Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các điển hình tiêu biểu của ngành dệt may Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép
TCCS - Ngày 3-8-2021, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các đại diện tiêu biểu của ngành dệt may Việt Nam - lĩnh vực sản xuất có gần 3 triệu người lao động, 13 nghìn doanh nghiệp đang nỗ lực khắc phục khó khăn duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước.
Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường dệt may thế giới dù có khởi sắc hơn so với năm 2020 nhưng mức tăng trưởng chỉ mới đạt khoảng 2,3%. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn đạt mức xuất khẩu cao; tính đến hết tháng 7-2021, đạt mức 23 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 10% so với năm 2019. Đáng chú ý, tổng lượng hàng xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU đều tăng mạnh. Lợi nhuận của ngành tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ của dệt may Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ so với khối sản xuất, may mặc, đóng góp 60% tổng sản lượng toàn tập đoàn. Đây cũng là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam trong việc hiện thực hóa mục tiêu đến hết 2021 đạt mức tăng trưởng cao hơn.
Do tác động của dịch COVID-19, hiện có trên 40 nghìn lao động khu vực phía Nam của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang làm việc trong điều kiện giãn cách. Toàn bộ tập đoàn có 209 ca F0 trên địa bàn cả nước. Tỷ lệ tiêm vaccine mới đạt 7.650 trong tổng số 150 nghìn lao động của tập đoàn. Đến nay 100% các đơn vị thuộc tập đoàn vẫn có đủ đơn hàng trong các quý III và quý IV năm 2021. Theo dự báo, kịch bản trung bình, ngành dệt may Việt Nam quyết tâm tăng trưởng 18% trong năm nay. Trong tình huống xấu hơn, tập đoàn vẫn bảo đảm kế hoạch có lợi nhuận.
Theo đại biểu là lãnh đạo các đơn vị tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam, hiện nay, ngành đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức xoay quanh 2 nội dung chính là đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa do khó khăn trong luân chuyển hàng hóa giữa các địa phương có dịch và từ nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó là việc đứt gãy cung ứng lao động do bối cảnh làm việc theo mô hình giãn cách, việc người dân hồi hương quá lớn, dẫn đến tỷ lệ quay trở lại làm việc chỉ đạt khoảng 65% sau khi hoạt động bình thường trở lại. Trong khi đó, quý III, quý IV tới là khoảng thời gian sản xuất trọng yếu của ngành dệt may Việt Nam. Một khó khăn nữa là nỗ lực của các đơn vị trong ngành nhằm bảo đảm công ăn việc làm cho 3 triệu người lao động, tránh để phát sinh những vấn đề xã hội khác.
Nhiều ý kiến của các đại diện ngành dệt may Việt Nam cũng đề nghị Nhà nước, Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, nhất là người lao động, trong đó có lao động ngành dệt may để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất và bảo đảm đủ nguồn nhân lực, điều kiện thực hiện các đơn hàng quy mô lớn thời điểm cuối năm 2021.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước nêu rõ, bối cảnh cả nước đang nỗ lực khắc phục khó khăn, phòng, chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng, ngành dệt may Việt Nam vẫn có nhiều điển hình tiên tiến, lập nhiều thành tích xuất sắc trong lao động và sản xuất.
Trực tiếp lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của đại diện các đơn vị là điển hình tiên tiến ngành dệt may Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, các doanh nghiệp dệt may đã làm tốt nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho người lao động; có kết quả sản xuất, kinh doanh tăng trưởng và bảo đảm được đời sống người lao động.
Chủ tịch nước cho rằng, dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất mũi nhọn để phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19 của đất nước với số lượng người lao động quy mô lớn. Toàn ngành đã “biến nguy thành cơ”, tăng trưởng trên 15% trong 6 tháng đầu năm 2021. Vinatex đã phát huy vai trò đầu tầu, hạt nhân của ngành; có mức tăng trưởng cao, bình quân thu nhập khá, đạt kết quả tương đối toàn diện. Toàn ngành đã làm tốt mô hình sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến". Nhờ đó, đưa Việt Nam là một trong hai quốc gia dẫn đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Chủ tịch nước ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, công nhân, người lao động của ngành dệt may Việt Nam; vừa duy trì tăng trưởng, vừa bảo đảm an toàn. Khí thế thi đua trong ngành sôi nổi; sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; lựa chọn những sản phẩm, doanh nghiệp ưu tiên trong sản xuất và hỗ trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Đặc biệt, Chủ tịch nước hoan nghênh ngành dệt may Việt Nam đã phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của cả ngành.
Ghi nhận những kiến nghị tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước đề nghị ngành dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam bám sát thực tiễn, tự chủ sáng tạo, tự lực tự cường, bảo đảm hoàn thành mục tiêu kép, linh hoạt trong lựa chọn mục tiêu ưu tiên trong từng thời kỳ, giai đoạn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Cần có giải pháp ưu tiên ở từng doanh nghiệp, từng giai đoạn, từng loại sản phẩm. Toàn ngành cần tiếp tục tuyên truyền bảo đảm người lao động thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó là động viên người lao động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Các doanh nghiệp trên các địa bàn khác nhau cần phát huy tối đa năng lực duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chủ tịch nước lưu ý các ngành, các cấp, trong bối cảnh dịch bệnh đang ở đỉnh cao thì cần chuẩn bị thật tốt để có thể sản xuất trở lại ngay khi có điều kiện. Chủ tịch nước đề nghị ngành dệt may Việt Nam phát huy mạnh mẽ chuyển đổi số, kinh doanh số, tái cung ứng sản phẩm để có hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao hơn.
Đặc biệt, Chủ tịch nước yêu cầu các đảng bộ, chi bộ, các doanh nghiệp trực thuộc của ngành dệt may Việt Nam phải phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn trong vận động công nhân, người lao động đoàn kết, phòng, chống dịch COVID-19; tránh bị các thế lực khác lôi kéo, dụ dỗ, lợi dụng.
Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, ngành y tế quan tâm hơn nữa đến ngành dệt may, nhất là hỗ trợ nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho công nhân, người lao động, những người trực tiếp sản xuất, tạo ra hàng hóa xuất khẩu và cung ứng cho các thị trường trong nước và quốc tế, trong đó có mặt hàng khẩu trang - công cụ thiết yếu cho phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch nước cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các tỉnh phía Nam có chính sách sớm đưa người lao động trở lại làm việc khi có điều kiện; cần có chính sách tiêm vaccine để người lao động yên tâm ở lại địa phương, lao động, sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Chủ tịch nước gửi lời thăm hỏi, động viên đến gần 3 triệu người lao động của ngành dệt may Việt Nam; đề nghị các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ người lao động trong sinh hoạt và đời sống như tiền điện, tiền nước, viễn thông… Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đẩy mạnh phát động thi đua trong công nhân, người lao động nói chung và ngành dệt may nói riêng để nhân lên nhiều hơn nữa những “bông hoa đẹp” hoàn thành tốt việc thực hiện mục tiêu kép./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Bộ trưởng Quốc phòng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thăm chính thức Việt Nam  (30/07/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch COVID-19  (29/07/2021)
Quốc hội khóa XV bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ  (26/07/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ tại Hà Nam  (23/07/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển