Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19
TCCS - Ngày 5-6-2021, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Cùng dự có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; đại diện một số tỉnh, thành phố; đại diện các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo, doanh nghiệp có đóng góp cho Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng tình, trách nhiệm của toàn thể nhân dân với phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, Việt Nam đã được ghi nhận là điểm sáng trên thế giới về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K+vaccine” và ứng dụng công nghệ rộng rãi để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển kinh tế. Trong đó, tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết đinh để thoát khỏi đại dịch.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, khi đất nước ta gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí sắc bén nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và viết nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong cuộc chiến chống COVID-19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường. Truyền thống “thương người như thể thương thân” hay “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” đã hun đúc trong mỗi người con đất Việt và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Truyền thống ấy càng tỏa sáng mỗi khi đất nước chúng ta gặp khó khăn như chiến tranh, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… Chính vì vậy, sự chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của nhân dân với Nhà nước là nhân tố quan trọng để tin rằng Quỹ vaccine phòng COVID-19 sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Nhà nước ta đã nỗ lực gỡ bỏ mọi khó khăn, vướng mắc về cơ chế, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để chúng ta có vaccine sớm nhất tiêm miễn phí cho toàn dân. Đồng thời chia sẻ, dù chúng ta rất nỗ lực nhưng nguồn vaccine trên thế giới cũng hạn chế và họ sẽ ưu tiên cho những quốc gia có tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh hơn chúng ta.
Việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là một chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị để huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng, chống dịch. Cuộc chiến với COVID-19 bằng vaccine phải đi đường dài, phải tiêm cho nhân dân hằng năm. Đảng, Nhà nước hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước nên bảo đảm quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đất nước ta còn khó khăn, Đảng và Nhà nước đã và đang cố gắng nhưng cần sự chung tay góp sức bằng tấm lòng và trái tim của cả cộng đồng, xã hội. Thủ tướng thay mặt Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng cùng chống dịch. Vì mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn của bản thân mỗi người, gia đình, cộng đồng và cả xã hội.
Thủ tướng xúc động chia sẻ, Quỹ vaccine là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch COVID-19.
Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng lòng, đồng hành và chia sẻ để cùng nhau chiến thắng đại dịch, để nhân dân được sống trong ngôi nhà lớn - Việt Nam an toàn, mạnh khỏe và thịnh vượng.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước tính hơn 25 nghìn tỷ đồng. Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp cả ở trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện hiệu quả “chiến lược vaccine” gồm mua, nhập khẩu vaccine, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân. Tính đến chiều ngày 5-6-2021, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận 1.036 tỷ đồng và cam kết ủng hộ 6.600 tỷ đồng.
Ngay tại lễ ra mắt, nhiều tổ chức, cá nhân đã trao tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Trong đó, có học sinh, cán bộ hưu trí, chức sắc tôn giáo đã dành một phần thu nhập, tiết kiệm để ủng hộ Quỹ như cụ Nguyễn Mạnh Tường 82 tuổi, cán bộ hưu trí ngành đường sắt; em Lê Đức Hiếu, học sinh Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái, Ba Đình, Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam… Có nhiều doanh nghiệp trao hàng trăm tỷ đồng góp vào Quỹ như: Công ty Golf Long Thành ủng hộ 500 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup 480 tỷ đồng, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Viettel 450 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam mỗi đơn vị 400 tỷ đồng…/.
Trung Duy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư tới Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin  (02/06/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu  (01/06/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu  (28/05/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động đợt cao điểm vận động nhân dân cả nước ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19  (27/05/2021)
Petrovietnam trao ủng hộ 50 tỷ đồng cho quỹ vắc-xin phòng COVID-19  (27/05/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển