Việt Nam - Hàn Quốc coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, xây dựng quan hệ với mức độ tin cậy cao
TCCS - Nhận lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) Yoon Suk Yeol và Phu nhân thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 22 đến ngày 24-6-2023. Ngày 23-6-2023, Lễ đón chính thức Tổng thống Yoon Suk Yeol và Phu nhân được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức đón nguyên thủ quốc gia.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Việt Nam. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà Tổng thống Yoon Suk Yeol đến thăm kể từ khi nhậm chức vào tháng 5-2022, cho thấy vị trí rất quan trọng của Việt Nam đối với Hàn Quốc.
Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội đàm với Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Trong không khí hữu nghị, chân thành và cởi mở, hai nguyên thủ thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi về phương hướng lớn, biện pháp thực chất triển khai quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”, các vấn đề khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm. Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hoan nghênh Tổng thống Yoon Suk Yeol, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Hàn Quốc thăm cấp nhà nước tới Việt Nam; đánh giá cao việc Tổng thống Yoon Suk Yeol chọn Việt Nam là quốc gia đến thăm đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á và ngay sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Chủ tịch nước chúc mừng Hàn Quốc về những thành tựu trong xây dựng và phát triển đất nước, nhất là các thành quả phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch; khẳng định Việt Nam nhất quán ủng hộ Hàn Quốc phát huy vai trò lớn hơn tại khu vực và trên thế giới.
Tổng thống Yoon Suk Yeol cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Tổng thống, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Hàn Quốc sự đón tiếp thân tình, trọng thị và chu đáo; chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đạt được, trong đó có việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định Hàn Quốc nhất quán coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Hàn Quốc - Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác trọng tâm và hướng ưu tiên trong việc triển khai chính sách tại khu vực.
Trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc, hai bên nhất trí xây dựng quan hệ chính trị và hợp tác quốc phòng, an ninh với mức độ tin cậy cao và thực chất hơn; tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt; thường xuyên trao đổi, chia sẻ tình hình mỗi nước, các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Hai bên tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có; hoan nghênh Bộ Ngoại giao hai nước đã ký kết “Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, qua đó góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả, thực chất quan hệ hai nước.
Hai bên nhất trí đưa hợp tác thực chất trên các lĩnh vực lên cấp độ mới sâu sắc và hiệu quả hơn; nhất trí phối hợp triển khai tốt Hiệp định thương mại tự do song phương (VKFTA) và các biện pháp tạo thuận lợi thiết thực cho doanh nghiệp hai nước. Hai bên phối hợp thúc đẩy sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững. Theo đó, Hàn Quốc nhất trí tiếp tục mở cửa hơn cho các mặt hàng, như nông thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa của Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên, như phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, chất bán dẫn, công nghệ sinh học, đô thị thông minh; chú trọng chuyển giao công nghệ nguồn; hoan nghênh doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án BOT xây dựng nhà máy điện, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam.
Hai bên hoan nghênh việc ký Thỏa thuận hợp tác Quỹ Xúc tiến kinh tế Hàn Quốc (EDPF) trị giá 2 tỷ USD để triển khai các dự án đầu tư phát triển có quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị của Việt Nam. Hàn Quốc tiếp tục coi Việt Nam là “Đối tác chiến lược” về ODA, mở rộng hơn nữa quy mô viện trợ không hoàn lại, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, y tế, môi trường; mở rộng các hình thức hợp tác ODA không ràng buộc và nhiều ưu đãi với mức độ tương tự như EDPF. Hai bên vui mừng ký gia hạn Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc (EPS); nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp nhận lao động Việt Nam và mở rộng hợp tác lao động giữa hai nước, nhất là lao động có trình độ chuyên môn và các ngành nghề mới mà Hàn Quốc có nhu cầu; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức hợp tác khoa học - công nghệ. Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận công nghệ lõi, công nghệ hiện đại và thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, địa phương tạo sự gắn kết, hiểu biết lẫn nhau. Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa, cung cấp thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tại Hàn Quốc. Hai bên nhất trí trao đổi đơn giản hóa thủ tục tạo thuận lợi cho việc đi lại, làm việc, cư trú của công dân hai nước; cùng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giữa các địa phương hai nước thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, chương trình gặp gỡ Hàn Quốc (Meet Korea), tăng kết nối các tuyến bay mới giữa địa phương hai nước.
Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước đã trao đổi về tình hình thế giới và khu vực. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, phối hợp ứng phó với các thách thức toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống; khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý và giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Hai bên khẳng định phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN và Mê Công, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam là nước điều phối quan hệ Hàn Quốc - ASEAN từ năm 2021 - 2024. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam về việc ủng hộ thực hiện phi hạt nhân hóa, thúc đẩy đối thoại, hợp tác trên Bán đảo Triều Tiên, bày tỏ Việt Nam sẵn sàng phối hợp, phát huy vai trò trong việc xây dựng vào tiến trình này.
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã chứng kiến lễ ký 17 văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính, hợp tác phát triển (ODA), lao động, tài nguyên - môi trường, cảnh sát biển và địa phương hai nước; gặp gỡ báo chí hai nước và quốc tế để thông báo về kết quả tốt đẹp của buổi hội đàm. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, trong hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác về chính trị - đối ngoại, duy trì thường xuyên giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Hai bên nhất trí nhận thức chung về việc cụ thể hóa khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh; thúc đẩy hợp tác thực chất, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh hợp tác xử lý tội phạm xuyên quốc gia, phòng, chống khủng bố, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Về kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên cùng nỗ lực đưa hợp tác kinh tế lên cấp độ mới sâu sắc và hiệu quả hơn; phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án BOT xây dựng nhà máy nhiệt điện, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, chất bán dẫn, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, đô thị thông minh; chú trọng chuyển giao công nghệ nguồn cho Việt Nam. Trong hợp tác phát triển (ODA), hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ triển khai hiệu quả các khoản hỗ trợ ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam; Hàn Quốc nhất trí tiếp tục mở rộng quy mô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo.
Về văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân, hai bên nhất trí thúc đẩy mở rộng giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau trong các tầng lớp xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của nhau. Hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Việt Nam luôn quan tâm và theo dõi sát tình hình Bán đảo Triều Tiên; sẵn sàng thúc đẩy và tham gia tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc cho biết, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh. Hai bên khẳng định sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược thông qua cơ chế hội đàm thường kỳ giữa hai Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các khoản viện trợ không hoàn lại với tổng quy mô là 200 triệu USD giai đoạn 2024 - 2027 cho các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, chuyển đổi số…, nhất là có kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu chung giữa hai nước với quy mô 30 triệu USD trong khoảng 10 năm tới, nhằm hỗ trợ tập trung đổi mới khoa học - công nghệ của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo thống nhất cao việc Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận công nghệ lõi, công nghệ hiện đại; triển khai giai đoạn hai Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), một biểu tượng hợp tác phát triển hướng đến tương lai giữa hai nước.
Trước đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tới đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng ngày, Phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã cùng Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đi thăm một số cơ sở văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN  (23/03/2023)
Luật Ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc: Những giá trị thực tiễn  (19/01/2023)
Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đón, hội đàm, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo  (19/01/2023)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp nhà nước Đại Hàn Dân Quốc  (08/12/2022)
Áp dụng pháp luật về định giá công nghệ và tài sản trí tuệ tại Việt Nam  (08/09/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm