Chủ tịch nước tiếp Đại sứ các nước Hà Lan, Hungary, Australia, Luxembourg trình Quốc thư
TCCS - Ngày 19-9-2022, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ các nước: Hà Lan, Hungary, Australia, Luxembourg tới trình Quốc thư. Chủ tịch nước chúc mừng các đại sứ nhận nhiệm vụ tại Việt Nam và khẳng định, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ hỗ trợ các đại sứ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương với các nước.
Tại buổi tiếp Đại sứ Vương quốc Hà Lan Kees Van Baar nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại ấn tượng trong chuyến thăm Hà Lan vào tháng 7-2017 trên cương vị Thủ tướng Chính phủ; và cho biết đã cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thống nhất những định hướng phát triển quan hệ hai nước thực chất, hiệu quả, nhất là hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thời gian qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các hoạt động thúc đẩy hợp tác đầu tư hai nước và mong muốn thời gian tới, hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp; phối hợp triển khai các hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023). Trên cơ sở Đối tác toàn diện, Chủ tịch nước mong muốn Hà Lan đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ cảng biển mà Hà Lan có thế mạnh. Hai bên cần nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 30 tỉ USD trong nhiệm kỳ của Đại sứ; phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU; phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU; thúc đẩy EU gỡ bỏ “Thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Chủ tịch nước cảm ơn Hà Lan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025 và cho biết, Việt Nam ủng hộ Hà Lan ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024 - 2026. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Lan cùng EU ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về bảo vệ thượng tôn pháp luật ở các vùng biển và đại dương; duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Về phần mình, Đại sứ Kees Van Baar bày tỏ vinh dự nhận nhiệm vụ tại Việt Nam; gửi lời thăm hỏi của Thủ tướng Hà Lan tới Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; trân trọng cảm ơn Việt Nam hỗ trợ Hà Lan khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19. Tán thành với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về các lĩnh vực cần đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước, Đại sứ cho rằng, quản lý nước, ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên. Đại sứ cũng mong muốn tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư hai nước, thúc đẩy các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư ngày càng hiệu quả tại Việt Nam. Đại sứ Hà Lan cho biết, trong dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023, các doanh nghiệp Hà Lan sẽ phối hợp với phía Việt Nam tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời Hà Lan sẽ thúc đẩy EU gỡ bỏ “Thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Tiếp Đại sứ Hungary tại Việt Nam Baloghdi Tibor trình Quốc thư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn trân trọng mối quan hệ truyền thống quý báu và hợp tác nhiều mặt hơn 70 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1950. Nhắc lại ý nghĩa chuyến thăm Hungary (năm 2018) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện và Hungari trở thành Đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu, Chủ tịch nước tán thành với Đại sứ về việc hai bên cần tích cực thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, từ đó mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Cho biết trước đây và hiện nay có nhiều người Việt Nam đã và đang học tập tại Hungary, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Hungary tiếp tục cấp học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác giáo dục, giao lưu nhân dân, vun đắp cho mối quan hệ truyền thống hai nước. Đánh giá cao Hungary đã hỗ trợ ODA cho Việt Nam với cam kết 440 triệu euro, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Hungary tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đại sứ Baloghdi Tibor trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, bày tỏ vui mừng vì được trải qua nhiều cương vị công tác ngoại giao tại Việt Nam kể từ năm 2003 và nay là Đại sứ. Trong thời gian đó, Đại sứ luôn nhận được tình cảm, sự hỗ trợ quý báu của lãnh đạo, các cơ quan chức năng và người dân Việt Nam.
Đại sứ mong muốn thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, giao lưu nhân dân; trong đó có việc hoàn thành và trình chiếu bộ phim về tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam - Hungary; đồng thời xúc tiến các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư. Với gần 900 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hungary, Đại sứ tin tưởng, đây là thế hệ tiếp nối các thế hệ đi trước không ngừng vun đắp quan hệ truyền thống hai nước.
Tiếp Đại sứ Australia Andrew John Lech Goledzinowski trình Quốc thư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Australia tổ chức thành công bầu cử Quốc hội Liên bang và có Chính phủ mới do Thủ tướng Anthony Albanese đứng đầu. Cho rằng, quan hệ hợp tác hai nước thời gian qua phát triển rất tốt đẹp trên tất cả mọi lĩnh vực, Chủ tịch nước mong muốn Đại sứ tiếp tục đóng góp thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhân dịp này, Chủ tịch nước cảm ơn Australia - đối tác cung cấp vaccine ngừa COVID-19 lớn thứ 2 cho Việt Nam với 22,2 triệu liều và vừa công bố hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam.
Chủ tịch nước vui mừng về việc Trung tâm Việt - Úc đã được thành lập tại Việt Nam. Với nhiều người Việt Nam đang học tập, sinh sống tại Australia, Chủ tịch nước cho rằng, đây là cầu nối quan trọng nhằm thúc đẩy các hợp tác chiến lược hai nước; mong muốn Australia tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt và đơn giản hóa thủ tục cho các sinh viên Việt Nam quay lại học tập tại Australia. Chủ tịch nước đề nghị hai bên thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn trong nhiệm kỳ này, Đại sứ góp phần nâng cao hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư, an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, lao động và các lĩnh vực khác.
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, Đại sứ Australia bày tỏ vui mừng nhận nhiệm vụ tại Việt Nam; cho biết, Australia mong muốn nâng cấp mối quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện. Cùng với thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực, Đại sứ mong muốn thúc đẩy hợp tác hai nước sâu sắc hơn trong lĩnh vực y tế. Nhân dịp này, Đại sứ trân trọng chuyển lời mời của Toàn quyền Australia, mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Australia.
Tiếp Đại sứ Luxembourg Patrick Hemmer trình Quốc thư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn ưu tiên tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Luxembourg trong tổng thể quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Luxembourg đã tích cực ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU và phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư hai nước.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đại sứ và các cơ quan chức năng hai nước hợp tác, triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban Đối tác Việt Nam - Luxembourg và duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao. Việt Nam mong muốn hợp tác với Luxembourg trong nhiều lĩnh vực như phát triển xanh; giáo dục - đào tạo, công nghệ cao. Chủ tịch nước đề nghị Luxembourg thúc đẩy EC sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Chúc mừng Luxembourg trúng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2022-2024, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Luxembourg ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025. Hai bên cũng cần phối hợp triển khai hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Luxembourg (1973 - 2023).
Đại sứ Luxembourg Patrick Hemmer trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp; bày tỏ vui mừng mối quan hệ hai nước phát triển hết sức tốt đẹp gần 50 năm qua. Đại sứ bày tỏ tán thành với Chủ tịch nước về việc thúc đẩy kim ngạch và đầu tư song phương nhất là trong lĩnh vực kinh tế xanh. Cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Luxembourg ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2022 - 2024 của Liên hợp quốc, Đại sứ cho biết, Luxembourg sẽ ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn đa phương; ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chung vui với các thầy cô giáo, các em học sinh cả nước đón ngày khai giảng năm học mới  (05/09/2022)
Lễ đón Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  (04/09/2022)
77 năm Quốc khánh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh  (01/09/2022)
Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (01/09/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên