Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV bảo đảm nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch
TCCS - Ngày 17-7-2021, Quốc hội tổ chức họp báo thông báo nội dung Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV. Theo đó, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20-7-2021 tại nhà Quốc hội, Hà Nội. Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 11,5 ngày (bế mạc vào ngày 31-7-2021), rút ngắn 5 ngày làm việc so với dự kiến, đồng thời làm việc không nghỉ ngày thứ 7.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp. Đặc biệt, chúng ta đang tích cực triển khai công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 - đợt dịch bùng phát lần thứ tư với diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm ở các địa phương trong cả nước. Kỳ họp lần này có vai trò rất quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn, kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự (kiện toàn 50 chức danh) cụ thể như sau:
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh (nếu có); phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. Quốc hội xem xét, quyết định: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, thông qua các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, để tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị chu đáo nội dung, chương trình kỳ họp; các điều kiện bảo đảm và phương thức tổ chức kỳ họp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Văn phòng Quốc hội đã và đang thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 cho các đại biểu Quốc hội, cán bộ tham gia phục vụ kỳ họp và phóng viên, báo chí tham gia tuyên truyền về kỳ họp. Tổ chức tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19 trước kỳ họp cho các đại biểu Quốc hội, cán bộ tham gia phục vụ kỳ họp và phóng viên, báo chí tham gia tuyên truyền về kỳ họp nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Tính đến ngày 17-7-2021, có 435/499 đại biểu Quốc hội (chiếm 87%) được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đối với 64 trường hợp đại biểu Quốc hội còn lại, Văn phòng Quốc hội đang tiếp tục rà soát, xác minh để tiến hành tổ chức tiêm ngừa vaccine, bảo đảm an toàn cho các đại biểu.
Các đại biểu Quốc hội đến từ địa phương có dịch sẽ được đưa đón riêng, ở nhà khách riêng và ngồi họp riêng một khu vực trong phòng họp Diên Hồng. Có phương án bố trí phương tiện tối tân như máy phát hiện COVID-19 qua hơi thở tại nhà Quốc hội. Bố trí phương án các phòng làm việc riêng khi đại biểu có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19. Cán bộ, nhân viên đại diện của Bộ Y tế và Văn phòng Quốc hội sẽ túc trực tại nhà Quốc hội để xử lý các vấn đề phát sinh nếu có, nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại kỳ họp./.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Cấp ủy Đảng phải coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1  (17/07/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính họp trực tuyến với các tỉnh, thành phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19  (16/07/2021)
“Ba tại chỗ” trên các công trình dầu khí  (15/07/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở tỉnh Long An, tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh  (11/07/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam