Hôm nay, 24 tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chất vấn trực tiếp tại phiên họp. Tham dự có khoảng 100 đại biểu Quốc hội (gồm toàn thể các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu chuyên trách ở Trung ương và một số đại biểu của 14 đoàn đại biểu Quốc hội địa phương). Về phía Chính phủ, có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và nhiều đại biểu của các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương.

Theo chương trình nghị sự, phiên họp được chia làm hai phần. Trong phần 1, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ; và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình thay mặt Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày các báo cáo về tình hình thực hiện pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội dự phiên họp đã thảo luận 2 báo cáo nói trên; 10 đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến đề cập tới gần 40 vấn đề với các nội dung chính:

Báo cáo của Chính phủ và của Đoàn giám sát đã phản ánh đầy đủ toàn diện, có hệ thống về thực trạng trật tự an toàn giao thông, nguyên nhân của những thiếu sót và kiến nghị các giải pháp khắc phục. Qua giám sát cho thấy, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã chỉ đạo khá quyết liệt, do đó đã có những chuyển biến tích cực trong thực hiện an toàn giao thông, ví dụ như việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy (số người thực hiện đạt tới 99%)...

Các báo cáo đã nêu lên khá đầy đủ những khiếm khuyết tồn tại, những vấn đề phát sinh tựu trung ở 5 nhóm: kết cấu hạ tầng giao thông vẫn yếu kém; các phương tiện giao thông tăng đột biến; người điều khiển phương tiện giao thông có nhiều sai sót; ý thức của người tham gia giao thông kém; công tác tuyên truyền luật pháp giao thông chưa tốt.

- Về kết cấu hạ tầng giao thông: Các công trình được triển khai hàng loạt trên cả nước nhưng không đồng bộ, không dứt điểm để sớm đưa vào sử dụng. Các công trình cầu và các công trình đường không ăn khớp với nhau. Cầu được làm xong nhưng hằng năm, thậm chí vài ba năm vẫn không làm xong đường dẫn hai đầu. Giữa Thủ đô Hà Nội có công trình 2 km đường nhưng 8 năm rồi mới làm được vài trăm mét. Đường Hồ Chí Minh có hàng ngàn kilômét đã được làm xong từ lâu nhưng hiệu quả phát huy kém vì không có đường ngang (đường xương cá) nối với các đường liên tỉnh, liên huyện và các quốc lộ khác nên không "chia sẻ", không giảm tải được bao nhiêu với quốc lộ 1A....

- Về các phương tiện giao thông tăng đột biến: Luật giao thông đường bộ năm 2001 quy định phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, nhưng trên thực tế, số lượng mô-tô, xe máy đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày mỗi thành phố có thêm khoảng 1000 xe máy. Đến nay cả nước đã có gần 22 triệu mô tô, xe máy... Mặt khác, nhiều phương tiện tham gia giao thông như tàu, thuyền, ô tô đã cũ nát, hết niên hạn sử dụng từ lâu nhưng vẫn được lưu hành...

- Về người điều khiển phương tiện giao thông: nhiều người điều khiển ô tô, xe máy, không có bằng lái xe theo luật định, hiện tượng vượt đèn đỏ xảy ra không hiếm...

Những khiếm khuyết như trên đã phần nào lý giải cho tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đang rất bức xúc hiện nay. Riêng tai nạn giao thông làm thiệt hại rất nghiêm trọng đến con người (bình quân 1 ngày có 40 vụ, làm chết 35 người, bị thương 30 người). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung mọi nỗ lực xử lý, giảm thiểu dần tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và khắc phục tình trạng dang dở nhiều công trình giao thông quan trọng.

Trong phần 2 - phần trả lời chất vấn, đối với 12 chất vấn đã được gửi trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã trả lời bằng văn bản cho 11 đại biểu. Trong phiên chất vấn này, 14 đại biểu đã trực tiếp chất vấn 26 vấn đề cụ thể. Trong số những chất vấn đó, có một số vấn đề mới (hoặc có khía cạnh mới).

- Trả lời câu hỏi “tại sao có tình trạng không đồng bộ giữa cầu và đường” của đại biểu Lê Việt Trường, đại biểu tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói, tình trạng này diễn ra trong cả nước nhưng tập trung nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình xây dựng thường có nhiều dự án nước ngoài. Mỗi nhà tài trợ có một “chính sách” riêng. Dự án cầu khác dự án đường. Điều hành để khớp giữa xây cầu và làm đường thực hiện chưa tốt. Hiện có 140 cây cầu yếu, đang chuẩn bị đầu tư sửa chữa, nâng cấp thì giá cả nguyên vật liệu tăng hai, ba lần nên lại phải làm lại kế hoạch đầu tư.

- Về vấn đề “đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường thủy đạt thấp, trách nhiệm thuộc ai?”(chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Khá, đại biểu tỉnh Trà Vinh), Bộ trưởng trả lời: Bộ đã tiến hành điều tra, hiện có hơn 480 ngàn phương tiện, nhưng mới đăng ký được 8% và đăng kiểm được 20% số phương tiện. Các phương tiện trên 15 tấn, trên 15 mã lực, chuyên chở trên 50 người thì Bộ chịu trách nhiệm, phần này nói chung là đủ hồ sơ, giấy tờ nên cơ bản đã làm xong. Còn đại bộ phận các phương tiện dưới mức nói trên, nhất là các phương tiện nhỏ thiếu hồ sơ gốc, thiếu các giấy tờ nên nhiều địa phương chưa đăng ký, đăng kiểm được. Trong thời gian tới sẽ tiến hành phân cấp mạnh hơn nữa, quy định lại việc đăng ký, đăng kiểm theo hướng các phương tiện nhỏ không cần phải có hồ sơ gốc...

- Xe tự chế và gắn “huy hiệu thương binh” thì xử lý thế nào? (chất vấn của đại biểu Nguyễn Viết Lểnh, đại biểu tỉnh Bình Định), Bộ trưởng nói: Lấy Hà Nội làm ví dụ, hiện Hà Nội có 1208 xe loại này, trong đó có 92 xe của thương binh. Phương hướng xử lý là xe thương binh, xe của người khuyết tật phục vụ cho sinh hoạt được đăng ký và sử dụng bình thường. Các xe sử dụng cho các mục đích khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Về các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt chưa được bảo vệ nghiêm ngặt nên thường xảy ra tai nạn giao thông (chất vấn của đại biểu Trần Thế Vượng, đại biểu tỉnh Hải Dương và một số đại biểu khác), Bộ trưởng trả lời: Hiện có 1.462 điểm giao cắt theo đúng quy hoạch, có đủ điều kiện bảo đảm an toàn. Nhưng có tới 4.229 điểm được địa phương, người dân tự phát mở ra và phần lớn tai nạn đã xảy ra ở đây (thực tế cho thấy dân cư ngày càng ở sát đường sắt, một số địa phương không quản lý được). Trong thời gian tới cần phân loại các điểm, nếu đủ điều kiện là nơi giao cắt thì đầu tư đảm bảo đầy đủ điều kiện an toàn.

- Về công trình vành đai ba của thủ đô Hà Nội bị kéo dài, nhất là đường và cầu Thanh Trì không khớp nhau, trách nhiệm của Bộ đến đâu? (chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu thành phố Hà Nội), Bộ trưởng trả lời: Để thực hiện công trình vành đai ba, lãnh đạo Thành phố Hà Nội và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã có sự kết hợp chặt chẽ. Thứ trưởng Bộ và Chủ tịch thành phố giao ban hằng tháng để xử lý công việc. Tuy nhiên, tiến độ vẫn chậm, trong đó có trách nhiệm của các bên (nhà tài trợ nước ngoài về năng lực vốn, vật chất và khả năng quản lý là hạn chế; phía Hà Nội có trách nhiệm về giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa giải phóng được, chỉ đạo của Bộ cũng chưa sát sao, quyết liệt). Về đường dẫn cầu Thanh Trì, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Phía bắc, cuối tháng 5 năm nay có thể căn bản xong, còn phía nam, cuối tháng 9 sẽ hoàn thành.

- Chất lượng mũ bảo hiểm, làm thế nào để quản lý được? (chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai, đại biểu tỉnh Tây Ninh), Bộ trưởng trả lời: Mũ bảo hiểm cũng là một loại hàng hóa. Về quản lý nhà nước thì Bộ Khoa học và Công nghệ phải chịu trách nhiệm về chất lượng, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về sản xuất và nhập khẩu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải báo cáo thêm: Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiểm tra và công nhận 125 cơ sở sản xuất đạt yêu cầu, 19 cơ sở không đạt; số lượng mũ do các cơ sở sản xuất ra có 19% không đạt tiêu chuẩn phải loại ra. Số mũ nhập khẩu có tới 63% không đạt chất lượng... vì vậy, cần tăng cường kiểm tra cả cơ sở sản xuất và cả việc nhập khẩu để đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang giải trình thêm hai vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn. Thứ nhất, “tại sao vào những năm 2003 - 2005 tai nạn giao thông đã được kiềm chế, nhưng đến nay lại tăng tới mức bức xúc”, Thứ trưởng trả lời: Trước đây, tai nạn xảy ra chủ yếu ở quốc lộ, tỉnh lộ, ở đô thị, nay lại xảy ra nhiều ở nông thôn, miền núi. Ở đó kết cấu hạ tầng kém, xe máy tăng nhanh, người lái xe ít hiểu biết luật, không có bằng... Trong quản lý nhà nước có nhiều việc chưa làm được. Sau khi có chủ trương xã hội hóa vận tải thì mặt trái của xã hội hóa xuất hiện (khoán khách, khoán khối lượng, khoán thu nhập...), lái xe tranh thủ chạy chuyến, lấy hàng, lấy khách, gây ra nhiều tai nạn. Thứ hai, “vì sao xử lý tai nạn giao thông có xu hướng hành chính hóa?”, Thứ trưởng phát biểu: trên thực tế không có xu hướng hành chính hóa, tất cả các vụ tai nạn giao thông đều phải lập biên bản, làm rõ nguyên nhân, làm chết người là phải khởi tố. Năm 2005, khởi tố 5078 vụ, chiếm 35,9% tổng số vụ; năm 2007, khởi tố 5728 vụ, bằng 41% tổng số vụ...

Cuối phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu kết thúc bằng hai vấn đề:

- Chất vấn chuyên đề này là thiết thực, đúng đắn. Hai báo cáo và 26 chất vấn của 14 đại biểu cùng các câu trả lời của các thành viên Chính phủ cho thấy, tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến nhưng chưa được như mong muốn. Qua chất vấn đã làm rõ được một số vấn đề, đồng thời phát hiện được những điểm yếu để tập trung chỉ đạo, khắc phục. Do đó đạt được yêu cầu chất vấn.

- Đề nghị Chính phủ, đoàn giám sát tiếp thu ý kiến hoàn thiện báo cáo (phân tích sâu sắc hơn nguyên nhân, đề ra giải pháp sát thực trước mắt, trung hạn, dài hạn, có trọng tâm, có điểm đột phá và có thể làm rõ trách nhiệm); Phó thủ tướng và Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt để thực hiện tốt các giải pháp, làm chuyển biến tình hình; Đề cao trách nhiệm của các địa phương cả về văn bản chỉ đạo, cả về giáo dục tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản về phiên chất vấn này gửi Chính phủ, các cơ quan liên quan./.