Gia đình có vai trò to lớn mang tính đặc thù trong việc duy trì nòi giống và là môi trường nuôi dưỡng nhân cách của con người, không một thiết chế xã hội nào có thể thay thế được. Để hình thành nhân cách con người Việt Nam hôm nay, cùng với việc phát huy vai trò của xã hội, chúng ta cần phát huy vai trò của gia đình.
Gia đình - "hạt nhân của xã hội"
Gia đình sẽ còn tồn tại mãi mãi trong đời sống xã hội, trong các cộng đồng người, nên cần nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình và giáo dục của gia đình đối với con người và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt"[1]. Nếu xét từ chiều sâu tư tưởng, đạo đức, tinh thần thì gia đình là hạt nhân của xã hội. Gia đình bao chứa những quan hệ nhân bản, sâu nhất của con người, gắn với bản chất của con người - tính người.
Gia đình với ý nghĩa "hạt nhân" của xã hội có vai trò duy trì những giá trị văn hóa, đạo đức của mỗi cộng đồng, góp phần xây nên văn hóa, đạo đức cả xã hội. Cha ông ta cho rằng: "Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân" (mỗi gia đình làm điều nhân thì cả nước sẽ vươn tới điều nhân). Một nhà tư tưởng phương Tây khẳng định: gia đình khó phá bỏ hơn quốc gia, có nghĩa là không thể phá bỏ gia đình, nếu gia đình tan rã thì nhân loại sụp đổ.
Đối với phương Đông (hiện nay, cả phương Tây nữa) đang chú ý đến việc củng cố gia đình và các giá trị gia đình. Ông Tô-my Rô - nhà chiến lược Xin-ga-po đã nêu ra 10 giá trị làm nền tảng cho sự phát triển của Đông á, trong đó có 3 giá trị thuộc về gia đình và cho rằng gia đình là "trụ cột", là "hạt nhân" của xã hội. Như vậy, dù phương Đông hay phương Tây, dù trong xã hội nào, người ta đều đề cao vai trò của gia đình. Việc nghiên cứu vấn đề gia đình và nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về vai trò của gia đình vẫn là vấn đề đặt ra thường xuyên đối với chúng ta. Như người ta thường nói: Dù gia đình biến đổi như thế nào thì đằng sau gia đình vẫn là gia đình. Cái gì làm cho gia đình trở thành một hiện tượng tồn tại đặc hữu của con người thì phải luôn luôn củng cố - đó là các quan hệ đạo đức của gia đình, nếu nhân loại không muốn đi đến chỗ diệt vong.
Muốn phát triển nền văn hóa, đạo đức của xã hội, phải gắn liền với phát triển văn hóa, đạo đức của gia đình. Coi việc xây dựng văn hóa, đạo đức xã hội và văn hóa, đạo đức gia đình là một nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng văn hóa, đạo đức trong gia đình
Thái độ đối với vấn đề gia đình ở nước ta luôn có sự biến động phức tạp. Nhưng dù thế nào cũng cần chú ý nghiên cứu vấn đề định hướng giá trị văn hóa, đạo đức và hình thành các chuẩn mực, khuôn mẫu ứng xử xã hội và gia đình cho phù hợp.
Có một thực tế hiện nay là, nhiều gia đình lúng túng trong việc dạy con cái như thế nào? Hướng con cái vào những giá trị đạo đức cổ truyền thì xem ra lỗi thời, hướng con cái vào các giá trị của giai đoạn trước đổi mới xem ra không phù hợp, hướng vào các giá trị hiện đại thì chưa thật rõ. Cho nên, có những gia đình chỉ biết dạy con "ngoan", thành người "tử tế" mà thôi, một bộ phận dạy con cái theo kiểu "tùy thời", còn một bộ phận phó thác cho xã hội hoặc bất lực, hoặc dạy một cách tiêu cực. Vì vậy, việc nghiên cứu giáo dục văn hóa, đạo đức gia đình và xã hội đang đặt ra trước Đảng, Nhà nước, các cơ quan hữu trách và cả xã hội.
Chúng tôi thấy, cần phải chú ý đến những kinh nghiệm truyền thống của ông cha về xây dựng văn hóa, đạo đức trong gia đình. Đó là sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ về đạo đức. Ông bà, cha mẹ và người lớn trong gia đình phải là tấm gương đạo đức cho con em noi theo. Tục ngữ Việt Nam đã đúc kết "sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó", "giỏ nhà ai, quai nhà nấy" hay "phụ từ, tử hiếu" như một quy luật, một triết lý giáo dục văn hóa, đạo đức trong gia đình. Hành vi đạo đức của ông bà, cha mẹ không chỉ để lại "quả đức" cho con cháu mà còn là sự gieo trồng đạo đức cho thế hệ sau "mạc nhi chủng phúc lưu tâm địa" (nghĩa là trồng vườn phúc ở trong lòng lưu lại cho đời sau). Hiện nay, Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động phong trào "ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền" chính là sự tiếp nối truyền thống và kinh nghiệm của cha ông trong giáo dục văn hóa đạo đức của gia đình Việt Nam.
Truyền thống xây đắp gia phong và giáo dục gia phong trong các gia đình cần được phát huy. Gia phong là truyền thống tốt đẹp của gia đình được các thế hệ đi trước phấn đấu xây đắp nên và truyền lại cho các thế hệ sau noi theo, kế thừa và phát triển. Trong đó truyền thống đạo đức là yếu tố cốt lõi của gia phong, là nền tảng tinh thần của sự tồn tại bền vững của một gia đình. Những gia đình đã có gia phong, cần kế thừa bằng việc thường xuyên ôn lại truyền thống, khuyên nhủ, động viên con em phấn đấu theo bước cha anh, tự hào về cha anh và xứng đáng với cha anh như một giá trị làm người. Những gia đình chưa có gia phong thì phải biết tạo dựng gia phong bằng sự phấn đấu của ông bà, cha mẹ trong cuộc sống hôm nay. Mỗi sự cố gắng đem lại một thành quả tốt đẹp nào đó là một sự đóng góp nho nhỏ sẽ tạo nên một bề dày truyền thống, qua một hai thế hệ gia đình sẽ có một gia phong đáng tự hào. Gần đây, chúng ta thấy nhiều gia đình, dòng họ tổ chức họp họ, giỗ tổ, viết lại gia phả để tôn vinh tổ tiên, ôn lại truyền thống gia phong nhằm khuyến khích con em noi gương cha ông, thúc đẩy con em của dòng họ phấn đấu trong học tập, lao động, công tác với một động lực tinh thần cao quý là biết ơn và tự hào về cha ông mình. Truyền thống gia đình không chỉ có tác dụng như một động lực tinh thần thôi thúc người ta phấn đấu mà còn có tác dụng như một cơ chế tự bảo vệ, chống lại sự tha hóa.
Chúng ta cũng biết rằng, trong xã hội cổ truyền, nhiều gia đình, dòng họ "thế gia vọng tộc" rất chú ý đến giáo dục gia phong, cho nên các thế hệ con em của họ nối tiếp nhau làm rạng rỡ cho gia tộc và đất nước. Còn trong xã hội của chúng ta có rất nhiều gia đình "thế gia vọng tộc" mới nổi lên, lại không chú ý giáo dục gia phong đã dẫn đến những bi kịch gia đình, thậm chí dẫn đến hậu quả tan nát gia đình. Đó là nỗi đau không chỉ cho các gia đình đó mà còn là nỗi buồn cho cả xã hội.
Truyền thống giáo dục, sự tự giáo dục của mỗi cá nhân, mỗi thế hệ và giáo dục liên thông, vận thông giữa các thế hệ trong gia đình của cha ông cũng cần được kế thừa và phát huy.
Về sự tự giáo dục của mỗi cá nhân, mỗi thế hệ, cha ông đã đúc kết từ mối quan hệ rất biện chứng của sự hình thành nhân cách.
"Sinh con rồi mới sinh cha,
(Ca dao)
Như vậy, sự hình thành nhân cách "con, cháu" và "cha, ông" đều bắt đầu cùng một lúc. Do vậy mỗi cá nhân, mỗi thế hệ phải tự ý thức về vị thế của mình trong gia đình. Muốn cho gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường hạnh phúc hòa thuận thì ông phải ra ông, cha phải ra cha, con phải ra con. Mỗi người phải tự hoàn thiện nhân cách cho xứng đáng với vị thế của mình trong gia đình.
Song, nếu quá nhấn mạnh điều đó có thể dẫn đến sự tách biệt giữa các thế hệ và xung đột thế hệ trong gia đình, nên ông cha ta đã bổ sung bằng sự giáo dục liên thông, vận thông giữa các thế hệ. Đó là cần tạo ra sự hài hòa giữa các thế hệ, sự thông cảm giữa các thế hệ để họ cùng nhau chia sẻ và nâng đỡ lẫn nhau. Chẳng hạn, người cha phải thấy mình là kết quả và là một phần hiện hữu của thế hệ trước (bố mình), đồng thời mình cũng chính là điều kiện ra đời của thế hệ sau (con mình) và con mình chính là một phần của mình tái hiện ở trong đó. Do vậy, họ cũng phải chia sẻ với nhau những điều hay, điều dở để cùng nhau khắc phục hoặc phát huy, phát triển, không nên đổ lỗi cho thế hệ trước và trách cứ thế hệ sau dẫn đến xung đột thế hệ. Truyền thống "trên kính, dưới nhường", "vui cha, vui mẹ, vui anh em nhà" là kết quả tốt đẹp của phương thức giáo dục liên thông, vận thông của cha ông ta cần được phát huy.
Xây dựng văn hóa đạo đức gia đình cũng cần chú ý đến các lĩnh vực: tình yêu, tình dục, sức khỏe sinh sản, hiện tượng xung đột thế hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Tất cả các vấn đề trên đều gắn liền với quan hệ đạo đức trong gia đình mà chúng ta lúc này hay lúc khác, chưa mấy quan tâm.
Hướng tới gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ
Trong hoàn cảnh đổi mới đất nước, mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế, một đơn vị tiêu dùng, mọi thành viên trong gia đình phải dựa vào gia đình nhiều hơn trước đây (đặc biệt là thành viên chưa trưởng thành). Do vậy, cần phải đầu tư vào gia đình, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần để gia đình làm tốt chức năng của nó.
Khuyến khích phát triển kinh tế gia đình là tạo điều kiện cho gia đình có tư liệu, có vốn để sản xuất và làm giàu chính đáng. Chính sách khoán hộ, giao đất, giao rừng ở nông thôn, chính sách kinh doanh dịch vụ, kinh tế tư nhân, chế độ lương cho cán bộ công chức, thu nhập cho công nhân, lao động thỏa đáng, hợp lý là điều kiện ổn định đời sống gia đình và cơ sở vật chất của đạo đức trong gia đình. Thực hiện tốt hơn cuộc vận động "xóa đói, giảm nghèo", "giúp nhau lập nghiệp", giúp nhau làm giàu.
Bảo đảm cho những chính sách xã hội được thực hiện công bằng và có hiệu quả trên các lĩnh vực: y tế, sức khỏe, văn hóa, giáo dục, vệ sinh môi trường, sức khỏe sinh sản... bằng cách lồng ghép các chương trình mục tiêu. Chính sách tín dụng, ưu đãi cho người nghèo, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, hướng nghiệp... tạo điều kiện cho các gia đình có đời sống vật chất bớt khó khăn, thì mới có thể làm tốt việc xây dựng quan hệ gia đình và đạo đức trong gia đình tốt đẹp.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 9, tr 523
Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa  (01/10/2007)
Cuộc vận động văn hóa “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (01/10/2007)
Trung Quốc trong quan hệ với các nước ASEAN  (01/10/2007)
Trung Quốc trong quan hệ với các nước ASEAN  (01/10/2007)
“Việt Nam sẽ luôn là thành viên tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế...”  (28/09/2007)
Quản lý và sử dụng đất trên quan điểm phát triển bền vững  (28/09/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay