Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật hiện nay
TCCS - Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, ngày 9-11 hằng năm được Nhà nước ấn định là ngày Pháp luật Việt Nam. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật là một yêu cầu pháp lý cơ bản. Trước những yêu cầu ngày càng cấp thiết, việc nâng cao ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật là một nghĩa vụ quan trọng được đặt ra đối với các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức và từng thành viên trong xã hội.
Vai trò của hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền là một giá trị nhân văn, cao quý của nhân loại. Xuất hiện từ thời kỳ Hy Lạp, La Mã cổ đại, nhưng đầu tiên, nhà nước pháp quyền chỉ là những tư tưởng, quan điểm về một mô hình nhà nước hoàn thiện và đề cao giá trị của pháp luật, thể hiện ước muốn, khát vọng của con người về một nhà nước dân chủ và bình đẳng. Pla-tôn (427 - 347 TCN) cho rằng, xây dựng một nhà nước công lý và hoàn thiện là một giá trị cao quý của nhân loại. Ari-xtốt (384 - 322 TCN) luôn đề cao giá trị của pháp luật, theo ông: “Không có điều nào cần phải giữ gìn triệt để hơn là tinh thần thượng tôn pháp luật”(1). Về vị trí và sức mạnh của pháp luật, Xi-xe-rông (106 - 43 TCN) cho rằng, tất cả mọi người đều ở dưới hiệu lực của pháp luật. Thế kỷ XVII, trên thế giới xuất hiện một số lý thuyết về nhà nước pháp quyền với nhiều nguyên lý và đặc trưng cơ bản. Giôn Lốc-cơ đề cao vai trò, tầm quan trọng của pháp luật trong việc quản lý xã hội. Mông-te-xki-ơ đưa ra học thuyết “Tam quyền phân lập” nhằm phân chia và kiểm soát quyền lực nhà nước. Học thuyết này được một số quốc gia tư bản xem là “cứu cánh” trong việc kiểm soát sự lạm dụng quyền lực nhà nước. Luật gia người Anh, A.V. Đi-xây (1835 - 1922) cho rằng, nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền là uy quyền tối cao của pháp luật và bình đẳng trước pháp luật...
Sau cách mạng tư sản, nhà nước tư bản ban hành hiến pháp để khẳng định, củng cố quyền lực. Tại nhiều quốc gia, học thuyết phân chia quyền lực nhà nước được biến thành những nguyên tắc hiến định. Hiến pháp tư bản ra đời là kết quả phái sinh từ trào lưu đòi quyền tự do, dân chủ do giai cấp tư sản thực hiện. Tuy nhiên, xét về bản chất, hiến pháp này là văn bản pháp lý phủ nhận sự tồn tại của chế độ phong kiến, khẳng định quyền lực chính trị của nhà nước tư bản và bảo vệ chế độ tư hữu. Do những nguyên nhân sâu xa, việc bảo vệ hiến pháp là bổn phận của nhà nước tư bản, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản luật. Một số quốc gia còn thành lập những thiết chế chuyên biệt để bảo vệ hiến pháp, như hội đồng hiến pháp, hội đồng bảo hiến hoặc tòa án hiến pháp - một cơ chế bảo hiến phổ biến được thiết lập ở nhiều quốc gia, như Đức, Pháp, I-ta-li-a, Nga... Tòa án hiến pháp là cơ quan được trao quyền xét xử các quyết định vi hiến và hành vi vi hiến. Tuy nhiên, nhiều quốc gia không thành lập thiết chế bảo hiến riêng biệt mà trao quyền và nhiệm vụ bảo hiến cho cơ quan thường trực của nghị viện hoặc tòa án tối cao.
Xuất phát từ sự khác biệt về điều kiện kinh tế, thể chế chính trị, đời sống xã hội nên hiến pháp, pháp luật ở mỗi quốc gia có một số đặc điểm riêng. Xuất hiện đầu tiên trong lịch sử, Hiến pháp Mỹ được ký và có hiệu lực vào năm 1789 chủ yếu tập trung quy định những vấn đề xoay quanh việc phân chia quyền lực nhà nước. Ở nhiều quốc gia khác, bên cạnh việc phân chia quyền lực, hiến pháp còn là văn bản ghi nhận, quy định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có quyền con người. Những quy định về quyền con người thường được sắp đặt thành một chế định pháp lý riêng. Bản chất của nhà nước pháp quyền là hướng đến việc tôn trọng giá trị cao đẹp của con người và bảo vệ quyền con người, được hiện thực hóa bằng những quy định, cơ chế pháp lý trong hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ có những điểm rất đặc thù về vấn đề này. Quyền cơ bản của con người không được đặt thành một chế định riêng trong hiến pháp. Những quyền này của người dân Mỹ chỉ được bổ sung vào hiến pháp bằng một số tu chính án, được thực hiện rải rác từ năm 1791 đến năm 1992. Trong khi đó, Hiến pháp Na Uy năm 1814 quy định rõ, bảo vệ quyền con người là một nguyên tắc cơ bản của hiến pháp. Đối với nhiều quốc gia khác, như Đức, I-ta-li-a, Việt Nam..., chế định quyền con người được đặt ở các vị trí hết sức trang trọng trong hiến pháp.
Nhà nước pháp quyền có những nguyên tắc và đặc trưng cơ bản, nhưng đó không phải là một khuôn mẫu bất biến áp dụng cho tất cả các quốc gia. Trên thế giới, các quốc gia nằm trong hệ thống pháp luật Thông luật (Common law) như Anh, Mỹ, Niu Di-lân..., hệ thống pháp luật Dân sự (Civil law) như Pháp, Đức, I-ta-li-a,... và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa như Việt Nam đều có những đặc điểm và ưu điểm nhất định trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Về bản chất, nhà nước pháp quyền là nhà nước đặt dưới sự điều chỉnh tối cao của pháp luật. Do đó, hệ thống pháp luật ở đây phải hội tụ được một số yêu cầu, như đầy đủ, đồng bộ và nhất quán. Pháp luật của nhà nước pháp quyền phải được xây dựng, ban hành theo kịp các quy luật phát triển của kinh tế và xã hội. Đồng thời, pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất, không thể thay thế, để Nhà nước thực hiện quản lý xã hội. Do vậy, pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi và hiệu quả. Cùng với những yêu cầu trên, pháp luật trong một nhà nước pháp quyền còn phải mang bản chất của một chế độ dân chủ, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và bảo vệ quyền con người.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và vấn đề tuân thủ, thực thi Hiến pháp, pháp luật hiện nay
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chủ trương chiến lược của Đảng, được đưa ra từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, ngày 25-1-1994. Trên mọi phương diện hoạt động, Nhà nước luôn tôn trọng, đề cao pháp luật. Ngay sau khi giành độc lập, tiếp thu hợp lý những tư tưởng lập hiến tinh hoa của nhân loại, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 1946. Các bản Hiến pháp sau đó được ban hành theo sự thay đổi, phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhằm đáp ứng những yêu cầu hội nhập quốc tế, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013. Đây là một bản hiến pháp mới quy định các vấn đề quan trọng nhất, phù hợp yêu cầu của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền và dân chủ. Nguyên tắc tổ chức quyền lực của Nhà nước Việt Nam có những đặc điểm riêng, không giống với mô hình “Tam quyền phân lập”, được áp dụng ở các nước phương Tây. Quyền lực nhà nước được thực hiện trên nguyên tắc thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội là cơ quan lập pháp và giám sát tối cao. Chính phủ thực hiện quyền hành pháp cao nhất. Còn tòa án nhân dân được giao quyền tư pháp, xét xử. Hiến pháp có vị trí đặc biệt quan trọng và được bảo vệ bằng một cơ chế bảo hiến. Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Việc giám sát này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Hiến pháp, giống như những thiết chế bảo hiến khác trên thế giới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan được giao trách nhiệm thực hiện quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban này có các thẩm quyền đình chỉ và trình Quốc hội bãi bỏ việc thi hành văn bản trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; bãi bỏ văn bản trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ và Tòa án tối cao hoạt động dưới sự giám sát của Quốc hội. Cách phân định quyền lực nhà nước và cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Hiến pháp năm 2013 có những nét riêng biệt, dựa trên đặc điểm của hệ thống pháp luật Việt Nam. Những quy định đó hoàn toàn phù hợp với yêu cầu cơ bản, khách quan trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật Việt Nam từng bước được hoàn thiện theo tiêu chí của một Nhà nước pháp quyền. Ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được Đảng, Nhà nước xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Sự ra đời của Hiến pháp năm 1992 và nhiều đạo luật, bộ luật, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự,... đã góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhằm bảo đảm hoạt động của Nhà nước, sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan và đội ngũ công chức, viên chức, Quốc hội đã ban hành các đạo luật, như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Cán bộ, công chức... Quy định về quyền tự do kinh doanh và nhiều quyền con người khác trong Hiến pháp năm 1992 đã mở ra một chương mới cho việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Các đạo luật được ban hành nhằm cụ thể hóa những quyền này, như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Báo chí, Luật Trưng cầu ý dân... Chế định quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 được bổ sung một số nội dung quan trọng. Trên cơ sở đó, các đạo luật về bảo vệ quyền con người, quyền công dân tiếp tục được hoàn thiện.
Trong Nhà nước pháp quyền, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là một yêu cầu cấp thiết, luôn đi cùng trách nhiệm, nghĩa vụ tôn trọng pháp luật của các chủ thể trong xã hội. Thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ý thức tuân thủ pháp luật được nâng lên. Về cơ bản các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ đã nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành đúng trình tự, thủ tục, kịp thời, có tính khả thi cao, việc theo dõi thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tình trạng vi phạm, xem thường pháp luật diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát trên nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-5-2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đã phát hiện 300 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền và nội dung, đồng thời phát hiện 2.200 văn bản quy phạm pháp luật sai về căn cứ pháp lý, thể thức văn bản(2). Tính riêng trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã phát hiện 157 văn bản trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền, trong đó 26 văn bản của các cơ quan cấp bộ và 131 văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương. Một số người đứng đầu các cơ quan, có trách nhiệm làm gương, giữ gìn kỷ cương lại chính là những người có hành vi vi phạm pháp luật. Ở một số nơi, nhiều cán bộ, công chức trong một cơ quan cùng thực hiện hành vi trái luật. Có nơi, cả tập thể lãnh đạo cùng vi phạm. Về hoạt động xét xử, tình trạng bản án, quyết định bị hủy, bị sửa của tòa án các cấp vẫn còn tồn tại. Nhiều bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của những người tiến hành tố tụng.
Trong một Nhà nước pháp quyền, tôn trọng Hiến pháp, pháp luật là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi công dân. Điều 46 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật”. Nhằm nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật trong nhân dân, Nhà nước có trách nhiệm trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Thời gian qua, hoạt động này đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trình độ pháp luật, ý thức tự giác tuân thủ Hiến pháp, pháp luật trong xã hội hiện nay chưa đáp ứng những yêu cầu trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Hành vi gian lận còn diễn ra khá phổ biến trong hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại. Do thiếu hiểu biết, không ít cá nhân bị các phần tử xấu kích động, xúi giục thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều tranh chấp dân sự không được giải quyết trên cơ sở quy định pháp luật. Một số cá nhân tự ý dùng vũ lực để giải quyết, dẫn đến việc vi phạm pháp luật. Tình trạng thiếu ý thức, trách nhiệm công dân, vô cảm, vô vi trước những hành vi trái pháp luật còn khá phổ biến trong xã hội.
Tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, trong đó có những nguyên nhân thuộc về phía các cơ quan nhà nước. Sự thiếu hoàn thiện của hệ thống pháp luật, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật chưa đạt hiệu quả mong muốn, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn,... là những nguyên nhân của tình trạng kỷ cương, phép nước bị xem thường. Vì vậy, để nâng cao ý thức tôn trọng, thực thi pháp luật, cần xác định những vướng mắc, tồn tại, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của pháp luật hiện nay.
Tồn tại, hạn chế trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và những biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp luật
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhiệm vụ, yêu cầu cấp thiết trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh”(3). Những năm qua, Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra: “Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, còn chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế”(4). Vì vậy, để phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống pháp luật, cần làm rõ những điểm thiếu hợp lý đang tồn tại hiện nay.
Trước hết, về tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do hệ thống pháp luật chưa bảo đảm tính thống nhất nội tại nên còn xảy ra tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tùy tiện, sai về nội dung, thẩm quyền. Có những văn bản không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Sự thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật ảnh hưởng đáng kể đến giá trị pháp lý của các văn bản pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Hiến pháp năm 2013 chưa bao quát hết đối tượng điều chỉnh, chủ yếu tập trung vào việc phát hiện, ngăn chặn và vô hiệu hóa các văn bản trái Hiến pháp. Trong khi đó, trách nhiệm pháp lý của hành vi vi hiến chưa được quy định rõ. Việc ban hành văn bản trái pháp luật gây ra nhiều hậu quả pháp lý và những thiệt hại đáng kể về vật chất, tinh thần cho nhiều chủ thể, tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với loại vi phạm này vẫn chưa được xem xét đầy đủ. Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật còn đưa ra các yêu cầu, điều kiện rất khó thực hiện, ảnh hưởng đến tính khả thi của các văn bản pháp luật, đồng thời gây khó khăn, tốn phí cho cá nhân và xã hội. Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật còn tồn tại, ảnh hưởng đến việc thực hiện, áp dụng pháp luật, khiến việc giải quyết các thủ tục hành chính, pháp lý mất nhiều thời gian. Những vấn đề tồn tại trong hệ thống pháp luật trên đây khiến hiệu lực, hiệu quả của pháp luật bị suy giảm, ảnh hưởng đến niềm tin, tâm lý của người dân đối với pháp luật.
Tổ chức thi hành pháp luật là hoạt động bảo đảm việc thực thi, hiệu lực, hiệu quả, tính nghiêm minh của pháp luật. Nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Thông qua việc hướng dẫn thi hành, chương trình, kế hoạch thi hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực và phát huy sức mạnh trong đời sống. Tuy nhiên, tổ chức thi hành pháp luật là công việc còn mới. Luật về tổ chức thi hành pháp luật chưa được ban hành. Nhiều quy định pháp lý về vấn đề này đang được nghiên cứu, bổ sung, như mục tiêu, quy trình, cơ chế thi hành... Trên thực tế, hoạt động tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật chưa phát huy hết khả năng, tác dụng. Do đó, hệ thống pháp luật chưa được bảo đảm bằng một cơ chế thực thi chặt chẽ, dẫn đến việc hiệu lực, hiệu quả pháp luật bị giảm thiểu. Trước những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật và hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hiện nay, nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, nâng cao ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật, cần tiến hành một số nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm phát huy dân chủ và đáp ứng những yêu cầu cơ bản của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo đảm sự đồng bộ, tính hợp hiến, thống nhất, ổn định, hiệu quả, khả thi của hệ thống pháp luật. Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của pháp luật và thông lệ quốc tế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về kinh tế, môi trường, an sinh - xã hội và bảo vệ quyền con người theo những chuẩn mực của pháp luật quốc tế.
Thứ hai, đổi mới quy trình, tư duy xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng dân chủ, hiện đại. Đánh giá tác động toàn diện, cụ thể, chính xác ảnh hưởng của các dự án luật đối với các chủ thể liên quan trực tiếp và gián tiếp trong quá trình xây dựng các đạo luật. Nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn..., đáp ứng yêu cầu của quy trình làm luật trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Quy định cụ thể về nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và địa phương trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác theo dõi, đánh giá tình hình và năng lực phản ứng chính sách trong việc tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại phục vụ hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ tư, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng chủ đề, chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ nội dung, hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, sửa đổi. Đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, giá trị của Hiến pháp, pháp luật và Nhà nước pháp quyền trong toàn xã hội nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật trong nhân dân.
Thứ năm, gắn kết chặt chẽ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với hoạt động tổ chức thi hành pháp luật nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về việc tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Vận động nhân dân tích cực tham gia, đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, soạn thảo các đạo luật, bộ luật và phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật./.
------------------------------
(1) Aristotle: Chính trị luận, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013, tr. 288
(2) Xem: Lê Thành Long: Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 901,11-2017, tr. 34
(3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 79, 173
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển