Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động đợt cao điểm vận động nhân dân cả nước ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19
TCCS - Ngày 27-5-2021, phát biểu tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tùy theo điều kiện, khả năng mà tham gia ủng hộ vật chất và tinh thần, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng dịch COVID-19.
Buổi lễ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến trên toàn quốc nhằm vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng cả hệ thống chính trị đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam là dân tộc có truyền thống đoàn kết sắt son, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức, không có khó khăn nào không thể vượt qua. Tại thời điểm này, phẩm chất của dân tộc Việt Nam lại một lần nữa được phát huy khi đương đầu với đại dịch COVID-19. Chủ tịch nước bày tỏ sự cảm động và biết ơn đối với đội ngũ cán bộ y tế đang ngày đêm bám sát các các điểm nóng như: Bắc Giang, Bắc Ninh…, chấp nhận rủi ro để kiềm chế đại dịch, bảo vệ tính mạng của nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực không ngừng nghỉ cả ngày và đêm của toàn bộ hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể nhân dân, các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, nhất là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng...
“Tôi vô cùng cảm động khi nhìn thấy những khóe mắt đỏ cay, những vành mắt quầng thâm và luôn thấu hiểu sự vất vả, nguy hiểm, sự hy sinh của những người làm công tác chống dịch ở tuyến đầu mặt trận", Chủ tịch nước xúc động nói và gửi lời thăm hỏi, chia sẻ khó khăn tới các bệnh viện, các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp và hộ gia đình đang phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. Chủ tịch nước đặc biệt ghi nhận sự đóng góp từ phía đội ngũ các nhân viên y tế, các lực lượng chức năng đang vượt qua khó khăn bất kể ngày đêm, bất chấp mọi hiểm nguy để bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Nhắc lại năm 2020 là năm đầy khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, Chủ tịch nước nêu rõ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nước ta đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng; thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm sức khỏe của người dân, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Với tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”, Việt Nam đã trở thành điểm sáng của thế giới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với hiệu quả cao và chi phí thấp. Theo Chủ tịch nước, những thắng lợi bước đầu này có được là nhờ niềm tin sắt son, tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng ủng hộ của người dân và sự hòa quyện của “ý Đảng, lòng dân”.
Chủ tịch nước bày tỏ xúc động trước nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống dịch COVID-19, thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Nhiều người đã sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác. Có những cháu bé đã dùng tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người. Các cụ ông, cụ bà trên 90 tuổi, trên 100 tuổi, đã dành những đồng tiền tiết kiệm để ủng hộ nhiều tấn gạo. Có những người nông dân nghèo bán cả mảnh đất, tài sản lớn nhất của gia đình, để đóng góp cho việc phòng, chống dịch. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp, bộ, ngành, cán bộ khoa học đã tình nguyện đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực cho công tác phòng, chống dịch. Kiều bào ở nước ngoài, các chính phủ bạn bè năm châu cũng đã nhường cơm sẻ áo, tài trợ tiền, vật tư y tế, vaccine cho Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn, trân trọng, ghi nhận những đóng góp quý giá của các nhà hảo tâm và tất cả đồng chí, đồng bào, nhờ đó đã bổ sung nguồn lực, cùng chính quyền các cấp hỗ trợ kịp thời các cá nhân, hộ gia đình trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhắc đến lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Chủ tịch nước kêu gọi tất cả mọi người hãy cùng nhau đoàn kết, dựa vào dân, tạo nên sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch.
Trước bối cảnh đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh trở lại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo ngành y tế khẩn trương khai thác nguồn cung ứng và tổ chức tiêm vaccine cho nhân dân trên cả nước. Chính phủ đã lập Quỹ Phòng, chống COVID-19 từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước tổ chức phát động, vận động nguồn lực xã hội chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ và các ngành trong công tác phòng, chống COVID-19.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời điểm này, đất nước rất cần sự chủ động chung tay góp sức của mỗi người dân. Những lúc khó khăn nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện khí chất, tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “bầu ơi, thương lấy bí cùng”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; cùng hành động và có trách nhiệm vì đất nước, vì nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tổ chức và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các tôn giáo, bạn bè và nhân dân các nước, tham gia đóng góp để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sớm chiến thắng dịch bệnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành và toàn dân quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc"; đề nghị Chính phủ dồn mọi nguồn lực, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong phòng, chống đại dịch COVID-19; kiểm soát nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, dập dịch triệt để từ bên trong, truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa và giãn cách xã hội ở phạm vi và thời hạn cần thiết, chặn đứng nguồn lây; đề cao chiến lược “5K + vaccine”; thần tốc xét nghiệm và tiêm vaccine cho nhân dân; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu dân cư đông người.
Chủ tịch nước nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm đủ vaccine phòng COVID-19 ở thời điểm này có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả chống dịch, đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường cũng như thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Chủ tịch nước cũng đề nghị tiếp tục duy trì thông tin đến người dân một cách chính xác, kịp thời, hiệu quả, góp phần tạo động lực xã hội, nâng cao nhận thức, chủ động của người dân trong cuộc chiến chống dịch.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các chức sắc tôn giáo đã quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ban tổ chức, ngay tại buổi lễ, tổng số tiền mà các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký ủng hộ là trên 2.700 tỷ đồng. Riêng Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký ủng hộ hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó sẽ chuyển về Trung ương 510 tỷ đồng. Trước đó, tính từ ngày 27-4-2021 đến ngày 26-5-2021, cả nước đã huy động được 1.304 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại lễ phát động, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng phát lời kêu gọi: "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19"./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Petrovietnam trao ủng hộ 50 tỷ đồng cho quỹ vắc-xin phòng COVID-19  (27/05/2021)
Vietcombank tài trợ 40 tỷ đồng phòng, chống dịch COVID-19  (27/05/2021)
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc ủng hộ 1 tỷ đổng cùng Bắc Giang, Bắc Ninh phòng, chống đại dịch COVID-19  (27/05/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Huy động tổng lực, đẩy lùi dịch COVID-19 tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh  (27/05/2021)
VietinBank dành gần 100 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19  (25/05/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên