Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
TCCS - Ngày 14-10-2023, chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Cùng tham dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã nghe thông báo về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri 3 quận trong kỳ tiếp xúc trước. Các cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội thời gian qua đã có nhiều sáng tạo, cải tiến hiệu quả, linh hoạt. Những dự án luật, vấn đề quan trọng của đất nước đưa ra thảo luận tại các kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đúng trọng tâm, trọng điểm, có kết quả cao. Nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, có các câu hỏi và trả lời trúng và đúng.
Thời gian tới, cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát những lĩnh vực quan trọng, như công tác lập và thực hiện đúng quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị; vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, phòng cháy, chữa cháy tại các đô thị lớn. Đặc biệt, Quốc hội cần tập trung giám sát việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là các dự án giao thông; việc xử lý các dự án treo, các dự án chậm triển khai của các địa phương. Trong nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Quốc hội và thực thi pháp luật của chính quyền các cấp, cử tri đề nghị Quốc hội thảo luận, xây dựng dự thảo luật liên quan đến đất đai, nhà ở cần làm rõ và khắc phục những bất cập; tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm để bảo đảm pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ đời sống.
Bày tỏ sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cử tri cho rằng, năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhưng Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra những chủ trương, chính sách mạnh mẽ giúp ổn định kinh tế, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống nhân dân được cải thiện. Cử tri đề nghị cần tăng cường hơn nữa các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng cường an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Cử tri đặc biệt ấn tượng với những thành công về hoạt động đối ngoại, tiêu biểu là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho thấy vị thế đất nước ta ngày càng được củng cố nâng cao trên trường quốc tế. Cử tri cũng đánh giá cao kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa kết thúc, cùng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chính phủ.
Cử tri bày tỏ, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang diễn ra quyết liệt, đạt hiệu quả cao, thể hiện sự quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm trong sạch bộ máy, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Việc xử lý cán bộ vi phạm có nhiều bước tiến lớn, toàn diện. Việc điều tra, xét xử không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo đột phá mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý cán bộ vi phạm. Cử tri mong muốn Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc điều tra, xét xử các vụ án phải đến cùng, công khai, nghiêm minh, có tính răn đe cao. Việc thu hồi tài sản do tham ô, tham nhũng phải minh bạch, kịp thời, triệt để.
Cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung vào chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là công bộc của nhân dân. Cử tri mong muốn việc cải cách hành chính hiệu quả hơn, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ. Bên cạnh việc số hóa dữ liệu dân cư, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mà các cấp chính quyền đang tích cực thực hiện, cử tri mong muốn một số ngành khác cũng đẩy mạnh số hóa dữ liệu và thực hiện dịch vụ trực tuyến như trong lĩnh vực thu thuế sử dụng đất, quản lý đất đai, lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xin cấp phép xây dựng... Cử tri nêu ý kiến về chính sách tiền lương; tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường đầu tư các trang thiết bị y tế; nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở; tiếp tục hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm; tạo thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ; các quy định về bảo vệ môi trường cần có tính thống nhất, đặc biệt là việc thu gom vận chuyển và xử lý rác thải.
Với tư cách thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, mỗi lần tiếp xúc cử tri lại thấy Thủ đô có nhiều thay đổi, càng ngày càng phát triển, đẹp, văn minh, hiện đại hơn. Các ý kiến phát biểu ngắn gọn nhưng mang tầm khái quát, sâu sắc, tâm huyết và có trách nhiệm, nêu rõ vấn đề, thể hiện trình độ của cử tri ngày càng cao. Các ý kiến được ghi nhận đầy đủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trước các kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri, báo cáo nội dung chương trình và tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri để tổ chức kỳ họp thành công. Nội dung, kết quả kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, từ đó thấm vào trong từng người dân, giúp cho “ý Đảng” luôn luôn quyện với “lòng dân”. Do đó, các cuộc tiếp xúc cử tri phải được tổ chức thiết thực, không hình thức.
Trao đổi với đông đảo cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân bầu ra, thực hiện quyền lực của nhân dân. Quốc hội thực hiện các chức năng xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng ta lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị đề ra đường lối, chủ trương, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đó là ba chân kiềng rất chắc chắn, quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, mỗi chủ thể đều phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Các cấp, các ngành phải nắm chắc để thực hiện đúng, nhất là phải gần dân, sát dân, tôn trọng nhân dân, bởi “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Chia sẻ một số kết quả quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động đối ngoại thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm nhất quán đường lối đối ngoại và phong cách “ngoại giao cây tre” gốc vững chắc, nhưng thân mềm dẻo, có tình, có lý, có trước, có sau của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Tổng Bí thư mong muốn cử tri và nhân dân Thủ đô tiếp tục đóng góp xây dựng Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam anh hùng và truyền thống nghìn năm lịch sử./.
Trung Duy (tổng hợp)
Bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII  (08/10/2023)
Bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  (08/10/2023)
Thông báo Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  (08/10/2023)
Ngày làm việc thứ sáu của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII  (07/10/2023)
Thực tiễn sống động, lý luận sáng soi trong tác phẩm của Tổng Bí thư  (06/10/2023)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay