Để tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong Đảng và toàn xã hội, trong hai ngày 21 và 22-6 đã diễn ra Hội nghị Thường trực các Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành Cuộc vận động. Chiều ngày 22-6, đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu kết luận Hội nghị. Tạp chí Cộng sản Điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.

Thưa các đồng chí lãnh đạo Ban, lãnh đạo ban, ngành!

Thưa các đồng chí!

Sau 2 buổi làm việc, gồm nghe báo cáo tại hội trường và thảo luận tổ, Hội nghị của chúng ta đã làm được một số lượng công việc lớn, có ý nghĩa rất thiết thực để tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong Đảng và toàn xã hội. Sự tham gia đông đủ của đại diện từ 64 tỉnh, thành phố, hơn 40 bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tấn, báo chí trực thuộc Trung ương đã khẳng định tính chất quan trọng và tạo nên thành công của Hội nghị chúng ta.

Tất cả 5 tổ đã làm việc rất nghiêm túc, thảo luận sôi nổi, bàn các vấn đề thiết thực. Theo báo cáo của các tổ, hầu hết các địa phương, đơn vị đều tham gia ý kiến và các ý kiến phát biểu đều rất tâm huyết, cụ thể, với tinh thần xây dựng. Theo thống kê, đã có 2 tham luận phát biểu tại hội trường, 76 ý kiến phát biểu tại tổ, có ý kiến trao đổi, tranh luận về những vấn đề cụ thể được nêu ra và 21 bản tham luận gửi Ban Tổ chức Hội nghị. Tổ thư ký đã làm việc rất có trách nhiệm, tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đồng chí. Đại đa số ý kiến đã đồng tình với cách tổ chức hội nghị, dù thời điểm nói chung không thuận lợi với chúng ta, nhưng mọi người đều cố gắng, có mặt đầy đủ và tích cực tham gia vào các nội dung hoạt động của Hội nghị. Ngoài việc nêu những kết quả làm được, những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, các đồng chí đã nêu nhiều kiến nghị với Trung ương và đề xuất các biện pháp tháo gỡ. Tổ thư ký đã tổng hợp, thống kê các vấn đề thành 15 nhóm kiến nghị, đề xuất của các đồng chí với Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương. Tôi rất phấn khởi và nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần làm việc nghiêm túc, hiệu quả và các ý kiến đóng góp xây dựng của các đồng chí.

Thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương giao, tôi xin phát biểu một số ý kiến có tính chất tổng kết và kết luận về các vấn đề đã thảo luận tại Hội nghị.

Thưa các đồng chí!

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là cuộc vận động lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta nói chung, với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng. Tôi hoàn toàn nhất trí với nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí khẳng định rằng, Cuộc vận động là rất cần thiết, quan trọng, có ý nghĩa to lớn, cơ bản và lâu dài. Mục đích, yêu cầu của Cuộc vận động đã xác định 3 mục tiêu lớn, hay có thể gọi là 3 động lực cụ thể xây dựng đạo đức, đó là sự tự giác phấn đấu của mỗi người; sự giúp đỡ của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân. Chúng ta tin tưởng rằng, có được 3 điều đó sẽ tạo nên một nền tảng đạo đức tốt cho mỗi con người và cho toàn xã hội.

Lúc đầu, khi mới phát động Cuộc vận động, trong Đảng và nhân dân ta có tâm trạng vừa vui mừng, hưởng ứng, vừa lo lắng, hoài nghi, chưa thật tin tưởng vào thành công của Cuộc vận động. Nhiều người lo ngại rằng chúng ta sẽ lại "dễ làm khó bỏ”; lúc đầu thì "trống dong cờ mở", tuyên truyền sôi động, nhưng nặng về hình thức, không thực chất, làm chiếu lệ; sau thì buông lỏng dần và cuối cùng không đem lại kết quả như mục đích, yêu cầu đề ra.

Sự lo lắng đó là có cơ sở, vì thực tế cho thấy, để thực hiện tốt các bước của Cuộc vận động lớn trên phạm vi cả nước, trước hết cần quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động. Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt việc này trước khi triển khai Cuộc vận động. Trong báo cáo sơ kết, Ban đã nhận thức rõ thiếu sót nói trên.

Mặt khác, để Cuộc vận động có kết quả cần phải có quyết tâm rất cao, từ Trung ương đến cơ sở, từ trong Đảng đến toàn xã hội; nội dung và cách tiến hành phải thật sự khoa học, kiên trì, liên tục. Để làm được như vậy thật không đơn giản, bởi đây là công việc mới, cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Điều đáng mừng là mới chỉ sau thời gian hơn 4 tháng, Cuộc vận động đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đang thực sự trở thành sinh hoạt chính trị, văn hóa rộng lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, với nhân dân trong nước và đồng bào ta đang sinh sống, học tập tại nước ngoài. Niềm tin và quyết tâm thực hiện thắng lợi Cuộc vận động được nâng cao hơn. Đây là thành công bước đầu rất có ý nghĩa. Đó là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm chung của toàn Đảng, mà trước hết là quyết tâm và sự nỗ lực của cấp ủy, Ban Chỉ đạo các cấp, sự đóng góp tích cực, chủ động, sáng tạo của các Ban Tuyên giáo - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp. Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của các đồng chí, nhờ đó đã mang lại kết quả bước đầu rất đáng khích lệ trong triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị trong thời gian vừa qua.

Thưa các đồng chí!

Qua báo cáo của các ngành, địa phương và ý kiến phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí đã có sự nhất trí cao về những việc chúng ta đã làm được, đồng thời nêu lên những khó khăn đang gặp phải trong quá trình triển khai, phân tích những nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp khắc phục. Tôi xin chia sẻ với các đồng chí về những khó khăn đó, đồng thời chúng ta cũng cần có thái độ bình tĩnh, khách quan, xem xét một cách chu đáo nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm để có giải pháp thiết thực, khắc phục cho được những khó khăn đó.

Trước hết, cần nhận thức rõ rằng, đạo đức là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời đạo đức là một vấn đề nhạy cảm, gắn liền với mỗi người, với các mối quan hệ xã hội rất phong phú và đa dạng. Cuộc vận động không chỉ có ảnh hưởng to lớn đến sự phồn vinh và phát triển của đất nước, đến nền tảng tinh thần và sự ổn định của xã hội mà trước hết là đến mỗi người. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu vì sao vẫn có ý kiến cho rằng, việc tuyên truyền nhiều về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có thể để kẻ xấu xuyên tạc, lợi dụng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Mặt khác, nhận thức lúc đầu về Cuộc vận động, ngay ở Trung ương, vẫn còn giản đơn. Do đó, ngay từ đầu, dù đã triển khai làm điểm từ năm 2006, ở Trung ương cũng còn lúng túng, chậm trễ và thiếu chính xác trong chỉ đạo triển khai.

Thời gian triển khai Cuộc vận động rơi vào đúng thời điểm bận rộn của ngành Tuyên giáo chúng ta: công tác tuyên truyền 3 sự kiện lớn; bầu cử Quốc hội; triển khai các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành TW Đảng khoá X..., vì vậy, ở mức độ nào đó, chưa có sự đầu tư thích đáng cho Cuộc vận động.

Điều rất đáng mừng là về cơ bản, đến nay Trung ương và các cấp, các ngành đã nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động này, đang quyết tâm đẩy mạnh Cuộc vận động có hiệu quả thiết thực. Ban Chỉ đạo Trung ương tiến hành tổ chức Hội nghị này cũng là thể hiện sự quan tâm của Trung ương, như nhiều đồng chí rất hoan nghênh việc tổ chức hội nghị.

Thưa các đồng chí!

Là Cuộc vận động về xây dựng đạo đức, nhưng kết quả của Cuộc vận động không chỉ đơn thuần là sự chuyển biến về đạo đức mà tạo sự chuyển biến toàn diện trong Đảng và xã hội ta, tạo nền tảng và động lực tinh thần, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuộc vận động này xuất phát và gắn liền với Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu và thiêng liêng của dân tộc và nhân loại. Cuộc vận động lại được triển khai và thực hiện trong lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng; trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi. Chính vì vậy, chúng ta phải làm tốt và có điều kiện, lợi thế để làm tốt Cuộc vận động này. Đó là trách nhiệm của chúng ta trước Đảng, trước nhân dân và đất nước.

Vì vậy, dù thời gian rất eo hẹp, còn nhiều công việc phải làm, Ban Chỉ đạo Trung ương vẫn quyết định tổ chức Hội nghị. Mục đích của Hội nghị này là đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm, thảo luận thống nhất về nội dung, phương thức tiến hành các bước tiếp theo. Qua thảo luận và ý kiến đóng góp, đề xuất, kinh nghiệm của các đồng chí, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương tôi xin trao đổi mấy vấn đề có tính định hướng và chỉ đạo như sau:

Một là, chúng ta cần coi trọng và làm tốt hơn nữa việc quán triệt trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và nội dung của Cuộc vận động theo 3 mục tiêu được nêu ở trên. Làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức đầy đủ những nội dung và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng tinh thần tự giác, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với Người, xứng đáng với sự tin cậy và kỳ vọng của nhân dân, với danh hiệu người Đảng viên Cộng sản.

Điều này hôm nay rất cần thiết vì trong đợt học tập vừa qua, vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt, sau khi học tập các chuyên đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn còn có quan niệm: việc học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh không có gì khó, không có gì mới, ai cũng đã học và đã hiểu, không cần thiết phải tổ chức Cuộc vận động, vừa hình thức, vừa tốn kém. Hoặc có người vẫn cho rằng, Cuộc vận động này chỉ là động viên cán bộ, đảng viên, công chức làm theo Bác, hoặc chỉ dành cho cán bộ, công chức, người có tham nhũng, tiêu cực. Nhận thức không rõ sẽ dẫn đến việc tổ chức học tập giản đơn, hình thức, như giảm thời gian, bớt nội dung...

Cần xác định rõ Cuộc vận động này là tác động đến nhận thức cũng như hành động, và chủ yếu là hành động. Thực tế cho thấy, có nhiều người đã được học chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng nói và làm chưa thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí còn lệch lạc, xa lạ với các tư tưởng và quan điểm đó. Có thể nghiên cứu sâu tư tưởng Hồ Chí Minh về mặt học thuật nhưng chưa hẳn đã có sự rung động thực sự về tình cảm, đạo đức, chưa trở thành hành động, chưa “làm theo”, tức là chưa thấm nhuần tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Như lời Bác đã dạy: “học chủ nghĩa Mác – Lênin là để sống với nhau có nghĩa, có tình hơn. Nếu sống với nhau không có nghĩa có tình, thì làm sao được coi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin được”.

Hai là, cần xác định rõ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là nhằm tác động vào nhận thức và hành động của mỗi người, và phải đến tất cả mọi người. Đó chính là phạm vi to lớn và sâu rộng của Cuộc vận động. Trong Cuộc vận động này, chúng ta phải tạo được sự chuyển biến thực sự sâu sắc, tự giác từ trong nhận thức, tình cảm sâu lắng của mỗi người, từ đó, tạo cho được tinh thần, thái độ tự giác, thực hiện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xác định làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết, là cho mình, cho gia đình, tập thể, cộng đồng, cho đất nước và dân tộc. Khi làm bất cứ việc gì, mỗi người cũng đều phải tự soi mình vào tấm gương của Bác để có thái độ và hành vi đúng. Như thế mới thực sự là thấm nhuần tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ba là, việc tổ chức Cuộc vận động phải kết hợp giữa công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, quản lý, giám sát của tổ chức đảng và quần chúng nhân dân. Ý thức đạo đức tự thân nó chưa thể trở thành hành vi đạo đức, nếu không kết hợp sự tự giác của mỗi cá nhân với sự giúp đỡ của tập thể và sự giám sát của xã hội. Vì vậy, bước tiếp theo của Cuộc vận động là lấy ý kiến quần chúng và xây dựng cơ chế giám sát đạo đức trong tập thể.

Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta: “phải hoan nghênh, khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”. Trong bài nói với cán bộ, đảng viên ở Tuyên Quang, Người nói, để quần chúng góp ý cho Đảng là rất cần thiết. Trong 10 điều quần chúng góp ý, có 2 điều thiết thực cũng là đáng quý. Làm tốt việc lấy ý kiến quần chúng là một biện pháp giáo dục rất có ý nghĩa. Tất cả các đồng chí đều thống nhất ý kiến cho rằng, cần phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của quần chúng. Những người trong sáng về đạo đức luôn luôn tôn trọng và coi việc lắng nghe ý kiến quần chúng là việc bình thường và rất tôn trọng sự góp ý đó. Ông bà ta cũng đã dạy, người phê bình đúng là thầy của ta. Hơn nữa, theo quy định của Đảng, nghĩa vụ của mỗi đảng viên là gắn bó với quần chúng, phải tự mình thường xuyên nghe ý kiến quần chúng để tự đánh giá, điều chỉnh nhận thức và hành động của chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta là mẫu mực về sự gắn bó với quần chúng, vẫn luôn chủ động và động viên sự góp ý của những người người xung quanh cho mình. Chúng ta phải thấm nhuần tư tưởng và phong cách này của Bác. Vì vậy, các đồng chí đều nhất trí là, chúng ta phải tổ chức tốt công việc này, coi đó là một nhu cầu tất yếu phải thực hiện khi tiến hành Cuộc vận động.

Theo phản ánh chung, đây là công việc rất cần thiết, nhưng cũng rất khó và phức tạp. Chúng tôi xin chia sẻ cùng các đồng chí và cũng tự đặt câu hỏi, vì sao vậy? Phải chăng vì lâu nay chưa làm, hoặc làm chưa tốt việc này, hay còn tư tưởng xem nhẹ ý kiến của nhân dân, ngại tiếp xúc và lắng nghe nhân dân, thậm chí "sợ" nhân dân phê bình. Chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng, việc phát động được tính tích cực, tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng nhân dân là rất quý, là thời cơ để tăng cường hơn nữa sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, động viên quần chúng nhân dân góp ý cho cán bộ, đảng viên, công chức một cách cởi mở, chân thành và xây dựng không phải là việc dễ dàng. Làm thế nào để quần chúng đóng góp nhiều ý kiến xây dựng cho tổ chức đảng, cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời tránh được tình trạng lợi dụng góp ý để phê phán, đả kích, gây mất đoàn kết nội bộ. Đó là nhiệm vụ của chúng ta. Phải quán triệt quan điểm động viên quần chúng nhân dân tham gia càng nhiều ý kiến xây dựng càng có ích cho công tác giáo dục và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Nguyên nhân của khó khăn trên, một phần do việc chỉ đạo của Trung ương còn thiếu cụ thể, thống nhất và có phần chưa chính xác. Sau khi có Thông báo 81-TB/TTVH về việc xin ý kiến góp ý trực tiếp cho cán bộ, đảng viên, công chức các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị... của cấp uỷ và Mặt trận nơi cư trú đối với những nơi không có quần chúng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận được nhiều ý kiến của các địa phương. Tại Hội nghị này, các đồng chí cũng nêu nhiều ý kiến, cũng có những ý kiến trái ngược nhau. Có đồng chí cho rằng việc lấy ý kiến của quần chúng nhân dân còn mang tính hình thức, quần chúng nói chung không dám đóng góp ý kiến xây dựng với lãnh đạo, với cấp trên; việc xin ý kiến ở nơi cư trú thực chất chỉ là xin ý kiến của đồng chí bí thư chi bộ nơi cư trú, chứ không phải ý kiến của nhân dân.... Ngược lại, có đồng chí lại khẳng định qua thực tiễn, việc lấy ý kiến đóng góp của quần chúng là có hiệu quả thiết thực, thậm chí cảnh tỉnh chúng ta để tự nhìn lại mình. Các đồng chí ở Thanh Hoá phản ánh, khi ta đã động viên được quần chúng, tại cơ sở, đã có hàng trăm ý kiến góp ý thiết thực. Nhiều ý kiến không hề e ngại, góp ý về tình trạng cán bộ ăn nhậu quá nhiều, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa dân... Theo đề nghị của các đồng chí, Ban Chỉ đạo sẽ xem xét và có hướng dẫn điều chỉnh các mẫu xin ý kiến cho hợp lý; quy định rõ trong điều kiện nào phải lấy ý kiến nới cư trú; đảng viên lấy ý kiến cấp uỷ, công chức lấy ý kiến ban công tác mặt trận... Các đồng chí cũng cần cụ thể hóa các hướng dẫn, kể cả mẫu biểu, sao cho phù hợp với tình hình và yêu cầu của địa phương, đơn vị, tổ chức làm điểm để có kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên diện rộng. Cần xác định rõ là mục đích xin ý kiến nhân dân là để động viên nhân dân góp ý với mình càng nhiều, càng cụ thể, càng tốt. Do vậy, những nơi đã và đang làm cũng cần điều chỉnh để có hiệu quả hơn. Những năm sau, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta xây dựng thành nền nếp, thường xuyên và trở thành sinh hoạt bình thường của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và từng cá nhân.

Về những ý kiến nên mở hòm thư góp ý, cho nhân dân đóng góp ý kiến về phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên... Ban Chỉ đạo Trung ương cho rằng các đồng chí cứ mạnh dạn tiến hành để quần chúng nhân dân có thêm điều kiện nói lên suy nghĩ của mình với cán bộ, đảng viên, công chức. Điều đó phù hợp với định hướng chung của Cuộc vận động và các quy định của Đảng, của pháp luật. Tuy nhiên, trong việc xác minh và xử lý những ý kiến đóng góp đó phải theo quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, xây dựng chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ban Chỉ đạo Trung ương đã hướng dẫn các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức để mọi người đều được tham gia, căn cứ vào tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thảo luận dân chủ, xây dựng phương hướng, chuẩn mực đạo đức cụ thể cho đơn vị mình, lấy đó làm cơ sở cho việc rèn luyện, tu dưỡng và giám sát đạo đức.

Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị các đồng chí cần thống nhất quan điểm chung là: các chuẩn mực đạo đức trong giai đoạn hiện nay được xác định phải có định hướng và định lượng rõ ràng, phù hợp với từng địa phương, ngành, từng cơ quan, từng đơn vị. Những chuẩn mực này là cơ sở cho mỗi tập thể và từng cá nhân phấn đấu và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quản lý, giám sát, là thước đo để đánh giá cán bộ, đảng viên, thúc đẩy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng thiết thực và hiệu quả.

Hiện nay, nhiều nơi còn lúng túng trong việc xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 – 2010. Tại Hội nghị này, Ban Chỉ đạo Trung ương đã gửi các đồng chí bản hướng dẫn. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng dù sao cũng chỉ là những gợi ý. Một số ý kiến của các đồng chí đề nghị bổ sung vào Hướng dẫn xây dựng chuẩn mực đạo đức của Ban Chỉ đạo Trung ương, như vấn đề “chí công, vô tư”, “ý thức tổ chức, kỷ luật”, “tinh thần học tập và rèn luyện không ngừng”... Chúng tôi xin hoan nghênh những đóng góp, xây dựng của các đồng chí. Nội dung của những vấn đề các đồng chí đề nghị bổ sung chưa được thể hiện bằng câu chữ, nhưng đã được bao hàm trong những yêu cầu chuẩn mực, như yêu nước, phục vụ nhân dân, coi trọng hiệu quả công việc, chống lười biếng..., thể hiện trong các mối quan hệ của mỗi người. Đề nghị các đồng chí dựa trên những gợi ý của Trung ương, tổ chức để từng tập thể chi bộ, cơ quan, đơn vị thảo luận kỹ, xây dựng nên các chuẩn mực đạo đức cho chính mình, sao cho ai cũng có chính kiến, cũng được tham gia ý kiến. Có như vậy các chuẩn mực đạo đức được xây dựng mới thực sự là của tập thể và đi vào tâm thức mỗi người, để ghi nhớ và làm theo. Về vấn đề này, chúng ta thực hiện nguyên tắc, không có sự áp đặt từ trên xuống.

Năm là, Cuộc vận động của chúng ta là Cuộc vận động lâu dài, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà còn tiếp tục mãi sau này, bởi mục tiêu của nó là xây dựng nền tảng tinh thần cho sự phát triển của xã hội ta, dân tộc ta. Để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động, các đồng chí Bí thư cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp là người có vai trò hết sức quan trọng không chỉ trong việc xác định nhiệm vụ và chương trình công tác, mà còn ở sự nêu gương như Bác Hồ đã dạy. Vì vậy, các đồng chí cán bộ chủ chốt, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo các cấp phải gương mẫu và luôn coi đây là nhiệm vụ có tính chất quan trọng hàng đầu. Ban Chỉ đạo Trung ương đã nêu chương trình, kế hoạch toàn khoá. Các cấp uỷ phải trên cơ sở đó cụ thể hoá thành kế hoạch của địa phương, ngành, đơn vị, có bước đi và tổ chức thực hiện cụ thể. Kinh nghiệm cho thấy ở địa phương nào, ngành nào, cơ quan, đơn vị nào thủ trưởng và bí thư cấp ủy thực sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao, thì ở đó Cuộc vận động được triển khai tích cực, đạt chất lượng, hiệu quả, và ngược lại. Vì vậy, đề nghị các đồng chí về báo cáo với các đồng chí bí thư tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo này, yêu cầu các đồng chí cán bộ chủ chốt, phải gương mẫu thực hiện tốt các nội dung của Cuộc vận động, là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo. Được như vậy thì chắc chắn Cuộc vận động lớn và quan trọng này sẽ thành công.

Về các kiến nghị của các đồng chí, Ban nhận thấy rằng, đó là các kiến nghị rất chính đáng, cần thiết và cần sớm giải quyết. Có những kiến nghị đã được giải đáp trong bài phát biểu này, có những kiến nghị Ban cần báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương để xin ý kiến.

Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương tôi tiếp thu những ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các đồng chí. Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ giao cho Bộ phận giúp việc sớm nghiên cứu, đề xuất để có sự điều chỉnh những điểm chưa hợp lý, ban hành thêm những quy định mới. Tất nhiên, cũng cần chú ý để tránh tình trạng văn bản quá nhiều gây khó cho địa phương.

Thưa các đồng chí!

Với những kết quả đạt được, chúng ta có thể khẳng định rằng Hội nghị của chúng ta đã bàn và thảo luận những vấn đề rất thực chất, cụ thể và qua Hội nghị đã tạo nên sự thống nhất cao hơn trong đội ngũ của chúng ta, thể hiện quyết tâm cao hơn, coi đây là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, để tiến hành thành công Cuộc vận động này

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mới bước đầu được triển khai, còn rất nhiều việc phải làm, còn nhiều khó khăn, cần vừa làm, vừa nghiêm túc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Nhưng chúng ta đang có lợi thế và thuận lợi rất lớn. Đó là, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đều nhất trí cao, tin tưởng và mong muốn Cuộc vận động sẽ thành công. Dư luận xã hội ủng hộ rất mạnh mẽ. Những khuyết điểm, nhược điểm trong quá trình thực hiện là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là chúng ta biết phát huy kết quả đã đạt được, nghiêm túc nhận rõ khuyết điểm, nhược điểm để rút kinh nghiệm và tìm ra cách làm tốt hơn, có hiệu quả hơn.

Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Bí thư và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi xin bày tỏ sự vui mừng chung của chúng ta vì Hội nghị đã thành công tốt đẹp, hoàn thành tốt chương trình đã đề ra. Chúc các đồng chí sức khỏe, thực hiện thật tốt Cuộc vận động, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và sự mong đợi của nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn!