Vinh danh các điển hình tiên tiến toàn quốc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Tối ngày 24-1, tại Hà Nội, Hội nghị biểu dương 68 tập thể và 144 cá nhân điển hình tiến tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).
Dự Hội nghị có các đồng chí: Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cùng nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động. Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, đảng bộ khối trực thuộc trung ương; đông đảo nhân dân, thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội cũng đã đến dự.
Tại Hội nghị, 68 tập thể và 144 cá nhân điển hình tiên tiến đã được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động trao biểu trưng kỷ niệm và tặng hoa.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh, ba năm qua, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được các cấp ủy chỉ đạo, triển khai thực hiện tích cực. Được sự tham gia hưởng ứng rộng rãi của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, làm xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, mà các điển hình tập thể và cá nhân được biểu dương hôm nay là những đại diện tiên tiến, tiêu biểu.
Thực tiễn ba năm thực hiện Cuộc vận động và qua 68 tập thể và 144 cá nhân điển hình tiên tiến, chúng ta thấy một cách sinh động, sâu sắc rằng, mọi người Việt Nam, ai cũng có thể học Bác, làm theo Bác, học và làm theo Bác một cách tự giác, tự nhiên ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi dịp. Mỗi người học Bác, làm theo tấm gương đạo đức của Bác là có ích cho chính mình, cho gia đình và con cháu mình, cho xã hội và đất nước. Thực tiễn ba năm qua cũng cho thấy, Cuộc vận động đã phát triển và đi đúng hướng, các giá trị đạo đức, lối sống, đạo lý dân tộc được gìn giữ, bồi đắp.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ, chúng ta đang bước vào năm 2010, năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc: kỷ niệm 80 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, 65 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 120 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vì thế, năm 2010 chúng ta cần tiến hành Cuộc vận động với quyết tâm cao hơn, hướng vào chủ đề trọng tâm là học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh, gắn với việc chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Trước đó, sáng 24-1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tổ chức Hội nghị giao lưu, tọa đàm với 68 tập thể và 144 cá nhân điển hình tiên tiến toàn quốc có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo gương Bác Hồ.
Tham dự Hội nghị giao lưu, tọa đàm có các đồng chí: Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cùng nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động. Đại diện Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của các bộ, ngành, địa phương và trên 200 tập thể, cá nhân tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể và cá nhân trên cả nước đã có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng về dự Hội nghị. Đồng chí Trương Tấn Sang và đồng chí Tô Huy Rứa đã chủ trì, điều hành cuộc giao lưu, tọa đàm.
Sau ba năm thực hiện cuộc vận động và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức một hội nghị giao lưu, tọa đàm với các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến toàn quốc nhằm chia sẻ kinh nghiệm và vinh danh những tấm gương tiêu biểu và có nhiều thành tích trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Thông qua Cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, từng địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác ngày càng trở thành hành động tự giác, tích cực của nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng trên mọi miền đất nước. Tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, đoàn kết, ý thức cần, kiệm, chống tham ô, lãng phí được nâng lên rõ rệt, đạt được kết quả rất phấn khởi. Chính thông qua Cuộc vận động đã khích lệ, lay động các tầng lớp nhân dân tạo ra các phong trào hành động cách mạng sôi nổi, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu do Đảng và Nhà nước đề ra, ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế khá, năm 2009 GDP đạt trên 5%, cao nhất so với các nước trong khối ASEAN; củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Các đại biểu đã giao lưu với các cá nhân điển hình đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, từ những vùng đất xa xôi nhất nơi biên cương của Tổ quốc như Xín Mần (Hà Giang), Hà Quảng (Cao Bằng), bản Sin Páo Chải (Lai Châu), Đắk Rlấp (Đắk Nông), Đạ Tẻh (Lâm Đồng), Phú Tân, Đầm Dơi (Cà Mau). Trong cuộc giao lưu, có cả một số cá nhân điển hình đại diện cho đồng bào Việt Nam sống xa Tổ quốc. Hội nghị đã được nghe câu chuyện của chị lao công Hà Nội đổ cả xe rác để tìm lại chùm chìa khóa cho người dân; những câu chuyện về những nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục; cán bộ ngành y quên mình vì bệnh nhân; những cán bộ ngành dầu khí tự lực, tự cường, vượt hiểm nguy trên các công trình thăm dò, khai thác dầu khí giữa biển khơi hay ở nước ngoài; những cán bộ, chiến sĩ vũ trang thầm lặng hy sinh, cống hiến sương máu bảo vệ chủ quyền đất nước; hay những nhà sư dành tâm nguyện làm từ thiện vì đã học Bác Hồ về lòng nhân ái, bao dung…
Các câu chuyện từ việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ cho thấy, Cuộc vận động đã góp phần xây dựng, củng cố nền tảng tinh thần của toàn xã hội, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng theo tư tưởng của Bác. Việc nêu gương và giáo dục thông qua các điển hình, các nhân tố mới là phương thức quan trọng để Cuộc vận động đạt kết quả tốt đẹp. Trong xã hội, mỗi người cố gắng làm một việc tốt thì cái tốt sẽ trở thành phổ biến, cái xấu sẽ bị đẩy lùi, cái tốt sẽ nảy nở, sinh sôi.
*** Tiếp tục cuộc tọa đàm, giao lưu với các điển hình tiên tiến toàn quốc, chiều cùng ngày, Hội nghị đã chia làm 10 đoàn để giao lưu và chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể về công tác phát động phong trào và tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tại buổi giao lưu với Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tới dự. Trong cuộc tọa đàm, các điển hình đã trình bày những việc mình đã làm và vận động người khác làm để học tập và làm theo tấm gương của Bác, trong đó nêu bật những điểm cụ thể mà họ đã học ở Bác và làm theo Bác. Bà Nguyễn Thị Nhân ở Hà Nội, từ một cán bộ ngành giao thông đã trở thành một người vận động xuất sắc cho Quỹ Khuyến học, nhiều lúc ngần ngại vì không có chuyên môn trong ngành giáo dục, tự ái vì bị một số người coi thường, cho rằng quyên góp như là một việc làm xin bố thí, và nhiều lúc nản chí trước muôn vàn khó khăn, nhưng bà vẫn vượt qua nhờ thấm nhuần lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”… Ông Bùi Ngọc Đủ ở Gia Rai, nhờ học tập tấm gương của Bác Hồ về lòng nhân ái, yêu nhân dân, yêu đồng bào, nhất là học tập tấm gương của Bác qua hũ gạo cứu đói, diệt giặc dốt hay giặc đói mà Bác phát động năm xưa, ông đã vận động cựu chiến binh quyên góp mỗi năm từ 20 đến 40kg gạo/1 người, từ đó lập nên 27 kho lúa, gạo giúp cho đồng bào dân tộc Ba Na khỏi đói mỗi khi không có gạo.
Trong cuộc tọa đàm này, mỗi tỉnh đều có 2-3 điển hình tiên tiến kể lại những câu chuyện tiêu biểu như thế, tạo ra một không khí giao lưu hết sức sinh động và thiết thực về học tập và làm theo tấm gương của Bác.
Kết luận buổi giao lưu, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng, qua các câu chuyện cụ thể có thể thấy, Cuộc vận động thực sự thu hút sự quan tâm của nhân dân, tạo ra những chuyến biến tích cực, rõ nét trong nhận thức và hành động của nhân dân, đặc biệt là trong cán bộ, đảng viên. Tư tưởng, đạo đức của Bác về lòng yêu nước, thương dân, tinh thần tiết kiệm, liêm chính… đã được thể hiện một cách mộc mạc qua những việc làm thường ngày. Việc tôn vinh các điển hình tiên tiến là một việc làm hết sức thiết thực và vô cùng quan trọng. Nó không chỉ tôn vinh những điển hình tốt mà còn giúp con người chúng ta phát triển tốt đẹp hơn.
Tại buổi giao lưu với Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tới dự. Tại buổi giao lưu, sau khi nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Cuộc vận động năm 2009 và sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động của Đảng bộ Văn phòng Trung ương Đảng, đại biểu của 7 tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, Hà Nam cũng đã chia sẻ những việc mình đã làm và vận động người khác làm để học tập và làm theo tấm gương của Bác. Mặc dù mỗi việc làm, mỗi cách làm là khác nhau song ở họ đều có chung một điểm là tất cả đều bày tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm đó được thể hiện qua tinh thần trách nhiệm với công việc và những người xung quanh. Qua những câu chuyện kể, những kinh nghiệm chia sẽ của các tập thể, cá nhân điển hình, có thể cảm nhận một cách sâu sắc một chân lý giản dị rằng, ai cũng có thể học Bác, làm theo Bác, càng tự giác, tự nhiên, dung dị, càng dễ trở thành nếp nghĩ đúng, cách làm hay trong đời sống thường nhật của mình.
Giao lưu với các điển hình, đồng chí Trương Tấn Sang thực sự cảm động trước những việc làm đầy ý nghĩa của các điển hình. Đồng chí cho rằng, tất các các việc làm của các điển hình có mặt trong buổi giao lưu đều có sức lan tỏa rộng lớn trong quần chúng nhân dân. Điều này cho thấy hiệu quả thiết thực của Cuộc vận động và sức sống mãnh liệt của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Theo chương trình của Ban tổ chức, ngày 25-1-2010, các đại biểu sẽ tiếp tục tham dự Hội nghị tổng kết năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.
Quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.811km  (24/01/2010)
Gần 30 nghìn tỉ đồng xây dựng tuyến đường bộ ven biển  (24/01/2010)
Pháp đưa ra đề xuất mới về chống biến đổi khí hậu  (24/01/2010)
Chủ tịch EC yêu cầu khống chế mức thâm hụt ngân sách  (24/01/2010)
Hà Giang phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững  (24/01/2010)
Một số vấn đề cấp bách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay  (24/01/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên