Trung Quốc trong quan hệ với các nước ASEAN
Từ lâu, Trung Quốc có quan hệ mật thiết với các nước trong khu vực Đông - Nam Á. Đến năm 1991, Trung Quốc và ASEAN chính thức thiết lập quan hệ hợp tác. Hiện nay, ASEAN là một trong những đối tác hết sức quan trọng của Trung Quốc.
1. Quan hệ truyền thống Trung Quốc - ASEAN
Nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc và ASEAN có sự gắn kết chặt chẽ về địa - chính trị, văn hóa truyền thống, quan hệ kinh tế mậu dịch. Trong quan hệ ngoại giao, ASEAN có vị thế quan trọng đối với Trung Quốc.
Để thực hiện công cuộc hiện đại hóa đất nước, Trung Quốc hướng tới việc thiết lập môi trường hòa bình với bên ngoài. Trung Quốc phát triển quan hệ hợp tác với các nước láng giềng trên nguyên tắc: hòa bình, kiên trì phương châm láng giềng thân thiện, hữu hảo, hợp tác cùng có lợi, cùng nhau phát triển.
Từ khi chính thức thiết lập quan hệ hợp tác tới nay, quan hệ Trung Quốc - ASEAN đã trải qua các giai đoạn chính sau:
- Giai đoạn một (1991-1996). Giai đoạn triển khai hợp tác kinh tế mậu dịch với sáu nước thành viên của ASEAN. Ở giai đoạn này, mặc dù bốn nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Miến Điện chưa tham gia ASEAN, nhưng Trung Quốc vẫn chú trọng hợp tác hiệu quả với bốn nước này.
- Giai đoạn hai (1997-2000). Trung Quốc hỗ trợ ASEAN khắc phục hậu quả do cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra ở châu Á vào năm 1997. Trung Quốc và ASEAN đã ra Tuyên bố chung với phương châm phát triển quan hệ hợp tác láng giềng hướng tới thế kỷ XXI, trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi. Năm 2000, Trung Quốc ký với ASEAN “Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư”, đưa quan hệ hai bên bước sang một thời kỳ mới.
- Giai đoạn ba (2001-2006). Hai bên xúc tiến xây dựng khu mậu dịch tự do song phương Trung Quốc - ASEAN, ký các hiệp định liên quan; đến năm 2005, hai bên bắt đầu triển khai các chương trình hợp tác thương mại.
2. Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hợp tác với ASEAN
Tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ hợp tác Trung Quốc - ASEAN được tổ chức ở Nam Ninh (Trung Quốc) vào năm 2006, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đề xuất 4 kiến nghị về phát triển quan hệ Trung Quốc - ASEAN:
Một là, tăng cường hợp tác chiến lược. Hai bên giữ gìn quan hệ mật thiết, đẩy mạnh các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp cao giữa chính phủ, quốc hội, chính đảng của hai bên, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Phối hợp nhịp nhàng trong việc xử lý những vấn đề quốc tế nói chung, trong khu vực nói riêng. Tăng cường hợp tác ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).
Hai là, đa dạng hóa nội dung hợp tác. Trên cơ sở Hiệp định khung hợp tác kinh tế toàn diện Trung Quốc - ASEAN, hai bên tiến hành xem xét và ký kết văn bản hợp tác kinh tế mậu dịch, thực hiện toàn diện Hiệp định mậu dịch hàng hóa, tích cực triển khai đàm phán đầu tư, xây dựng khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN. Hai bên thực hiện xây dựng mạng giao thông đường sắt châu Á mở rộng, đường bộ xuyên Á; tiến hành hợp tác về năng lượng...
Ba là, tăng cường hợp tác vì an ninh chung. Thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Trung Quốc ủng hộ xây dựng khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Đông - Nam Á cũng như quá trình ký kết “Hiệp ước về khu vực Đông - Nam Á không vũ khí hạt nhân”. Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, giữ gìn an ninh vùng biển, cùng ứng phó những vấn đề xuyên quốc gia.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác như khoa học - kỹ thuật, văn hoá - giáo dục, thể dục thể thao. Xúc tiến trao đổi các tổ chức, đoàn thể xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng, giáo dục; tổ chức định kỳ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao; mở rộng giao lưu và hợp tác địa phương; khuyến khích giao lưu giữa thế hệ trẻ của hai bên trong công tác tình nguyện, tăng sự hiểu biết lẫn nhau nhằm duy trì tình hữu hảo hai bên qua các thế hệ.
Trong hợp tác kinh tế mậu dịch, Trung Quốc chú trọng tới 4 điểm sau:
- Mở rộng hơn nữa quy mô mậu dịch. Hai bên chú trọng tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển mậu dịch. Trên cơ sở vững chắc của mậu dịch hàng hóa truyền thống, củng cố mở rộng xuất khẩu các mặt hàng giá trị cao như hàng cơ điện, sản phẩm công nghệ cao... Mặc dù nhập siêu, song Trung Quốc tình nguyện mở cửa thị trường, tiếp tục nhập hàng hóa của các nước ASEAN.
- Tích cực đi sâu vào hợp tác đầu tư. Hai bên không ngừng hoàn thiện dịch vụ và xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến trình thuận lợi hóa thủ tục đầu tư. Năm 2005, Chính phủ Trung Quốc đã cho các doanh nghiệp Trung Quốc vay 5 tỉ nhân dân tệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp này đầu tư vào các nước ASEAN, xây dựng hàng loạt khu hợp tác kinh tế với kết cấu hạ tầng hoàn thiện tại nhiều ngành, nghề khác nhau. Trung Quốc hoan nghênh các nước ASEAN mở rộng đầu tư tại Trung Quốc, tích cực tham gia xây dựng kinh tế của Trung Quốc.
- Không ngừng nâng cao trình độ hợp tác công nghệ. Hai bên tận dụng các điều kiện có tính bổ sung cho nhau trong công nghiệp, công nghệ và tài nguyên; áp dụng các hình thức nhận thầu công trình, tham gia cổ phần, hợp tác công nghệ kỹ thuật..., lấy dự án làm cơ sở, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, ngành chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng. Trung Quốc tích cực khuyến khích doanh nghiệp chuyển nhượng những kỹ thuật có thế mạnh, tính ứng dụng cao, đào tạo nguồn nhân lực cho một số nước ASEAN, tiếp tục viện trợ về mặt kỹ thuật cho những nước kém phát triển ở ASEAN
- Thúc đẩy hợp tác khai thác khu vực mở rộng như khu vực miền Đông ASEAN, vùng tam giác In-đô-nê-xi-a - Ma-lai-xi-a - Thái Lan, tiểu khu vực sông Mê Kông. Trung Quốc ủng hộ tiến trình nhất thể hoá ASEAN, tích cực nghiên cứu tính khả thi trong hợp tác kinh tế tiểu vùng vịnh Bắc Bộ.
3. Ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đối với ASEAN.
Theo thống kê, năm 1978, GDP Trung Quốc đạt 147 tỉ USD, năm 2005 là 2.245 tỉ USD; tỷ suất GDP tăng trung bình hằng năm từ năm 1979 đến năm 2005 là 9,7%; GDP theo đầu người năm 1980 là 173 USD, đến năm 2005 đạt 1700USD, tăng gần 10 lần. Từ năm 1978 đến năm 2005, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ 20,6 tỉ USD tăng lên 1.422,1 tỉ USD; dự trữ ngoại tệ từ 167 triệu USD tăng đến 818,9 tỉ USD.
- Sức mua của Trung Quốc lớn, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế ASEAN. Mậu dịch hai bên đã phát triển nhanh chóng, tổng kim ngạch mậu dịch từ 7,96 tỉ USD vào năm 1991, tăng đến 130,37 tỉ USD vào năm 2005 (tăng gấp 16,3%). Cho đến tháng 3 - 2006, hai bên đã trở thành bạn hàng lớn thứ tư của nhau. Trong nhiều năm, Trung Quốc liên tục nhập siêu, trong đó, Phi-líp-pin, Thái Lan và Ma-lai-xi-a là những nước xuất siêu đứng thứ mười ở Trung Quốc. Dự kiến vài năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa từ các nước ASEAN như năng lượng, nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm. Đến cuối năm 2008, kim ngạch mậu dịch hai bên sẽ đạt 200 tỉ USD, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc từ ASEAN ước đạt hơn 100 tỉ USD.
- Khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN đã đạt kết quả bước đầu. Kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN. Trung Quốc ủng hộ “Chương trình thu hoạch sớm” do ASEAN đề xuất, thực hiện giảm thuế nông sản cho các nước ASEAN. Ngoài ra, Trung Quốc còn miễn thuế đơn phương cho những nước kém phát triển như Lào, Cam-pu-chia... Sau khi thực hiện “Chương trình thu hoạch sớm”, trong mậu dịch nông sản với ASEAN, Trung Quốc từ nước xuất siêu trở thành nước nhập siêu. Hện nay, hằng năm, Trung Quốc nhập siêu hơn 2 tỉ USD; trong đó, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan là những nước Trung Quốc nhập siêu hàng nông sản nhiều nhất.
- Trung Quốc tăng cường thực lực kinh tế, đẩy mạnh đầu tư trực tiếp vào các nước ASEAN. Đầu năm 2006, các nước ASEAN đã đầu tư vào Trung Quốc 40 tỉ USD, trong khi đó, Trung Quốc mới chỉ đầu tư vào ASEAN khoảng 1,29 tỉ USD. Đây là điểm không cân bằng trong hợp tác kinh tế giữa hai bên. Hiện nay, chính phủ Trung Quốc hướng tới việc mở rộng quỹ đầu tư, theo đó, các doanh nghiệp Trung Quốc có thêm cơ hội vay vốn để đầu tư vào ASEAN. Không những thế, khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN sẽ có nhiều chính sách ưu đãi về thuế quan nhằm khuyến khích đầu tư hơn nữa vào ASEAN.
- Trung Quốc thực hiện chính sách trợ giúp các nước kém phát triển trong khu vực ASEAN. Trung Quốc tập trung hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, viện trợ về kinh tế, kỹ thuật. Mấy năm qua, Trung Quốc đã đào tạo hơn 6.000 nhân lực trong nhiều lĩnh vực cho các nước ASEAN; viện trợ nhiều dự án cho Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam, Ma-lai-xi-a. Từ năm 1998-2005, Trung Quốc đã viện trợ cho Lào 1,17 tỉ USD; viện trợ cho Việt Nam 1 tỉ USD trong việc xây dựng hàng loạt dự án như nhà máy điện... Trung Quốc dự định dành 1/3 vốn cho vay ưu tiên đối với các nước ASEAN.
- Đồng nhân dân tệ ổn định, điều này có lợi cho ASEAN. Năm 1997, châu Á bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính, trước tình hình đó, Trung Quốc đã giữ ổn định đồng Nhân dân tệ, góp phần đáng kể cho sự ổn định tình hình tài chính cũng như kinh tế của khu vực châu Á. Hiện tại, Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ hơn 1.000 tỉ USD, đồng nhân dân tệ đang lên giá sẽ có ích cho hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN: Trung Quốc sẽ nhập hàng nhiều hơn từ các nước ASEAN, giảm bớt nhập siêu của một số nước trong mậu dịch với Trung Quốc, và sẽ có khả năng đầu tư lớn hơn vào khu vực này.
- Trung Quốc góp phần xây dựng khối kinh tế ASEAN. Trung Quốc ủng hộ ASEAN trong việc nhất thể hóa khu vực ASEAN với Đông Á cũng như việc xây dựng khối kinh tế ASEAN. Trung Quốc tích cực tham gia xây dựng khu kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông; khu tam giác kinh tế In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan; hợp tác với các nước Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin; khu kinh tế phát triển Cam-pu-chia - Ma-lai-xi-a - Lào - Việt Nam; hợp tác “một vành đai, hai hành lang kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc.
4. Triển vọng hợp tác
- Về hợp tác năng lượng. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng mạnh, có nhu cầu cấp thiết về dầu mỏ, than. Đây là những nguồn tài nguyên mà một số nước ASEAN có trữ lượng lớn. Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng các nhà máy thủy điện; dự tính đến năm 2013, Trung Quốc sẽ có khả năng cung cấp điện nhiều hơn cho nhu cầu của các nước ASEAN.
- Về giao thông. Trung Quốc thực hiện dự án xây dựng các tuyến đường sắt nối các thành phố lớn của ASEAN như: tuyến đường Nam Ninh - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Phnôm Pênh - Băng Cốc - Cu-a-la Lăm-pơ - Xin-ga-po; Côn Minh - Hà Nội - Viêng Chăn - Băng Cốc; Côn Minh - Hà Nội - Luông Pha Băng - Viêng Chăn - Băng Cốc; Côn Minh - Phổ Nhĩ - Cảnh Hồng - Mãnh Lạp - Luông Pha Bang - Viêng Chăn - Băng Cốc; Côn Minh - Phổ Nhĩ - Cảnh Hồng - Đả Lạc - Luông Pha Bang - Viêng Chăn - Băng Cốc; Côn Minh - Quảng Thông - Đằng Xung - My-it-ky-ina-Man-da-lay Run-gun- Băng Cốc; Côn Minh - Quảng Thông - Uyển Đỉnh Trân - La-shio- Man-da-lay- Run-gun - Băng Cốc.
- Về hợp tác giáo dục. Hằng năm, Trung Quốc cấp học bổng cho những sinh viên của các nước ASEAN sang lưu học. Ngược lại, với thu nhập cá nhân ngày càng tăng, nhiều gia đình Trung Quốc đưa con em đi du học tại các nước ASEAN do mức học phí và các chi phí sinh hoạt ở đây phù hợp. Hiện nay, số lưu học sinh Trung Quốc học tại Ma-lai-xi-a hơn 12.000 người; và lưu học sinh Việt Nam đang học tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) là hơn 1.500 người. Việc giao lưu, đào tạo nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc - ASEAN.
Trung Quốc và ASEAN có hơn 1,8 tỉ dân với thị trường rộng lớn, tiềm lực khai thác những thế mạnh của hai bên lớn, hai bên hướng tới việc mở rộng hơn nữa lĩnh vực hợp tác, củng cố nội dung hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện. Với nguyện vọng xây dựng hợp tác của cả hai bên, Trung Quốc và ASEAN chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp.
Trung Quốc trong quan hệ với các nước ASEAN  (01/10/2007)
“Việt Nam sẽ luôn là thành viên tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế...”  (28/09/2007)
Quản lý và sử dụng đất trên quan điểm phát triển bền vững  (28/09/2007)
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ổn định  (28/09/2007)
Quản lý và sử dụng đất trên quan điểm phát triển bền vững  (28/09/2007)
Đầu tư về nước - xu hướng kinh doanh mới của người Việt Nam ở nước ngoài  (28/09/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay