Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
TCCS - Ngày 30-9-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019, của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại đầu cầu trụ sở Chính phủ, cùng dự buổi làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Tại đầu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cuộc làm việc này của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong điều kiện hiện nay; đặc biệt là rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống như mong đợi của Đảng bộ và nhân dân tỉnh.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động, kiên quyết, kiên trì triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, vừa phòng, chống, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo đảm sức khoẻ nhân dân, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự kiến 9 tháng của năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 41.412,77 tỷ đồng (theo giá hiện hành); tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 5,12%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,22% so với cùng kỳ; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng trưởng ổn định; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 1.375,2 triệu USD, tăng 36,8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.945 tỷ đồng, tăng 3,5%; khu vực du lịch, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, lượng khách du lịch chỉ đạt 633,5 nghìn lượt khách, giảm 54,2%...
Riêng về tình hình dịch COVID-19, đến ngày 28-9-2021, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 821 ca F0 (hiện đang điều trị 71 ca, đã được điều trị khỏi 747 ca), có 3 bệnh nhân tử vong (do già yếu, bệnh nền). Nhận định tình hình dịch trong 14 ngày qua, tỉnh đã ghi nhận các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng có nguồn lây từ các trường hợp người về từ vùng dịch sau khi hoàn thành cách ly tập trung về địa phương. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, các ổ dịch đã nhanh chóng được truy vết, phong tỏa diện hẹp, xét nghiệm, cách ly điều trị, dập dịch kịp thời nên vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 54-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP, ngày 27-5-2020, về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW”, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết 54-NQ/TW và Nghị quyết 83/NQ-CP. Trong đó có các đề án đáng chú ý như: Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế”; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế”.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết 54-NQ/TW như: Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của Khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay, các đề án, chương trình cụ thể hóa Nghị quyết 54-NQ/TW đã và đang được tập trung triển khai, song trong quá trình đó phát sinh một số khó khăn. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trong quá trình điều hành và quản lý đối với đô thị có tính chất đặc thù như Thừa Thiên Huế gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc do phải bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc và bảo vệ môi trường sinh thái đã tạo nên các rào cản đối với các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tỉnh thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội; nhất là nguồn lực để đầu tư bảo tồn, trùng tu di sản, di tích là rất lớn... Tỉnh vẫn chưa tự cân đối được ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đang ở mức trung bình so với cả nước... Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Trung ương để thực hiện một số đề án đã được Chính phủ phê duyệt chưa kịp thời và đồng bộ; một số tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân số theo quy định khó có khả năng thực hiện...
Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị, đề xuất Chính phủ một số nội dung như: Có nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; hỗ trợ ngân sách Trung ương hoàn thành giai đoạn 2 dự án di dời các hộ dân trong khu vực 1 thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế; hỗ trợ đầu tư các dự án động lực đầu tư vào địa bàn tỉnh như dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây; điều chỉnh cục bộ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; đề xuất xây dựng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung...
Tại buổi làm việc, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Công Thương, Y tế... đã có ý kiến giải thích, giải quyết các vướng mắc và đóng góp ý kiến nhằm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW đạt kết quả cao trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã phấn đấu, đạt nhiều thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong đó, kinh tế tỉnh phát triển có bước phát triển khá; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh cố gắng vượt qua những mất mát, thiệt hại do trận lũ lụt, sạt lở đất gây ra trong năm vừa qua...
Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 và đạt kết quả tích cực; bên cạnh đó là duy trì, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chi viện đắc lực cho miền Nam trong phòng, chống dịch, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần trách nhiệm, đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW và Nghị quyết số 83/NQ-CP, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế và các bộ, ngành liên quan đang triển khai tích cực; những vướng mắc, khó khăn dần được giải quyết. Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành giải quyết những điểm nghẽn theo nguyên tắc những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của địa phương, bộ, ngành thì địa phương, bộ, ngành giải quyết; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì tổng hợp đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết; những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cao hơn...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phải bám sát các đặc điểm của địa phương: Là địa phương có Cố Đô, nơi có cả di sản vật thể và di sản phi vật thể của nhân loại; là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây... Do đó, Thừa Thiên Huế phải tận dụng đặc điểm và lợi thế này để phát triển kinh tế - xã hội.
Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện ngay công tác quy hoạch kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành. Thông qua đó xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, nhất là với các địa phương lân cận để phát triển không trùng lắp, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình. Tỉnh cần tái cấu trúc lại nền kinh tế phát triển theo hướng: dịch vụ, thương mại, kinh tế trí thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp văn hóa, giải trí.
Thủ tướng cho rằng, Thừa Thiên Huế cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển... Trong đó, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định; ngoại lực là đột phá; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể. Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thể chế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển dịch vụ thương mại, kinh tế trí thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp văn hóa, giải trí. Đối với phát triển hạ tầng, Nhà nước đã đầu tư các hạ tầng chiến lược, do đó tỉnh cần đầu tư hạ tầng mềm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, công nghệ quản lý. Trong cải cách hành chính cần dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để tăng tính hiệu lực, hiệu quả, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cần tăng cường hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển, theo quy định của pháp luật và dựa trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; áp dụng các mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”, “đầu tư công, quản lý tư”.
Thủ tướng đề nghị Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có năng lực, phẩm chất, khát vọng cống hiến.
Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, tỉnh Thừa Thiên Huế không được chủ quan, lơ là, phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, của Bộ Y tế về phòng, chống dịch, đồng thời áp dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc thù địa phương; bảo đảm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Về vaccine, trong điều kiện còn khó khăn, song Chính phủ, Bộ Y tế sẽ xem xét, cân đối bổ sung cho tỉnh để tiêm miễn phí cho người dân, nhưng yêu cầu tỉnh tiếp nhận, bảo quản, triển khai tiêm khoa học, hiệu quả, theo thứ tự ưu tiên.
Đối với những đề xuất cụ thể của tỉnh Thừa Thiên Huế nêu trên, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các đề án trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch chung, khai thác được lợi thế của địa phương và phải có hiệu quả cao... Riêng đối với đề xuất tách Viện Công nghệ sinh học từ Đại học Huế, Thủ tướng Chính phủ đồng ý và yêu cầu các bộ, ngành phối với với tỉnh nghiên cứu xây dựng một Trung tâm công nghệ sinh học và dược phẩm tại miền Trung./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, gắn với chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công  (29/09/2021)
Cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chuyển trạng thái từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”  (26/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Bảo đảm an toàn dịch bệnh, thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh  (26/09/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển