Mục tiêu lớn cần giải pháp đúng

Trần Hạnh
00:24, ngày 31-07-2020

TCCS - Giai đoạn 2020 - 2025, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phải bám sát xu thế phát triển của thế giới, chiến lược phát triển đất nước, chủ động thích nghi với các hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế mới; tăng cường năng lực dự báo, quản trị rủi ro; ứng phó hiệu quả các biến động, bất định; đối diện với suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu do dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn trên Biển Đông đứng trước thách thức, nguy cơ lớn.

Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khóa II_Ảnh: Trần Hạnh

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn sẽ kiên định phát triển với mục tiêu tổng quát là: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giữ vai trò nòng cốt, chủ lực, đầu tầu, có tiềm lực mạnh về tài chính và trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến; có sức cạnh tranh cao, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển ngành dầu khí. Tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Bảo toàn và phát triển nguồn vốn; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, toàn Đảng bộ sẽ phải tập trung: Nâng cao vai trò và trách nhiệm lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng trong Tập đoàn, thông qua triển khai học tập, quán triệt, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; công tác chính trị, tư tưởng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác cán bộ; công tác kiểm tra - giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chú trọng công tác dân vận, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp hành động, cùng với chuyên môn phát huy sức mạnh của người lao động, đoàn viên, hội viên trong thực hiện chiến lược phát triển ngành dầu khí. Coi trọng công tác truyền thông, phát triển thương hiệu gắn với công tác an sinh xã hội. Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở trong cơ quan, doanh nghiệp. Đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định của cấp ủy: quy chế làm việc, quan hệ công tác, quản lý cán bộ theo quy định của Đảng. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong doanh nghiệp khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chức năng nhiệm vụ tổ chức đảng trong từng loại hình đơn vị, doanh nghiệp; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong thực thi nghị quyết của Đảng, xây dựng các nghị quyết, quy định của cấp ủy với các quy định của cấp quản lý, điều hành về công tác tổ chức và cán bộ đảm bảo nguyên tắc: Đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và thống nhất quản lý cán bộ.

Tăng cường công tác quản trị chiến lược từ khâu hoạch định, thiết lập, triển khai tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá và khắc phục điều chỉnh chiến lược nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược phát triển dài hạn của Tập đoàn. Song song với phát triển năng lượng truyền thống, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo bám sát xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu bảo đảm phát triển bền vững. Tiếp tục cải cách, đổi mới, áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, quản lý các nguồn lực của Tập đoàn. Tích cực cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, thực hành tiết kiệm, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh; tái cơ cấu sắp xếp doanh nghiệp, giảm bớt trung gian, tinh gọn bộ máy. Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các lĩnh vực nhà nước không cần nắm vốn chi phối, hợp nhất các đơn vị có cùng chức năng nhiệm vụ, xử lý, tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ. Trong quá trình thực hiện bộ Quy chế Quản trị Công ty Mẹ - Tập đoàn thường xuyên cập nhật phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp; kiên quyết chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân; phân cấp, phân quyền rõ ràng đi đôi với chế tài xử lý trách nhiệm giữa Tập đoàn và người đại diện Tập đoàn tại đơn vị, doanh nghiệp. Tổng hợp các dữ liệu để nhận định rủi ro trọng yếu; coi quản trị sự thay đổi là công tác liên tục của Tập đoàn trong từng lĩnh vực, nhiệm vụ chuyên môn nhằm định hướng và thiết lập, xây dựng các quy trình, quy chế kiểm soát rủi ro phù hợp với mô hình hoạt động của Tập đoàn.

Tập trung xử lý các tồn tại tài chính trước đây một cách toàn diện và triệt để. Chú trọng công tác quản trị tài chính từ khâu lập kế hoạch trên cơ sở các giả định thị trường, từ đó hoàn thiện hệ thống báo cáo quản trị, phân tích tài chính làm cơ sở để ra quyết định đúng đắn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đề xuất kiến nghị Nhà nước hoàn thiện cơ chế tài chính phù hợp với mô hình phát triển doanh nghiệp dầu khí. Chủ động, linh hoạt trong việc thu hút vốn qua các quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán, trái phiếu... đáp ứng nhu cầu phát triển, chia sẻ rủi ro, thu hồi vốn và bổ sung vốn chủ sở hữu.

Rà soát tổng thể các dự án đầu tư đang triển khai; tập trung nguồn lực vào các dự án có hiệu quả cao, các dự án cấp bách; quyết liệt xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng kéo dài. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là các chuỗi dự án khí - điện. Đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với cam kết quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế khác vào hoạt động dầu khí, đặc biệt là trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, chế biến dầu khí và đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Tối ưu hóa nguồn lực giữa các đơn vị, các khối trong Tập đoàn; phát huy thế mạnh, nâng cao lợi thế cạnh tranh của từng đơn vị để phát triển một hoặc nhiều chuỗi giá trị.

Người lao động dầu khí trên giàn PQH-HT thuộc dự án Biển Đông 01_Ảnh: Hạnh Trần

Cơ cấu lại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển nguồn nhân lực dầu khí chuyên nghiệp, theo tiêu chuẩn quốc tế; chú trọng đào tạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành; ưu tiên đào tạo về chuyên môn, kỹ năng thuộc các lĩnh vực kinh doanh chính, chuyên gia thuộc các lĩnh vực cốt lõi. Xây dựng chế độ thù lao, thu nhập của người lao động có chuyên môn cao tiệm cận với thu nhập của các nước trong khu vực.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến kết hợp với các chính sách khuyến khích phù hợp để gia tăng hiệu số thu hồi dầu cũng như đưa các mỏ nhỏ, mỏ cận biên vào phát triển khai thác. Chủ động và tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để sớm triển khai ứng dụng các giải pháp thích hợp, đồng thời với xây dựng hệ sinh thái số nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị. Coi công tác quản lý an toàn, an ninh, môi trường là văn hóa đặc trưng của Tập đoàn.

Thông qua tái tạo văn hóa Petrovietnam làm cho các giá trị văn hoá thấm sâu vào mọi hoạt động của tổ chức Đảng, hoạt động quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh trong Tập đoàn và các đơn vị thành viên, tạo môi trường cho cán bộ, đảng viên tu dưỡng, giữ gìn đạo đức, phẩm chất, lối sống; người lao động dầu khí tin tưởng, yên tâm, tự hào và gắn bó với Tập đoàn Dầu khí. Tuyên truyền, vận động, tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trong tái tạo văn hóa Petrovietnam của cán bộ, công nhân viên.

Thực hiện hợp tác có hiệu quả các quy chế phối hợp và các thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để chủ động chuẩn bị thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát, điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Có chính sách thu hút, hợp tác với các công ty dầu khí thuộc các nước lớn đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền trên biển.

***

Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là dịp tổng kết chặng đường 5 năm đã qua với những khó khăn liên tiếp, chưa từng có trong lịch sử Tập đoàn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bất thường càng tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ của người dầu khí; qua đây, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm với Đảng, với Nhà nước, với cán bộ, công nhân viên, người lao động dầu khí và nhân dân. Với tinh thần Bản lĩnh - Trách nhiệm - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động, Đảng bộ Tập đoàn sẽ nghiêm túc khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, tận dụng thời cơ, tự tin vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế đất nước; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.