1. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức các nước Hung-ga-ri, Ru-ma-ni và Bun-ga-ri và Pháp

Sáng 16-6-2008, Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu hội đàm với Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Hung-ga-ri do Chủ tịch Si-li Ca-ta-lin dẫn đầu. Hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước. Theo đó, hai bên thúc đẩy sự hợp tác và tăng cường các quan hệ song phương giữa hai Quốc hội. Chiều 17-6-2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Bu-ca-rét, thăm chính thức Cộng hoà Ru-ma-ni. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hội kiến với ông Pôn Ni-cu-le-xcu Mi-din, Chủ tịch Quốc hội Ru-ma-ni; hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Ru-ma-ni Boóc-đan Ôn-tê-a-nu tiến hành Hội đàm; hội kiến với Chủ tịch Thượng viện, Thủ tướng Chính phủ Ru-ma-ni Ni-cô-la-ê Vơ-cơ-rôi-u (Nicola Vacaroiu); tới dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ru-ma-ni. Chiều 20-6-2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rời Thủ đô Bu-ca-rét đi thăm chính thức Bun-ga-ri. Ðoàn đại biểu Hội Hữu nghị Bun-ga-ri-Việt Nam do Chủ tịch Xi-môn Đim-chép dẫn đầu đã đến chào Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Bun-ga-ri. Ngày 21-6-2008, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đi thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa của Bun-ga-ri. Tạm biệt “xứ sở Hoa hồng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu nước ta sẽ sang thăm Pháp.

2. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển

Trong chuyến thăm Thụy Điển, chiều 16-6-2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Doanh nghiệp và Năng lượng Thụy Điển Ma-út Ô-lốp-xơn (Maud Olofsson). Hai bên trao đổi ý kiến thẳng thắn, chân thành về các vấn đề cùng quan tâm và đã đạt được sự nhất trí cao về những vấn đề quan trọng; nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp gần 40 năm qua là tài sản chung hết sức quý báu của hai nước; trân trọng giữ gìn và tích cực đẩy mạnh phát triển cao hơn, toàn diện hơn; nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và bảo đảm sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội; hai Chính phủ phối hợp chặt chẽ nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của hai nước phát triển quan hệ kinh tế, thương mại ở Việt Nam và Thụy Điển, đặc biệt là các nhà đầu tư của Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam; nhất trí tổ chức kỷ niệm tròn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển vào năm 2009 một cách trọng thị và thiết thực. Hai Phó Thủ tướng chứng kiến Lễ ký Hiệp định về Hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học-công nghệ giai đoạn 2008-2011 và Hiệp định về nhận trả lại công dân. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế Gu-ni-la Các-xơn và thăm một số tập đoàn kinh tế lớn.

3. Lễ phát động “Toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và phòng, chống tái cai nghiện” diễn ra sáng ngày 17-6-2008 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng nêu rõ ý chí quyết tâm của Việt Nam ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn ma tuý ra khỏi đời sống xã hội. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhiệt liệt hoan nghênh các đại biểu, các vị khách quốc tế, các Bộ, ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng, các cháu học sinh, sinh viên đại diện cho học sinh cả nước nói riêng và cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung đã tham dự hoạt động thiết thực này. Theo Phó Thủ tướng, để giảm được tệ nạn ma túy, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm ma tuý, phải kiềm chế được sự gia tăng số người nghiện ma túy mới, có nghĩa là công tác phòng ngừa phải được coi trọng. Đối với những người đã mắc nghiện, gia đình và xã hội phải vận động, thuyết phục họ quyết tâm và quyết tâm thật cao để cai nghiện bằng nhiều hình thức: tại các trung tâm, tại cộng đồng hoặc tại gia đình. Mọi người, mọi nhà tích cực tham gia sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010 của Chính phủ.

4. Chính phủ yêu cầu Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam kiểm điểm

Ngày 19-6-2008, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Văn bản số 4058/VPCP-KNTN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phải kiểm điểm nghiêm túc về thiếu sót, khuyết điểm và trách nhiệm cụ thể, có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép tại Quảng Ninh. Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, trong phạm vi trách nhiệm quản lý, kiểm điểm trách nhiệm và có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh tình trạng khai thác, kinh doanh, xuất khẩu than trái phép. Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra khẩn trương, xác minh làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân liên quan việc khai thác, kinh doanh, xuất khẩu than trái phép. Các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện thông báo này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7-2008.

5. Chương trình "Huyền thoại ngã ba Đồng Lộc"

Ngày 19-6-2008, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội), Ủy ban nhân dân Hà Tĩnh phối hợp các đơn vị liên quan tổ chứchọp báo công bố Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại ngã ba Đồng Lộc và Lễ hội du lịch-thương mại Hà Tĩnh năm 2008. Chương trình gồm nhiều hoạt động diễn ra từ ngày 16-7 đến 24-7-2008, tại Khu di tích ngã ba Đồng Lộc và sân vận động Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh, trong đó có lễ rước 10 xe hoa và lễ cầu siêu cho các liệt sĩ, trao tặng Khu di tích ngã ba Đồng Lộc bức tranh cát về 10 nữ Anh hùng liệt sĩ; thả đèn trời, đèn hoa và 10 chiếc dù ở độ cao 80m; trình diễn ca múa nhạc tổng hợp mang đậm nét đặc trưng của 5 tỉnh là Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Bên cạnh đó làHội chợ du lịch-thương mại vớiquy mô lớn, có 600 gian hàng trưng bày các sản phẩm. Trong dịp này, Hà Tĩnh phát động xây dựng tại đồi La Thị Tám, Đồng Lộc biểu tượng hoa hướng dương có đường kính 20m.

6. Trao Huân chương Quân công hạng nhất tặng Ðội quân Giải phóng, Ðội quân du kích Bắc Sơn, Ðội quân khởi nghĩa Nam Bộ

Sáng 20-6-2008, tại Hà Nội, Ðảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ trao Huân chương Quân công hạng nhất của Chủ tịch nước tặng Ðội quân Giải phóng, Ðội quân du kích Bắc Sơn, Ðội quân khởi nghĩa Nam Bộ, những tổ chức vũ trang của Ðảng, đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ðến dự, có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị; Ðại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các cán bộ lão thành cách mạng; các tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao trong Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt Ðảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Minh Triết nêu rõ: Ba tổ chức vũ trang trên là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử mà Ðảng và nhân dân giao phó, góp phần xứng đáng cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Tuy không còn tồn tại dưới danh nghĩa một đơn vị, nhưng Ðội quân Giải phóng, Ðội quân du kích Bắc Sơn, Ðội quân khởi nghĩa Nam Bộ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, xây dựng nên truyền thống bền bỉ, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn và quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta ngày nay.

7. Hà Nội có gần 11.000 lượt người dự thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Ngày 20-6-2008, Thành ủy Hà Nội tổ chức sơ kết thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và tổng kết cuộc thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Theo Ban chỉ đạo thành phố, các cấp, các ngành ở Hà Nội đã tổ chức 345 hội thi với 10.951 lượt thí sinh dự thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tạo điểm nhấn, sự lan tỏa cho cuộc vận động, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu và nhận thức rõ hơn về nội dung cuộc vận động. Thời gian tới, Hà Nội triển khai cuộc vận động gắn với thực hiện năm nhiệm vụ trọng tâm, với hai khâu đột phá là cải cách hành chính và công tác cán bộ. Thành phố tổ chức đợt học tập trong cán bộ, đảng viên, công chức chuyên đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề thực hiện tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí". Thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo biên soạn bài giảng về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tổ chức dạy điểm tại một số trường ở các cấp học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2008-2009. Tất cả các đảng bộ cơ sở, cơ quan, đơn vị tổ chức tọa đàm chuyên đề về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mỗi quý một lần.

8. Công bố kỷ lục FDI, ngoại tệ tự do giảm mạnh

Sáng 21-6-2008, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh thông báo, theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm đã có 31,6 tỉ USD từ nước ngoài đăng ký đầu tư tại Việt Nam, vượt xa con số 21,3 tỉ USD đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cả năm 2007, chứng tỏ các nhà đầu nước ngoài rất tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Doanh thu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2008 đạt 29,7 tỉ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập siêu trong tháng 5-2008 chỉ còn 1,3 tỉ USD. Trong tháng 6-2008, giá tiêu dùng chỉ tăng 2,2%, vụ đông xuân cả nước được mùa, đưa mức tăng trưởng nông nghiệp đạt gần 3%, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Tám nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ bắt đầu có hiệu quả; mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6,6% - 6,7%; bảo đảm GDP năm 2008 sẽ tăng từ 7% là mức chỉ tiêu Quốc hội đã điều chỉnh. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, với lượng dự trữ ngoại tệ là 20,7 tỉ USD, Chính phủ chủ động can thiệp thị trường ngoại hối để giữ giá đồng tiền Việt Nam khi cần thiết. Hiện nay, hệ thống ngân hàng đã bảo đảm đủ ngoại tệ phục vụ nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp.

9. Hoạt động kỷ niệm 83 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6)

Tối 21-6-2008, nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ 2 đã được tổ chức tại Cung văn hoá hữu nghị Hà Nội. Tham dự Giải báo chí quốc gia lần thứ 2 có 800 tác phẩm thuộc các thể loại báo in, báo nói, báo hình, trong đó có 94 tác phẩm của cộng tác viên. Hội đồng giải Báo chí quốc gia đã quyết định trao giải cho 80 tác phẩm gồm: 4 giải A, 11 giải B, 24 giải C và 41 giải khuyến khích. Tại buổi trao giải, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của báo chí, coi báo chí là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là đội quân tích cực trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá. Trước đó, sáng ngày 21-6-2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng gặp mặt các nhà báo nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cần phát huy mạnh mẽ vai trò cách mạng, tiên phong vì lợi ích quốc gia, dân tộc, coi đó là động lực để phấn đấu, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Người làm báo phải tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng rèn luyện phẩm chất cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận của cả xã hội để vượt qua khó khăn, thách thức; thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước phát triển toàn diện.

10. Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng lên đường thăm chính thức Hoa Kỳ

Sáng 22-6-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội đi thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ ngày 23 đến 26-6-2008 theo lời mời của Tổng thống Bu-sơ. Tham gia Ðoàn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởngNgoại giao Phạm Gia Khiêm; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc; Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng; Ðại sứ Việt Nam tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Lê Công Phụng; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu; Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng; Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Công Nghiệp; Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Vũ Luận; Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Ðồng Tiến; Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc. Theo dự kiến, ngày 23-6-2008 (giờ Oa-sinh-tơn tức đêm 23-6 giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các cuộc gặp với một số nhân vật quan trọng như Quốc vụ khanh bang W. Mai-cơn Mo-gân (Wisconsin Michael Morgan), cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ M.Ôn-brai (M.Albright), Cố vấn đối ngoại của Thượng Nghị sỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama). Thủ tướng cũng sẽ có buổi làm việc với Hội đồng tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam - Hoa Kỳ và tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ./.