Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chương trình làm việc tại Vương quốc Anh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp
TCCS - Ngày 3-11-2021 (theo giờ địa phương), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và lên đường thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Trong hơn 3 ngày làm việc tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc và hiệu quả cao với hàng chục hoạt động song phương và đa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị COP26; tham dự và phát biểu tại các sự kiện công bố sáng kiến của một số đối tác quan trọng bên lề COP26 như công bố Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu, Hành động về rừng và sử dụng đất; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland... Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có hơn 20 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các quốc gia như: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và lãnh đạo các tổ chức quốc tế như: Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)...
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có hơn 30 cuộc đối thoại, tiếp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, trường đại học, các tổ chức hàng đầu thế giới và Vương quốc Anh như: Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nike, lãnh đạo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Giám đốc Điều hành Lego, lãnh đạo Tập đoàn Roll Royce, Tổng Giám đốc điều hành công ty AstraZeneca, lãnh đạo các Đại học Oxford, Liverpool...
Thủ tướng Chính phủ cũng dự, chứng kiến lễ ra mắt, ký kết, trao nhận gần 30 thỏa thuận hợp tác của Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức của Vương quốc Anh và quốc tế, như: Thỏa thuận Hợp tác xây dựng Kế hoạch hành động để tăng cường liên kết và cơ sở giáo dục đại học giữa Việt Nam - Vương quốc Anh; Thỏa thuận Hợp tác chuyển giao công nghệ về quản lý đất đai và đào tạo nguồn nhân lực có liên quan; Thỏa thuận cung cấp động cơ và dịch vụ động cơ cho đội tàu bay thân rộng với tổng giá trị 400 triệu USD giữa hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Rolls-Royce; Thỏa thuận về hợp tác phát triển đầu tư thử nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc chữa COVID-19 và các bệnh đường hô hấp giữa Tập đoàn Vingroup và Công ty Raphael Labs (Anh); thỏa thuận của hãng AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước; Tài trợ 300 triệu USD cho chương trình phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu của Quỹ Đầu tư Affinity...
Các hoạt động song phương, đa phương của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đặc biệt cũng thể hiện một Việt Nam năng động, sáng tạo và thân thiện, có tiềm năng lớn trong hợp tác, đầu tư...
Bạn bè quốc tế đều vui mừng, đánh giá cao thành tựu và tiềm năng hợp tác của Việt Nam; đồng thời mong muốn, khẳng định sẵn sàng hợp tác bền vững, lâu dài với Việt Nam, trên tinh thần “các bên cùng thắng” như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tạm biệt Vương Quốc Anh, 13 giờ 30 phút chiều cùng ngày (theo giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Orly ở Thủ đô Paris, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3 đến ngày 5-11-2021 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đang trên đà phát triển tích cực. Hai nước có mối quan hệ hợp tác, gắn bó truyền thống qua các thăng trầm của lịch sử. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Pháp thời gian qua đã tăng cường quan tâm, nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy quan hệ song phương. Hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023.
Hiện nay, Pháp là bạn hàng lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và nhà tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Nhiều tập đoàn lớn của Pháp mong muốn đầu tư vào các dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, kết cấu hạ tầng và đô thị thông minh, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ cao.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào thực chất, hiệu quả hơn./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu  (02/11/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF lần đầu tiên  (01/11/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh  (31/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác  (28/10/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên