Ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Nguyễn Thị Thu Thanh
Tạp chí Cộng sản
22:23, ngày 22-07-2021

TCCS - Ngày 22-7-2021, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe: Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân gửi đến kỳ họp thứ nhất; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Quốc hội_Ảnh: Thu Thanh

Tại hội trường, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.         

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt được những kết quả tích cực; kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với cùng kỳ, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng, chống dịch, quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, trong đó, các các ngành dịch vụ thiệt hại nặng nề nhất, như lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi…

Báo cáo cũng nêu những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện “mục tiêu kép”, đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp cận các nguồn vacccine. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành chính sách về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau: làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng đề án về nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vacccine và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện; thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vacccine, tiêm phòng miễn phí cho người dân.

Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ khẳng định quan điểm quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội; tích cực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo_Ảnh: Thu Thanh

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Quốc Hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Theo đó, cử tri và nhân dân đánh giá cao những kết quả to lớn, toàn diện mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trên các lĩnh vực. Bên cạnh sự vui mừng trước những kết quả quan trọng đã đạt được, cử tri và nhân dân còn có những băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề, như: Tình hình cung ứng vaccine, vì nếu không đạt được kế hoạch tiêm chủng vaccine thì kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sẽ có độ trễ, đời sống của nhân dân tiếp tục khó khăn, nhất là các đối tượng yếu thế,…; công tác triển khai thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, của Chính phủ, về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 còn lúng túng, xác định đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp với bối cảnh, tình hình; giải ngân đạt tỷ lệ thấp, không đạt được mục tiêu như dự kiến; chỉ còn 5 tháng nữa kết thúc năm 2021, trong khi một số vướng mắc, bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật đã tồn tại từ lâu, chưa được khắc phục, nếu Chính phủ, Quốc hội không tháo gỡ kịp thời các “nút thắt” này thì khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 sẽ rất khó khăn… Trước những ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết kịp thời, hiệu quả ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016 - 2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019_Ảnh: Thu Thanh

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021 Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2019 cho thấy, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Trong đó, kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến ngày 31-12-2020 đạt 73,5% tổng số kiến nghị. Ngoài ra, đến ngày 31-12-2020, các đơn vị được kiểm toán thực hiện thêm hơn 7.040 tỷ đồng kiến nghị tồn đọng từ năm 2018 trở về trước. Kiểm toán nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của Kiểm toán nhà nước.

Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc Hội Nguyễn Phú Cường cho biết, năm 2019, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán đáp ứng nhu cầu chi; bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép. Kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm. Quyết toán chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập và cần các giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội họp riêng nghe Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 Phạm Minh Chính trình bày tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025./.