Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với thành phố Đà Nẵng về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ
TCCS - Ngày 19-10-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với thành phố Đà Nẵng về công tác khắc phục thiệt hại do cơn bão số 5 và mưa lũ. Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành.
Tại buổi làm việc với thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung; chia sẻ những khó khăn của người dân bị thiệt hại, chia buồn sâu sắc với gia đình người bị tử nạn, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng - địa phương bị ngập sâu nhất, chịu thiệt hại lớn nhất về người và tài sản. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước chia sẻ những khó khăn, mất mát rất lớn của nhân dân thành phố Đà Nẵng, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người không may tử nạn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Công điện số 939/CĐ-TTg, ngày 13-10-2022, “Về việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền Trung”; đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu đã thực địa, chỉ đạo kịp thời công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số địa phương chịu thiệt hại nặng nề. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần có quyết sách đúng, kịp thời, huy động trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ người dân, thể hiện tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái trong thiên tai, hoạn nạn. Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự chủ động, nhanh chóng, kịp thời ứng phó mưa lũ, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản, hạn chế tối đa người thiệt mạng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Đà Nẵng.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương; cảm ơn tình cảm, sự hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành, cũng như các nhà hảo tâm, sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, tiếp thu và sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến góp ý của các bộ, ngành trung ương.
Trong những ngày mưa lũ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng lực lượng chức năng kịp thời đến hiện trường chỉ đạo công tác ứng cứu và sơ tán hơn 14 nghìn người đến nơi an toàn; đồng thời, toàn hệ thống chính trị thành phố cũng khẩn trương, nỗ lực cao nhất để khắc phục hậu quả, làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp không may bị thiệt hại. Cùng với đó, thành phố tập trung hỗ trợ bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt cho người dân sau mưa lũ, không để thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu (điện nước, giao thông, y tế...); đặc biệt, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là cấp cơ sở quan tâm chăm lo cho dân, sớm để cuộc sống trở lại bình thường, tăng cường kỹ năng ứng phó cho người dân, rà soát, nắm, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn…
Nhằm từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống, sinh hoạt bình thường cho người dân, Chủ tịch nước đề nghị huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, xử lý vệ sinh môi trường sau mưa lũ; khôi phục cung cấp điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân; khắc phục nhanh công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng, bảo đảm đủ sách vở, trang thiết bị học tập cho học sinh. Đà Nẵng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, tổ chức việc tiếp nhận, phân phối các nguồn viện trợ, cứu trợ để bảo đảm an toàn cho người tham gia cứu trợ, đồng thời bảo đảm công tác cứu trợ được thực hiện nhanh nhất, công khai, minh bạch, công bằng. Chủ tịch nước lưu ý, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm "bốn tại chỗ"; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện các quy định, phương án phòng chống thiên tai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua đợt mưa lũ lớn vừa xảy ra tại thành phố Đà Nẵng đã bộc lộ một số bất cập trong công tác chỉ đạo, tổ chức ứng phó thiên tai cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng cần được sớm khắc phục và thực hiện ngày càng tốt hơn. Các cơ quan chức năng, các cấp ủy, chính quyền cần nắm chắc tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo nhanh nhạy, kịp thời, linh hoạt, chính xác; phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng, các bộ, ngành, địa phương, tuyệt đối không được chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai. Tăng cường tuyên truyền, tận dụng lợi thế của mạng xã hội để nâng cao ý thức người dân, chủ động lực lượng ứng phó nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại do thiên tai. Trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường đòi hỏi nâng cao năng lực dự báo, ứng phó; công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, chính xác…
Phát huy truyền thống cách mạng; với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ vượt mọi khó khăn, do thiên tai, bão lũ gây ra; tiếp tục phấn đấu giành được nhiều thắng lợi to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội; góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước năm 2022.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng 20 căn nhà, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng 20 căn nhà, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tặng 10 căn nhà khắc phục hậu quả cơn bão số 5./.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau bão số 5 và không khí lạnh, từ ngày 13-10-2022 đến ngày 15-10-2022, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có mưa rất lớn vào thời điểm triều cường; gây ngập lụt diện rộng, nhiều tuyến đường và nhà dân ngập từ 0,5m đến 1m, đặc biệt, có nơi ngập sâu từ 1,5m đến 2m. Đến nay, đã có 4 người chết; gần 30 căn nhà bị sụp hoàn toàn hoặc sụp một phần; nhiều trường học, khoảng 74,22ha rau màu bị ngập úng, gần 50 nghìn gia súc, gia cầm trôi chết, hơn 700 gia súc, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; hơn 2.000 xe ôtô và hơn 30 nghìn xe máy bị ngập nước; máy móc trang thiết bị sản xuất của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị hư hỏng; nhiều hộ dân bị ngập nước gây hư hỏng các thiết điện tử, dân dụng... Ước tính thiệt hại sơ bộ ban đầu là 1.486,505 tỷ đồng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương  (15/10/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xây dựng Đảng  (10/10/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba Manuel Marrero Cruz  (29/09/2022)
Chủ tịch nước tiếp Đại sứ các nước Hà Lan, Hungary, Australia, Luxembourg trình Quốc thư  (20/09/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển