Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thường kỳ tháng 5-2021
TCCS - Ngày 3-6-2021, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Phiên họp thường kỳ tháng 5-2021.
Ngoài các thành viên Chính phủ, tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu dự phiên họp tập trung thảo luận các vấn đề trên tinh thần: nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; người dân, doanh nghiệp hưởng ứng thật và được thụ hưởng thật các thành quả.
Tại phiên họp, các đại biểu nghe báo cáo và thảo luận về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tháng 5 và 5 tháng năm 2021; dự báo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Chính phủ cũng xem xét các đề án về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV và một số vấn đề quan trọng khác.
Về dịch COVID-19, tính từ ngày 27-4-2021 đến nay, Việt Nam ghi nhận 4.780 ca mắc COVID-19 mới. Hiện tại, nước ta đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố với hơn 1,1 triệu liều, trong đó, 31.177 người đã được tiêm đủ 2 mũi. Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, số ca mắc trong cộng đồng đã được phát hiện sớm, chính quyền và cơ quan chức năng kịp thời áp dụng biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, dịch COVID-19 còn đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức, đặc biệt tại một số điểm dịch ở tỉnh Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh... Do đó, chúng ta cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cao như hiện tại, thậm chí cao hơn để bảo đảm được khả năng khống chế dịch bệnh trên địa bàn phạm vi toàn quốc.
Về tình hình kinh tế, trong tháng 5 và 5 tháng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nước ta vẫn đạt được các kết quả nổi bật như: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất, tỷ giá ổn định, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài... Trong đó, tính lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, tăng 8,8%; xuất khẩu đạt trên 130 tỷ USD, nhập khẩu trên 131 tỷ USD, nhập siêu 0,37 tỷ USD; chỉ số CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29% so cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước đạt gần 50% dự toán năm, tăng 15,2% so cùng kỳ...
Phiên họp cũng làm rõ, phân tích kỹ lưỡng một số hạn chế, bất cập như: một số cơ quan, địa phương, cá nhân còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhất là vốn ODA…
Phát biểu kết luận phiên họp buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong tháng 5-2021, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là bảo vệ và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiếp tục nhiệm vụ duy trì, khôi phục kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; kết thúc năm học 2020 - 2021 trong khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đợt thứ 4 với diễn biến phức tạp hơn.
Thủ tướng khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn dân, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, từng bước bị đẩy lùi tại các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, vì vậy cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao; tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công; thực hiện hiệu quả hơn “chiến lược vaccine”; triển khai ứng dụng công nghệ bắt buộc vào phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2021 vẫn đạt được các kết quả nổi bật: bảo vệ và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; lãi suất, tỷ giá ổn định; sản xuất công nghiệp tăng khá; duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu; tăng thu hút đầu tư nước ngoài; thu ngân sách đạt kết quả tương đối tốt; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định; quốc phòng, an ninh quốc gia được giữ vững; đối ngoại được tăng cường... Những kết quả đó thể hiện và củng cố, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ý Đảng hợp lòng dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, như: Vẫn còn có nơi, có lúc bị động, lúng túng trong phòng, chống dịch COVID-19; chiến lược vaccine triển khai còn chậm; đầu tư công vẫn chậm và khó khăn, chưa đạt mục tiêu về tiến độ; nhập siêu có dấu hiệu tăng; xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối có vốn đầu tư nước ngoài; tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng xuất hiện nhiều và ảnh hưởng tới đời sống xã hội.
Thủ tướng chỉ rõ, những tồn tại, khó khăn trên chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, như: Một số bộ, ngành chưa nắm chắc, bám sát tình hình, đưa ra giải pháp chưa phù hợp, kém hiệu quả, điều hành lúng túng; vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ; một số cá nhân, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức và điều hành công việc thuộc phạm vi, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao.
Nhận định về tình hình sắp tới, Thủ tướng cho rằng, khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen, song dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn vì dịch COVID-19 nguy cơ bùng phát mạnh hơn, ảnh hưởng lớn hơn. Chúng ta kiên định mục tiêu kiềm chế, đẩy lùi và ngăn chặn có hiệu quả làn sóng dịch lần thứ 4 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế sau đợt dịch; giữ vững ổn định chính trị; củng cố và tăng cường đối ngoại; bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân; bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng chịu tác động bởi dịch và các đối tượng yếu thế... Phấn đấu tối đa để hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội giao, cũng như các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành thực hiện các giải pháp như: Tăng cường nhận thức về những khó khăn, thách thức, vướng mắc đang phải đối diện để nỗ lực và lấy đó làm động lực để phấn dấu, vươn lên khẳng định và phát triển; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để bám sát tình hình, nắm chắc tình hình, nhất là tình hình thực tiễn, từ đó có lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, sát tình hình, khả thi và mang lại hiệu quả rõ rệt trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng chính sách tiền tệ, tài khóa hài hòa, hợp lý để vừa bảo đảm kiềm chế lạm phát, vừa bảo đảm tăng trưởng; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến vaccine, đầu tư công, kinh tế vĩ mô, các dự án thua lỗ, yếu kém; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, đặc biệt là tiết kiệm ngân sách để chi cho các dự án trọng điểm và vùng đặc biệt khó khăn; khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị quyết về chính sách cho lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19; tiếp tục kiểm soát xuất nhập cảnh, xử lý nghiêm hành vi xuất nhập cảnh, cư trú trái phép.
Riêng về đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm, điều chỉnh việc bố trí vốn đầu tư công sát tình hình, bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các cấp chính quyền, nhất là các địa phương trọng tâm của dịch COVID-19 như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh và các lực lượng tuyến đầu chống dịch như quân đội, công an, đặc biệt là lực lượng y tế, đã quyết liệt, không quản khó khăn, gian khổ trong phòng, chống dịch COVID-19, vì sức khỏe nhân dân.
Phiên họp chiều thảo luận về Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới đề án, như: Đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương trong đầu tư, xây dựng, bảo trì và khai thác các tuyến cao tốc; đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong giải phóng mặt bằng; thực hiện phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, lấy vốn nhà nước làm “vốn mồi” để huy động tối đa các nguồn lực, từ các thành phần kinh tế khác đầu tư vào cao tốc; việc đầu tư cao tốc phải có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp hợp lý, hài hòa để vừa phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, vừa ưu tiên các vùng khó khăn; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, các dự án vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; phấn đấu giảm thời gian triển khai dự án để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả.
Kết luận về nội dung này, Thủ tướng đánh giá cao và cơ bản tán thành với nội dung do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo, cũng như các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương tại phiên họp. Thủ tướng nhận định, việc phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, với 4.000km trong 10 năm tới là một vấn đề hết sức khó khăn, do đó cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc; với tinh thần lấy khó khăn làm động lực để phấn đấu phát triển, đi lên. Theo Thủ tướng, nếu chúng ta thực hiện được mục tiêu này, cũng chính là thực hiện 3 đột phát chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Đặc biệt, qua đó tiếp tục khẳng định, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc xây dựng đường bộ cao tốc phải dựa trên nguyên tắc: bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa vùng động lực với vùng khó khăn bị ảnh hưởng; hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân, Nhà nước; hài hòa giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại và an sinh xã hội; quy hoạch làm đường phải thẳng nhất có thể, để tránh phải giải phóng mặt bằng lớn, giảm đầu tư và khai thác quỹ đất mới; quy hoạch đường bộ cao tốc gắn với không gian phát triển kinh tế, xã hội và khai thác hiệu quả quỹ đất được tạo ra; đánh giá tác động mọi mặt về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa.
Để thực hiện được mục tiêu, theo Thủ tướng, đề án cần xây dựng với 3 đột phá lớn: Về huy động nguồn lực; phân cấp quản lý, khai thác; vấn đề liên quan tới mặt bằng và nguyên liệu phục vụ xây dựng cao tốc.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu các ý kiến, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị, địa phương liên quan hoàn thiện đề án để Chính phủ trình, xin ý kiến Bộ Chính trị và Quốc hội./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư tới Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin  (02/06/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu  (01/06/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu  (28/05/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động đợt cao điểm vận động nhân dân cả nước ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19  (27/05/2021)
Petrovietnam trao ủng hộ 50 tỷ đồng cho quỹ vắc-xin phòng COVID-19  (27/05/2021)
Vietcombank tài trợ 40 tỷ đồng phòng, chống dịch COVID-19  (27/05/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển